Đại cương
U tế bào thần kinh nội tiết là tập hợp một nhóm đa dạng các loại u xuất phát từ những tế bào thần kinh – nội tiết khác biệt hiện diện ở khắp nơi trên cơ thể. Phổ biến nhất là khối u thần kinh nội tiết xuất phát từ đường tiêu hoá, phổi, phế quản, tuyến ức và tuyến tụy. Vị trí u thần kinh nội tiết hay gặp tại đường tiêu hoá là: dạ dày, ruột non, ruột thừa và trực tràng. Một số vị trí ít gặp hơn: tuyến cận giáp, tuyến giáp, tuyến thượng thận và tuyến yên.
Phân tích của cơ sở dữ liệu SEER ước tính rằng tỷ lệ mắc các khối u thần kinh nội tiết ở Hoa Kỳ là 6,98/100.000 người trong năm 2004 và tỷ lệ mắc ngày càng có xu hướng gia tăng. Yếu tố nguy cơ của u thần kinh nội tiết còn chưa rõ ràng. Có một số khối u thần kinh nội tiết có thể liên quan với các hội chứng di truyền, bao gồm đa u tuyến nội tiết loại 1 và loại 2 (MEN 1, 2), bệnh von Hippel – Lindau, xơ cứng củ và u xơ thần kinh.
Chẩn đoán và điều trị các khối u thần kinh nội tiết thường liên quan đến nhiều chuyên khoa khác nhau, do vậy để mang lại hiệu quả điều trị tốt nhất cho bệnh nhân thì cần thành lập hội đồng chuyên môn bao gồm: bác sĩ chuyên ngành ung thư, giải phẫu bệnh, nội tiết, chẩn đoán hình ảnh, y học hạt nhân…
Chẩn đoán
Chẩn đoán xác định
Lâm sàng
Ở giai đoạn sớm không có triệu chứng nên rất khó chẩn đoán sớm các u thần kinh nội tiết. Trong nhiều trường hợp, u thần kinh nội tiết được phát hiện tình cờ khi bệnh nhân đi khám sức khỏe định kỳ hoặc đi khám vì một bệnh lý khác.
Bệnh nhân có thể vào viện với nhiều triệu chứng lâm sàng khác nhau, tuỳ thuộc vào vị trí khối u nguyên phát. Bệnh thường có biểu hiện trên lâm sàng với các khối u thần kinh nội tiết có chức năng.
Các dấu hiệu và triệu chứng của hội chứng carcinoid
Da đỏ ửng, nóng bừng mặt, ngực và thay đổi màu sắc, từ hồng sang tím
Triệu chứng xuất tiết (bao gồm chảy nước mắt, ra mồ hôi, chảy nước bọt, buồn nôn, nôn, sốt và tiêu chảy trầm trọng) có thể kéo dài từ vài phút đến vài giờ hoặc lâu hơn.
Tiêu chảy, chuột rút ở chân và đau bụng
Khó thở, thở khò khè
Nhịp tim nhanh, loạn nhịp
Một số bệnh nhân vào viện vì xuất hiện biến chứng như: tổn thương van tim, suy tim, tắc ruột…
Tùy thuộc vào vị trí, bản chất khối u mà bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng khác nhau.
U thần kinh nội tiết biểu hiện tại đường tiêu hóa (dạ dày, ruột non, đại trực tràng, ruột thừa): đau bụng, rối loạn nhu động ruột, xuất huyết tiêu hóa, một số trường hợp vào viện vì tắc ruột hoặc viêm phúc mạc do thủng tạng rỗng…
U thần kinh nội tiết ở phổi: ho khan hoặc ho ra máu, đau tức ngực, tràn dịch màng phổi…
U thần kinh nội tiết ở tụy: các triệu chứng do bài tiết hormon tuyến tụy insulin, glucagon, gastrin và các peptid khác
U tụy nội tiết insulin (Insulinoma): bao gồm 2 nhóm triệu chứng cơ bản sau: Thiếu glucose máu não (đau đầu, lú lẫn, rối loạn thị giác, động kinh, thay đổi nhân cách, rối loạn định hướng thậm chí hôn mê) và tăng tiết cathecholamin với các biểu hiện như mạch nhanh, mệt, run tay chân, ra mồ hôi, tim đập nhanh và dễ bị kích thích)…
U tụy nội tiết glucagon (Glucagonoma): các triệu chứng giống như bệnh tiểu đường và các triệu chứng đau đớn và nguy hiểm khác: tăng đường huyết, tiêu chảy mạn tính, phát ban da, bàn chân thường bị bong tróc da, huyết khối tĩnh mạch sâu…
Pheochromocytomas (PHEOs) là những khối u thần kinh nội tiết tiết ra các catecholamine, có nguồn gốc từ những tế bào ưa crom của tủy thượng thận hoặc các hạch giao cảm (paraganglia) ngoài thượng thận. Bệnh có đặc trưng bởi các cơn tăng huyết áp kịch phát, tim đập nhanh, mạnh, vã mồ hôi, đau đầu dữ dội, run tay chân, khó thở…
Cận lâm sàng
Xét nghiệm máu: xét nghiệm các hormon tuyến tụy, tuyến thượng thận (Insulin, glucagon, VIP, C – peptide, catecholamin…), hormon tuyến yên (LH, FSH, TSH…).
Siêu âm ổ bụng: là phương pháp dễ thực hiện, rất có giá trị đánh giá vị trí, kích thước, tính chất xâm lấn khối u, đánh giá hạch ổ bụng.
Chụp Xquang phổi phát hiện các tổn thương phổi.
Nội soi dạ dày – tá tràng, nội soi đại trực tràng, nội soi ruột non đánh giá vị trí, kích thước, tính chất xâm lấn khối u.
Chụp cắt lớp vi tính ổ bụng, lồng ngực: phát hiện số lượng, vị trí, kích thước, tính chất xâm lấn của khối u. Ngoài ra, còn giúp phát hiện tình trạng di căn hạch và di căn các tạng trong ổ bụng.
Chụp cộng hưởng từ: đánh giá vị trí, kích thước, tính chất và mức độ xâm lấn của khối u.
Xạ hình xương bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-MDP để đánh giá tổn thương di căn xương, chẩn đoán giai đoạn bệnh trước điều trị, theo dõi đáp ứng điều trị, đánh giá tái phát và di căn; thường gặp di căn xương ở vị trí cột sống, xương sườn, xương chậu.
Xạ hình khối u thần kinh nội tiết bằng máy SPECT, SPECT/CT với 111In-Pantetreotide; 123I-MIBG để chẩn đoán u nguyên phát, tổn thương di căn.
Xạ hình thận chức năng bằng máy SPECT, SPECT/CT với 99mTc-DTPA để đánh giá chức năng thận trước điều trị và sau điều trị.
Chụp PET/CT hoặc PET/MRI toàn thân với 68Ga-dotatate (somatostatin receptor): có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với các u thần kinh nội tiết tăng biểu hiện somatostatin receptor.
Chụp PET/CT hoặc PET/MRI toàn thân với 18F-FDG: có độ nhạy, độ đặc hiệu cao đối với ung thư tụy nguyên phát và ung thư tụy di căn, thường gặp di căn gan, phổi, hạch, xương.
Sinh thiết khối u và nhuộm hóa mô miễn dịch để chẩn đoán xác định loại mô bệnh học.
Chẩn đoán phân biệt
Tùy thuộc vào vị trí khối u nguyên phát mà có những chẩn đoán phân biệt khác nhau.
Ví dụ với u thần kinh nội tiết ở tụy cần chẩn đoán phân biệt:
Viêm tụy cấp, bán cấp
Viêm tụy mạn tính.
Nang giả tụy
Chẩn đoán giai đoạn
Chẩn đoán giai đoạn u thần kinh nội tiết của dạ dày
T– Khối u nguyên phát
Tx Khối u nguyên phát không đánh giá được
T0 Không có bằng chứng của khối u nguyên phát
T1 U xâm nhập đến lớp đệm hoặc dưới màng đáy với kích thước ≤1cm
T2 U xâm nhập đến lớp cơ hoặc kích thước u >1cm
T3 Xâm nhập qua lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc mà không xâm nhập đến thanh mạc
T4 Xâm nhập phúc mạc tạng (thanh mạc) hoặc các cơ quan khác hoặc các cấu trúc lân cận
N– Hạch bạch huyết vùng
Nx Hạch vùng không đánh giá được
N0 Không có hạch di căn hạch vùng
N1 Có hạch di căn hạch vùng
M– Di căn xa
M0 Không có di căn xa
M1 Di căn xa
M1a Di căn gan
M1b Di căn cơ quan khác ngoài gan (phổi, buồng trứng, hạch ở xa (không phải hạch vùng), phúc mạc, xương).
M1c Di căn gan và các di căn ngoài gan.
Phân loại giai đoạn:
T |
N |
M |
Giai đoạn |
Tx, T0 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T1 |
N0 |
M0 |
I |
T1 |
N1 |
M0 |
III |
T1 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T2 |
N0 |
M0 |
II |
T2 |
N1 |
M0 |
III |
T2 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T3 |
N0 |
M0 |
II |
T3 |
N1 |
M0 |
III |
T3 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T4 |
N0 |
M0 |
III |
T4 |
N1 |
M0 |
III |
T4 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
Chẩn đoán giai đoạn u thần kinh nội tiết của tá tràng và bóng vater (AJCC 2017)
T– Khối u nguyên phát
Tx Không đánh giá được khối u nguyên phát
T1 U xâm xâm lấn niêm mạc hoặc lớp dưới niêm mạc và kích thước ≤1cm với khối u tá tràng; hoặc u ≤1cm và nằm trong cơ thắt oddi (U bóng Vater).
T2 U xâm lấn đến cơ có kích thước >1cm với tá tràng; Hoặc u xâm lấn qua cơ thắt vào lớp dưới niêm mạc của tá tràng hoặc lớp cơ hoặc >1cm (bóng Vater).
T3 U xâm lấn tuyến tụy hoặc mô đệm quanh tụy
T4 U xâm lấn vào phúc mạc tạng (thanh mạc) hoặc các cơ quan khác
N– Hạch bạch huyết vùng
Nx Hạch vùng không đánh giá được
N0 Không có hạch di căn hạch vùng
N1 Có hạch di căn hạch vùng
Di căn
M0 Không có di căn xa
M1 Di căn xa
M1a Di căn gan
M1b Di căn cơ quan khác ngoài gan (phổi, buồng trứng, hạch ở xa (không phải hạch vùng), phúc mạc, xương).
M1c Di căn gan và các di căn ngoài gan.
Phân loại giai đoạn:
T1 |
N0 |
M0 |
I |
T2 |
N0 |
M0 |
II |
T3 |
N0 |
M0 |
II |
T4 |
N0 |
M0 |
III |
Tbất kỳ |
N1 |
M0 |
III |
Tbất kỳ |
Nbất kỳ |
M1 |
IV |
Chẩn đoán giai đoạn u thần kinh nội tiết của hỗng, hồi tràng (AJCC 2017)
Tx Không đánh giá được khối u nguyên phát
T0 Không có bằng chứng của khối u nguyên phát
T1 U xâm nhập đến lớp đệm hoặc dưới màng đáy với kích thước ≤1cm
T2 U xâm nhập đến lớp cơ hoặc kích thước u >1cm
T3 Xâm nhập qua lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc mà không xâm nhập đến thanh mạc
T4 Xâm nhập phúc mạc tạng (thanh mạc) hoặc các cơ quan khác hoặc các cấu trúc lân cận.
Lưu ý: Đối với mọi T, chúng ta thêm (m) cho nhiều khối u, ví dụ: Tx (#) hoặc Tx (m), trong đó x=1 đến 4 và # là số khối u chính được xác định; Khi có nhiều khối u khác nhau chúng ta chọn mức T cao nhất.
Hạch bạch huyết vùng
Nx Không đánh giá được hạch bạch huyết vùng
N0 Không di căn hạch bạch huyết vùng
N1 Di căn hạch bạch huyết vùng ít hơn 12 hạch
N2 Phát hiện khối tại mạc treo lớn kích thước >2cm và/hoặc di căn trên 12 hạch, đặc biệt là những tổn thương bao quanh mạch mạc treo tràng trên.
Di căn xa
M0: Không có di căn xa
M1 Di căn xa
M1a Di căn gan
M1b Di căn cơ quan khác ngoài gan (phổi, buồng trứng, hạch ở xa (không phải hạch vùng), phúc mạc, xương).
M1c Di căn gan và các di căn ngoài gan.
Phân loại giai đoạn:
T |
N |
M |
Giai đoạn |
Tx, T0 |
Nx, N0, N1, N2 |
M1 |
IV |
T1 |
N0 |
M0 |
I |
T1 |
N1, N2 |
M0 |
III |
T1 |
Nx, N0, N1, N2 |
M1 |
IV |
T2 |
N0 |
M0 |
II |
T2 |
N1, N2 |
M0 |
III |
T2 |
Nx, N0, N1, N2 |
M1 |
IV |
T3 |
N0 |
M0 |
II |
T3 |
N1, N2 |
M0 |
III |
T3 |
Nx, N0, N1, N2 |
M1 |
IV |
T4 |
N0 |
M0 |
III |
T4 |
N1, N2 |
M0 |
III |
T4 |
Nx, N0, N1, N2 |
M1 |
IV |
Chẩn đoán giai đoạn u thần kinh nội tiết của đại trực tràng (AJCC 2017)
Tx Không đánh giá được khối u nguyên phát
T0 Không có bằng chứng của khối u nguyên phát
T1 U xâm nhập đến lớp đệm hoặc dưới màng đáy với kích thước ≤2cm
T1a U xâm nhập đến lớp đệm hoặc dưới màng đáy với kích thước ≤1cm
T1b U xâm nhập đến lớp đệm hoặc dưới màng đáy với kích thước 1-2cm
T2 U xâm nhập đến lớp cơ hoặc kích thước u >2cm xâm nhập lớp đệm hoặc dưới màng đáy.
T3 Xâm nhập qua lớp cơ vào lớp dưới thanh mạc mà không xâm nhập đến thanh mạc
T4 Xâm nhập phúc mạc tạng (thanh mạc) hoặc các cơ quan khác hoặc các cấu trúc lân cận
Lưu ý: Đối với mọi T, chúng ta thêm (m) cho nhiều khối u ví dụ: Tx (#) hoặc Tx (m), trong đó x =1 đến 4 và # là số khối u chính được xác định; Khi có nhiều khối u khác nhau chúng ta chọn mức T cao nhất.
Hạch bạch huyết vùng
Nx Không đánh giá được hạch bạch huyết vùng
N0 Không di căn hạch bạch huyết vùng
N1 Di căn hạch bạch huyết vùng
M– Di căn xa
M0 Không có di căn xa.
M1 Di căn xa
M1a Di căn gan
M1b Di căn cơ quan khác ngoài gan (phổi, buồng trứng, hạch ở xa (không phải hạch vùng), phúc mạc, xương).
M1c Di căn gan và các di căn ngoài gan.
Phân loại giai đoạn:
T |
N |
M |
Giai đoạn |
Tx, T0 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T1 |
N0 |
M0 |
I |
T1 |
N1 |
M0 |
IIIB |
T1 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T2 |
N0 |
M0 |
IIA |
T2 |
N1 |
M0 |
IIIB |
T2 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T3 |
N0 |
M0 |
IIB |
T3 |
N1 |
M0 |
IIIB |
T3 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
T4 |
N0 |
M0 |
IIIA |
T4 |
N1 |
M0 |
IIIB |
T4 |
Nx, N0, N1 |
M1 |
IV |
Chẩn đoán giai đoạn u thần kinh nội tiết của tụy (AJCC 2017)
T– U nguyên phát
Tx Khối u nguyên phát không đánh giá được
T1 Khối u giới hạn ở tuyến tụy kích thước
T2 Khối u giới hạn ở tuyến tụy kích thước từ 2-4cm
T3 Khối u giới hạn trong tuyến tuỵ, kích thước >4cm hoặc xâm lấn vào tá tràng hoặc ống mật chung.
T4 Khối u xâm lấn các cơ quan lân cận (dạ dày, lách, đại tràng, tuyến thượng thận), hoặc các mạch máu lớn (động mạch mạc treo tràng trên, động mạch gan).
Lưu ý: Đối với mọi T, chúng ta thêm (m) cho nhiều khối u ví dụ: Tx (#) hoặc Tx (m), trong đó x=1 đến 4 và # là số khối u chính được xác định; Khi có nhiều khối u khác nhau chúng ta chọn mức T cao nhất.
N– Hạch bạch huyết khu vực
Nx Hạch bạch huyết khu vực không đánh giá được
N0 Không có hạch di căn hạch bạch huyết khu vực
N1 Di căn hạch bạch huyết khu vực
M– Di căn xa
M0 Không có di căn xa.
M1 Di căn xa
M1a Di căn gan
M1b Di căn cơ quan khác ngoài gan (phổi, buồng trứng, hạch ở xa (không phải hạch vùng), phúc mạc, xương).
M1c Di căn gan và các di căn ngoài gan.
Phân loại giai đoạn:
T |
N |
M |
Giai đoạn |
T1 |
N0 |
M0 |
I |
T2 |
N0 |
M0 |
II |
T3 |
N0 |
M0 |
II |
T4 |
N0 |
M0 |
III |
Tbất kỳ |
N1 |
M0 |
III |
Tbất kỳ |
Nbất kỳ |
M1 |
IV |
Phân loại độ mô học
Theo phân loại của WHO 2000/2004 dựa trên nguồn gốc phôi thai, các khối u thần kinh nội tiết chia thành 3 loại: có nguồn gốc từ ruột trước, ruột giữa (trung tràng) và ruột sau của phôi thai. Các khối u từ tuyến ức, thực quản phổi, dạ dày, tá tràng, tụy là có nguồn gốc từ ruột trước. Các khối u có nguồn gốc từ ruột giữa (trung tràng) bao gồm: tá tràng dưới, hỗng tràng, hồi tràng, manh tràng, ruột thừa, đại tràng lên. Ruột sau gồm đại tràng xuống, trực tràng.
Phân loại theo độ mô học:
Độ biệt hoá |
Độ |
NET đường tiêu hoá |
NET tụy |
Phổi và tuyến ức |
Biệt hoá tốt |
Độ mô học thấp G1 |
|||
Độ mô học trung bình G2 |
2-20 phân chia/10 HPF và/hoặc 3- 20% Ki-67. |
2-20 phân chia/10 HPF hoặc 3-20% Ki-67. |
2-20 phân chia/10 HPF và/hoặc có ổ hoại tử. |
|
Độ mô học cao G3 |
|
>20 phân chia/10 HPF hoặc >20% Ki-67. |
|
|
Biệt hoá kém |
Độ mô học cao G3 |
>20 phân chia/10 HPF và/hoặc >20% Ki-67. |
>20 phân chia/10 HPF hoặc >20% Ki-67. |
>10 phân chia/10 HPF |
Điều trị
Phẫu thuật
Phẫu thuật được chỉ định những trường hợp bệnh giai đoạn I, II, III. Các khối u ngoại biên và khối u nhỏ (
Với bệnh tái phát, di căn xa đơn độc thì có thể cân nhắc phẫu thuật với bệnh nhân có thể trạng tốt.
Tùy thuộc vào vị trí u nguyên phát sẽ có phương thức phẫu thuật khác nhau.
Điều trị nội khoa (hóa trị, điều trị đích)
Với nhóm u thần kinh nội tiết tiến triển tại chỗ hoặc di căn:
Octreotide LAR: chỉ định điều trị cho bệnh nhân u thần kinh nội tiết ở đường tiêu hoá, phổi, tụy, tuyến ức tiến triển tại chỗ hoặc di căn hoặc các khối u thần kinh nội tiết không rõ vị tí u nguyên phát.
Liều dùng: Octreotide LAR 30mg tiêm bắp sâu, lặp lại mỗi 4 tuần/lần
Octreotide LAR được chỉ định điều trị cho bệnh nhân có hội chứng liên quan đến khối u thần kinh nội tiết dạ dày, ruột, tụy có tiết nội tiết tố.
Liều dùng: Octreotide LAR 20mg tiêm bắp sâu, lặp lại mỗi 4 tuần/lần. Điều chỉnh tuỳ thuộc vào mức độ đáp ứng với thuốc.
Nếu bệnh tiến triển, điều trị với Octreotide LAR nên được tiếp tục trên bệnh nhân u thần kinh nội tiết có tiết nội tiết tố và có thể phối hợp với các điều trị toàn thân khác.
Lanreotide٭: 120mg/1 lần, tiêm dưới da, chu kỳ 4 tuần
Everolimus: chỉ định điều trị cho bệnh nhân u thần kinh nội tiết có nguồn gốc ở đường tiêu hoá, phổi, tụy không phẫu thuật được hoặc đã có di căn.
Liều dùng: uống 10mg/ngày. Điều chỉnh liều dựa trên mức độ dung nạp.
Sunitinib: đường uống, 37,5mg/ngày
Điều trị phóng xạ thụ thể peptid (Peptide receptor Radionuclide Therapy – PRRT) với 177Lu-DOTATATE (Lutathera) (nếu khối u tăng biểu hiện somatostatin receptor trên xạ hình/PET hoặc bệnh tiến triển với Octretide LAR liều 20-30mg mỗi 3-4 tuần, 7,4 GBq (200mCi), truyền tĩnh mạch trong 30-40 phút x 4 lần truyền mỗi 8 tuần. Truyền aminoacid tĩnh mạch 30 phút trước điều trị và 3 giờ sau điều trị 177Lu-DOTATATE: arginine 2,5% lysin 2,5% pha 1.000ml NaCl 0,9% truyền trong 4 giờ. Không sử dụng lanreotide٭ hoặc octreotide tác dụng kéo dài trong 4-6 tuần trước điều trị. Trong trường hợp cần giảm triệu chứng của hội chứng carcinoid có thể sử dụng octreotide tác dụng nhanh ít nhất 24 giờ trước điều trị.
PRRT với 131I-MIBG (metaiodobenzylguanidine): tiêm tĩnh mạch 10-18mCi/kg: uống 6mg/kg dung dịch potassium iodine 8 giờ trước điều trị, sau đó tiếp tục uống 1mg/kg mỗi 4 giờ từ ngày 0-6, sau đó 1mg/kg/ngày đến 45 ngày sau điều trị (để bảo vệ tuyến giáp).
PRRT với 90Y-DOTATATE: liều 5GBq mỗi 10-12 tuần x 3 chu kỳ.
Hoá trị:
Một số phác đồ hóa chất:
Phác đồ etoposide – cisplatin
Etoposide 80mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-3
Cisplatin 80mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 21 ngày
Phác đồ etoposide – carboplatin
Etoposide 100mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-3
Carboplatin AUC 6, truyền tĩnh mạch ngày 1, chu kỳ 28 ngày
Phác đồ temolozomide – capecitabine
Capecitabine 750mg/m2 2 lần 1 ngày ngày 1-14
Temolozomide 150-200mg/m2 ngày 10-14, chu kỳ 28 ngày
Phác đồ 5-FU – doxorubicin – streptozocin (FAS)
5-FU 400mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5
Doxorubicin 40-60mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1 (tổng liều tối đa 550mg/m2)
Streptozocin 400mg/m2, truyền tĩnh mạch ngày 1-5, chu kỳ 28 ngày
Phác đồ temolozomide
Temolozomide 150-200mg/m2 uống ngày 1-5, chu kỳ 28 ngày
Phác đồ temolozomide – octreotide hoặc lanreotide٭
Temolozomide 150-200mg/m2 uống ngày 1-5, chu kỳ 28 ngày
Octreotideb LAR 20-30mg tiêm bắp sâu hoặc lanreotide٭ 120mg/1 lần, tiêm dưới da, chu kỳ 4 tuần
Phác đồ interferons
Intron A – 3-5 triệu UI, 3-5 lần/tuần tiêm dưới da
Peginterferon alfa 2a 80-180mcg tiêm bắp mỗi tuần
Peginterferon alfa 2b 80-120mcg tiêm bắp mỗi tuần
Điều trị các tổn thương di căn gan
Đối với các u thần kinh nội tiết chỉ di căn gan có thể điều trị các tổn thương gan bằng các phương pháp: phá huỷ u tại chỗ (đốt sóng cao tần – RFA, đốt u gan bằng vi sóng, áp lạnh u gan), nút mạch hoá chất (TACE), xạ trị trong chọn lọc u gan với hạt vi cầu phóng xạ 90Y (SIRT).
Xạ trị
Xạ trị chiếu ngoài ít được sử dụng trong u thần kinh nội tiết, chỉ được dùng chủ yếu với mục đích giảm đau hoặc giảm nhẹ các triệu chứng. Có thể mô phỏng bằng CT, MRI hoặc tốt hơn bằng PET/CT, PET/MRI. Các kỹ thuật xạ trị thường sử dụng là xạ trị chiếu ngoài 3D, IMRT, VMAT.
Xạ phẫu: Xạ phẫu có thể được thực hiện bằng CyberKnife, dao gamma cổ điển, đặc biệt dao gamma quay …
Nguyên lý: Liều bức xạ hội tụ tại tiêu điểm khối u với liều rất cao gây hoại tử hoặc bất hoạt tế bào u, đồng thời liều xạ tại các mô lành ở mức tối thiểu, rất ít gây tác dụng phụ cho cơ quan lành xung quanh.
Xạ phẫu được chỉ định cho các trường hợp u thần kinh nội tiết di căn một vài ổ (Oligometastasis) đặc biệt các trường hợp di căn não. Tuỳ theo vị trí, số lượng, kích thước ổ di căn liều xạ phẫu có thể từ 18-26Gy.
Theo dõi sau điều trị
Bệnh nhân sau khi điều trị được tái khám định kỳ 3 tháng/1 lần trong 2 năm đầu và 6 đến 12 tháng trong 3 năm tiếp theo.
Bệnh nhân được khám lâm sàng, các xét nghiệm chỉ điểm u (chromogranin A, insulin, pro-insulin, C-peptide, VIP, glucagon, gastrin…) tuỳ loại u thần kinh nội tiết, siêu âm, chụp Xquang ngực, chụp cắt lớp vi tính lồng ngực/ổ bụng, MRI tiểu khung, chỉ định xạ hình xương, chụp cộng hưởng từ sọ não, chụp PET/CT hoặc PET/MR với 18F-FDG hoặc 68Ga-DOTATATE đánh giá tái phát và/hoặc di căn.
Tài liệu tham khảo
Nguyễn Bá Đức, Trần Văn Thuấn, Nguyễn Tuyết Mai (2010). Điều trị nội khoa bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Bá Đức (2010). Hướng dẫn thực hành chẩn đoán điều trị ung thư, Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Chấn Hùng (2004). Ung bướu học nội khoa. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2014). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị một số bệnh ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
Trần Văn Thuấn, Lê Văn Quảng, Nguyễn Tiến Quang (2019). Hướng dẫn chẩn đoán điều trị bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
Bùi Diệu và cs (2016). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị các bệnh ung thư thường gặp. Nhà xuất bản Y học.
Nguyễn Văn Hiếu (2010). Điều trị phẫu thuật bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2016). Kháng thể đơn dòng và phân tử nhỏ trong điều trị bệnh ung thư. Nhà xuất bản Y học, Hà Nội.
Mai Trọng Khoa và cs (2016). Hóa chất trong điều trị một số bệnh ung thư. Tài liệu đào tạo thuộc chương trình Bệnh viện vệ tinh, chuyên ngành Ung bướu. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2015). Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh bằng Y học hạt nhân. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2012). Y học hạt nhân (sách dùng sau Đại học). Giáo trình Trường Đại học Y Hà Nội. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng khoa, Nguyễn Xuân Cử (2012). Một số tiến bộ về kỹ thuật xạ trị ung thư và ứng dụng trong lâm sàng. Nhà xuất bản Y học.
Mai Trọng Khoa (2013). Ứng dụng kỹ thuật PET/CT trong ung thư. Nhà xuất bản Y học.
Nastos K, Cheung VTF, Toumpanakis C et al (2017). Peptide Receptor Radionuclide Treatment and 131I-MIBG in the management of patients with metastatic/progressive phaeochromocytomas and paragangliomas. J Surg Oncol. 115(4):425-434.
National Comprehensive Cancer Network (2019). Neuroendocrine and Adrenal Tumors. Version 1.2019. NCCN Clinical Practice Guideline in Oncology.
Strosberg J, El-Haddad G, Wolin E et al (2017). Phase 3 trial of 177 Lu- Dotatate for Midgut Neuroendocrine Tumors. N Engl J Med. 376:125-135.
Kloppel G, Perren A, Heitz PU (2004). The gastroenteropancreatic neuroendocrine cell system and its tumors: the WHO classification. Ann N Y Acad Sci. 1014:13-27.