Đại cương
Phẫu thuật dị dạng tử cung là một loại phẫu thuật dưới rốn nên hoàn toàn có thể gây tê tủy sống với các phẫu thuật đơn giản, đòi hỏi độ giãn cơ vừa phải.
Chỉ định
Phẫu thuật dị dạng tử cung.
Chống chỉ định
Người bệnh từ chối.
Dị ứng thuốc tê.
Viêm nhiễm vùng chọc kim gây tê.
Thiếu khối lượng tuần hoàn chưa bù đủ, sốc.
Rối loạn đông máu nặng.
Dừng các thuốc chống đông chưa đủ thời gian.
Hẹp van hai lá khít, van động mạch chủ khít.
Tăng áp lực nội sọ.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa gây mê hồi sức.
Phương tiện
Kim tê tủy sống số 27G hoặc bộ dụng cụ gây tê ngoài màng cứng đóng sẵn.
Dụng cụ:
01 Khăn vô khuẩn có lỗ để trải vùng gây tê 01 khăn lau tay 01 cốc đựng dung dịch sát trùng kẹp phẫu tích để sát trùng gạc.
Bơm tiêm loại 5 ml và 1 ml.
Băng dính vô trùng dán lưng không thấm nước.
Găng tay vô trùng.
Máy gây mê, máy hút, bộ đèn đặt nội khí quản và các ống khí quản có bóng chèn các cỡ 6.5, 7.0, 7.5.
Dung dịch sát khuẩn Betadin 10%.
Thuốc.
Bupivacain 0.5% hoặc levobupivacain 0.5%.
Fentanyl 2ml 100mcg.
Morphin không chất bảo quản 1mg/ml.
Dịch truyền: dung dịch tinh thể như: Ringer lactat, Ringerfundin hoặc các dung dịch cao phân tử như Heas steril, Gelofundin…
Thuốc co mạch: Ephedrin ống 30 mg/1ml.
Atropin sulphat ống 0,25 mg/ 1 ml.
Các thuốc sử dụng trong cấp cứu.
Người bệnh
Giải thích cho người bệnh về kỹ thuật vô cảm để người bệnh biết và phối hợp khi gây tê vùng.
Hồ sơ bệnh án
Giấy cam đoan phẫu thuật.
Cho làm các xét nghiệm: đông máu, chức năng gan, thận, điện tim, Xquang tim phổi…
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ
Kiểm tra hồ sơ bệnh án của bệnh nhân ngay khi bệnh nhân vào phòng mổ, bao gồm:
Giấy cam đoan phẫu thuật.
Kiểm tra kết quả các xét nghiệm: đông máu, công thức máu, chức năng gan, thận…
Kiểm tra kết quả điện tim, Xquang tim phổi để loại trừ các bệnh kèm theo.
Phiếu khám tiền mê, biên bản hội chẩn phẫu thuật, chỉ định mổ và chữ ký của các thành viên.
Kiểm tra người bệnh
Cần khám và giải thích cho người bệnh trước khi tiến hành gây tê.
Khám chung: khám tim và phổi để phát hiện các bệnh lý kèm theo.
Khám cột sống vùng thắt lưng xem có nhiễm trùng da tại vị trí gây tê hoặc bệnh lý cột sống.
Tư vấn về phương pháp gây tê, ưu điểm và các tác dụng phụ kèm theo để cho bệnh nhân lựa chọn phương pháp vô cảm.
Thực hiện kỹ thuật
Tiến hành làm một đường truyền tĩnh mạch ở tay với kim luồn số 18, truyền tĩnh mạch 300 – 500 ml dung dịch Ringer lactat trước khi gây tê.
Mắc máy theo dõi liên tục các chỉ số: mạch, huyết áp, bão hòa oxy mao mạch, tần số thở.
Đặt tư thế người bệnh để gây tê: tư thế ngồi hoặc tư thế nằm nghiêng, cong lưng tôm.
Xác định vị trí chọc kim gây tê (đường ngang đi qua hai hai mào chậu tương ứng với L4-L5).
Sát trùng vùng lưng bằng dung dịch Betadin 10%.
Trải khăn vô khuẩn có lỗ ở vùng lưng.
Lau sạch Betadin ở vùng sẽ gây tê bằng gạc vô trùng.
Tiến hành gây tê tủy sống.
Chọc kim gây tê tủy sống loại 27 G, ở vị trí L2 – L3 hoặc L3 – L4, mặt vát của kim song song với thân người. Có thể thấy cảm giác mất sức cản khi kim đi qua dây chằng vàng và màng cứng, rút nòng kim thấy dịch não tủy chảy ra ở chuôi kim là kim đã đúng vị trí.
Tiến hành tiêm dung dịch thuốc tê vào khoang dưới nhện, tốc độ chậm.
Dung dịch thuốc tê thường sử dụng là: Bupivacain 0,1- 0,15 mcg/ kg.
Fentanyl 25-50 mcg, có thể phối hợp với 100 mcg morphin để giảm đau sau mổ.
Sau khi tiêm hết thuốc tê, hút kiểm tra xem, nếu hút ra dịch não tủy dễ dàng chứng tỏ đã tiêm hết dung dịch thuốc tê vào khoang dưới nhện.
Rút kim gây tê và dán vết chọc kim bằng băng dán không thấm nước.
Cho người bệnh nằm ngửa, thở oxy, tăng tốc độ truyền dịch, theo dõi liên tục huyết áp động mạch 2 phút/ lần.
Theo dõi mức độ phong bế cảm giác bằng châm kim đầu tù trên da. Theo dõi mức độ phong bế vận động bằng thang điểm Brommage. Có thể bắt đầu phẫu thuật khi mức độ phong bế cảm giác tới T10.
Khi huyết áp giảm > 20 % so với huyết áp nền của người bệnh thì tiến hành tiêm tĩnh mạch 10 – 30 mg Ephedrin.
Tiêm tĩnh mạch 0,5 mg Atropin khi tần số tim giảm trên 20% so với tần số tim cơ bản của bệnh nhân, có thể tiêm nhắc lại sau 5-10 phút nếu đáp ứng kém, tối đa không quá 3mg.
Theo dõi hồi tại phòng hồi tỉnh sự phục hồi vận động của hai chân và các dấu sinh tồn, tác dụng phụ của thuốc tê, tai biến do gây tê và tai biến phẫu thuật.
Tai biến và xử trí
Tụt huyết áp sau gây tê tủy sống
Nguyên nhân chủ yếu là do ức chế hệ thần kinh giao cảm gây giãn mạch ngoại vi và hậu quả là gây thiếu khối lượng tuần hoàn tương đối và giảm cung lượng tim.
Xử trí: tăng tốc độ dịch truyền, sử dụng các thuốc co mạch như ephedrin tiêm tĩnh mạch 5-10 mg nhắc lại nhiều lần đến khi nâng được huyết áp. Khi tụt huyết áp nặng và không đáp ứng với liều cao ephedrin, cần sớm sử dụng adrenalin.
Đau đầu sau gây tê tủy sống
Nguyên nhân do kim gây tê chọc thủng màng cứng gây thoát dịch não tủy vào khoang ngoài màng cứng làm giảm áp lực dịch não tủy gây đau đầu.
Xử trí: cho bệnh nhân nằm đầu bằng, sử dụng các thuốc giảm đau thông thường, nếu không đỡ thì có thể điều trị bằng bơm máu tự thân vào khoang ngoài màng cứng (Blood patch).