Nội dung

Adenovirus

Năm 1953, Rowe và cộng sự phân lập được các chủng Adenovirus đầu tiên từ mô sùi vòm họng và hạch hạnh nhân của  người. Vì chúng gây thoái hóa tế bào nên được gọi là virus A.D ( Adenoid degenerative). Sau đó những virus tương tự được phân lập từ người lành và người bệnh với các tên gọi khác nhau như : virusAPC (Adeno Pharyngeal Conjunctival), virusARD (Acute Respiratory Diseases)…Năm 1956, tên Adenovirus được đặt cho nhóm này và tên này được dùng cho đên ngày nay. Adenovirus thuộc họ Adenoviridae. Có hai giống được công nhận là Aviadenovirus (chim) và Mastadenovirus (người và động vật có vú). Các Adenovirus người gồm có 41 typ huyết thanh khác nhau, trong đó có nhiều typ huyết thanh có thể gây bệnh cho người.

các tính chất của virus 

Cấu trúc hạt virus

Hình 1. Cấu trúc Adenovirus

Adenovirus là những virus chứa DNA hai sợi, kích thước virus từ 70 đến 80 nm đường kính, không có vỏ bọc, capsid có đối xứng hình khối và virus có hình đa giác đều tạo nên bởi 252 capsome. Có hai loại capsome chính là: 240 capsome gọi là Hexon nằm trên 20 mặt hình đa giác đều và 12 capsome gọi là penton nằm ở 12 đỉnh của hình đa giác đều. Mỗi penton mang một sợi nhô ra bên ngoài và tận cùng bởi một khối hình cầu nhỏ. Lõi ADN 2 sợi có trọng lượng phân tử 20×106 đến 25×10Dalton.

Cấu trúc kháng nguyên

Adenovirus có cấu trúc kháng nguyên phức tạp. Có 3 loại kháng nguyên cấu trúc capsid đó là :

Hexon mang tính đặc hiệu nhóm, thứ nhóm và typ.

Penton mang tính đặc hiệu nhóm và thứ nhóm.

Sợi mang tính đặc hiệu thứ nhóm và typ

Hoạt tính ngưng hết hồng cầu liên quan đến kháng nguyên penton và sợi. Adenovirus có khả năng ngưng kết hồng cầu khỉ và chuột cống.

Sức đề kháng của virus

Adenovirus đề kháng với ete, bền vững trong phạm vi pH rộng từ 2 – 10. Adenovirus có thể tồn tại và không giảm hoạt tính xâm nhiễm khi ở 40 C trong nhiều tuần hoặc ở -250C trong nhiều tháng.

Sự nhân lên của virus

Adenovirus nhân lên tốt trong tế bào của người ( tế bào ối, tuyến giáp, thận) và các dòng tế bào thường trực HeLa, KB, Hep2. Virus nhân lên và chín trong nhân tế bào túc chủ. Các tế bào nhiễm virus tròn lại, trong nhân xuất hiện những hạt vùi. Thời gian cho một chu kỳ nhân lên trung bình là 30 giờ.

khả năng gây bệnh cho người

Adenovirus người lưu hành rộng rãi khắp nơi trên thê giới. Chúng có khả năng gây ra nhiều bệnh ở đường hô hấp, ở mắt và ở đường tiêu hóa trẻ em và người lớn. Bệnh lây truyền chủ yếu theo đường hô hấp, virus có ở họng trong những ngày đầu của bệnh, rồi theo phân ra ngoài trong nhiều tuần lễ và tồn tại nhiều năm ở hạch hạnh nhân. Adenovirus người có thể gây các hội chứng lâm sàng sau :

Nhiễm virus cấp tính ở đường hô hấp trên

Adenovirus có hướng tính đặc biệt với đường hô hấp trên, gây các vụ dịch đường hô hấp cấp tính trong một tập thể. Thời gian ủ bệnh 6-8 ngày triệu chứng nổi bật đầu tiên là sốt kèm theo nhức đầu, sốt kéo dài 2 đến 4 ngày, các triệu chứng đường hô hấp tồn tại khoảng 1 đến 2 tuần lể, bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Hội chứng này thường do các typ 3, 4, 7 gây ra. Người ta còn gặp thêm các Adenovirus typ 1, 2, 5 và 6 gây dịch ở địa phương ở trẻ em.. 

Viêm phổi 

Thời kỳ nung bệnh từ 6 – 8 ngày. Bệnh đột ngột với sốt cao 390C, ho, chảy nước mũi và các dấu hiệu tổn thương thực thể ở phổi, các tổn thương này lan rộng và kéo dài.

Bệnh viêm phổi cấp do Adenovirus typ 3,4,7 và 14 gây ra và thường xuyên xảy ra trong các tập thể thanh thiếu niên, đặc biệt typ7 thường xảy ra ở viêm phổi nặng, chủ yếu ở trẻ em, tỷ lệ tử vong cao, khi khỏi để lại di chứng ở phổi.

Sốt, viêm thanh quản và kết mạc

Thời kỳ nung bệnh từ 4 – 5 ngày. Bệnh có ba triệu chứng đặc biệt là sốt 380C, viêm thanh quản cấp tính có ban đỏ khó nuốt và viêm kết mạc ở một hoặc hai bên. Hội chứng này thường do Adenovirus typ 3 gây ra.

Viêm giác mạc – kết mạc thành dịch

Viêm kết mạc do Adenovirus gây ra có thể là một biểu hiện lâm sàng riêng biệt hay là kết hợp với hội chứng đường hô hấp. Thời kỳ nung bệnh từ 5 – 7 ngày, bệnh khởi đầu đột ngột, kết mạc đỏ và các tổ chức tế bào quanh mắt bị phù thũng. Bắt đầu chỉ có một mắt bị viêm, khoảng 3 – 7 ngày sau lan sang mắt thứ hai. Ở xung quanh tai có hạch và giác mạc có những khỏang mờ tròn, nhỏ và nông. Các thương tổn này xuất hiện trong vòng 2 – 4 tuần lễ, hầu hết bệnh nhân khỏi hoàn toàn. Gây ra bởi Adenovirus typ 8, 19, 37.

Viêm dạ dày, ruột

Các Adenovirus là một tác nhân virus thường gặp trong bệnh viêm dạ dày – ruột cấp tính không do vi khuẩn. Adenovirus chiếm vị trí thứ 2 sau Rotavirus trong bệnh tiêu chảy do virus ở trẻ nhỏ. Thời kỳ ủ bệnh từ 3 – 10 ngày. Bệnh nhân tiêu chảy tóe nước kéo dài khoảng 7 ngày, có kèm theo sốt, nôn, hội chứng đường hô hấp và viêm kết mạc. Bệnh thường do Adenovirus typ 40, 41 và 31 gây ra.

Nhiễm virus thể ẩn

Một số lớn các nhiễm trùng Adenovirus là ở thể ẩn. Một người có thể nhiễm Adenovirus nhiều lần nhưng đều bị bỏ qua vì không có dấu hiệu lâm sàng, chỉ phát hiện được khi nuôi cấy phân lập virus. Adenovirus có thể sống âm ỉ trong hạch hạnh nhân và trong ruột người lành trong nhiều tuần.

CHẨN ĐOÁN PHÒNG THÍ NGHIỆM

Chẩn đoán nhanh

Dùng kỹ thuật miễn dịch huỳnh quang trực tiếp để  chẩn đoán trong các thể phổi nặng bằng cách phát hiện kháng nguyên virus trong các tế bào biểu mô đường hô hấp trên (bệnh phẩm) bằng kháng huyết thanh mẫu có gắn chất màu huỳnh quang. Trong trường hợp ỉa chảy do Adenovirus, có thể xét nghiệm phân bằng kính hiển vi điện tử và đơn giản hơn là dựa vào kỹ thuật ngưng kết hạt latex có gắn kháng thể để phát hiện Adenovirus trong phân.

Phân lập virus

Lấy bệnh phâm tùy theo hội chứng lâm sàng, có thể là chất tiết của mũi hầu hay mắt, hay nước rửa cổ họng, hay phân… Nuôi cấy bệnh phẩm vào các nuôi cấy tế bào thích hợp như nuôi cấy tế bào HeLa, Hep-2…, phát hiện hiệu ứng tế bào bệnh lý, sự hủy hoại tế bào nuôi cấy xảy ra sau 2 – 4 ngày.

Chẩn đoán huyết thanh

Có thể dùng phản ứng ngăn ngưng kết hồng cầu, phản ứng kết hợp bổ thể, phản ứng trung hòa để phát hiện các kháng thể có trong huyết thanh bệnh nhân. Khi hiệu giá kháng thể tăng lên ở máu lấy lần thứ 2, thì có giá trị chẩn đoán.

PHÒNG BỆNH VÀ ĐIỀU TRỊ

Phòng bệnh

Các biện pháp phòng bệnh chung giống như phòng bệnh các virus đường hô hấp khác. Đang nghiên cứu vaccine sống giảm độc.

Điều trị

Chưa có thuốc điều trị đặc hiệu. Cần đề phòng bội nhiễm vi khuẩn đặc biệt ở trẻ suy dinh dưỡng. Tuy nhiên, các biến chứng do nhiễm khuẩn thứ phát rất hiếm.