Diphylidium caninum – sán dây chó
Sán trưởng thành có kích thước dài 15 – 70 cm, gồm 60 – 175 đốt. Hai lỗ sinh dục đối xứng ở hai bên đốt sán trưởng thành. Những đốt sán già rụng từ 2 – 3 đốt, tự động bò ra hậu môn hoặc ra theo phân.
Trứng từ đốt sán già phát tán ra ngoại cảnh.
Vật chủ chính: chó, mèo và động vật ăn thịt sống hoang dại. Người là vật chủ ngẫu nhiên. Vật chủ trung gian là các loài bọ chét, rận chó. Ấu trùng sán phát triển ở dạ dày bọ chét trưởng thành. Khi vật chủ chính nuốt phải bọ chét có ấu trùng, ấu trùng giải phóng ra và đi vào kí sinh ở ruột non, phát triển thành sán trưởng thành ở đó trong thời gian thời gian 20 ngày.
Tuy là sán của chó, nhưng đã có thông báo cho thấy hàng trăm người mắc bệnh này, hầu hết là trẻ em dưới 8 tuổi, do lê la chơi đùa với chó, ngẫu nhiên nuốt phải bọ chét hoặc rận của chó, mèo có ấu trùng sán. Chó mắc sán không biểu hiện bệnh trừ khi nhiễm sán nặng. Trẻ em mắc sán: đau bụng, đi tả.
Điều trị: quinacrin.
Phòng bệnh: không để trẻ em lê la chơi đùa với chó. Giữ vệ sinh cá nhân.
Diphyllobothrium latum
Sán dây Diphyllobothrium latum (sán dây cá) thuộc bộ Seudophyllidae. Loài sán dây này có vật chủ chính là người, chó, mèo và một số động vật có vú khác.
Sán dây cá là một trong số các loài sán dây dài nhất của người, dài từ 3 m – 10 m, gồm khoảng trên 3.000 đốt.
Sán kí sinh ở ruột non. Đầu có rãnh. Sán trưởng thành sống trên 20 năm. Thông thường sán tự thụ tinh, nhưng thụ tinh chéo cũng có thể xảy ra. Hàng ngày sán tuôn vào lòng ruột khoảng 1 triệu trứng.
Vòng đời cần 2 vật chủ phụ: vật chủ phụ thứ 1 là cyclops, diaptomus. Cá là vật chủ phụ thứ hai, ấu trùng sán dạng sâu ở trong cá gây nhiễm cho người khi người ăn cá nấu chưa chín. Sau 3 – 5 tuần ấu trùng phát triển thành sán trưởng thành.
Bệnh sán dây cá phân bố ở châu Âu, ổ bệnh quan trọng nhất là những vùng ven biển Ban Tích. Ngoài ra, những vùng hồ lớn của Thụy Sĩ và Ý cũng bị nhiễm loài sán này nghiêm trọng. Những vùng đồng bằng châu thổ sông Đanuýp cũng thường thấy những bệnh nhân nhiễm sán dây này. Tỉ lệ nhiễm ở châu Mĩ và châu Phi nói chung thấp. Ở châu Á, bệnh có ở những vùng Si-bê-ri, Mãn Châu và Nhật Bản. Ở Việt Nam chưa phát hiện bệnh này.
Bệnh gây rối loạn tiêu hoá, suy nhược thần kinh, đau bụng, mệt mỏi sút cân, kém ăn, thiếu máu do sán dây hấp thụ nhiều vitamin B12 ở ruột vật chủ.
Diphyllobothrium erinacei – sán nhái
Sán nhái gây bệnh cho người ở giai đoạn ấu trùng. Ấu trùng có dạng hình sâu (plerocercoid), có tên riêng là sparganum, bệnh do chúng gây ra là sparganose. Bệnh sán nhái là bệnh của súc vật. Vật chủ chính và nguồn gây nhiễm là những động vật ăn thịt như: chó, mèo và động vật hoang dại. Sán nhái trưởng thành kí sinh ở ruột non các động vật đó.
Sparganum là tên chung các ấu trùng có dạng nang hình sâu của các loài Spirometra. Sparganum mansonoides phổ biến ở Mĩ, S.mansoni lan truyền nhiều hơn ở Đông Nam Á. S.proliferum hiếm gặp hơn.
Đặc điểm hình thể.
Ấu trùng Sparganum giống như dải băng hẹp màu trắng ngà, mờ đục. Chiều dài từ 3 – 50 cm, chiều rộng vài mm. Phần cuối phía trước to và có một đường rãnh. Không xác định được đầu. Không có các tổ chức nội tạng. Tuy nhiên, dưới kính hiển vi có thể thấy những hạt vôi hoá, ống bài tiết, thớ cơ, và dây thần kinh trong chất đệm nhu mô xốp. Thành cơ thể bao gồm lớp vỏ được bao phủ bằng lớp nhung mao, hai lớp cơ, và một hàng tế bào vỏ hướng xuyên tâm. Bề mặt trên của vỏ xuất hiện đốt giả như cơ ngang.
Vòng đời sinh học.
Sán nhái đẻ trứng vào nước, trứng bị những phù du – giáp xác (cyclops) ăn phải, đó là những vật chủ phụ thứ 1 của sán. Sau đó cyclops bị ếch nhái, rắn, chim ăn. Những vật chủ này trở thành vật chủ phụ thứ 2 của sán. Khi kí sinh ở vật chủ phụ, ấu trùng ở dạng sâu (plerocercoid), dài khoảng vài cm, màu trắng ngà, không chia đốt, không có đầu (scolex) ở phía trước, chỉ có ống giác giả.
Người có thể trở thành vật chủ phụ thứ 2 trong các trường hợp sau (hình 12.20):
Trứng phát triển trong nước
Giáp xác loài Cydops
Hình 12.20: Vòng đời sinh học của Sparganum.
Uống nước có cyclops đã nhiễm sán. Khi đó người trở thành vật chủ phụ thứ 2. Ấu trùng vào ống tiêu hoá, chui vào thành dạ dày, ruột và tạo thành u ở đó.
Người ăn thịt ếch, nhái, chim, rắn… còn sống, có ấu trùng vào ống tiêu hoá, ấu trùng có thể di chuyển tới thành dạ dày, ruột và tạo thành u.
Dùng thịt ếch nhái sống đắp vào da hoặc mắt để chữa bệnh viêm tấy tại chỗ. ấu trùng chui vào da, mắt và gây u tại đó. Ở Việt Nam, nhân dân thôn quê có tập quán sai lầm, cho đau mắt đỏ là “bốc hoả”, nên dùng thịt ếch nhái sống là những chất lạnh, mát đắp vào để “hạ hoả”. Khi đó ấu trùng từ thịt ếch nhái bò vào mắt gây u ở mắt, có thể bị mù. Ngoài ra người còn có thể bị nhiễm do rửa mặt bằng nước có cyclops.
Vai trò y học.
Triệu chứng bệnh phụ thuộc nơi ấu trùng có dạng hình sâu (plerocercoid) kí sinh. Ở mắt: gây đau, chảy nhiều nước mắt, viêm sưng màng tiếp hợp, mi, mí mắt. Ở da gây ngứa, nổi mẩn, thâm nhiễm xung quanh kí sinh trùng, đôi khi cảm giác thấy ấu trùng di chuyển.
Đã phát hiện thấy ấu có dạng hình sâu (plerocercoid) ở vùng màng ruột, thận, bàng quang, phổi, xoang ngực, tim và mô não. Tiên lượng nặng khi ấu trùng xâm nhập sâu vào bên trong.
Chẩn đoán.
Chẩn đoán chắc chắn khi phẫu thuật lấy được ấu trùng.
Điều trị.
Bằng phẫu thuật, nếu không mổ được thì dùng novarsénol 0,3 – 0,45g/kg/ngày 4 – 5 ngày.
Praziquantel và mebendazole không có tác dụng diệt kí sinh trùng.
Dịch học và phòng chống.
Bệnh ấu trùng sán nhái gặp ở Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Thái Lan, Australia, châu Phi, Mĩ La Tinh, 1 số nước ở châu Âu nhập khẩu thịt ếch nhái, rắn.
Tuyên truyền giáo dục cộng đồng không uống nước lã, ăn thịt ếch, nhái, chim, rắn… nấu chưa chín kĩ, không dùng thịt ếch nhái sống đắp vào mắt, vào da để chữa bệnh. Cần sử dụng nguồn nước hợp vệ sinh trong sinh hoạt.