Nội dung

Quy trình truyền hóa chất đường tĩnh mạch

QUY TRÌNH TRUYỀN HÓA CHẤT ĐƯỜNG TĨNH MẠCH

 

Đại cương

Truyền thuốc hóa chất đường tĩnh mạch (hóa trị liệu) là một phương pháp điều trị cơ bản trong ung thư và một số bệnh lý. Đa số các thuốc hóa chất được đưa vào cơ thể bằng đường tĩnh mạch. Tuy nhiên, không đơn giản chỉ là tiêm truyền tĩnh mạch, quy trình truyền hóa chất có những điểm đặc biệt riêng.

Chỉ định

Trong hầu hết các bệnh lý ung thư, có thể sử dụng đơn độc hoặc phối hợp với xạ trị và/hoặc phẫu thuật.

Chống chỉ định

Tuổi quá cao (không có giới hạn tuyệt đối, tuy nhiên thường hạn chế khi tuổi > 70 tuổi);

Suy chức năng cơ quan (suy tim, suy gan, suy thận nặng), phải điều chỉnh liều cho phù hợp;

Gia đình người bệnh không đồng ý điều trị.

Chuẩn bị

Người bệnh

Giải thích cho người bệnh và người nhà người bệnh về tình trạng bệnh và sự cần thiết phải điều trị hóa chất đường tĩnh mạch, những tác dụng phụ có thể gặp phải (cần hết sức thận trọng, tránh gây ra suy sụp tinh thần ở người bệnh);

Làm xét nghiệm tổng phân tích tế bào máu và các xét nghiệm đánh giá chức năng tim, gan, thận: điện tim, siêu âm tim (nếu cần thiết), ure, creatinin, acid uric, men gan, bilirubin;

Đo chiều cao, cân nặng, tính diện tích da cơ thể của người bệnh (BSA);

Tiến hành đặt catheter tĩnh mạch trung tâm hoặc buồng truyền dưới da (tùy vào điều kiện thực tế tại mỗi cơ sở điều trị).

Thuốc, hóa chất

Thuốc hóa chất sẽ được pha trong dung dịch natri clorua 0.9% hoặc dung dịch glucose 5% (tùy theo đặc tính của từng loại thuốc hóa chất). Việc chuẩn bị thuốc hóa chất trước khi truyền sẽ được thực hiện tại khoa Dược lâm sàng, trong các buồng an toàn sinh học;

Khoa Dược lâm sàng sẽ chuyển các chai dung dich hóa chất đã pha với liều lượng theo đúng chỉ định của bác sĩ điều trị đến khoa lâm sàng.

Các bước tiến hành

Điều dưỡng lâm sàng sau khi nhận thuốc hóa chất đã pha thành dung dịch cần phải kiểm tra lại các thông tin dán trên nhãn chai thuốc, bao gồm: các thông tin hành chính về người bệnh (họ tên, tuổi, giới, năm sinh, số giường bệnh), tên loại thuốc hóa chất, hàm lượng thuốc được pha trong chai, thời điểm pha thuốc, đối chiếu với y lệnh đã ghi trong bệnh án;

Đo các chỉ số sinh tồn của người bệnh (mạch, nhiệt độ, huyêt áp) trước khi tiến hành truyền thuốc hóa chất;

Thiết lập đường truyền tĩnh mạch cho người bệnh với dung dịch natri clorua 0.9%, nên sử dụng dây truyền đếm giọt. Trong trường hợp không có điều kiện đặt catheter tĩnh mạch trung tâm thì đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại vi phải đảm bảo kim nằm trong lòng mạch, tránh lấy các tĩnh mạch nhỏ dễ vỡ dẫn đến thuốc hóa chất ra ngoài mạch làm viêm mô mềm xung quanh;

Thay chai dung dịch natri clorua 0.9% bằng chai dung dịch hóa chất đã được chuẩn bị sẵn, điều chỉnh tốc độ truyền theo y lệnh ghi trong bệnh án. Một số thuốc đòi hỏi phải được truyền tĩnh mạch liên tục trong 24 giờ hoặc tốc độ truyền tăng dần theo thời gian;

Theo dõi sát người bệnh trong suốt quá trình truyền thuốc hóa chất đường tĩnh mạch. Một số tác dụng phụ có thể xảy ra ngay khi truyền: phản ứng phản vệ, dị ứng, buồn nôn, nôn, đau đầu, chóng mặt;

Ngừng truyền thuốc hóa chất ngay nếu có phản ứng bất thường xảy ra, kiểm tra các dấu hiệu sinh tồn, duy trì đường truyền tĩnh mạch bằng dung dịch natri clorua và báo ngay cho bác sĩ điều trị biết để kịp xử trí.

Những tai biến và xử trí

Hội chứng tiêu khối u (Tumor lysis syndrome): gây ra bởi sự phá hủy hàng loạt các tế bào u, giải phóng ồ ạt các chất trong bào tương tế bào gây tăng acid uric, tăng kali máu, và gây suy thận cấp. Để hạn chế hội chứng tiêu khối u, cần truyền dịch cho người bệnh trước và sau khi truyền hóa chất song song với sử dụng thuốc lợi niệu, thông thường cần truyền thêm 2000 – 3000ml dịch/ m2 da cơ thể.

Thuốc chống nôn do tác dụng của hóa chất: Ondansetron tiêm tĩnh mạch hoặc uống trước khi bắt đầu truyền hóa chất 20 – 30 phút. Có thể kết hợp thêm Primperan và/ hoặc Corticoid.

Duy trì cân bằng nước và điện giải (đặc biệt là kali máu).

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Patient and provider safety with the chemotherapy infusion process, 2011

Chemotherapy administration, 2012