Nội dung

Đại cương về đo điện tâm đồ

Nguồn: Sách “ Đọc điện tâm đồ dễ hơn” – BS Nguyễn Tôn Kinh Thi- 2016

Khái niệm

Điện tâm đồ (Electrocardiogram) là đồ thị ghi lại quá trình hoạt động điện của tim, các biến thiên của các xung điện khử cực và tái cực của nhĩ và thất để giúp bác sĩ chẩn đoán, phát hiện và theo dõi các bệnh lý về tim mạch, tìm nguyên nhân bệnh tim để xử trí và điều trị kịp thời.

Tim co bóp theo điều khiển của một hệ thống dẫn truyền trong cơ tim. Các cực điện được đặt để ghi lại điện thế này và chuyển đến máy ghi. Máy ghi điện khuếch đại lên và ghi lại trên điện tâm đồ.

Khi không có tác động nào hiện hữu lên máy đo, máy sẽ ghi một đường thẳng nằm ngang gọi là đường đẳng điện.

Những chênh lệch trên đường đẳng điện gọi là sóng dương. Những chênh lệch dưới đường đẳng điện gọi là sóng âm.

Hình 1.1. Cách gọi tên các sóng

Chỉ định

Phát hiện các bệnh về tim: rối loạn nhịp tim, suy tim, nhồi máu cơ tim, sự thay đổi cơ tim, viêm cơ tim…

Chẩn đoán một số thay đổi sinh hóa máu, các rối loạn điện giải ảnh hưởng đến tim.

Chẩn đoán một số ngộ độc thuốc: digoxin, chống trầm cảm 3 vòng…

Những điều cần biết

Giấy đo ecg:

Có nhiều cỡ giấy phù hợp cho các loại máy đo điện tim 1 cần, 3 cần và 6 cần  Các cỡ giấy thường dùng:

50mm x 20m

50mm x 30m

60mm x 30m

63mm x 30m

145mm x 30mm

Hình 1.2. Một số giấy ghi điện tim

Một số loại máy đo điện tim

Hiện nay, người ta có thể đo điện tim bằng máy 1 cần (mỗi lần chỉ đo một chuyển đạo), 3 cần và 12 cần. Có loại máy đo và hình ảnh điện tim thể hiện trên màn hình vi tính. 

Hình 1.3. Một số máy đo điện tâm đồ

Máy điện tim hiện nay trên thị trường thường tích hợp chức năng tự động đọc kết quả.

Bút ghi bằng nhiệt được thiết kế gắn liền với máy in nhiệt.

Một số máy có màn hình hiển thị sóng điện tim, nhờ đó giúp người đo có thể xác nhận mức nhiễu trước khi in kết quả ra giấy

Các loại đo điện tim đặc biệt

Cách đo điện tâm đồ thông thường nêu trên còn gọi là đo điện tâm đồ 12 chuyển đạo chuẩn. Bệnh nhân được đo lúc nghỉ ngơi và toàn bộ thời gian đo điện tim thường chỉ trong chưa đầy 1 phút. Nếu đo với máy điện tim 12 cần (cùng một lúc đo 12 chuyển đạo) thì chỉ mất vài giây. Do đó, với cách đo thông thường này nhiều lúc không phát hiện được những bệnh lý xảy ra không thường xuyên hoặc chỉ xuất hiện trong những điều kiện nhất định.

Các cách đo điện tâm đồ đặc biệt, chẳng hạn như đo điện tâm đồ gắng sức và Holter và theo dõi sự kiện, được sử dụng để chẩn đoán những loại bệnh như vậy.

Nghiệm pháp gắng sức

Hình 1.4. Đo Điện tim gắng sức trên thảm lăn

Một số bệnh lý của tim chỉ xuất hiện khi tim đang hoạt động mạnh, cơ tim đòi hỏi oxy nhiều hơn. Để ghi nhận điều này, bệnh nhân được yêu cầu chạy trên thảm lăn, đạp xe đạp lực kế hoặc dùng thuốc. Tình trạng thiếu máu cơ tim sẽ biểu hiện ra bằng đau ngực và thay đổi trên điện tâm đồ. 

Điện tâm đồ Holter và theo dõi sự kiện

Hình 1.5. Máy theo dõi điện tim di động

Máy đo điện tâm đồ Holter là máy ghi điện tim nhỏ gọn để bệnh nhân mang liên tục trên người, giúp ghi nhận hoạt động điện học của tim trong vòng 24 giờ. 

Máy đo điện tâm đồ theo dõi sự kiện cũng là máy ghi điện tim mang sẵn trên người. Khi cảm giác thấy hiện tượng bất thường, bệnh nhân sẽ nhấn nút ghi lại hoạt động điện của tim. Một số máy có thể tự động khởi động mỗi khi máy cảm thấy nhịp tim đập bất thường.

Cách tính toán trên giấy điện tim

Thời gian

Tốc độ đo thông thường mặc định của các máy điện tim là 25mm/giây. Tốc độ này có thể thay đổi thành 50mm, 100mm/giây khi cần.

Với tốc độ giấy ghi điện tim là 25mm mỗi giây thì 1mm tương đương 0,04 giây

Hình 1.6. Tính thời gian trên giấy

Biên độ

Điện thế chuẩn quy ước là 1mm chiều cao tương đương 0,1mV.

Hình 1.7. Thời gian và Biên độ trên giấy

Trước mỗi chuyển đạo, máy sẽ nhảy điện thế chuẩn này để làm căn cứ tính biên độ của các sóng điện trên chuyển đạo đó. Máy sẽ thể hiện biên độ (chiều cao) 1mV của chuyển đạo đang được đo.