Nội dung

Các phương pháp phá hủy thể mi điều trị glôcôm

Đại cương

Phá hủy thể mi là phương pháp điều trị glôcôm theo cơ chế hạn chế sản xuất thủy dịch. Có thể hủy thể mi bằng nhiệt (điện đông), độ lạnh (lạnh đông) hoặc bằng tia laser (quang đông).

Chỉ định

Glôcôm mất chức năng đau nhức nhiều: Có thể dùng bất kỳ phương pháp nào.

Glôcôm còn chức năng, đã thất bại với các phương pháp điều trị khác: Chỉ áp dụng với quang đông thể mi.

Chống chỉ định

Người bệnh đang có các viêm nhiễm cấp tính tại mắt và các bệnh toàn thân không cho phép phẫu thuật.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sĩ nhãn khoa.

Phương tiện

Máy điện đông, máy lạnh đông, máy laser diode 810nm.

Người bệnh

Giải thích cho người bệnh về tiên lượng, mục đích của phẫu thuật.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ Y tế.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Đúng người bệnh, đúng chỉ định, đúng mắt cần điều trị.

Thực hiện kỹ thuật

Điện đông thể mi

– Đặt mức năng lượng.

+ Cường độ dòng 40 – 60mA.

+ Thời gian 10 – 20 giây /1 nốt đốt.

Phẫu tích kết mạc, bộc lộ củng mạc vùng rìa.

Áp đầu đốt cách rìa 1,5mm, các nốt đốt liên tục nối tiếp nhau. Chỉ đốt 1/2 chu vi thể mi, tránh vị trí 3 giờ và 9 giờ nơi bó mạch thần kinh mi dài đi qua. Nếu nhãn áp chưa điều chỉnh sẽ đốt 1/2 chu vi còn lại.

Khâu kết mạc.

Tra thuốc mỡ kháng sinh, corticoid, atropin.

Lạnh đông thể mi

Sử dụng thiết bị làm lạnh bằng khí CO2 hoặc N2 hóa lỏng.

Áp đầu lạnh đông từ ngoài kết mạc cách rìa 1,5mm. Chỉ lạnh đông 1/2 chu vi thể mi, tránh vị trí 3 giờ và 9 giờ nơi bó mạch thần kinh mi dài đi qua. Nếu nhãn áp chưa điều chỉnh sẽ lạnh đông nốt 1/2 chu vi còn lại.

Tra thuốc mỡ kháng sinh, corticoid, atropin.

Quang đông thể mi xuyên củng mạc

Dùng máy laser diode 810nm kết nối với đầu G-probe.

Mức năng lượng: 1,5W; thời gian 2 giây/1 nốt đốt.

Áp đầu laser ngoài kết mạc cách rìa 1,2 – 1,5mm. Đốt 20 – 24 nốt trên 3/4 chu vi của vùng rìa. Tránh vị trí 3 giờ và 9 giờ nơi có bó mạch thần kinh mi dài đi qua.

Theo dõi

Hậu phẫu tra thuốc kháng sinh, chống viêm, atropin và thuốc hạ nhãn áp trong 3 – 4 tuần.

Theo dõi diến biến nhãn áp.

Theo dõi phát hiện các biến chứng hậu phẫu.

Xử lý các biến chứng

Các biến chứng có thể xảy ra: loét giác mạc thần kinh; Hoại tử củng mạc hoặc thủng củng mạc; Xuất huyết tiền phòng; Đục thể thủy tinh; Viêm mống mắt thể mi; Viêm mắt đồng cảm; Tăng nhãn áp thoáng qua: thuốc hạ nhãn áp trước và duy trì sau phẫu thuật; Đau sau phẫu thuật; Nhãn áp thấp và teo nhãn cầu: cần xác định nguyên nhân để xử lý.

Các biến chứng khác: Thiếu máu phần trước nhãn cầu, bong hắc mạc, xuất huyết dẫn đến tân mạch trong dịch kính, tăng sinh võng mạc và viêm mắt đồng cảm… rất ít khi xuất hiện.