THU NHẬN MÁU DÂY RỐN
(Umbilical cord blood collection)
NGUYÊN LÝ
Lấy máu từ bánh rau và dây rốn sau đẻ thai qua tĩnh mạch dây rốn vào túi dẻo có chất chống đông ngay sau khi cắt rốn của trẻ.
Nguồn gốc kỹ thuật: theo quy trình kỹ thuật của Hiệp hội Ngân hàng máu Mỹ (AABB).
CHỈ ĐỊNH
Với sản phụ
Đồng ý cho việc lưu giữ máu dây rốn của con mình trên cơ sở đã được tư vấn và hướng dẫn đầy đủ về lợi ích, mục đích và các quy trình sẽ thực hiện;
Không có các bệnh lý kèm theo trước khi sinh: bệnh bẩm sinh, bệnh lao, bệnh ung thư, bệnh tự miễn, bệnh tâm thần và các bệnh lý về sản khoa;
Các xét nghiệm sàng lọc HIV, HBV, HCV, CMV – IgM, giang mai có kết quả âm tính;
Không có các tai biến sản khoa;
Không sốt trong lúc chuyển dạ (oC).
Với thai nhi
Tuổi thai trên 36 tuần;
Sinh trước 24h tính từ lúc vỡ ối;
Cân nặng trẻ sơ sinh ≥ 2800 g.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Vi phạm một hoặc nhiều các tiêu chuẩn chỉ định trên
Sau khi sinh
Đa thai (đối với thu thập cho ngân hàng máu dây rốn cộng đồng);
Trẻ có dị tật bẩm sinh khi sinh ra;
Dây rốn quá ngắn, bị đứt rời, dập nát, hư hỏng;
Bánh rau bị nghi ngờ nhiễm trùng lúc thu thập (thu thập sau sổ rau).
CHUẨN BỊ
Người thực hiện
Được đào tạo phù hợp để thực hiện kỹ thuật.
Phương tiện – Hóa chất
Dụng cụ
Xe thu thập mẫu;
Bộ thu thập và túi thu thập máu dây rốn;
Quần áo, mũ, khẩu trang vô trùng;
Gạc hấp, găng tay vô trùng;
Cân khối lượng nhỏ từ 0 – 500 gram;
Ống xét nghiệm có chất chống đông EDTA;
Phiếu thu thập máu dây rốn, các loại bút viết;
Hóa chất
Cồn 70o và cồn iod (Povidine);
Dung dịch rửa tay nhanh;
Dung dịch sát khuẩn mặt bàn, dụng cụ xét nghiệm.
Phiếu xét nghiệm: Phiếu thu thập máu dây rốn, các loại bút viết;
CÁC BƯỚC TIẾN HÀNH
Tư vấn sản phụ và các thủ tục trước khi sinh
Sản phụ đã được tư vấn về vấn đề lưu trữ máu dây rốn sau khi sinh theo mẫu phiếu tư vấn cho sản phụ về tế bào gốc máu dây rốn;
Sản phụ điền thông tin và ký vào các biểu mẫu theo hướng dẫn.
Thu thập máu dây rốn
Tùy theo diễn biến của cuộc đẻ và ý kiến của bác sĩ đỡ đẻ, tiến hành thu thập máu dây rốn trước hoặc sau sổ rau thai.
Thu thập máu dây rốn trước sổ rau thai
Chuẩn bị bộ dụng cụ thu thập, túi thu thập, gạc tẩm Povidine;
Sau khi kẹp và cắt dây rốn như thao tác đỡ đẻ thông thường;
Sát trùng bề mặt dây rốn bằng Povidine (từ dây rốn tới bánh rau thai);
Hạ thấp đầu dây rốn và chọc kim của túi thu thập vào tĩnh mạch dây rốn;
Lắc túi thu thập để máu trộn đều với dung dịch chống đông;
Thu thập hết máu trong dây rốn;
Kẹp dây túi thu thập và rút kim ra;
Lắc nhẹ nhàng túi thu thập để trộn đều máu với dung dịch chống đông;
Vuốt sạch máu trong đường dây của túi vào túi máu bằng kìm vuốt, kẹp hoặc thắt dây nhằm tránh máu tràn ngược vào dây và chảy ra ngoài;
Lấy máu tĩnh mạch của sản phụ cho vào ống nghiệm có chất chống đông;
Điền đầy đủ thông tin yêu cầu vào phiếu thu thập.
Thu thập máu dây rốn sau xổ rau thai
Chuẩn bị xe thu thập, bộ dụng cụ thu thập, để khay một bên, khăn treo bánh rau một bên, gạc miếng để trên khăn treo và chia đôi: ½ gạc miếng được tẩm cồn 70o và ½ được tẩm Povidine;
Ngay sau khi sổ rau thai, đặt bánh rau thai, dây rốn vào khay vô trùng và chuyển ngay về xe thu thập;
Đặt bánh rau vào khăn có lỗ đặc biệt và treo bánh rau lên một giá cao sao cho dây rốn thòng xuống dưới;
Sát trùng bề mặt dây rốn bằng gạc tẩm cồn và povidine;
Chọc kim của túi thu thập vào tĩnh mạch dây rốn;
Lắc nhẹ túi thu thập để máu trộn đều với chất chống đông;
Thu thập hết máu trong dây rốn;
Kẹp dây túi thu thập và rút kim ra;
Lắc nhẹ nhàng túi thu thập để trộn đều máu với dung dịch chống đông;
Vuốt sạch máu trong đường dây của túi vào túi máu bằng kìm vuốt, kẹp hoặc thắt dây nhằm tránh máu tràn ngược vào dây và chảy ra ngoài; Lấy máu tĩnh mạch của sản phụ vào ống nghiệm có chất chống đông;
Điền đầy đủ thông tin yêu cầu vào phiếu thu thập.
Loại trừ một số trường hợp sau khi thu thập
Lượng máu dây rốn thu thập được quá thấp (
Sai phạm trong quá trình bảo quản, vận chuyển mẫu;
Mẫu máu dây rốn nghi ngờ nhiễm trùng lúc thu thập.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Julie G. Allickson, PhD, MS, MT. Umbilical cord blood collection. Cellular Therapy: Principle, Method and Regulation, Bethesda, MD: AABB, 2009, chapter 24, p.278 – 290.