Nội dung

Bệnh do các loài ngoại ký sinh gây ra ở người

Trong những năm gần đây, các bệnh truyền nhiễm mới nổi phát sinh ngày một nhiều, trong đó nhiều nguồn bệnh do các loài ngoại ký sinh gây ra như (Viêm não Nhật Bản (C. tritae, C. vishnui, họ gamasoidea, họ ixodoidea), sốt phát ban truyền nhiễm rickettsia mooseri (loài ornithonyssus bacoti), sốt mò (họ trombiculidae), dịch hạch (bộ siphonaptera, loài ornithonyssus bacoti), chagas (bọ xít triatoma) và nhiều bệnh virus khác. Phần lớn những loài gây bệnh này sống ký sinh trên các vật chủ như các loài gặm nhấm, chim, thú, động vật hoang dại và các động vật nuôi.

Bệnh dịch hạch

Dịch hạch là bệnh lưu hành địa phương ở nhiều quốc gia trên thế giới. Bệnh dịch hạch cướp đi sinh mạng của ít nhất 1/3 dân số châu Âu thế kỷ XIV. Đầu thế kỷ XX, dịch hạch đã gây ra khoảng 10 triệu ca tử vong tại Ấn Độ. Năm 1999, dịch hạch lại bùng phát ở 14 quốc gia, chủ yếu là ở châu Phi. Gần 2,6 triệu người bị mắc và 212 người trong số đó đã chết. Hiện nay, hơn 2.000 người trên thế giới vẫn nhiễm căn bệnh này mỗi năm. Dịch hạch hiện diện trên toàn thế giới, với hầu hết các trường hợp nhiễm bệnh được báo cáo từ các nước đang phát triển.

Bệnh lan truyền từ các loài gặm nhấm (chủ yếu là chuột) sang người, chủ yếu qua bọ chét chuột (xenopsylla cheopis). Bên cạnh đó còn có các véc tơ truyền bệnh khác như xenopssylla vexabilis hawaiiensis truyền bệnh dịch hạch ở Tây Thái Bình Dương; (leptopsylla) segnis truyền bệnh dịch hạch ở Nam Phi; pulex irritans truyền dịch hạch ở Đông Bắc Trung Quốc, Bắc Triều Tiên. Ngoài ra ve và chấy rận của người cũng được xem là những trung gian truyền bệnh dịch hạch.

Ở Việt Nam, trong số 34 loài bọ chét, chỉ phân lập được yersinia pestis từ loài xenopsylla cheopis. Đây là véc tơ chính truyền bệnh dịch hạch tại Việt Nam. Bệnh dịch hạch thường phát triển mạnh vào mùa khô, phù hợp với mùa phát triển của chuột và bọ chét. Tuy nhiên, dịch cũng được ghi nhận vào các thời gian khác trong năm kể cả trong mùa mưa.

Bệnh chagas

Bệnh chagas là một bệnh ký sinh trùng ở người tại vùng nhiệt đới, và các nhà khoa học xem nó như một căn bệnh nhiệt đới bị lãng quên, được nghiên cứu rất ít so với 3 căn bệnh truyền nhiễm khác là AIDS, lao và sốt rét. Tác nhân gây bệnh do loài ký sinh trùng trypanosoma cruzi, lây truyền sang các động vật và người do vết đốt của một loại côn trùng gọi là bọ xít triatoma. Loại bọ xít hút máu rồi gây bệnh ngủ chaga mới ghi nhận ở một số quốc gia ở Trung và Nam Mỹ.

Bọ xít hút máu phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh (Triatoma rubrofassiata)

Bệnh thường có triệu chứng sau một đến ba tháng đầu tiên, nếu bị đốt, người bệnh sẽ sốt cao, tiêu chảy, mệt mỏi, chóng mặt, đau đầu và ngủ vặt nhiều. Trong các nghiên cứu y tế trên thế giới, 5% trường hợp sau khi bị loài bọ xít hút máu này cắn đã bị tử vong. Tuy nhiên, mầm bệnh có thể ủ trong cơ thể người và làm mất dần khả năng miễn dịch, trở nên mãn tính từ 10 đến 40 năm sau, dẫn đến các bệnh liên quan mạch (như tắc nghẽn mạch máu, rung tim…). Giai đoạn đều có triệu chứng thay đổi từ không biểu hiện đến biểu hiện đe dọa tính mạng bệnh nhân.

Bệnh hiện đã giết chết khoảng 50.000 người và ảnh hưởng đến 16 – 18 triệu người mỗi năm và khoảng 60 triệu người có nguy cơ mắc bệnh. Với sự gia tăng di dân, khả năng lan truyền bệnh do truyền máu trở nên là vấn đề đáng chú ý.

Trypanosoma cruzi có thể truyền qua đường truyền máu, ghép tạng, qua nhau thai và các tai nạn trong phòng thí nghiệm.

Ở Việt Nam cũng có loại bọ xít này nhưng khả năng truyền bệnh của nó là rất thấp, nếu không nói là hầu như không có. Đến thời điểm này chưa ghi nhận một trường hợp nào tại Việt Nam mắc bệnh chagas.

Sốt mò

Sốt mò còn được gọi là sốt bụi rậm, sốt ban nhiệt đới, sốt triền sông Nhật Bản (tsutsugamushi) là bệnh truyền nhiễm cấp tính do vi khuẩn ký sinh rickettsia orientalis (rickettsia tsutsugamushi) gây nên.

Trung gian truyền bệnh cho người là ấu trùng mò leptotrombidium, kích thước khoảng 0,15 – 0,3 mm, thường có màu đỏ da cam. Ấu trùng mò mang rickettsia orientalis ẩn náu trong cỏ, lùm cây thấp, đám lá mục…, rồi bám chặt vào da của các loài động vật đi qua chỗ của chúng. Chúng thường đốt vào chỗ da mềm, ẩm, kín của người như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, cổ, rốn…

Vài ngày sau khi bị mò đốt, bệnh nhân thường sốt, rét run, đau đầu, nổi hạch ở gần nơi bị đốt, da niêm mạc xung huyết… Nếu không được chẩn đoán đúng và điều trị kịp thời, bệnh nhân thường có biến chứng ở nội tạng (suy thận, gan, tim, viêm phổi, viêm não) và những tổn thương ở mắt…, tỉ lệ tử vong khá cao (Nhật Bản 20 – 60%, Malaysia 15 – 20%, Indonesia và Đài Loan 5 – 20%).

Ba dấu hiệu điển hình của bệnh sốt mò:

Nốt loét: Vị trí vết loét thường ở chỗ da mềm, ẩm, kín như bộ phận sinh dục, hậu môn, nách, bẹn, rốn, cổ. Khi vết loét khỏi, da xung quanh cứng, đóng vảy màu nâu đen. Khoảng 80% bệnh nhân sốt mò có vết loét, nhưng không ngứa, không đau rát.

Sưng hạch bạch huyết: Khoảng 91% bệnh nhân có hạch nổi bằng hạt táo, hạt mận, di động, hơi đau ở khu vực gần vết loét.

Ban dát sẩn: Khoảng 82% bệnh nhân có ban mọc ở toàn thân vào ngày thứ 3 đến ngày thứ 6 sau khi bị mò đốt, đường kính bằng hạt kê đến 1 cm, màu mận chín, sờ hơi cứng, lặn sau 4 – 5 ngày…

Một số mầm bệnh là vi khuẩn khác:

Mầm bệnh là rickettsia:

Bệnh Lyme:

Mầm bệnh là xoắn khuẩn borrelia burrefery, trung gian truyền bệnh là các loài ve, phát hiện từ năm 1975 tại làng Lyme (Hoa Kỳ). Bệnh xảy ra chủ yếu ở vùng ôn đới các nước như Trung Quốc, Hoa Kỳ, châu Âu và Liên Xô cũ. Bệnh đã được phát hiện ở Việt Nam trên một bệnh nhân điều trị tại viện Quân y 103.

Bệnh phát triển qua 3 giai đoạn:

Giai đoạn cấp: giống cảm cúm, sau khi nhiễm bệnh 10-15 ngày. Tại chỗ ve đốt có ban đỏ.

Giai đoạn vào khớp: viêm khớp, viêm cơ tim, viêm màng trong tim, cuối sùng suy tim nhất là suy tim phải và kèm theo loạn thần. Giai đoạn này tử vong 15%.

Giai đoạn mãn tính: để lại di chứng không hồi phục.

Bệnh chủ yếu do ve ixodes truyền, phổ biến nhất vào mùa hè, khi có nhiều thanh trùng ve. Các loài gặm nhấm nhỏ, đặc biệt là chuột, đóng vai trò nguồn bệnh trong khi đó các thú lớn chủ yếu đóng vai trò vật chủ nuôi giữ quần thể ve. Ấu trùng ve nhiễm bệnh trong khi đốt chuột, thanh trùng và trưởng thành có thể truyền bệnh trong những lần đốt tiếp theo. Tại những vùng ôn đới phía bắc bệnh đã trở nên phổ biến hơn khi những đàn hươu, nai tăng lên và đã thích nghi với cuộc sống gần người. Có thể giảm sự tiến triển bệnh hoặc dự phòng bằng tetracyclin hoặc penicillin trong 2 – 4 tuần.

Sốt phát ban chuột:
Trung gian truyền bệnh: Mầm bệnh được truyền qua bọ chét X. cheopis, Pulex irritans ở chuột, chó, mèo và một số loài mạt (gamasoidea).

Bệnh có thể truyền qua phân bọ chét có chứa rickettsia tiếp xúc với da và niêm mạc bị tổn thương. Ở điều kiện môi trường bên ngoài, tác nhân gây bệnh tồn tại trong phân bọ chét đến 40 ngày, mầm bênh tồn tại gần như suốt cả vòng đời bọ chét. Ổ bệnh có thể tồn tại trong thiên nhiên, nơi có chuột sống ngoài các khu dân cư. Sốt phát ban chuột phân bố trong các thành phố lớn, trong đó có khu vực Đông Nam Á. Mùa bệnh chủ yếu phát triển vào các tháng trong mùa đông xuân.

Sốt Q: mầm bệnh là R.burnetti (Coxiella burnetti). Bệnh phát hiện lần đầu tiên ở vùng Queensland (Úc). Hiện bệnh phân bố rộng rãi trên toàn thế giới. Bệnh do ve rhipicephalus, dermacentor truyền; bệnh cũng có thể lây qua đường hô hấp và tiêu hoá.

Sốt phát ban vùng núi đá: mầm bệnh là R.rickettsi, do ve dermaentor truyền, hay gặp ở vùng tây châu Mỹ (Brazil, Canada, Colombia, Panama và Hoa Kỳ).

Sốt phát ban Siberie: mầm bệnh là R.sibirica do ve dermacentor, haemaphysalis, rhipicephalus truyền. Bệnh phân bố ở Nhật Bản, Liên Xô cũ và vùng Thái Bình Dương. Bệnh do loài ve rừng châu Á dermacentor silvarum truyền.

Bệnh sốt phát ban do R.conorii, ở vùng Trung Cận Đông, châu Phi và Nam Á do ve chó nâu rhipicephalus sangiuneus truyền.

Bệnh sốt phát ban do R.australis xảy ra ở vùng Queensland (Úc), do loài ve yếm ixodes holocychis truyền.

Bệnh Tularemia do ve dermacentor truyền, gặp nhiều ở châu Mỹ, châu Âu.
Bệnh còn gọi là bệnh sốt thỏ, sốt ruồi hươu hay bệnh Ohara do Francisella tularensis gây ra.

Sốt hồi quy do ve mềm.

Ve mềm ornithodoros spp. truyền được cho người một số loài xoắn khuẩn thuộc chi spirochaeta và borrelia. Ve hút máu của động vật gặm nhấm và thú nhỏ bị nhiễm xoắn khuẩn, xoắn khuẩn phân tán khắp cơ thể ve và cả tuyến nước bọt, sau đó truyền cho động vật xương sống khác.

Mầm bệnh là vi rút

Một số bệnh viêm não do ve truyền là do vi rút gây viêm cấp ở não, màng não, tuỷ sống. Triệu chứng thay đổi tuỳ theo bệnh. Nhiều người bị nhiễm nhưng không có biểu hiện gì. Trường hợp nặng có đau đầu dữ dội, sốt cao, buồn nôn, hôn mê, có thể tử vong.

Viêm não ve hay viêm não vùng rừng Taiga (còn gọi là viêm não vùng Viễn Đông) do ve taiga ixodes persulcatus truyền.

Viêm não châu Âu (viêm não vùng Trung Âu từ Ural cho đến Pháp) do ve đậu Ixodes ricinus truyền.

Bệnh sốt Colorado do ve rừng Mỹ dermacentor andessoni, bệnh được nghiên cứu nhiều ở châu Mỹ.