Nội dung

Các virus gây bệnh khác

Coronavirus gây bệnh cho người

Đây là nhóm virus tìm thấy ở chim và các động vật có vú, chúng giống nhau về hình thái và cấu trúc hóa học. Các Coronavirus của người gồm Coronavirus chủng 229E và Coronavirus chủng OC43, hai virus này gây nhiễm trùng hô hấp trên nhẹ- bệnh cảm lạnh. Năm 2003 một chủng virus mới của họ này được tìm thấy gây bệnh viêm phổi nặng, lây truyền mạnh và có tỷ lệ tử vong cao ở người được gọi là Coronavirus gây SARS (SARS–CoV: severe acute respiratory syndrome-associated coronavirus). Bài này chú trọng đến corona gây SARS ở người.

Tính chất của virus:

Ở dưới kính hiển vi điện tử virus có bao ngoài và hình thái đa dạng, có đường kính từ 60 -130nm trên bề mặt của virus có các gai glycoprotein như hình vương niệm (corona), các gai này giúp cho virus bám vào các receptor của tế bào vật chủ và xâm nhập vào tế bào. Nucleocapsid bên trong hình xoắn chứa ARN lớn có chiều dài 27-32 kb mã hóa cho các thành phần cấu trúc và chức năng của virus.

Hầu hết các virus corona chỉ gây nhiễm tế bào của loài túc chủ tự nhiên của chúng, riêng corona gây SARS (SARS-CoV) có thể nhiễm trùng nhiều loại tế bào như tế bào thận khỉ vero, tế bào khối u đại tràng ở người, chúng gây hiệu ứng tế bào bệnh lý sau 2-4 ngày

Dịch tễ học

Tháng 2 năm 2003 bệnh viêm phổi do virus nặng (SARS) xuất phát từ Quảng Đông, Trung quốc rồi nhanh chóng lan ra các nước kế cận gồm Việt Nam, Hồng công, Singapour, Thái lan Canada.. đến 24-25 tháng 3/2003 các nhà khoa học của Mỹ và Đức công bố xác định được virus gây bệnh là một virus thuộc Coronavirus và gọi tên là virus corona gây bệnh SARS (SARS-CoV). Vụ dịch lên đến đỉnh vào tháng 5 và chấm dứt vào đầu tháng 7/2003. Tổng số có 29 quốc gia bị ảnh hưởng với số người bị bệnh là 8422 với số người chết là 902 

Virus corona gây SARS và các corona người lây truyền bệnh chủ yếu qua đường hô hấp từ các giọt chất tiết, ngoài ra còn có thể truyền qua tiếp xúc trực tiếp, các dụng cụ khí dung, nội soi phế quản. Người bệnh virus thải ra trong phân kéo dài nhiều tuần lễ, có thể là nguồn lây bệnh qua đường phân miệng.

Người ta tìm thấy các corona rất giống với SARS-CoV của người ở đường hô hấp một số loài chồn, do vậy virus corona gây SARS có thể là một virus động vật truyền cho người.

Lâm sàng

Corona gây SARS gây nên bệnh viêm phổi nặng do virus ở người và lây lan thành dịch. bệnh có thời gian ủ bệnh từ 2 đến 10 ngày, triệu chứng sớm gồm sốt, đau cơ nhức đầu, triệu chứng hô hấp bắt đầu xuất hiện từ 3-7 ngày với ho khan và khó thở. Nhiều bệnh nhân biểu hiện thâm nhiễm phổi trên X quang và suy hô hấp xảy ra nhanh chóng, phần lớn bệnh nhân cần phải hô hấp hổ trợ. Tỷ lệ tử ước tính từ 14-15%, ở người lớn tuổi tử vong đạt đến 50%.

Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Phân lập virus từ bệnh phẩm chất tiết đường hô hấp, máu, phân trên nuôi cấy tế bào ( tế bào thận khỉ). Tuy nhiên chỉ có phòng thí nghiệm có mức an toàn sinh học cao (mức 3) mới được phép nuôi cấy virus này. Kỹ thuật chẩn đoán được dùng hiện nay là RT-PCR để xác định vật liệu RNA của virus, nó cho kết quả nhanh. Chẩn đoán huyết thanh gồm kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang hay ELISA để xác định IgM và IgG, nhưng kháng thể thường xuất hiện muộn sau 2-3 tuần.

Phòng bệnh và điều trị

Phát hiện sớm và cách ly bệnh nhân bị bệnh là biện pháp hửu hiệu để phòng lây nhiễm cho người xung quanh, nhân viên y tế và người tiếp xúc với bệnh nhân cần phải đeo khẩu trang, áo quần bảo vệ đúng quy định, xử lý tốt chất thải người bệnh. Quy định của quốc tế hiện nay bệnh SARS cần phải thông báo dịch và kiểm dịch quốc tế. Hiện nay chưa có vaccine phòng bệnh.

Hiện chưa có thuốc kháng virus SARS-CoV đặc hiệu, các thuốc kháng virus được dùng điều trị nhiều virus khác nhau được dùng thử nghiệm gồm vibavirin, tamiflu, các chất ức chế enzyme protease là kaletra ( phối hợp gồm lopinavir-ritonavir) và interferon. Thêm vào các biện pháp điều trị hổ trợ cần thiết khác gồm corticosteroid, thở máy..

Virus rubella

Virus rubella thuộc vào nhóm rubivirus, họ Togaviridae, tuy nhiên virus này có phương thức lây truyền khác với các alphavirus, nó gây nhiễm trùng qua đường hô hấp.

Tính chất của virus

Về cấu trúc virus này có đường kính từ 45-75nm, nó có bao ngoài bằng lipid và trên bề mặt có các gai glycoprotein, capsid bên trong có dạng hình khối đa diện, genôm chứa RNA sợi đơn. 

Virus rubella không gây tan tế bào, nhưng nó gây hiệu ứng tế bào bệnh lý ở mức độ nhất định trên một số tế bào nuôi cấy như tế bào vero, tế bào RK13. Sự nhân lên của virus rubella cản trở sự nhân lên của các virus thuộc họ Picornaviridae khi cho nhiễm loại sau thêm vào. 

Miễn dịch

Virus này chỉ có một typ huyết thanh, và người là túc chủ duy nhất của rubellavirus, sau khi nhiễm virus máu, kháng thể bắt đầu xuất hiện, kháng thể dịch thể có thể ngăn cản sự lan rộng virus, nhưng miễn dịch trung gian tế bào đóng vai trò quan trọng trong loại bỏ virus. Miễn dịch thu được sau khi bị nhiễm trùng có vai trò bảo vệ suốt đời. Kháng thể có trong huyết thanh mẹ mang thai ngăn cản được nhiễm trùng cho bào thai. Mặt khác khi kháng thể xuất hiện, phức hợp miễn dịch tạo ra có thể có vai trò trong bệnh sinh của nổi ban và đau khớp trong bệnh rubella.

Dịch tễ học

Virus rubella lây truyền qua chất tiết đường hô hấp, virus rubella ít lây hơn so với virus sởi và virus thủy đậu, tuy nhiên bệnh lây dễ dàng ở những nơi đông người như nhà trẻ. Nhiễm trùng xảy ra thường ở trẻ em, có khoảng 20% phụ nử trong độ tuổi mang thai chưa bị nhiễm virus này lần nào, nhóm người này có thể bị bệnh.

Lâm sàng

Bệnh rubella là một bệnh lành tính ở trẻ em, bệnh đặc trưng với sốt, hạch lympho lớn và nổi ban. Ở người lớn nhiễm trùng rubella có thể nặng và thường tổn thương ở xương, viêm khớp, giảm tiểu cầu và hiếm hơn viêm não sau nhiễm trùng rubella.

Các tổn thương bẩm sinh: Đây là hâu quả đáng sợ, nhiễm rubella ở mẹ đang mang thai không có kháng thể bảo vệ (do nhiễm trùng trước đây hay tiêm vaccine) có thể gây nên những bất thường cho trẻ. Virus có thể nhân lên ở nhau thai và lây lan cho thai nhi qua đường máu. Ở thai nhi virus có thể nhân lên trong hầu hết các mô của thai, dù virus không làm tan tế bào, nhưng sự phát triển của mô tế bào, sự phân bào, cấu trúc nhiễm sắc thể của tế bào thai nhi bị rối loạn do nhiễm trùng virus. Hậu quả dẫn đến sự phát triển không bình thường cho bào thai. Tính chất bất thường ở thai liên quan đến mô bị nhiễm trùng và giai đoạn phát triển của thai nhi. Bất thường thường lớn có thể gây chết thai, các bất thường sau khi sinh thường gặp gồm đục thủy tinh thể, chậm phát triển về tinh thần kinh, điếc, các bất thường về tim như còn ống động mạch, thông liên thất, thông liên nhĩ…..

Chẩn đoán phòng thí nghiệm:

Chẩn đoán phòng thí nghiệm chủ yếu dựa vào phản ứng huyết thanh học tìm kháng thể đặc hiệu. Tìm sự hiện diện của kháng thể IgM chỉ điểm nhiễm trùng mới đây, hoặc sự tăng hiệu giá IgG 4 lần ở mẫu huyết thanh lấy vào giai đoạn lành bệnh so với mẫu huyết thanh lấy trong giai đoạn bệnh cấp. Phân lập virus từ các bệnh phẩm chất tiết hô hấp, nước tiểu, máu, dịch nảo tủy trên nuôi cấy tế bào, nhưng biện pháp này ít được thực hiện do quy trình phân lập khá phức tạp. Kỹ thuật RT-PCR nhằm xác định ARN của virus trong các dịch cơ thể.

Phòng ngừa

Cách phòng ngừa tốt nhất là dùng vaccine, ở Hoa kỳ vaccine giảm độc chủng RA27/3 được sử dụng cho trẻ vào lúc trẻ 12 -15 tháng và liều tiêm nhắc vào lúc trẻ 4-6 tuổi.

Hantavirus

Hantavirus là một giống thuộc họ Bunyamviridae, nhưng virus này không truyền bệnh qua côn trùng tiết túc mà qua đường hô hấp do hít chất tiết ở đường hô hấp, nước tiểu, nước bọt của chuột.

Tính chất virus

Virus có hình cầu đường kính 100nm, bao ngoài là hai lớp lipid và trên bề mặt có các gai glycoprotein (G1 và G2) dài khoảng 5-10 nm, nucleocapsid chứa 3 đoạn ARN có kích thước khác nhau, đoạn lớn khoảng 6530-6550 nucleotid mã hóa cho enzyme sao chép của virus, đoạn trung bình  3613-3707 nt mã hóa cho các glycoprotein của virus, đoạn nhỏ 1696-2083 nt mã hóa cho các protein của nucleocapsid.

Hình 2. Cấu tạo Hantavirus

Virus bị bất hoạt bởi nhiệt, các chất có hoạt tính bề mặt, các dung môi hửu cơ và dung dich thuốc tẩy. Hantavirus phát triển trên nhiều tế bào nuôi cây như tế bào vero, các tế bào lai, tế bào nội mạc tĩnh mạch. Trên các nuôi cấy này virus không gây hiệu ứng tế bào bệnh lý.

Tính chất gây bệnh

Dịch tễ học

Hantavirus gây nhiễm trùng ở chuột mà không có biểu hiện bệnh rõ ràng, chuột bị nhiễm virus chậm tăng cân, nhưng không ảnh hưởng gì đến khả năng sống và sinh sản của chúng. Khi nhiễm trùng ở chuột, virus được thải ra trong chất tiết như nước tiểu, phân, nước bọt.

Người không phải là túc chủ tự nhiên của Hantavirus, người bị nhiễm virus này qua đường hô hấp do hít không khí có mang các hạt bụi chứa virus được thải ra từ chuột bị nhiễm trùng, ngoài ra nhiễm trùng do chuột cắn khi tiếp xúc trực tiếp như bẩy chuột, hay nuôi chuột trong phòng thí nghiệm.. Bệnh nhiễm trùng Hantavirus gặp khắp nơi trên thế giới, bệnh được báo cáo xảy ra ở nhiều nước thuộc châu Âu, châu Á, châu Mỹ. Ở châu Á bệnh xảy ra ở nhiều nước như Nhật bản, Hàn quốc, Thái lan, Trung quốc. Ở các nước châu á nông nghiệp bệnh xảy ra thường liên hệ đến mùa tròng trọt hay mùa gặt. Ở một số nước châu Âu bệnh xảy ra vào các tháng 10 khi chuột tìm chổ cư trú ở các nhà kho.

Bệnh ở người

Hantavirrus gây nhiễm trùng ở người từ không triệu chứng, nhiễm trùng nhẹ đến các thể lâm sàng nặng, hai thể lâm sàng nặng hay gặp là sốt xuất huyết kèm theo hội chứng suy thận và nhiễm trùng hantavirus kèm hội chứng hô hấp.

Với hội chứng hô hấp thường khởi đầu với sốt, nhức đầu, đau cơ, bệnh tiến triển nhanh đến suy hô hấp đặc trưng với phù phổi không do suy tim, và hạ huyết áp. Bệnh có tỷ lệ tử vong cao, trong một số báo cáo đến 50%.

Sốt Hantavirus với suy thận biểu hiện với sốt, đau cơ kéo dài 3-7 ngày, tiếp theo giai đoạn giảm tiểu cầu, giảm huyết áp và xuất huyết. Giai đoạn vô niệu bắt đầu khi huyết áp bắt đầu trở về bình thường, vô niệu có thể kéo dài 3-7 ngày, sau đó là giai đoạn đa niệu và hồi phục. Với thể này tỷ lệ tử vong 5-10% xảy ra trong giai đoạn hạ huyết áp hoặc giai đoạn vô niệu.

Chẩn đoán phòng thí nghiệm

Phân lập virus từ các mẫu nghiệm lâm sàng lên nuôi cấy tế bào thường khó khăn, trong giai đoạn đầu cần tiêm vào chuột ở phòng thí nghiệm, sau đó nuôi cấy lên tế bào. Quy trình phân lập thành công mất nhiều tuần, do vậy đây không phải là quy trình thích hợp để chẩn đoán. Chẩn đoán nhanh bằng kỹ thuật khuếch đại gen RT-PCR xác định ARN của virus ở mẫu nghiệm máu hay tạng phủ. Các thử nghiệm huyết thanh học thường được dùng gồm miễn dịch huỳnh quang để xác định cả IgM và IgG, thử nghiệm miễn dịch liên kết enzyme xác định IgM để chẩn đoán nhiễm trùng cấp.

Phòng và điều trị

Phòng bệnh chung bằng diệt chuột, hạn chế tiếp xúc với chuột, chăn nuôi chuột trong phòng thí nghiệm cần nuôi trong các buồng nuôi đúng quy định đảm đảo an toàn..

Chưa có vaccine được chấp nhận dùng ở người

Hiện nay cũng chưa có thuốc kháng virus đặc hiệu với Hantavirus, các thể bệnh nặng chủ yếu là dùng biện pháp hổ trợ.