Nội dung

Cấp cứu ngừng tuần hoàn cơ bản cơ sở

CẤP CỨU NGỪNG TUẦN HOÀN CƠ BẢN

 

Ngừng tuần hoàn là tim ngừng hoạt động hoặc hoạt động không có hiệu quả (không đưa máu đi tới các cơ quan của cơ thể được). Nghĩ đến ngừng tuần hoàn khi bệnh nhân/ nạn nhân đột nhiên có rối loạn ý thức (hôn mê), ngừng thở hoặc thở ngáp.

Cần cấp cứu sớm, vì sau 4 phút ngừng tuần hoàn, não sẽ bị tổn thương không hồi phục. Trong cấp cứu ngừng tuần hoàn, việc tuân theo thứ tự cấp cứu là rất quan trọng.

Thứ tự các bước cấp cứu

Trước hết phải đảm bảo an toàn cho nạn nhân cũng như bản thân người cấp cứu (đưa nạn nhân ra khỏi vùng nguy hiểm, ngắt nguồn điện nếu nạn nhân bị điện giật…)

Bước 1: Đánh giá tình trạng ý thức nạn nhân VÀ kiểm tra thở:

Lay vai nạn nhân và gọi to, ĐỒNG THỜI kiểm tra xem nạn nhân có thở không. Nếu không tỉnh, không thở hoặc thở ngáp, gọi cấp cứu hỗ trợ.

Bước 2: Kiểm tra mạch:

Người cấp cứu có nhiều nhất là 10 giây để kiểm tra mạch.

Tìm vị trí khí quản bằng 2 hoặc 3 ngón tay.

Xác định động mạch cảnh bằng cách đặt 2 hoặc 3 ngón tay vào chỗ lõm cạnh khí quản.

Sờ mạch cảnh trong 10 giây, nếu không thấy mạch hoặc không chắc chắn là có mạch, bắt đầu ép tim.

Bước 3: ép tim – thổi ngạt:

Nếu có 2 người cấp cứu:

Bắt đầu ép tim 30 nhát, rồi thổi ngạt 2 nhát

Làm 5 chu kỳ (mỗi chu kỳ gồm 30 ép tim/2 thổi ngạt), rồi kiểm tra lại mạch cảnh.

Tiếp tục bước này cho đến khi có cấp cứu đến hỗ trợ.

Nếu có 1 người cứu, chỉ ép tim, không thổi ngạt cho đến khi có người đến hỗ trợ

Chú ý: Không vận chuyển nạn nhân khi làm cấp cứu ngừng tuần hoàn.

Kỹ thuật ep tim và thổi ngạt

Kỹ thuật ép tim

Đặt nạn nhân nằm ngửa trên mặt phẳng cứng.

Người cấp cứu quỳ bên cạnh nạn nhân.

Đặt cườm tay của một tay vào giữa ngực nạn nhân, ở nửa dưới của xương ức (hình 3).

Hình 3: Vị trí đặt cườm tay để ép tim

Đặt cườm tay còn lại lên trên cườm tay đã đặt trên ngực nạn nhân.

Duỗi thẳng cánh tay và đặt vai thẳng đứng so với bàn tay.

Ép nhanh – ít nhất 100 lần/phút và mạnh – sâu 5 cm.

Sau mỗi nhát ép, nhả tay để ngực phồng trở lại hoàn toàn (thời gian ấn bằng thời gian nhả, chú ý không nhấc hẳn tay khỏi ngực nạn nhân)

Ép liên tục, tránh ngắt quãng.

Kỹ thuật thổi ngạt

Kiểm tra xem có dị vật đường thở không. Nếu có móc ra hoặc làm thủ thuật Heimlich

Đặt đầu nạn nhân ở tư thế đầu ngửa, cằm cao.

Bóp 2 lỗ mũi nạn nhân bằng ngón trỏ và ngón cái của bàn tay đặt trên trán nạn nhân

Thổi miệng – miệng, đủ mạnh tới mức nhìn thấy ngực nạn nhân phồng lên rõ.

Nếu không thấy ngực nạn nhân phồng lên, kiểm tra đường thở để đảm bảo thông đường thở, và thay đổi mức độ ngửa của cổ để luồng khí vào phổi được thuận lợi.

Chú ý khi thực hành cấp cứu:

Nếu có 2 người cấp cứu, một người ép tim và một người thổi ngạt, làm một lúc rồi đổi vai (người ép tim chuyển sang thổi ngạt và người thổi ngạt chuyển sang ép tim). Nếu chỉ có 1 người cấp cứu, chỉ cần ép tim và gọi người đến hỗ trợ.

Nếu có bóng ambu, dùng bóng ambu thay cho thổi ngạt.

Đối với trẻ em từ 1 tuổi đến 12 tuổi

Thứ tự áp dụng giống như với người lớn Chỉ khác ở những điểm sau:

Tỷ lệ ép tim/thổi ngạt là 15/2

Độ sâu của ép tim: 1/3 bề dày của ngực nạn nhân (khoảng 3-4 cm)

Kỹ thuật ép tim: Có thể chỉ cần dùng 1 tay để ép tim với trẻ nhỏ, miễn là đảm bảo độ sâu của ép tim.

Đối với trẻ sơ sinh

Thứ tự áp dụng giống như với người lớn và trẻ em trên 1 tuổi Chỉ khác những điểm sau:

Kiểm tra mạch

Bằng sờ động mạch cánh tay: Đặt 2 ngón tay vào mặt trong cánh tay và ấn nhẹ để sờ động mạch cánh tay như hình 8:

Hình 8: Sờ tìm động mạch cánh tay của trẻ sơ sinh

Kỹ thuật ép tim

Dùng 2 ngón tay (hình 9), hoặc dùng 2 ngón cái của cả hai tay (hình 10). Vị trí ép là giữa ngực trên xương ức và ngay dưới đường nối 2 núm vú

Hình 9: Ép ngực bằng 2 ngón tay Hình 10: Ép ngực bằng hai ngón cái

Độ sâu của ép tim là 1/3 bề dày của ngực (khoảng 4 cm)

Tỷ lệ ép tim/thổi ngạt: như với trẻ em, là 15/2

Kỹ thuật thổi ngạt

Có thể dùng kỹ thuật thổi ngạt miệng – miệng như với trẻ em và người lớn, nhưng tốt hơn nên dùng kỹ thuật thổi ngạt miệng – miệng và mũi, dùng miệng áp vào cả miệng và mũi nạn nhân (hình 11):

Hình 11: Thổi ngạt miệng – miệng và mũi

Chú ý thổi mạnh vừa phải nhưng phải đủ để ngực nạn nhân phồng lên.

Tài liệu tham khảo

The 2010 American Heart Association Guidelines for Cardiopulmonary Resuscitation and Emergency.