Nội dung

Bài giảng tổ chức, quản lý hoạt động thông tin tuyên truyền sử dụng thuốc an toàn

Nguồn: TÀI LIỆU ĐÀO TẠO LIÊN TỤC NÂNG CAO NĂNG LỰC CHO CÁN BỘ DƯỢC LÀM VIỆC TẠI TRẠM Y TẾ XÃ HOẠT ĐỘNG THEO NGUYÊN LÝ Y HỌC GIA ĐÌNH– Bộ Y tế -2019

Thông tin thuốc

Các hình thức thông tin thuốc

Thông tin thuốc cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được thực hiện theo các hình thức sau:

Thông tin thuốc thông qua “Người giới thiệu thuốc”.

Phát hành tài liệu thông tin thuốc.

Hội thảo giới thiệu thuốc.

Nội dung thông tin thuốc

Thông tin cho người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh bao gồm tên thuốc, thành phần, nồng độ, hàm lượng, dạng bào chế, chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, cách dùng, sử dụng thuốc trên các đối tượng đặc biệt, các thông tin liên quan đến cảnh báo và an toàn thuốc và các thông tin cần thiết khác;

Không được có các thông tin, hình ảnh không liên quan trực tiếp đến thuốc hoặc sử dụng thuốc và các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc theo quy định của nghị định 54/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật dược.

Quảng cáo thuốc

Phương tiện quảng cáo

Báo chí.

Trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, thiết bị đầu cuối và các thiết bị viễn thông khác.

Các sản phẩm in, bản ghi âm, ghi hình và các thiết bị công nghệ khác.

Bảng quảng cáo, băng-rôn, biển hiệu, hộp đèn, màn hình chuyên quảng cáo.

Phương tiện giao thông.

Hội chợ, hội thảo, hội nghị, tổ chức sự kiện, triển lãm, chương trình văn hoá, thể thao.

Người chuyển tải sản phẩm quảng cáo; vật thể quảng cáo.

Các phương tiện quảng cáo khác theo quy định của pháp luật.

Yêu cầu đối với nội dung quảng cáo thuốc

Nội dung quảng cáo thuốc phải phù hợp với các tài liệu sau đây:

Mẫu nhãn và tờ hướng dẫn sử dụng thuốc hiện hành được Bộ Y tế phê duyệt;

Chuyên luận về thuốc ghi trong Dược thư Quốc gia Việt Nam;

Tài liệu, hướng dẫn chuyên môn có liên quan đến thuốc do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.

Nội dung quảng cáo thuốc phải có các thông tin bắt buộc sau:

Tên thuốc;

Thành phần dược chất hoặc dược liệu ghi trong tờ hướng dẫn sử dụng thuốc đã được phê duyệt. Đối với dược liệu phải viết tên tiếng Việt, trường hợp không có tên tiếng Việt thì ghi tên La – tin;

Chỉ định;

Cách dùng;

Liều dùng;

Chống chỉ định, những khuyến cáo cho đối tượng đặc biệt (phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ em, người cao tuổi, người mắc bệnh mạn tính);

Thận trọng và những điều cần tránh, lưu ý khi sử dụng thuốc;

Tác dụng phụ và phản ứng có hại;

Tên, địa chỉ của cơ sở sản xuất thuốc;

Lời dặn “Đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi dùng”;

Cuối trang đầu nội dung quảng cáo thuốc phải ghi rõ: Số Giấy xác nhận nội dung quảng cáo thuốc của Bộ Y tế: …/XNQC…, ngày … tháng … năm…;

Đối với những nội dung quảng cáo gồm nhiều trang phải đánh số trang, ở trang đầu phải ghi rõ tài liệu này có bao nhiêu trang, phần thông tin chi tiết về sản phẩm xem ở trang nào;

Nội dung quảng cáo thuốc phải ghi chú thích rõ ràng tài liệu chứng minh đồng thời phải chỉ rõ phần thông tin được trích dẫn trong tài liệu chứng minh. Việc trích dẫn phải đảm bảo truyền đạt chính xác thông tin, không suy diễn hoặc cắt xén thông tin theo hướng gây hiểu sai về tính an toàn, hiệu quả của thuốc.

Nội dung quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình phải có đầy đủ thông tin quy định tại điểm a, b, c, e, i và k khoản 2 Điều này, trong đó phải đọc to, rõ ràng các nội dung quy định tại điểm a, b, c, e và k khoản 2 Điều này. Trường hợp thành phần thuốc có từ 03 hoạt chất trở lên phải đọc từng hoạt chất hoặc đọc tên chung các nhóm vitamin, khoáng chất, dược liệu.

Nội dung quảng cáo trên báo điện tử, trang thông tin điện tử, thiết bị điện tử, màn hình chuyên quảng cáo và các phương tiện quảng cáo khác theo quy định pháp luật về quảng cáo:

Nội dung quảng cáo có âm thanh phải trình bày nội dung quảng cáo như đối với báo nói, báo hình quy định tại khoản 3 Điều này;

Nội dung quảng cáo không có âm thanh phải có đầy đủ thông tin quy định tại khoản 2 Điều này.

Trường hợp nội dung quảng cáo là bản ghi âm, ghi hình có nhiều trang hoặc phân cảnh quảng cáo, các trang hoặc phân cảnh quảng cáo phải xuất hiện liên tiếp, dừng đủ thời gian để người xem có thể đọc được hết các thông tin thể hiện; trang, phân cảnh có nội dung thông tin sản phẩm phải đứng yên, không chuyển động để người đọc tìm hiểu kỹ về thông tin sản phẩm. Kịch bản phải mô tả cách thức xuất hiện các trang nội dung đối với quảng cáo có nhiều trang.

Việc quảng cáo thuốc dưới hình thức này phải riêng biệt, không được quảng cáo chồng chéo hoặc xen kẽ nhiều thuốc cùng một thời điểm để tránh hiểu lầm.

Nội dung quảng cáo thuốc thông qua phương tiện quảng cáo ngoài trời chỉ thể hiện trên cùng 01 mặt của phương tiện quảng cáo và phải có các thông tin quy định tại các điểm a, b, i, k và l khoản 2 Điều này. Trường hợp nội dung quảng cáo đưa các thông tin liên quan đến công dụng, tác dụng, chỉ định của thuốc thì bắt buộc phải đưa đầy đủ thông tin như quy định tại khoản 2 Điều này.

Tiếng nói, chữ viết trong nội dung quảng cáo thuốc phải đáp ứng quy định tại Luật quảng cáo.

Cỡ chữ trong nội dung quảng cáo thuốc phải bảo đảm rõ ràng, dễ đọc, dễ nhận nhưng không được nhỏ hơn cỡ chữ 12 của kiểu chữ VnTime hoặc Times New Roman trên khổ giấy A4.

Kịch bản quảng cáo phải mô tả rõ phần hình ảnh, phần lời đọc, phần chữ, phần nhạc.

Nội dung quảng cáo thuốc chỉ được cung cấp các thông tin về thuốc, không đưa những thông tin không liên quan đến thuốc.

Các thông tin, hình ảnh không được sử dụng trong nội dung quảng cáo thuốc

Các thông tin, hình ảnh quy định tại Luật quảng cáo.

Các nội dung gây hiểu nhầm về thành phần, tác dụng, chỉ định, xuất xứ của thuốc.

Các nội dung tạo ra cách hiểu: Thuốc này là số một; thuốc này là tốt hơn tất cả; sử dụng thuốc này là biện pháp tốt nhất; sử dụng thuốc này không cần ý kiến của thầy thuốc; thuốc này hoàn toàn vô hại; thuốc không có chống chỉ định; thuốc không có tác dụng không mong muốn; thuốc không có tác dụng có hại.

Các câu, từ, hình ảnh mang tính suy diễn quá mức dẫn đến hiểu nhầm là tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc hoặc vượt quá tác dụng, chỉ định, hiệu quả của thuốc đã được phê duyệt.

Ghi tác dụng của từng thành phần có trong thuốc để quảng cáo quá công dụng của thuốc hoặc gây nhầm lẫn tác dụng của mỗi thành phần với tác dụng của thuốc.

Các từ, cụm từ: “điều trị tận gốc”, “tiệt trừ”, “chuyên trị”, “hàng đầu”, “đầu bảng”, “đầu tay”, “lựa chọn”, “chất lượng cao”, “đảm bảo 100%”, “an toàn”, “dứt”, “cắt đứt”, “chặn đứng”, “giảm ngay”, “giảm liền”, “giảm tức thì”, “khỏi ngay”, “khỏi hẳn”, “yên tâm”, “không lo”, “khỏi lo”, “khuyên dùng”, “hotline”, “điện thoại tư vấn” và các từ, cụm từ có ý nghĩa tương tự.

Các chỉ định không được đưa vào nội dung quảng cáo thuốc:

Chỉ định điều trị bệnh lao, bệnh phong;

Chỉ định điều trị bệnh lây qua đường tình dục;

Chỉ định điều trị chứng mất ngủ;

Chỉ định mang tính kích dục;

Chỉ định điều trị bệnh ung thư, bệnh khối u;

Chỉ định điều trị cắt cơn cai nghiện ma túy;

Chỉ định điều trị bệnh đái tháo đường hoặc các bệnh rối loạn chuyển hóa tương tự khác;

Chỉ định điều trị bệnh viêm gan do vi rút, các bệnh nguy hiểm mới nổi.

Các kết quả kiểm nghiệm chất lượng thuốc, nguyên liệu làm thuốc.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng.

Kết quả nghiên cứu lâm sàng hoặc kết quả thử tương đương sinh học chưa được Bộ Y tế công nhận.

Sử dụng danh nghĩa, địa vị, uy tín, thư tín, thư cảm ơn của tổ chức, cá nhân để quảng cáo thuốc.

Lợi dụng xuất xứ của thuốc, nguyên liệu làm thuốc để quảng cáo thuốc.

Hình ảnh, tên, biểu tượng của cán bộ y tế.

Hình ảnh động vật, thực vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ.

Các câu, từ mang tính mách bảo, truyền miệng để khuyên dùng thuốc.

Sử dụng hình ảnh người bệnh để mô tả tình trạng bệnh lý hoặc công dụng của thuốc không phù hợp với tài liệu liên quan đến thuốc và các hướng dẫn chuyên môn do Bộ Y tế ban hành hoặc công nhận.

Thuốc được phép quảng cáo bao gồm:

Thuốc thuộc danh mục thuốc không kê đơn và không bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc;

Trường hợp quảng cáo thuốc trên báo nói, báo hình thì thuốc phải có hoạt chất chính nằm trong danh mục hoạt chất thuốc và dược liệu được quảng cáo trên báo nói, báo hình quy định tại Phụ lục 02 ban hành kèm theo Thông tư 09/2015/TT – BYT.

Truyền thông sử dụng thuốc an toàn hợp lý

Sử dụng thuốc an toàn hợp lý

Sử dụng thuốc an toàn hợp lý là yêu cầu người bệnh nhận được thuốc thích hợp với nhu cầu lâm sàng của họ, phù hợp với yêu cầu riêng của cá nhân họ, trong một khoảng thời gian thỏa đáng và ở mức độ chi phí thấp nhất đối với họ và cộng đồng.

Một thuốc được gọi là sử dụng thuốc an toàn, hợp lý, hiệu quả cần có 4 tiêu chuẩn sau:

Hiệu quả điều trị tốt: Hiệu quả là khả năng khỏi bệnh tốt, tỷ lệ bệnh nhân được chữa khỏi bệnh cao.

                                                                                                                                  Hiệu quả

An toàn cao: Là khả năng xuất hiện tác dụng không mong muốn thấp hay tỷ lệ  ———–  cao

                                                                                                                            Nguy cơ rủi ro

 

Tiện dụng (dễ sử dụng): Tiện dụng hay dễ sử dụng bao gồm cách đưa thuốc, số lần dùng thuốc trong ngày.. phù hợp, càng đơn giản càng tốt.

Kinh tế (rẻ nhất so với các thuốc đã đạt 3 tiêu chuẩn trên): Kinh tế có thể tính theo chi phí tiền của một loại thuốc đó cho một ngày điều trị hoặc cho cả liệu trình điều trị. Giá thuốc có thể chọn là thuốc sản xuất trong nước hoặc ngoại nhập. Có những trường hợp người ta tính vào chi phí điều trị cả tiền của các xét nghiệm cận lâm sàng cần phải làm khi sử dụng thuốc.

Trước hết cần có một số kiến thức nhất định về loại thuốc mà mình đang sử dụng. Hiểu rõ về thuốc sẽ giúp bạn sử dụng chúng đúng cách và hiệu quả. Đối với mỗi loại thuốc mà bản thân đang dùng, cho dù là thuốc không cần kê đơn hay thuốc kê đơn của bác sĩ, cần nắm rõ những thông tin sau:

Tên thuốc (cả tên thương mại và thuốc gốc)

Liều lượng.

Tác dụng phụ thường gặp

Khi nào thì cần tới gọi bác sĩ?

Các hướng dẫn đặc biệt khác

Nếu không tìm thấy những thông tin này trên bao bì sản phẩm thuốc hoặc có thắc mắc, hãy

hỏi bác sĩ hoặc dược sĩ.

Áp dụng một số điều nên và không nên khi sử dụng thuốc sau đây chúng ta sẽ  sử dụng thuốc an toàn, hiệu quả.

NÊN:

Dùng thuốc khi thật cần thiết.

Đọc và hiểu đơn thuốc hướng dẫn trước khi sử dụng thuốc điều trị. 

Biết nơi sản xuất, hạn sử dụng và tác dụng, cách dùng và tác dụng phụ của thuốc (nếu có).

Dùng đúng liều lượng thuốc như trong hướng dẫn sử dụng hoặc chỉ định của bác sĩ.

Đảm bảo bác sĩ điều trị biết được tất cả loại thuốc mà bạn hiện đang sử dụng.

Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn hiện đang sử dụng thuốc không kê đơn, vitamin, chất bổ sung và thảo dược.

Thông báo cho bác sĩ nếu thấy bệnh không thuyên giảm hoặc bị dị ứng,…

Tất cả các loại thuốc trong gia đình đều phải được để vào trong tủ thuốc riêng và giữ thuốc tránh xa tầm tay trẻ em và vật nuôi trong nhà.

KHÔNG NÊN

Không dùng thuốc qua thông tin quảng cáo.

Không tự ý thay đổi liều lượng và thời gian uống thuốc mà không hỏi ý kiến bác sĩ.

Không nên tự ý sử dụng thuốc khi không am hiểu về thuốc mà dùng theo cảm tính, thói quen hoặc nghe theo sự mách bảo của những người không có kiến thức về y học.

Đối với phụ nữ có thai, phụ nữ đang cho con bú, trẻ sơ sinh, người có bệnh mạn tính, người già:

Không nên tự ý dùng thuốc để điều trị hay dùng thuốc để dự phòng bệnh theo phán đoán chủ quan, nhất là khi dùng thuốc có tác dụng mạnh, thuốc độc. 

Khi gặp các trường hợp cảm cúm thông thường, trước tiên người bệnh chỉ nên can thiệp bằng các phương thức như xông hơi, đánh gió, xoa bóp bằng dầu gió, dầu cao… nếu không có hiệu quả thì mới đến các nhà thuốc, hiệu thuốc tin cậy hoặc cơ sở y tế để mua và tiếp nhận sự tư vấn, hướng dẫn cụ thể về cách sử dụng thuốc, không được mua thuốc sử dụng một cách tùy tiện. 

Không nghiền nát thuốc trừ khi được bác sĩ chỉ định.

Không sử dụng thuốc đã quá hạn sử dụng.

Không bảo quản thuốc ở những nơi ẩm ướt, quá nóng hoặc quá lạnh. 

Khi thuốc đã quá hạn sử dụng, xử lý và loại bỏ thuốc đúng cách.

Để nâng cao hiệu quả chữa bệnh, bệnh nhân cũng nên quan tâm là bên cạnh việc điều trị bằng thuốc, cần chú ý đến chế độ dinh dưỡng hợp lý; cân bằng tỷ lệ về chất đường, đạm, mỡ, vitamin, chất khoáng, rau xanh… phù hợp với từng thể bệnh; duy trì thường kỳ chế độ thể dục, dưỡng sinh, lý liệu pháp. Một vấn đề khuyến cáo là không nên hút thuốc lá, không nên có nhu cầu thường xuyên sử dụng rượu bia.

Sử dụng thuốc không hợp lý

Sử dụng thuốc không hợp lý bao gồm những trường hợp sau:

Kê đơn một loại thuốc khi không thật sự cần thiết.

Kê đơn thuốc không theo phác đồ điều trị chuẩn, hoặc không hiệu quả, hoặc sử dụng thuốc kê đơn không hợp lý.

Thuốc được sử dụng không chính xác.

Hậu quả của việc sử dụng thuốc bất hợp lý trên một diện rộng có thể có những tác động nghiêm trọng to lớn đến chi phí chăm sóc sức khỏe, cũng như chất lượng của trị liệu dùng thuốc và chăm sóc y tế. Những tác dụng tiêu cực khác là tăng khả năng xảy ra phản ứng phụ và số người bệnh phụ thuộc thuốc tăng quá mức bình thường.

Tình huống tự học: 

Trạm y tế xã K tiếp đón nhiều trường hợp bị tiêu chảy, là cán bộ dược tại TYT, anh/chị cần thực hiện những biện pháp truyền thông gì về thuốc để cung cấp thông tin dự phòng, ngăn chặn dịch tiêu chảy?

Trong cuộc họp cuối tháng tại TYT xã G, là cán bộ dược của TYT, anh/chị hãy đưa ra các sai sót thường gặp trong sử dụng thuốc của người dân địa phương? Sau khi tiếp nhận các ý kiến đóng góp của đồng nghiệp, anh chị hãy đề xuất 1 số PP giúp nâng cao hiệu quả sử dụng thuốc?

Tài liệu tham khảo

Chính phủ (2017), Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật dược, số 54/2017/NĐ-CP, ngày 08/05/2017

Nguyễn Võ Hinh (2014), Sử dụng thuốc an toàn, hợp lý từ người kê đơn, bán thuốc và dùng thuốc.

Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam (2015), Kỹ năng giao tiếp và thực hành tốt tại nhà thuốc.