Nội dung

Chụp clvt hệ tiết niệu thường quy

Đại cương

Chụp CLVT hệ tiêt niệu thường quy là quá trình thăm khám toàn bộ hệ tiết niệu bao gồm: thận, niệu quản hai bên, bàng quang … trên hệ thống máy ít dãy đầu thu. Thăm khám một cách hệ thống từ vòm hoành đến khớp mu

Chỉ định và chống chỉ định

Chỉ định

Cơn đau quặn thận

Sỏi thận, niệu quản, bàng quang

Bệnh lý u thận; u đường bài xuất

Các tổn thương dị dạng hệ tiết niệu

Các bệnh lý viêm thận-bể thận-bàng quang; nhiễm trùng đường tiết niệu; các bệnh lý viêm-áp xe quanh đường tiết niệu

Bệnh lý tiền liệt tuyến, túi tinh…

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định tuyệt đối

Chống chỉ định tương đối với nhưng trường hợp có tiền sử dị ứng với thuốc cản quanh nói riêng và các thuốc khác nói chung

Cân nhắc chỉ định với những người bệnh đang có thai ở những tuần đầu 

Không tiêm thuốc đối quang i-ốt với các người bệnh suy thận

Chuẩn bị 

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa          

Kỹ thuật viên điện quang

Điều dưỡng 

Phương tiện

Máy chụp CLVT  

Máy bơm điện chuyên dụng

Phim, cát – xét, hệ thống lưu trữ hình ảnh

Vật tư y tế 

Bơm tiêm 10; 20ml

Bơm tiêm dành cho máy bơm điện

Kim tiêm 18-20G

Thuốc đối quang I-ốt  tan trong nước 

Dung dịch sát khuẩn da, niêm mạc

Nước cất hoặc nước muối sinh lý 

Găng tay, mũ, khẩu trang phẫu thuật

Bộ khay quả đậu, kẹp phẫu thuật.

Bông, gạc phẫu thuật.

Hộp thuốc và dụng cụ cấp cứu tai biến thuốc đối quang.

Người bệnh

Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật để phổi hợp với thầy thuốc.

Tháo bỏ khuyên tai, vòng cổ, cặp tóc nếu có

Cần nhịn ăn chất đặc, nên uống sữa hoặc nước hoa quả với thể tích không quá 100ml. 

Người bệnh quá kích thích, không nằm yên: Cần cho thuốc an thần…

Phiếu xét nghiệm

Có phiếu chỉ định chụp CLVT

Các bước tiến hành

Kỹ thuật thăm khám

Đặt người bệnh nằm ngửa, hai tay giơ lên đầu để tránh nhiễu ảnh

Tháo bỏ dị vật băng kim loại, bộc lộ vùng thăm khám

Hướng dẫn người bệnh nhịn thở để tránh các nhiễu ảnh do di động khi thở,  

Chụp CLVT trước và sau tiêm thuốc đối quang i-ốt tĩnh mạch với các lớp cắt ngang trên toàn bộ hệ tiết niệu; bề dày lớp cắt 5-8 mm

Thuốc đối quang i-ốt được dùng là loại tan trong nước, với liều từ 1.5-2 ml/kg cân nặng

Kỹ thuật tiêm thuốc đối quang i-ốt: tiêm nhanh, tốc độ tiêm tối thiểu 3ml/giây. Nếu sử dụng máy bơm thuốc thì tốc độ tiêm đạt 4-5 ml/giây. Tốt nhất là sử dụng máy bơm thuốc để có thể kiểm soát chính xác các thì động mạch và tĩnh mạch sau tiêm

Thay đổi trường nhìn (FOV) tùy theo độ lớn của mỗi cá thể cho phù hợp

Thay đổi độ rộng của cửa sổ để đánh giá được toàn bộ mô mềm, khí, mỡ và xương. 

Tiến trình thăm khám

Chụp các lớp cắt trước tiêm thuốc đối quang i-ốt với mục đích: bước đầu định vị tổn thương để thực hiện các lớp cắt sau tiêm. Đo tỉ trọng vùng nghi ngờ tổn thương để đánh giá xem tổn thương có chứa thành phần mỡ hay không, có vôi hóa hoặc chảy máu hay không; đồng thời giúp so sánh với tỉ trọng của tổn thương sau tiêm thuốc đẻ đánh giá mức độ ngấm thuốc của tổn thương là ít hay nhiều

Các lớp cắt ở thì động mạch được thực hiện ở giây thứ 25-30 tính từ lúc bắt đầu tiêm thuốc: đánh giá mức độ giàu mạch của tổn thương u; tình trạng hiện hình tĩnh mạch dẫn lưu sớm trong bệnh cảnh dị dạng thông động-tĩnh mạch; tình trạng thoát thuốc ra ngoài lòng mạch trong trường hợp chảy máu thể hoạt động do chấn thương thận…

Các lớp cắt ở thì tĩnh mạch được thực hiện ở giây thứ 60-70 tính từ lúc bắt đầu tiêm thuốc: đánh giá tình trạng thải thuốc nhanh hay chậm của các tổn thương u, đánh giá tình trạng ngấm thuốc của tĩnh mạch thận hai bên và tĩnh mạch chủ dưới trong bệnh cảnh u thận; bộc lộ rõ các tổn thương dạng như các ổ đụng dập hoặc đường vỡ nhu mô trong bệnh cảnh chấn thương.  

Các lớp cắt ở thì muộn được thược hiện sau 5-7 phút tùy từng trường hợp cụ thể, chẳng hạn như các u bắt thuốc ít ở thì động mạch và tĩnh mạch. Trong các trường hợp giãn đài bể thận, niệu quản do sỏi, u hoặc viêm chít hẹp thì phải chụp ở thời điểm muộn hơn tùy thuộc vào đánh giá cụ thể của bác sĩ  

Chụp thêm các phim X quang sau tiêm thuốc đối quang nếu cần thiết 

Nhận định kết quả

Đánh giá sơ bộ xem kỹ thuật thực hiện có đúng các thì động mạch, tĩnh mạch, thì muộn

Số lượng thuốc đối quang i-ốt sử dụng có phù hợp

Các ảnh thu được có đảm bảo chất lượng cho chẩn đoán: hình nhiễu ảnh

Tai biến và xử trí

Đánh giá xem quá trình tiêm thuốc có đúng kỹ thuật; có bị vỡ thành mạch, thoát thuốc ra ngoài lòng mạch hay không

Theo dõi người bệnh xem có dấu hiệu di ứng thuốc hay không

Tai biến liên quang đến thuốc đối quang i-ốt: xem thêm quy trình Chẩn đoán và xử trí tai biến thuốc đối quang.