Đại cương
Tiêm khớp là một quy trình phổ biến đặc biệt là tiêm corticoid. Đây là thủ thuật đưa thuốc corticoid vào trong bao hoạt dịch của khớp nhằm ngăn chặn phản ứng viêm tại khớp, với hiệu quả giảm đau, giảm tràn dịch khớp tái phát.
Chỉ định
Giảm đau gây ra do viêm khớp tại 1 hoặc 2 khớp.
Viêm bao hoạt dịch không đáp ứng với thuốc uống.
Góp phần chỉnh lại biến dạng khớp.
Chống chỉ định
Có biểu hiện nhiễm trùng, tổn thương khớp do nhiễm khuẩn, do nấm hoặc nếu viêm khớp nhiễm khuẩn chưa được loại trừ.
Tổn thương nhiễm khuẩn tại hoặc gần vị trí tiêm.
Rối loạn đông máu
Khớp nhân tạo
Gãy xương cấp tính
Khớp không thể tiếp cận
Tiền sử dị ứng với các thuốc tiêm
Người bệnh không có đáp ứng sau 3-4 lần tiêm khớp
Bác sỹ không đủ năng lực, người bệnh không hợp tác.
Chuẩn bị
Người thực hiện
01 bác sỹ có kiến thức, kỹ năng, tâm lý vững vàng, có kinh nghiệm làm thủ thuật này và trang phục đầy đủ theo quy định.
02 điều dưỡng phụ:
Một điều dưỡng để giúp đánh giá người bệnh, và đặt chi ở tư thế đúng.
Một điều dưỡng tiêm thuốc giảm đau và lấy thuốc corticoid
Phương tiện
Phòng tiêm khớp
Người bệnh được làm thủ thuật trong 1 phòng được thiết kế đạt điều kiện khử khuẩn vô trùng, có đèn phát tia cực tím để khử trùng, có hệ thống điều hòa thông khí đảm bảo vô trùng, hệ thống nước sạch rửa tay, hộp đựng khăn sạch lau tay.
Dụng cụ vô khuẩn
Hộp đựng dụng cụ đã khử trùng (xăng có lỗ, kẹp có mấu, bông băng, gạc).
Bơm kim tiêm vô khuẩn (bơm tiêm 1ml).
Kim vô khuẩn:
Dùng kim số 21 để chọc hút dịch khớp,
Kim số 19 cần cho trường hợp tràn dịch nhiều, và dịch khớp có thể có fibrin.
Kim số 23 thường để tiêm cho hầu hết các khớp mà không chọc hút.
Bông cồn 700, dung dịch betadine, hoặc cồn iod, băng dính y tế.
Găng tay vô khuẩn,
Ống nghiệm vô trùng, ống có chống đông bằng heparine
Thuốc gây tê tại chỗ (lidocain hòa tan không có adrenaline 1% tiêm và lidocain xịt).
Dụng cụ sạch
Găng tay, panh, băng dính
Thuốc chống sốc.
Dụng cụ cầm máu.
Dụng cụ khác
Hộp đựng vật sắc nhọn, xô đựng rác thải theo quy định
Khay đựng dịch khớp
Thuốc, dung dịch sát trùng
Dung dịch sát trùng tay nhanh
Dung dịch cồn iodine
Thuốc giảm đau toàn thân: Morphin liều 1mg/kg/ lần.
Thuốc corticoid (Depemedron: Methylprednisolon) hoặc Triamcinolone acetat.
Lidocaine hòa tan 1% loại không có adrenaline.
Chuẩn bị bệnh nhi và gia đình bệnh nhi
Người bệnh được làm bệnh án với các xét nghiệm (đông máu) và X quang để
thày thuốc kiểm tra an toàn trước khi làm thủ thuật.
Người bệnh được khám đánh giá lại trước khi làm thủ thuật.
Người bệnh và người nhà cần được giải thích trước khi làm thủ thuật.
Chuẩn bị tư thế người bệnh: người bệnh nằm ngửa, khớp gối cần được bộc lộ rõ, để gối gấp 750 – 800.
Hồ sơ bệnh án
Y lệnh cho thuốc, phiếu chăm sóc, phiếu ghi chép theo dõi thủ thuật
Các bước tiến hành tiêm corticoid vào khớp gối
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và cam kết đồng ý thực hiện thủ thuật.
Kiểm tra người bệnh
Tình trạng bệnh nhi.
Thực hiện kỹ thuật
Bác sỹ rửa tay, đội mũ, đeo khẩu trang
Điều dưỡng rửa tay
Sát trùng da vùng chọc dịch khớp bằng dung dịch chlorhexidine 1% trong cồn hoặc dung dịch cồn iodine.
Chọn kim và xilanh phù hợp
Giảm đau tại chỗ (tiêm Lidocain hòa tan 1%, loại không có adrenaline)
Chọn đường đưa kim vào khớp gối: đường trước hoặc đường bên (bên trong hoặc bên ngoài).
Bác sĩ cần thăm khám cẩn thận, xác định đường vào khớp gối, xác định bờ xương, bề mặt khớp, đánh dấu vị trí chọc kim.
Từ từ đưa kim vào vị trí đã định, lưu ý không đưa kim quá 2mm, sẽ gây chảy máu. Khi dịch khớp trào ra theo kim, hút dịch khớp, từ từ bơm thuốc vào ổ khớp.
Sau khi rút kim sát trùng lại da và băng chỗ chọc bằng băng dính y tế.
Cần băng ép vị trí chọc kim trong vòng 24h.
Giúp bệnh nhi trở về tư thế thoải mái. Dặn dò cha mẹ bệnh nhi những điều cần thiết.
Thu dọn dụng cụ, rửa tay, ghi hồ sơ bệnh án.
Theo dõi
Theo dõi trong quá trình tiêm:
Quan sát nét mặt, toàn trạng người bệnh, nếu có đau, hoặc có bất thường (dấu hiệu sốc phản vệ) báo bác sỹ.
Theo dõi sau tiêm:
Người bệnh cần được nghỉ ngơi tại chỗ 15 phút, theo dõi chảy máu nơi tiêm.
Người bệnh sau làm thủ thuật không được để nước thấm vào, không xoa thuốc, sau 24h tháo băng tắm rửa bình thường. Nếu sau tiêm trẻ bị đau kéo dài hơn hoặc sốt cần phải tìm lại nguyên nhân.
Theo dõi tai biến, xử trí
Say novocaine: một số người bệnh có cảm giác khó chịu, buồn nôn, là tai biến thường gặp nhất. Trường hợp này mạch, huyết áp thường ổn định, chỉ cần cho người bệnh nghỉ ngơi nằm đầu thấp.
Chảy máu kéo dài tại chỗ chọc dò: cần cầm máu tại chỗ, kiểm tra tình trạng đông cầm máu của người bệnh
Sốc trong khi làm thủ thuật tiêm khớp: thì phải xử trí sốc theo phác đồ.
Phản ứng tại chỗ tiêm xuất hiện 12-24h đầu sau tiêm sưng nóng đỏ đau: chỉ cần dùng thuốc giảm đau thông thường.
Tổn thương cấu trúc cơ bản: có thể cấu trúc sụn khớp.
Tiêm vào mạch máu.
Tăng nhu cầu điều trị thêm.
Nhiễm trùng tại chỗ tiêm: vị trí tiêm nóng, đỏ, đau có thể kèm sốt, cần chỉ định dùng kháng sinh
Teo da cơ làm thay đổi sắc tố da vùng tiêm, nên tránh bằng cách không để thuốc trào ra phần da, chỗ chọc kim, khi đã có tổn thương da không nên tiếp tục tiêm thuốc vào vị trí cũ, người bệnh cần được theo dõi.
Thất bại do điều trị
Thủ thuật tiêm khớp đã không đưa thuốc vào khớp
Tài liệu tham khảo
Bộ Y tế (2004). Hướng dẫn quy trình chăm sóc người bệnh tập II: Kỹ thuật tiêm thuốc. Nhà xuất bản y học Hà Nội. Trang 60-66.
Bộ Y Tế. Vụ Khoa học và đào tạo (2006). Điều dưỡng cơ bản: Tiêm tĩnh mạch. Nhà xuất bản y học Hà Nội. Trang 185-194.
World Health Organization 2005: POCKET BOOK OF Hospital care for children: Appendix Index: Procedures: pp 306 – 310