Đại cương
Nhiễm khuẩn hậu sản là một trong năm tai biến sản khoa nguy hiểm thường gặp, đặc biệt ở các nơi có trình độ và cơ sở vật chất yếu kém. Sự xuất hiện của kháng sinh và sự ra đời các dòng và thế hệ kháng sinh mới đã góp phần làm giảm bớt các hậu quả của nó. Tuy nhiên các nhiễm khuẩn nặng vẫn còn và là nguyên nhân dễ dẫn đến tử vong mẹ nếu không chẩn đoán và điều trị kịp thời.
Nguyên nhân của các nhiễm khuẩn sản khoa gồm: Sót rau, nhiễm khuẩn ối, thủ thuật ở trong tử cung không đảm bảo vô khuẩn…
Các thủ thuật sản khoa có thể gây nhiễm khuẩn nặng như: Sẩy thai, sau đẻ, mổ lấy thai.
Vi khuẩn gây bệnh hay gặp: E. coli, S. aureus, S. pyogenes, C. perfungeus, C. seuclellii…
Nhiễm khuẩn hậu sản có thể gây ra các tình trạng nhiễm khuẩn nặng bao gồm: Viêm tử cung toàn bộ, nhiễm khuẩn máu, viêm phúc mạc…
Triệu chứng
Viêm tử cung toàn bộ
Là biến chứng của viêm niêm mạc tử cung hoặc bế sản dịch.
Sốt cao, mệt mỏi, khó chịu.
Sản dịch ít hoặc không có. Khi nắn tử cung có sản dịch chảy ra thối, đen (đặc biệt ngày thứ 8, thứ 10).
Nắn tử cung đau.
Tiến triển thành viêm phúc mạc, nhiễm khuẩn huyết.
Viêm phúc mạc toàn bộ
Xảy ra sau viêm niêm mạc tử cung, viêm tử cung toàn bộ, viêm phúc mạc tiểu khung hay viêm phần phụ.
Thời gian: Sau đẻ hoặc mổ đẻ 7 – 10 ngày.
Toàn thân: Dấu hiệu nhiễm khuẩn, nhiễm độc. Nôn, đau khắp bụng: Tắc ruột hoặc bán tắc ruột.
Ỉa chảy phân khắm.
Thực thể: Bụng chướng, phản ứng phúc mạc.
Cận lâm sàng: X-quang bụng không chuẩn bị có hình ảnh mức nước – hơi.
Tiên lượng: Chẩn đoán và mổ sớm thì tiên lượng tốt, nếu mổ chậm thì tiên lượng xấu và có thể tử vong.
Nhiễm khuẩn huyết
Thứ phát sau nhiễm khuẩn hậu sản chủ yếu từ vùng rau bám ở tử cung.
Toàn thân: Sốt cao liên tục hoặc dao động hoặc kéo dài, mệt mỏi, suy sụp, lờ đờ. Có thể sốc, hôn mê, thiểu niệu, khó thở, vàng da.
Sản dịch hôi, có máu và mủ. Tử cung to, co hồi chậm và ấn đau.
Gan lách to, bụng chướng…
Chẩn đoán xác định: Cấy máu (lúc sốt cao), cấy sản dịch từ buồng tử cung, cấy nước tiểu.
Hồng cầu giảm, bạch cầu tăng cao hoặc giảm.
Tiên lượng nặng, nguy cơ tử vong cao.
Điều trị
Nguyên tắc
Cấy máu, cấy sản dịch và cấy nước tiểu trước khi điều trị kháng sinh.
Kháng sinh phối hợp phổ rộng khi chưa có kháng sinh đồ. Nếu có kháng sinh đồ thì điều trị theo kháng sinh đồ.
Bù dịch.
Sử dụng vận mạch nếu huyết áp hạ không phục hồi sau khi bù dịch.
Thở oxy.
Giải quyết ổ nhiễm khuẩn.
Sử dụng kháng sinh
Phối hợp ba loại kháng sinh
Ceftriaxon 1g tĩnh mạch/ 24 giờ.
Azithromycin 500mg tĩnh mạch/ 24 giờ.
Metronidazol 500mg tĩnh mạch/ 12 giờ.
Nếu dị ứng penicilin
Phối hợp thuốc:
Gentamycin tĩnh mạch 4 – 6mg/kg cho liều đầu tiên, liều tiếp theo dựa vào độ thanh thải của thận.
Clindamycin 600mg tĩnh mạch/8 giờ.
Hoặc phối hợp thuốc:
Gentamycin tĩnh mạch 4 – 6mg/kg cho liều đầu tiên, liều tiếp theo dựa vào độ thanh thải của thận.
Lincomycin 600mg tĩnh mạch mỗi 8 giờ.
Ngoại khoa
Loại bỏ ổ nhiễm khuẩn. Khi nhiệt độ trở lại bình thường, tiến hành cắt tử cung bán phần.
Đối với viêm phúc mạc toàn thể: Mổ lau rửa ổ bụng, cắt tử cung bán phần và dẫn lưu ổ bụng.
Dự phòng
Chú ý công tác vô khuẩn khi thăm khám và thủ thuật điều trị tích cực các nhiễm khuẩn hậu sản.
Tài liệu tham khảo
Therapeutic guidelines: Antibiotic. Therapeutic Guidelines Limited 2010. version 14.
Hướng dẫn điều trị tập II – BYT 2006.
Trường đại học Y Hà Nội: Bài giảng sản phụ khoa. NXB y học 2002.
David E. Soper. Early recognition of serious infections in obstetrics and gynecology. Clinical obstetrics and Gynecology. Vol 55, No 4, p858-63.