Nội dung

Điều trị bệnh cảm sốt, truyền nhiễm theo y học cổ truyền

Cảm sốt.

Cảm  mạo phong hàn:

Triệu chứng: người gai rét, sợ lạnh, sợ gió, sốt nhẹ, đau vai gáy, đau đầu, đau khắp người, mệt mỏi, hắt hơi sổ mũi, không ra mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù.

Phương pháp điều trị: phát tán phong hàn.

Thuốc xông: bạc hà, kinh giới, tía tô, lá bưởi, lá chanh, lá sả, cúc tần. Mỗi thứ một nắm rửa sạch đun sôi để xông, xông song lau sạch mồ hôi, ăn cháo hành nóng, đắp chăn kín.

Thuốc uống:

Tía tô 10g, kinh giới 10g, địa liền 6g, bạc hà 10g, vỏ quýt 6g, bạch chỉ 6g, gừng tươi 3 lát. Sắc uống ngày 1 thang trong 3 ngày.

Hào châm:

Huyệt chính: phong trì, khúc trì, hợp cốc; châm tả.

Huyệt phối hợp: bát tà, bát phong; châm bình bổ bình tả.

Cảm mạo phong nhiệt:

Triệu chứng: sốt cao, sợ nóng, sợ gió, mặt đỏ, đau đầu, ra mồ hôi, khát nước, chảy nước mũi đặc, ho đờm vàng, miệng khô đắng, chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng,         mạch phù sác.

Pháp điều trị: phát tán phong nhiệt.

Thuốc uống:

Bạc hà 12g, bạch chỉ 4g, cỏ màn trầu 12g, địa liền 8g, cát căn 12g, cây cối xay 10g, cam thảo đất 8g. Mỗi lần sắc cho vào 600ml sắc còn 300ml chia làm 2 lần uống, ngày uống 1 thang. Khi đạt hiệu quả thì ngừng thuốc.

Hoặc dùng bài: địa liền 20g, cát căn 30g, bạch chỉ 50g. Dùng bột hoặc viên ngày uống 2 lần mỗi lần 5g, uống trước bữa ăn.

Châm: thường dùng hào châm:

Huyệt chính: hợp cốc, liệt khuyết, ngoại quan, khúc trì.

Huyệt phối hợp: châm tả các huyệt dương lăng tuyền, huyền chung, bát tà, bát phong.

Nếu sốt cao có thể châm nặn máu trung xung 2 bên.

Say nắng, say nóng:

Đưa nạn nhân ra nơi thoáng mát, nới rộng khuy áo, quần.

Châm chích nặn máu huyệt thập tuyên (có thể chỉ châm 2 huyệt trung xung); hoặc dùng hào châm châm tả nhân trung, thừa tương.

Khi bệnh nhân đã tỉnh, châm: đại chuỳ, khúc trì, hợp cốc hoặc châm tả bát tà, bát phong.

Có thể cho uống thuốc thanh nhiệt giải thử kết hợp thanh nhiệt tả hoả giải độc hoặc dưỡng âm sinh tân tuỳ theo trạng thái của bệnh nhân.

Ỉa chảy.

Ỉa chảy cấp tính:

Ỉa chảy do phong hàn:

Triệu chứng: bệnh nhân nóng rét, đau đầu, đau mình mẩy, bụng đầy đau, ỉa chảy phân nhiều nước lổn nhổn, rêu lưỡi trắng, mạch phù.

Phương pháp điều trị: tân ôn giải biểu, cầm ỉa chảy

Thuốc: hương phụ 20g, búp ổi 20g, búp sim 20g, vỏ quýt 10g, củ sả 10g, gừng tươi 8g. Sắc uống ngày 2 lần, mỗi lần 200ml, ngày 1 thang.

Theo dõi sát bệnh nhân nếu mất nước phải kết hợp với Tây y.

Cứu cách gừng huyệt thiên khu, lương môn, cứu hai huyệt thay đổi 15 – 2 phút, liệu trình 3 – 5 ngày.

Ỉa chảy do thấp nhiệt:

Triệu chứng: bụng đau phải đi ngoài ngay, phân màu vàng, hậu môn nóng đỏ, tiểu tiện ít, màu đỏ, khát nước, rêu lưỡi vàng, mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị: thanh nhiệt lợi thấp, cầm ỉa chảy

Thuốc: cát căn 20g, rau má sao10g, cam thảo dây 10g, mã đề sao 20g. Sắc uống ngày 1 thang.

Nếu bệnh nhân có đau quặn bụng do co thắt đại tràng, có thể hào châm: thiên khu, dương lăng tuyền, túc tam lý, địa cơ.

Ỉa chảy do nhiễm độc thức ăn:

Triệu chứng: đau bụng, sau đại tiện thì đỡ đau, phân nặng mùi, rêu lưỡi nhợt, mạch hoạt sác.

Phương pháp điều trị: tiêu thực đạo trệ.

Thuốc: hương phụ 12g, củ sả 6g, vỏ quýt 6g, khổ sâm 16g, gừng khô 8g. Sắc uống ngày 1 thang, uống khi thuốc còn ấm.

Nếu bệnh nhân có đau quặn bụng do co thắt đại tràng, có thể hào châm: thiên khu, dương lăng tuyền, túc tam lý, địa cơ.

Ỉa chảy do tỳ vị hư hàn:

Triệu chứng: sắc mặt nhợt, ăn kém, mệt mỏi, bụng đầy chướng sau khi ăn, đại tiện lỏng, sống phân, chân tay lạnh, sợ lạnh, chất lưỡi bệu nhợt, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch trầm.

Phương pháp điều trị: ôn bổ tỳ vị, cầm ỉa chảy.

Thuốc: bố chính sâm 12g, củ mài 12g, trần bì 6g, ý dĩ 12g, hương phụ 10g, gừng khô 8g, cam thảo dây 6g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống khi thuốc còn ấm.

Hội chứng lỵ.

Lỵ cấp tính:

Triệu chứng: bệnh phát đột ngột, sốt cao, hoặc không sốt, mót rặn, đại tiện nhiều lần, phân ít hoặc không có phân, phân có nhiều máu mũi, thường do lỵ trực khuẩn hoặc đợt cấp của lỵ Amibe.

Phương pháp điều trị: thanh nhiệt giải độc, hoạt huyết chỉ huyết.

Thuốc: rau sam 15g, lá mơ lông 15g, khổ sâm 15g, cỏ sữa 12g. Sắc uống ngày một thang: đổ 3 bát (600ml) nước sắc còn 200ml, chia 2 lần uống. Tiếp tục dùng cho đến khi khỏi.

Lỵ mãn tính:

Triệu chứng: đau quặn bụng, mót rặn, đại tiện phân lúc táo lúc lỏng có máu mũi, có thể gây ra trĩ, sa trực tràng.

Phương pháp điều trị: kiện tỳ hành khí, hoạt huyết trừ thấp.

Thuốc: bố chính sâm 12g, ý dĩ 12g, trần bì 6g, rau má sao 15g, củ mài 12g, cỏ sữa 12g. Sắc uống ngày 1 thang, chia 2 lần uống trong ngày.

Sốt rét cơn.

Triệu chứng: sốt rét run thành từng cơn hàng ngày hoặc cách nhật, sau sốt vã mồ hôi, rêu lưỡi trắng mỏng, mạch phù sác.

Thuốc:

Bài 1: đại bi (đại phong ngải) 12g, rễ cây chàm mèo12g, hồng bì diệp (lá quất hồng bì)12g, tía tô 12g. Mỗi ngày một thang sắc uống (600 ml sắc còn 300 ml) cách uống như trên, uống thay trà có tác dụng phòng sốt rét.

Bài 2: đáo  gia thảo (cây cỏ xước) 40g, mã tiên thảo (cỏ roi ngựa) 20g

Đổ 600ml nước sắc còn 300 ml chia uống thay nước trà, uống liền trong ba ngày có tác dụng trị phòng sốt rét (ngược tật).

Bài 3: cóc mẳn (cúc mẳn, thạch hồ tuy, nga bất thực thảo) 120g. Mỗi ngày một thang sắc uống trước khi phát sốt 1 giờ (đổ 300 ml sắc còn 200 ml chia 3 lần uống).

Bài 4: diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 80 – 120 gam. Đổ 300 ml sắc còn 150 ml chia 3 lần uống với 30 ml rượu trắng trước khi phát sốt 2 – 3 giờ.

Châm:

(I): túc tam lý, dương lăng tuyền, hợp cốc.

(II): địa cơ, khúc trì, ngoại quan.

Hai nhóm huyệt thay đổi; sốt rét tiên phát: điện châm 3 giờ châm 1 lần, thường châm trước khi phát sốt 1 giờ.

Dự phòng viêm não, màng não do vi rút.

Triệu chứng: sốt cao kéo dài, đau đầu, buồn nôn, nếu nặng vật vã, co giật.

Thuốc:

Bài 1: kim ngân hoa 100 – 120g, bạch hoa xà thiệt thảo 30 – 40g, lá ba chạc (khô) 8 – 12g , rễ hoặc cành cây quán chúng, 6 – 8g. Cho vào 300ml sắc còn 150 ml chia làm 3 lần uống hoặc uống thay nước trà, mỗi ngày 1 thang uống từ 5 – 7 ngày tới khi hết sốt.

Bài 2: rễ cây quán chúng 6 – 8g, lá nhãn tươi 120 – 200g, lá hồng bì 120 – 200g, cam thảo bắc 15 – 20g. Cách sắc và uống như bài 1.

Châm: 

(I): túc tam lý, bát phong.

(II): khúc trì, bát tà.

Hai nhóm thay đổi, có thể dùng điện châm hoặc hào châm ngày một lần, 10 lần châm là một liệu trình.

Một số bài thuốc dự phòng và điều trị hbv, hiv và aids.

Theo Bạch Vĩnh Ba và Vu Quân Ngọc (Bắc kinh ,1994), Mỹ Quốc Phong (Thượng hảI, 1998) và theo kinh nghiệm của chúng tôi.

Bài 1: thiên hoa phấn (rễ cây qua lâu) 40g, hoàng kỳ 40g, xuyên tâm liên 20g, kim ngân hoa 40g, đan sâm 30g.

Bài 2: bạch hoa xà thiệt thảo 40 – 60g, rễ cà gai leo 20 – 30g, diệp hạ châu (chó đẻ răng cưa) 30 – 40g, hoàng liên 8 – 12g.

Bài 3: (ngoài tác dụng như trên, còn có tác dụng cai nghiện ma tuý)

Kim tinh thảo 20g (thay bằng đại hoàng sắc kỹ liều 4g), đan sâm 30g, chỉ thực 12g, ngải tượng 8g, hương phụ 12g, bạch thược 40g, hoài sơn 40g, thiên hoa phấn 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 50g.

Bài 4: hổ trượng 20g, thanh đại diệp 30g, bạch truật 30g, ngư tinh thảo 40g. Cách sắc và cách uống như trên.

Bài 5: hoàng kỳ 40g, kim ngân hoa 40g, cam thảo 15g, cát sâm 30g, bạch hoa xà thiệt thảo 40g, ngải tượng 6g.

Cách sắc của 5 bài thuốc trên đều mỗi ngày uống 1 thang, mỗi thang sắc 3 lần, mỗi lần cho vào 1000 ml – 1200 ml sắc còn 300 ml chia 3 lần uống, uống trong 7 – 10 ngày là một liệu trình, nếu đại tiện lỏng nát nhiều phải cho thêm 4 lát gừng khô tương đương 12 – 15g. Cai nghiện ma tuý phải uống một liệu trình sau củng cố 3 thang / tháng.