GÃY HỞ ĐỘ I THÂN HAI XƯƠNG CẲNG TAY
Đại cương
Gãy hở độ I hai xương cẳng tay là loại gãy hở có vết thương nhỏ dưới 1 cm, gọn sạch.
Loại này thường do cơ chế chấn thương gián tiếp: ngã chống tay, xương gãy chọc ra ngoài.
Chỉ định phẫu thuật
Gãy hở hai xương cẳng tay người lớn
Gãy hở hai xương cẳng tay trẻ em di lệch
Chống chỉ định
Gãy hở độ I cẳng tay ở trẻ em không di lệch (gãy cành tươi)
Chuẩn bị
Người thực hiện:
Là phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình.
Người bệnh
Được giải thích đầy đủ về bệnh, về cuộc phẫu thuật, các tai biến có thể gặp trong và sau mổ (nhiễm trùng, khớp giả…). Người bệnh hoặc đại diện gia đình kí cam đoan chấp nhận mổ.
Phương tiện
Bộ dụng cụ đại phẫu.
Bộ dụng cụ kết hợp xương chi trên.
Khoan Y tế, nẹp vít chuyên dùng các cỡ, đinh Rush, Kirschner… các loại
Hồ sơ bệnh án:
Theo quy định của Bộ Y tế.
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 phút
Các bước tiến hành
Tư thế người bệnh:
Nằm ngửa, tay dạng vuông góc với thân mình, kê trên một bàn mổ riêng.
Vô cảm
Gây tê đám rối thần kinh cánh tay hoặc gây mê toàn thân.
Kỹ thuật tiến hành
Đánh rửa sạch chi trên từ nách đến bàn tay, cạo lông, cắt móng tay… Ga-rô gốc chi, tốt nhất với ga-rô hơi. Áp lực 250 mmHg.
Thì xử trí phần mềm và rạch da:
Cắt lọc mép vết thương ít nhất 2 mm, cắt bỏ tổ chức dập nát. Rạch rộng vết thương, tiếp tục cắt lọc phần mềm và rửa vùng mổ bằng nhiều nước muối sinh lý
Rạch da: xương quay theo đường Henry hoặc đường Thompson. Xương trụ rạch da dọc theo mào trụ.
Thì can thiệp về xương
Làm sạch hai đầu xương gãy, bơm rửa huyết thanh, Betadin
Đặt lại xương, giữ ổ gãy bằng dụng cụ giữ xương
Cố định ổ gãy bằng nẹp – vít hoặc đinh Rush
Dẫn lưu ổ gãy, ống dẫn lưu cỡ 14-16F
Thì đóng vết mổ:
Theo các lớp giải phẫu
Theo dõi và xử trí tai biến
Theo dõi sau mổ: Mạch quay, mạch trụ, ống dẫn lưu 30’/lần trong 6h đầu sau mổ
Theo dõi và chăm sóc vết thương hàng ngày, nếu có nhiễm trùng: Tách vết thương, làm sạch và để hở.
Chảy máu sau mổ: Mở vết mổ lấy máu tụ, cầm máu, băng ép.
Gác tay cao, tập vận động cổ và bàn ngón tay, vận động khuỷu.