Từ viết tắt trong bài
NTLQĐTD |
Nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục |
RPR |
Rapid Plasma Reagin |
VDRL |
Veneral Disease Research Laboratory |
TPI |
Treponema Pallidum Immobilisation’s Test (phản ứng bất động xoắn khuẩn) |
FTA |
Flourescent Treponema Antibody’s Test (Phản ứng miễn dịch huỳnh quang có triệt hút) |
FTAabs |
Flourescent Treponema Antibody Absortion’s Test |
TPHA |
Treponema Pallidum Hemagglutination’s Assay |
đv |
đơn vị |
Đại cương
Bệnh giang mai (Syphilis) là bệnh lây truyền qua đường tình dục do xoắn khuẩn nhạt, tên là Treponema pallidum gây nên. Bệnh có thể gây thương tổn ở da-niêm mạc và nhiều tổ chức, cơ quan của cơ thể như cơ, xương khớp, tim mạch và thần kinh. Bệnh lây truyền chủ yếu qua quan hệ tình dục và có thể lây truyền qua đường máu, lây truyền từ mẹ sang con. Bệnh có thể gây hậu quả trầm trọng như giang mai thần kinh, giang mai tim mạch, giang mai bẩm sinh.
Dịch tễ học bệnh
Theo ước tính của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) hằng năm ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương có trên 35 triệu trường hợp mới mắc các nhiễm khuẩn lây truyền qua đường tình dục (NTLQĐTD) trong đó giang mai chiếm 2%.
Ở Việt Nam: Thời kỳ Pháp tạm chiếm, bệnh giang mai đứng hàng thứ hai sau bệnh lậu. Sau 1954, ở miền Bắc đã bắt đầu tiến hành công cuộc phòng chống bệnh hoa liễu, tỷ lệ bệnh giảm mạnh và đến 1964 bệnh có xu hướng được thanh toán. Từ 1965, do chiến tranh, sinh hoạt xã hội có nhiều xáo trộn và biến động nên các bệnh hoa liễu lại tăng lên. Đặc biệt từ năm 1975 sau khi giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước bệnh tăng rõ rệt do sự giao lưu hai miền. Theo thống kê hàng năm, bệnh giang mai chiếm khoảng 2 – 5% tổng số NTLQĐTD.
Tác nhân gây bệnh
Bệnh gây nên do xoắn khuẩn nhạt có tên khoa học là Treponema pallidum do hai nhà khoa học là Schaudinn và Hoffman tìm ra năm 1905. Đây là một loại xoắn khuẩn hình lò xo có từ 6 – 14 vòng xoắn, đường kính không quá 0,5m, dài từ 6 – 15m. Xoắn khuẩn có thể có ba kiểu di động: Di động theo trục dọc giúp xoắn khuẩn tiến hoặc lùi, di động qua lại như quả lắc đồng hồ và di động lượn sóng.
Xoắn khuẩn giang mai rất yếu, ra ngoài cơ thể chỉ sống được vài giờ, chết nhanh chóng ở nơi khô; ở nơi ẩm ướt có thể sống được hai ngày. Nó có thể sống rất lâu ở nhiệt độ lạnh. Ở 56oC chết trong vòng 15 phút. Nhiệt độ thích hợp là 37oC. Xà phòng và các chất sát khuẩn có thể diệt được xoắn khuẩn trong vài phút.
Cách lây truyền
Xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể người lành qua giao hợp đường âm đạo, đường hậu môn hoặc đường miệng. Ngoài ra bệnh có thể lây gián tiếp qua các đồ dùng, vật dụng bị nhiễm xoắn trùng. Lây qua các vết xước trên da –niêm mạc khi thầy thuốc tiếp xúc mà không có bảo hiểm. Lây do truyền máu: truyền máu hoặc tiêm chích mà bơm kim tiêm không vô khuẩn. Lây từ mẹ sang con, thường sau tháng thứ 3 của thai kỳ và gây bệnh giang mai bẩm sinh.
Phân loại: có thể chia bệnh giang mai thành hai loại.
Giang mai mắc phải (acquired syphilis)
Mắc bệnh do quan hệ tình dục với người bệnh, gồm các thời kỳ sau:
Giang mai mới và lây (≤ 2 năm), gồm:
Giang mai thời kỳ I: Thời gian ủ bệnh khoảng 3 – 4 tuần và diễn biến trong 2 – 3 tháng.
Giang mai thời kỳ II sơ phát và tái phát: Với biểu hiện là đào ban giang mai, mảng niêm mạc và sau đó có thể xuất hiện những thương tổn giang mai thâm nhiễm sâu hơn vào da. Các đợt phát xen kẽ với các đợt ẩn bệnh. Thường diễn biến trong 2 năm.
Giang mai kín sớm: Các thương tổn giang mai biến mất, không có triệu chứng thực thể và cơ năng. Thời gian thường trong vòng hai năm đầu.
Giang mai muộn và không lây (> 2 năm): Thường xuất hiện từ năm thứ ba trở đi, gồm các giai đoạn:
Giang mai kín muộn: Trên da không có thương tổn, có thể kéo dài vài tháng hay rất nhiều năm (có thể 10 – 20 năm hoặc lâu hơn). Chỉ phát hiện bằng phản ứng huyết thanh hoặc có khi đẻ ra một em bé bị giang mai bẩm sinh thì người mẹ mới được phát hiện ra mắc bệnh.
Giang mai thời kỳ III: Xuất hiện có thể hàng chục năm sau mắc bệnh. Thương tổn ăn sâu vào tổ chức dưới da, niêm mạc; cơ quan vận động (cơ, xương, khớp); phủ tạng như tim mạch và thần kinh.
Giang mai bẩm sinh (Congenital syphilis)
Giang mai bẩm sinh sớm: Xuất hiện trong hai năm đầu sau khi sinh. Các thương tổn giống như giang mai mắc phải ở thời kỳ II.
Giang mai bẩm sinh muộn: Xuất hiện từ năm thứ hai sau khi sinh. Thương tổn giống giang mai thời kỳ III.
Di chứng của giang mai bẩm sinh: Gồm các sẹo, dị hình như trán dô, trán dô + mũi tẹt tạo thành yên ngựa, xương chày cong hình lưỡi kiếm, tam chứng Hutchinson (răng Hutchinson, điếc nhất thời, lác quy tụ…) do thai nhi đã mắc giang mai từ trong bào thai.
Các biểu hiện lâm sàng
Giang mai thời kỳ i
Săng (chancre)
Thương tổn đơn độc, số lượng thường chỉ có một, xuất hiện ngay tại nơi xoắn khuẩn xâm nhập vào cơ thể. Săng giang mai thường xuất hiện khoảng 3 – 4 tuần (từ 10 – 90 ngày) sau lây nhiễm. Săng có đặc điểm: Là vết trợt nông, chỉ mất một phần thượng bì, hình tròn hay bầu dục, không có bờ nổi gờ lên hoặc lõm xuống, bề mặt bằng phẳng, màu đỏ thịt tươi. Nền của săng giang mai thường rắn, cứng như tờ bìa, đó là đặc điểm quan trọng giúp phân biệt các vết trợt khác. Săng giang mai không ngứa, không đau, không có mủ, không điều trị cũng tự khỏi. Thường kèm theo viêm hạch vùng lân cận. Vị trí khu trú: Săng thường thấy ở bộ phận sinh dục (> 90% các trường hợp).
Ở nữ giới: Săng thường xuất hiện ở môi lớn, môi bé, mép sau âm hộ, lỗ niệu đạo, cổ tử cung.
Ở nam giới: Săng thường ở quy đầu, rãnh quy đầu, thân dương vật, miệng sáo, dây hãm, bìu, xương mu, bẹn. Với những người quan hệ tình dục qua hậu môn, săng có thể ở trực tràng hoặc quanh hậu môn. Săng còn có thể xuất hiện ở một số vị trí khác như: môi, lưỡi, amidan (do quan hệ miệng – sinh dục), khoeo chân, ngón tay (thường ở nữ hộ sinh), trán, vú v.v…
Hạch
Vài ngày sau khi có săng ở bộ phận sinh dục, các hạch vùng bẹn thường bị viêm, họp thành chùm trong đó có một hạch to hơn các hạch khác gọi là “hạch chúa”. Hạch rắn, không đau, không hóa mủ, không dính vào nhau và vào tổ chức xung quanh, di động dễ.
Nếu không được điều trị, 75% các trường hợp có săng sẽ tự khỏi sau 6 – 8 tuần làm người bệnh tưởng đã khỏi bệnh. Tuy nhiên, khi đó xoắn khuẩn vẫn tồn tại trong cơ thể và có thể truyền bệnh sang người khác. Nếu được điều trị đúng và đầy đủ thì bệnh có thể khỏi hoàn toàn ở giai đoạn này mà không chuyển sang giai đoạn tiếp theo.
Giang mai thời kỳ ii
Thời kỳ thứ II bắt đầu khoảng 6 – 8 tuần sau khi có săng. Đây là giai đoạn xoắn khuẩn vào máu và đi đến tất cả các cơ quan trong cơ thể nên thương tổn có tính chất lan tràn, ăn nông hời hợt trên mặt da, có rất nhiều xoắn khuẩn trên thương tổn nên thời kỳ này rất lây, nguy hiểm nhiều cho xã hội hơn là bản thân người bệnh. Bệnh tiến triển thành nhiều đợt, dai dẳng từ 1 – 2 năm. Các phản ứng huyết thanh trong giai đoạn này dương tính rất mạnh.
Giang mai thời kỳ II có thể chia thành: giang mai thời kỳ II sơ phát và giang mai thời kỳ II tái phát.
Giang mai II sơ phát:
Có các triệu chứng sau
Đào ban (Roseole): Là những vết màu hồng tươi như cánh đào, bằng phẳng với mặt da, hình bầu dục, số lượng có thể ít hoặc nhiều. Sờ mềm, không thâm nhiễm, không ngứa, không đau. Khu trú chủ yếu ở hai bên mạng sườn, mặt, lòng bàn tay/chân. Đào ban xuất hiện ở da đầu gây rụng tóc. Đào ban tồn tại một thời gian không điều trị gì cũng mất đi để lại vết nhiễm sắc tố loang lổ.
Mảng niêm mạc: Là vết trợt rất nông của niêm mạc, không có bờ, có thể nhỏ bằng hạt đỗ hay đồng xu. Bề mặt thường trợt ướt, đôi khi hơi nổi cao, sần sùi hoặc nứt nẻ đóng vảy tiết, chứa nhiều xoắn khuẩn nên rất lây. Vị trí thường gặp ở các niêm mạc mép, lỗ mũi, hậu môn, âm hộ, rãnh quy đầu.
Vết loang trắng đen: Là những di tích còn lại của đào ban, sẩn tạo thành các vết loang trắng đen loang lổ. Nếu thương tổn tập trung ở cổ thì gọi là “vòng vệ nữ”.
Viêm hạch lan tỏa: Có thể thấy hạch ở bẹn, nách, cổ, dưới hàm, ụ ròng rọc. Hạch to nhỏ không đều, không đau, không dính vào nhau. Trong hạch có nhiều xoắn khuẩn.
Nhức đầu: Thường hay xảy ra về ban đêm.
Rụng tóc: Rụng đều, làm tóc bị thưa dần, còn gọi là rụng tóc kiểu “rừng thưa”.
Giang mai II tái phát
Thời kỳ này bắt đầu khoảng tháng thứ 4 đến tháng 12 kể từ khi mắc giang mai
Các triệu chứng của giang mai II sơ phát tồn tại trong một thời gian rồi lại mất đi cho dù không điều trị. Qua một thời gian im lặng lại phát ra các thương tổn da, niêm mạc. Đó chính là giang mai thời kỳ II tái phát. Số lượng thương tổn ít hơn, nhưng tồn tại dai dẳng hơn.
Các thương tổn giang mai II tái phát: Đào ban tái phát với ít vết hơn, nhưng kích thước mỗi vết lại to hơn, khu trú vào một vùng và hay sắp xếp thành hình vòng. Sẩn giang mai: Trên các vùng da khác nhau, xuất hiện những sẩn, nổi cao hơn mặt da, rắn chắc, màu đỏ hồng, hình bán cầu, xung quanh có viền vảy, đó là các sẩn giang mai. Các sẩn giang mai rất đa dạng về hình thái: sẩn dạng vẩy nến, dạng trứng cá, dạng thủy đậu, dạng loét… Các sẩn thường to hơn bình thường, có chân bè rộng, bề mặt phẳng và ướt, có khi xếp thành vòng xung quanh hậu môn, âm hộ. Các sẩn này chứa rất nhiều xoắn khuẩn và rất lây được gọi là sản phì đại hay sẩn sùi. Ở lòng bàn tay, bàn chân các sẩn giang mai có bề mặt phẳng, bong vảy da hoặc dày sừng, bong vảy theo hướng ly tâm nên thường tạo thành viền vảy mỏng ở xung quanh, gọi là “viền vảy Biette”.
Biểu hiện khác của giang mai thời kỳ II: Có thể thấy viêm mống mắt, viêm gan, viêm họng khàn tiếng, viêm màng xương, đau nhức xương cơ đùi về đêm, viêm thận, biểu hiện thần kinh (đau, nhức đầu).
Giang mai thời kỳ iii
Thời kỳ này thường bắt đầu vào năm thứ ba của bệnh. Ngày nay ít gặp giang mai thời kỳ III vì người bệnh thường được phát hiện và điều trị sớm bằng penicilin. Ở thời kỳ này thương tổn có tính chất khu trú, mang tính phá hủy tổ chức, gây nên những di chứng không hồi phục, thậm chí tử vong cho người bệnh. Đối với xã hội, thời kỳ này ít nguy hiểm vì khả năng lây lan trong cộng đồng bị hạn chế. Các thương tổn giang mai III:
Đào ban giang mai III: Là những vết màu hồng, sắp xếp thành nhiều vòng cung, tiến triển rất chậm, tự khỏi, không để lại sẹo.
Củ giang mai: Thương tổn ở trung bì, nổi lên thành hình bán cầu có đường kính khoảng 5 – 20mm, giống như hạt đỗ xanh. Các củ có thể đứng riêng rẽ hoặc tập trung thành đám, nhưng thường sắp xếp thành hình nhẫn, hình cung hoặc vằn vèo. Cũng có khi loét ra và đóng vảy tiết đen.
Gôm giang mai (Gomme): Gôm giang mai là thương tổn đặc trưng của giang mai thời kỳ III. Gôm là một thương tổn chắc ở hạ bì, tiến triển qua bốn giai đoạn: Bắt đầu là những cục trứng dưới da sờ giống như hạch, dần dần các cục này to ra, mềm dần và vỡ chảy ra dịch tính giống như nhựa cao su tạo thành vết loét và vết loét dần dần lên da non rồi thành sẹo. Gôm có thể nhiều hoặc ít và có thể khu trú vào bất kỳ chỗ nào. Vị trí thường gặp là mặt, da đầu, mông, đùi, mặt ngoài phần trên cẳng chân, v.v… Ở niêm mạc, vị trí thông thường là miệng, môi, vòm miệng, lưỡi, mũi, hầu…
Nếu không được điều trị các thương tổn của giang mai III có thể phát ra liên tiếp hết chỗ này đến chỗ khác và dai dẳng hàng năm. Đồng thời có thể xâm nhập vào phủ tạng, khi vỡ ra gây phá hủy tổ chức, tàn phế cho người bệnh.
Ngoài thương tổn ở da/niêm mạc, giang mai thời kỳ III cũng thường khu trú vào phủ tạng như:
Tim mạch: Gây phình động mạch, hở động mạch chủ.
Mắt: Viêm củng mạc, viêm mống mắt.
Thần kinh: Viêm màng não cấp. Gôm ở màng não, tủy sống gây tê liệt.
Giang mai bẩm sinh
Trước đây quan niệm là giang mai di truyền. Hiện nay, người ta xác định giang mai không phải là bệnh di truyền mà do mẹ mắc bệnh giang mai lây cho thai nhi. Sự lây truyền thường xảy ra từ tháng thứ 4 – 5 của thai kỳ, do màng rau thai mỏng đi, máu mẹ dễ dàng trao đổi với máu thai nhi, nhờ vậy xoắn khuẩn giang mai sẽ xâm nhập vào thai nhi qua rau thai rồi gây bệnh. Như vậy, người cha không thể truyền bệnh trực tiếp cho thai nhi được mà phải thông qua bệnh giang mai của người mẹ. Tùy theo mức độ nhiễm xoắn khuẩn từ người mẹ vào bào thai mà có thể xảy ra các trường hợp sau: có thể sảy thai hoặc thai chết lưu, trẻ đẻ non và có thể tử vong. Nếu nhiễm xoắn khuẩn nhẹ hơn nữa, em bé mới sinh ra trông có vẻ bình thường, sau vài ngày hoặc 6 – 8 tuần lễ thấy xuất hiện các thương tổn giang mai, khi đó gọi là giang mai bẩm sinh sớm. Giang mai bẩm sinh có thể xuất hiện muộn hơn khi trẻ trên 2 tuổi, khi 5 – 6 tuổi hoặc lớn hơn gọi là giang mai bẩm sinh muộn.
Giang mai bẩm sinh sớm: thường xuất hiện trong 2 năm đầu, nhưng thường gặp nhất vẫn là 3 tháng đầu. Các biểu hiện thường mang tính chất của giang mai thời kỳ thứ II mắc phải ở người lớn. Có thể có các triệu chứng sau: Phỏng nước lòng bàn tay/chân, thường gặp hơn là triệu chứng bong vảy ở lòng bàn tay, chân, sổ mũi, khụt khịt mũi, viêm xương sụn, giả liệt Parrot: thường trong 6 tháng đầu của trẻ sau sinh, có thể gặp chứng viêm xương sụn ở các xương dài với các biểu hiện: xương to, đau các đầu xương làm trở ngại vận động các chi, vì vậy gọi là “giả liệt Parrot”. Toàn thân: Trẻ đẻ ra nhỏ hơn bình thường, da nhăn nheo như ông già, bụng to, tuần hoàn bàng hệ, gan to, lách to. Trẻ có thể sụt cân nhanh, chết bất thình lình.
Giang mai bẩm sinh muộn: Xuất hiện sau đẻ 3 – 4 năm hoặc khi đã trưởng thành. Các triệu chứng của giang mai bẩm sinh muộn thường mang tính chất của giang mai thời kỳ thứ III mắc phải ở người lớn. Các triệu chứng thường gặp là: Viêm giác mạc kẽ: thường xuất hiện lúc dậy thì, bắt đầu bằng các triệu chứng nhức mắt, sợ ánh sáng ở một bên, về sau cả hai bên. Có thể dẫn đến mù. Lác quy tụ. Điếc cả hai tai bắt đầu từ 10 tuổi, thường kèm theo viêm giác mạc kẽ. Cũng có khi trên lâm sàng, người ta không phát hiện được các dấu hiệu của giang mai bẩm sinh sớm, giang mai bẩm sinh muộn mà chỉ thấy thủng vòm miệng, mũi tẹt, trán dô, xương chày hình lưỡi kiếm… Đấy chính là các di chứng của giang mai bẩm sinh do các thương tổn giang mai ở bào thai đã liền sẹo để lại.
Chẩn đoán giang mai
Chẩn đoán xác định
Khai thác tiền sử.
Lâm sàng: theo các giai đoạn.
Xét nghiệm.
Các xét nghiệm
Tìm xoắn khuẩn
Ở các thương tổn như săng, mảng niêm mạc, sẩn hoặc hạch. Có thể soi tìm xoắn khuẩn trên kính hiển vi nền đen thấy xoắn khuẩn giang mai dưới dạng lò xo, di động hoặc nhuộm thấm bạc Fontana Tribondeau.
Các phản ứng huyết thanh
Phản ứng không đặc hiệu: Kháng thể là một kháng thể kháng lipid không đặc hiệu có tên là Reagin. RPR (Rapid Plasma Reagin), VDRL (Venereal Disease Research Laboratory). Hiện nay phản ứng RPR hoặc VDRL thường sử dụng vì các ưu điểm:
Phản ứng dương tính sớm.
Kỹ thuật đơn giản nên có thể sử dụng như phản ứng sàng lọc, lồng ghép khám sức khỏe hàng loạt.
Là phản ứng không đặc hiệu nhưng có giá trị chẩn đoán.
Các phản ứng đặc hiệu: Kháng nguyên là xoắn khuẩn gây bệnh giang mai, kháng thể đặc hiệu. T.P.I (Treponema Pallidum Immobilisation’s Test): phản ứng bất động xoắn khuẩn. F.T.A (Fluorescent Treponema Antibody’s Test): phản ứng miễn dịch huỳnh quang có triệt hút. F.T.Aabs(Fluorescen Treponema Antibody Absortion’s Test), T.P.H.A (Treponema Pallidum Hemagglutination’s Assay).
Điều trị
Nguyên tắc
Điều trị sớm và đủ liều để khỏi bệnh, ngăn chặn lây lan, đề phòng tái phát và di chứng. Điều trị đồng thời cho cả bạn tình của người bệnh.
Penicilin là thuốc được lựa chọn, cho đến nay chưa có trường hợp nào xoắn khuẩn giang mai kháng penicilin.
Penicilin
Cơ chế tác dụng
Penicilin có tác dụng diệt xoắn khuẩn.
Tác dụng diệt xoắn khuẩn chủ yếu xảy ra trong giai đoạn xoắn khuẩn sinh sản, phân chia.
Chu kỳ sinh sản của xoắn khuẩn là 30 – 33 giờ/lần. Ở giang mai sớm, xoắn khuẩn càng sinh sản và phát triển mạnh thì tác dụng của penicilin càng cao. Ngược lại, ở giang mai muộn, nhịp độ sinh sản và phát triển của xoắn khuẩn chậm thì dùng penicilin càng kém hiệu quả. Vì vậy, cần kéo dài thời gian dùng penicilin hơn.
Nồng độ ức chế tối thiểu là 0,03 đv/ml huyết thanh. Nhưng nồng độ điều trị phải là 0,07 – 0,2 đv/ml huyết thanh. Nồng độ cao của penicilin không có tác dụng diệt xoắn khuẩn mà còn ức chế sự sinh sản của xoắn khuẩn nên chỉ loại penicilin chậm tiêu là thích hợp nhất.
Phác đồ điều trị
Tùy theo bệnh giang mai mới mắc hay đã mắc lâu mà áp dụng phác đồ thích hợp.
Điều trị giang mai I
Áp dụng 1 trong 3 phác đồ theo thứ tự ưu tiên:
Benzathin penicilin G: 2.400.000 đơn vị tiêm bắp sâu liều duy nhất, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đơn vị.
Hoặc penicilin procain G: Tổng liều 15.000.000 đơn vị. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đơn vị, chia 2 lần, sáng 500.000 đơn vị, chiều 500.000 đơn vị.
Hoặc benzyl penicilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000 đơn vị. Ngày tiêm 1.000.000 đơn vị chia làm nhiều lần cứ 2 – 3 giờ tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đơn vị.
Điều trị giang mai II sơ phát, giang mai kín sớm
Áp dụng 1 trong 3 phác đồ theo thứ tự ưu tiên:
Benzathin penicilin G: Tổng liều 4.800.000 đơn vị tiêm bắp sâu, trong 2 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 đơn vị, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đơn vị.
Hoặc penicilin Procain G: Tổng liều 15.000.000 đơn vị. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đơn vị, chia 2 lần, sáng 500.000 đơn vị, chiều 500.000 đơn vị.
Hoặc benzyl penicilin G hòa tan trong nước. Tổng liều 30.000.000 đơn vị. Ngày tiêm 1.000.000 đơn vị chia làm nhiều lần cứ 2 – 3 giờ tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đơn vị.
Nếu dị ứng với penicilin thì thay thế bằng: tetracyclin 2g/ngày x 15 ngày hoặc erythromycin 2g/ngày x 15 ngày.
Điều trị giang mai II tái phát, phụ nữ có thai, giang mai III, giang mai kín muộn, giang mai bẩm sinh muộn ở người lớn
Áp dụng một trong ba phác đồ theo thứ tự ưu tiên:
Benzathin penicilin G: Tổng liều 9.600.000 đơn vị, tiêm bắp sâu trong 4 tuần liên tiếp. Mỗi tuần tiêm 2.400.000 đơn vị, chia làm 2, mỗi bên mông 1.200.000 đơn vị, hoặc
Penicilin Procain G: Tổng liều 30.000.000 đơn vị. Mỗi ngày tiêm 1.000.000 đơn vị, chia 2 lần, sáng 500.000 đơn vị, chiều 500.000 đơn vị, hoặc
Benzyl penicilin G hòa tan trong nước: Tổng liều 30.000.000 đơn vị. Ngày tiêm 1.000.000 đơn vị chia làm nhiều lần, cứ 2 – 3 giờ tiêm 1 lần, mỗi lần 100.000 – 150.000 đơn vị.
Nếu người bệnh dị ứng với penicilin có thể thay thế bằng tetracyclin 2 – 3g/ngày trong 15 – 20 ngày. Phụ nữ có thai dùng erythromycin 2 – 3 g/ngày trong 15 – 20 ngày.
Điều trị giang mai bẩm sinh
Đối với giang mai bẩm sinh sớm (trẻ ≤ 2 tuổi):
Nếu dịch não tủy bình thường: Benzathin penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng, tiêm bắp liều duy nhất.
Nếu dịch não tủy bất thường: Benzyl penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp 2 lần/ngày trong 10 ngày hoặc procain penicilin G 50.000 đv/kg cân nặng tiêm bắp trong 10 ngày.
Đối với giang mai muộn (trẻ > 2 tuổi): Benzyl penicilin G 20.000 – 30.000 đv/kg/ngày tiêm tĩnh mạch hoặc tiêm bắp chia 2 lần, trong 14 ngày.
Nếu người bệnh dị ứng với penicilin: Erythromycin 7,5 – 12,5mg/kg, uống 4 lần/ngày trong 30 ngày.
Lưu ý:
Điều trị có hiệu quả khi định lượng hiệu giá kháng thể sau điều trị giảm xuống.
Xét nghiệm lại RPR nên được tiến hành vào tháng thứ 3, 6 và 12 sau khi hoàn
thành điều trị.
Phần lớn các trường hợp giang mai có HIV sẽ đáp ứng tốt với phác đồ điều trị chuẩn.
Phòng bệnh
Tuyên truyền, giáo dục y tế cho cộng đồng thấy được nguyên nhân, cách lây truyền, biến chứng và cách phòng bệnh.
Tập huấn chuyên môn cho các bác sĩ đa khoa, chuyên khoa da liễu và sản phụ khoa để khống chế đến mức tối đa lậu mắt ở trẻ sơ sinh.
Hướng dẫn tình dục an toàn: Chung thủy một vợ, một chồng. Tình dục không xâm nhập. Sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục: Dùng đúng cách và thường xuyên, đặc biệt các đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, “khách làng chơi”. Thực hiện chương trình 100% sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục với đối tượng gái mại dâm.
Tài liệu tham khảo
Kenneth A.Katz. (2012) Fitzpatrick’s Dermatology in general medecine Mc Graw Hill Eight Edition volume 2 pp. 2471-2492.
King K, Homes.P, Frederick Saprling et al. (2012), Sexually Transmetted Diseases, Mc Graw Hill, Fourth Edition, pp. 627-545.
Miguel Sanchez,(2010), Syphilis, Treatment of skin diseases, Saunders Elsevier, Third Edition pp. 730-735.
Phạm Văn Hiển, Trịnh Quân Huấn, Nguyễn Duy Hưng và cộng sự (2003), Xử trí các bệnh lây truyền qua đường tình dục, Nhà xuất bản Y học.
Sexually Transmitted Diseases guideline (2010) CDC Vol. 59/N0 RR-12, pp. 26-40