Nội dung

Kế hoạch đào tạo liên tục tại bệnh viện

 

Mục tiêu 

 sau khi học xong học viên có khả năng:

Mô tả được sự cần thiết của kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện.

Quy trình làm kế hoạch đào tạo liên tục.

Trình bày được các nội dung cơ bản của kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện. 

Nêu được các nội dung của việc triển khai kế hoạch đào tạo liên tục.

Thực hành: xây dựng kế hoạch của 1 khóa học.

Nội dung

 Sự cần thiết của kế hoạch đào tạo liên tục

Trong ngành y tế đào tạo liên tục là công tác quan trọng, Bộ Y tế chủ trương đào tạo liên tục là giải pháp tăng cường chất lượng đội ngũ nhân lực y tế hiện nay. Từ những năm 1990 Bộ Y tế dã xác định đào tạo liên tục là bộ phận không thể tách rời của công tác dào tạo nhân lực y tế, đến 1994

Chính phủ chính thức triển khai công tác đào tạo cán bộ công chức. Năm 2008 Bộ Y tế ban hành thông tư 07/2008 /TT-BYT yêu cầu tất cả các cán bộ y tế phải tham gia đào tạo liên tục và đến năm 2013 Bộ Y tế ban hành thông từ số 22/2013/TT-BYT nâng cấp thông tư 07/2008/TT-BYT đưa công tác đào tạo liên tục lên tầm cao mới. Thông tư quy định mọi cán bộ y tế đều có nghĩa vụ học tập liên tục để nâng cao trình độ và quy định các có sở y tế phải tổ chức cho cán bộ của mình được học tâp liên tục, Thông tư cũng quy định các bệnh viện sẽ là trọng tâm để triển khai công tác đào tạo liên tục của ngành.

Công tác đào tạo liên tục tuy đã triển khai trong ngành khá lâu, tuy nhiên khó khăn chủ yếu nhất là cách tổ chức đào tạo và đặc biệt là vấn đề kinh phí cho đào tạo liên tục do vậy Thông tư số 22/2013/TT-BYT cũng đã chỉ ra để có thể triển khai tốt công tác này thì cần phải xây dựng kế hoạch. Trên cơ sở đó mới có nguồn lực bao gồm, nhân lực, vật lực và tài lực cho công tác đào tạo liên tục. Thông tư có riêng Điều 12 về xây dựng và phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục trong đó đã chỉ ra:

Các cơ sở đào tạo liên tục có trách nhiệm xây dựng kế hoạch trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Thẩm quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục:

+ Bộ trưởng Bộ Y tế phê duyệt hoặc ủy quyền phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của Bộ Y tế và của các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Bộ Y tế.

+ Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phê duyệt hoặc ủy quyền cho Sở Y tế phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của tỉnh và các cơ sở đào tạo liên tục trực thuộc Sở Y tế.

+ Bộ trưởng, Thủ trưởng các Bộ, Ngành phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của các đơn vị đào tạo liên tục thuộc Bộ, Ngành.

+ Thủ trưởng các cơ sở đào tạo liên tục tổ chức xây dựng, phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục hằng năm của đơn vị trên cơ sở kế hoạch 5 năm đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Như vậy kế hoạch đào tạo liên tục bao gồm kế hoạch dài hạn và kế hoạch hàng năm. Trong các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến thì việc xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục gồm có 2 loại là:

Kế hoạch đào tạo liên tục trong 5 năm

Kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm

Quy trình xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện

Khác với việc thực hiện kế hoạch đào tạo ở các trường y tế theo năm học kéo dài từ tháng 9 năm nay đến tháng 8 năm sau, viêc triển khai công tác đào tạo liên tục chỉ thực hiện từ tháng 1 và đến tháng 12 là phải kết thúc. Vì vậy kế hoạch đào tạo liên tục là kế hoạch theo năm tài chính, kế hoạch phải được thẩm định và phê duyệt từ năm trước để năm kế tiếp tổ chức triển khai thực hiện.

Kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện có 2 loại: kế hoạch dài hạn (thường là 5 năm) và kế hoạch hàng năm

Kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm

 *.Kế hoạch của bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế          

  Vì việc đào tạo liên tục thường là thời gian ngắn (dưới 1 năm) nên kế hoạch đào tạo liên tục của các bệnh viện có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến thường là kế hoạch 5 năm và cần trình Bộ Y tế phê duyệt vì vậy quy trình xây dựng và phê duyệt đòi hỏi có đủ thời gian để xem xét và báo cáo các cơ quan có thẩm quyền nhà nước đưa vào kế hoạch kinh phí cho năm sau, vì vậy quy trình thông thường như quy trình xây dựng kế hoạch của ngành cụ thể như sau:

Tháng quý 3 hàng năm: xây dựng kế hoạch 5 năm tại bệnh viện

Thu thập thông tin và tiến hành xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục 

Xin góp ý của các bộ phận liên quan trong bệnh viện

Hoàn thiện và trình giám đốc bệnh viện xem xét để có tờ trình Bộ Y tế xin thẩm định, phê duyệt (do lãnh đạo bệnh viện ký trình Bộ Y tế)

Tháng 10: Trình bản dự thảo kế hoạch dài hạn xin Bộ Y tế thẩm định và phê duyệt (theo quy trình thẩm định và phê duyệt của Bộ Y tế)

Cục khoa học công nghệ và Đào tạo đầu mối báo cáo Bộ trưởng thành lập hội đồng thẩm định (phối hợp với Vụ Kế hoạch- Tài chính).

Sau khi hội đồng thẩm định thông qua, Cục khoa học công nghệ và

Đào tạo đầu mối phối hợp Vụ Kế hoạch – Tài chính trình Bộ trưởng phê duyệt.

Lưu ý: Bộ Y tế phê duyệt kế hoạch 5 năm của bệnh viện thuộc Bộ về đào tạo liên tục. Nếu được ủy quyền thì giám đốc bệnh viện mới phê duyệt. Tháng 11:  Bộ Y tế (Vụ Kế hoạch – Tài chính) tổng hợp và đưa vào kế hoạch chung hàng năm của Bộ để trình các cơ quan chính phủ cấp kinh phí.

Tháng 12. Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ tài chính thông báo kế hoạch cho Bộ Y tế

Trước 31/12. Bộ Y tế thông báo cho các bệnh viện thuộc Bộ kế hoạch năm sau (trong đó có kế hoạch đào tạo liên tục của bệnh viện).

Từ tháng 1 năm tới cho đến hết kỳ kế hoạch 5 năm: Các bệnh sau khi nhận được kế hoạch của Bộ Y tế

Đưa vào kế hoạch hàng năm,

Tổ chức triển khai thực hiện theo kế hoạch năm

Giám sát việc thực hiện kế hoạch (giám sát giữa kỳ)

Điều chỉnh kế hoạch 5 năm (nếu cần thiết)

*. Kế hoạch của bệnh viện trực thuộc Sở Y tế và các Bộ, Ngành

 Quy trình xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm cũng tương tự như quy trình của các bệnh viện trung ương, có điểm khác biệt sẽ là cấp trên quản lý trực tiếp của bệnh viện phê duyệt kế hoạch (Sở Y tế). Sau đó Sở sẽ tập hợp báo cáo tỉnh để đưa vào kế hoach chung của tỉnh/thành phố.

Kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm

 Kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm của bệnh viện được xây dựng dựa trên kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt. Kế hoạch đào tạo liên tục của bệnh viện là bộ phận của kế hoạch chung hàng năm. Kế hoạch chung của bệnh viện trình cấp thẩm quyền phê duyệt cần có dòng kinh phí đào tạo liên tục.

Quy trình cung tương tự như xây dựng kế hoạch 5 năm, đầu mối xây dựng kế hoạch đào tạo là đơn vị phụ trách đào tạo liên tục, phòng kế hoạch tổng hợp sẽ tổng hợp trong kế hoạch chung. Quy trình cụ thể như sau:

Quý 3: Thu thập thông tin

Tiến hành xây dựng dự thảo kế hoạch đào tạo liên tục 

Xin ý kiến của các đơn vị liên quan và hoàn thiện

Chuyển phòng kế hoạch tổng hợp của bệnh viện tập hợp trong kế hoạch chung ( cũng có thể là kế hoạch riêng biệt – do lãnh đạo Bệnh viện quyết định) Quý 4:

Hội đồng ( khoa học) của bệnh viện thẩm định, góp ý

Sửa chữa và hoàn thiện

Lãnh đạo bệnh viện ký quyết định phê duyệt

Từ quý 1 năm sau:

Tổ chức triển khai

Giám sát việc thực hiện kế hoạch

Rút kinh nghiệm và đánh giá việc thực hiện

Chuẩn bị cho kế hoạch năm tiếp sau

Lưu ý 

Kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm do Giám đốc bệnh viện phê duyệt

Kế hoạch hàng năm là 1 phần của kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt

Trong trường hợp chưa có kế hoạch 5 năm thì kế hoạch hàng năm  được đưa vào kế hoạch chung của bệnh viện 

Trong kế hoạch chung của bệnh viện nhất thiết có dòng kinh phí cho đào tạo liên tục.

Nội dung của kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm

Yêu cầu cho một bản kế hoạch tốt

Chúng ta đều mong muốn bản kế hoạch được chuẩn bị là tốt. Bản kế hoạch là tốt cần nhiều yếu tố, nhưng ít nhất cần đạt được các tiêu chí sau:

Khả thi. Bản kế hoạch phải có khả năng thực hiện được. Khi xây dựng kế hoạch bạn phải tin rằng có thể thực hiện được thì mới đưa vào kế hoạch. Bản kế hoạch đưa ra những con số mong muốn mà con số đó người làm kế hoạch tin là có thể thực hiện được trong bối cảnh cụ thể của mình vào năm cuối của kỳ kế hoạch

Đồng thuận. Bản kế hoạch là văn bản cần được sự đồng thuận của các phòng, ban liên quan chứ không chỉ là của bộ phận đào tạo liên tục, hay của 1 cá nhân nào đó. Bản kế hoạch phải được tính toán tỷ mỷ kỹ càng. Ví dụ trong kế hoạch phải tính toán chi phí để cho hoạt động đào tạo, và số kinh phí này là có thể có được trong bối cảnh chung.

Đặc thù của người làm kế hoạch phải chuẩn bị bản dự thảo dựa trên sự cần thiết của công tác y tế. Các cuộc họp thảo luận giữa các đơn vị liên quan trong bệnh viện để xem xét bản dự thảo do bộ phận đào tạo liên tục hay kế hoạch của bệnh viện để có được sự đồng thuận và chấp thuận của các đơn vị liên quan. 

 Được sử dụng Khi kế hoạch đã được sự chấp thuận phải được công bố và sử dụng liên tục. Kế hoạch là định hướng cho việc ra các quyết định về các hoạt động đào tạo, sắp xếp cán bộ chuyên môn cho giảng dạy hàng năm. Nó cũng được sử dụng để giám sát những gì đã xẩy ra. Các hoạt động đã làm được chưa, nếu chưa thì cần làm là gì?

Bản kế hoạch 5 năm: Thường thì các bệnh viện nói riêng, các cơ sở y tế nói chung rất ngại làm kế hoạch dài hạn vì nó phức tạp, mất thời gian và cũng rất khó phê duyệt. Nhưng lại rất cần thiết có bản kế hoạch tương đối dài hạn vì cần có đủ thời gian để thay đối những gì chúng ta muốn trong việc cải thiện, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ y tế. Đào tạo để nâng cao chất lượng nhân lực diễn ra không thể nhanh chóng được, đặc biệt đào tạo những loại cán bộ có trình độ chuyên môn cao, chuyên sâu. Mặt khác nếu kế hoạch 5 năm được phê duyệt cũng rất thuận lợi cho việc xây dựng và triển khai kế hoạch hàng năm và thuận lợi cho việc bố trí ngân sách cho đào tạo liên tục của nhà nước và của ngay trong bệnh viên. Kế hoạch 5 năm cũng cần được cập nhật thường xuyên hàng năm.

Các nội dung của bản kế hoạch đào tạo liên tục 

Kế hoạch đào tạo liên tục cũng như các bản kế hoạch khác bao giờ cũng phải trả lời 3 câu hỏi là: 

Hiện nay chúng ta đang ở đâu ?

Chúng ta mong muốn gì ở tương lai ?

Làm sao để đạt được mong muốn đó?

Như vậy nội dung của một bản kế hoạch đào tạo liên tục nhân lực y tế có nhiều cách cấu trúc khác nhau, tuỳ theo tình hình cụ thể nhưng nói chung bản kế hoạch phải trả lời được 3 câu hỏi trên, thông thường sẽ có các phần như sau:

*.Phần mở đầu 

Nhằm giới thiệu khái quát những gì chúng ta mong muốn ở bản kế hoạch này, như giới thiệu kế hoạch để làm gì? Ra đời trong bối cảnh nào, các giả thiết, giả định để xây dựng kế hoạch trong thời gian tới, xác định phạm vi của bản kế hoạch trong bối cảnh chung của ngành y tế nói chung và bệnh viện nói riêng. Sử dụng cập nhật bản kế hoạch, những căn cứ cho việc xây dựng kế hoạch và xác định khoảng thời gian của kế hoạch. Thực tế cho thấy về thời gian của kế hoạch đào tạo liên tục không nên quá dài mà chỉ nên từ 3-5 năm vì tình hình y tế thay đổi thường xuyên, việc đào tạo liên tục thường ngắn nên nếu đưa ra xa quá sẽ không còn chính xác. Trong tài liệu này chúng tôi chọn 5 năm vì nó phù hợp với yêu cầu của Bộ Y tế. Sau khi kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của bệnh viện được phê duyệt thì sẽ trích ra thành các kế hoạch hàng năm.

*. Hiện trạng và nhu cầu đào tạo liên tục 

Phần này trả lời câu hỏi hiện nay chúng ta đang ở đâu? Để trả lời được câu hỏi này các bệnh viện cần:

Hiện trạng tình hình nhân lực của bệnh viện: Mô tả thực trạng lực lượng lao động hiên tại của bệnh viện, xác định rõ những loại cán bộ nào cần được đào tạo liên tục, cập nhật kiến thức chuyên môn, kiến thức nghiệp vụ và quản lý của mỗi loại cán bộ y tế cũng như các loại cán bộ chuyên môn y tế và không phải chuyên môn y tế đang phục vụ trong bệnh viện. Xác đinh sự phân bố của của nhân lực y tế theo khoa phòng, cũng cần xác định phân bố của nhân lực theo tuổi, giới và tình hình biên chế của các bộ phận, cũng như vấn đề tài chính đáp ứng cho con người của bệnh viện. Đánh giá năng lực cán bộ về chuyên môn nghiệp vụ để xem xét về nhu cầu đào tạo liên tục trong 5 năm tới.

Nhu cầu số lượng cán bộ cần được đào tạo trong 5 năm

Dựa vào các hướng dẫn của Bộ Y tế trong Thông tư 22/2013/TTBYT về cập nhật y khoa liên tục cần xem xét nhu cầu cho các cán bộ của bệnh viện để đảm bảo trong 2 năm số cán bộ làm công tác khám chữa bệnh phải được đào tạo liên tục về chuyên môn đủ 48 tiết học; các đối tượng khác sắp xếp để được đào tạo 120 tiết học trong 5 năm. Như vậy phải đưa ra được bảng dự kiến số lượng cán bộ của bệnh viện sẽ được đào tạo trong 5 năm và phân ra từng năm.

Những bệnh viện có nhiệm vụ chỉ đạo tuyến ngoài việc xây dựng kế hoạch đào tạo cho cán bộ của mình còn phải dự kiến số lượng cán bộ của các cơ sở y tế khác mà bệnh viện phải đào tạo trong 5 năm và từng năm. – Một đối tượng khác là những cán bộ y tế ngoài công lập hoặc cá nhân có nhu cầu muốn được học tập để nâng cao trình độ chuyên môn.

Nhu cầu đào tạo nâng cao năng lực chuyên môn

Xem xét điều kiện cập nhật kiến thức, kỹ năng, thủ thuật và y đức của cán bộ y tế để xây dựng các khóa học Trong việc xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục vấn đề đánh giá hiện trạng chất lượng đội ngũ đáp ứng được nhu cầu công việc là rất quan trọng. Đặc biệt hiện nay có một số bệnh mới phát sinh như Cúm H5N1, H7N9, SARS, Tả, … dự báo khả năng dịch bệnh phát sinh trong năm tới cũng rất cần được xem xét để đưa vào kế hoạch đào tạo liên tục cập nhật kiến thức cho đội ngũ. Bên cạnh đó vấn đề về nguồn lực giảng viên, tài chính, cơ sở vật chất trang thiết bị, vật liệu dạy học cũng cần được đề cập trong bản kế hoạch. 

Những bất cập trong việc thực hiện kế hoạch đào tạo liên tục trong những năm trước. Vấn đề việc thực hiện các kế hoạch đào tạo liên tục những năm trước để tìm ra những hạn chế, yếu kém cần khắc phục cho kỳ kế hoạch tới.

Lựa chọn ưu tiên: Sau một loạt vấn đề được đặt ra cho công tác đào tạo liên tục tuy nhiên do nguồn lực hạn chế nên cần lựa chọn các ưu tiên và chỉ ra các mục tiêu đào tạo liên tục nhằm cấp thiết khắc phục những yếu kém. Các nhu cầu và các lĩnh vực cần được lựa chon ưu tiên trong từng khoảng thời gian nhất định. Ví dụ như lĩnh vực sản khoa cần ưu tiên đưa vào 5 năm của kỳ kế hoạch này, chủ đề cấp cứu nhi được ưu tiên chủ đào tạo ngay từ năm đầu của kế hoạch.

*.  Mục tiêu của kế hoạch 

Phần này trả lời câu hỏi ta muốn gì trong tương lai? Đôi khi người ta còn gọi là Tầm nhìn của kế hoạch.

 Kế hoạch đào tạo liên tục cũng như các kế hoạch khác, người ta đều nhắm đến đích nào đó trong tương lai, đó chính là mục tiêu của kế hoạch. Muốn kế hoạch thực hiện được thì việc xác định mục tiêu các chỉ tiêu cho cuối kỳ kế hoạch 5 năm chúng ta cần quan tâm các nội dung sau:

Sau khi xem xét nhu cầu về số lượng và các chủ đề cần đào tạo

liên tục đã đề cập ở phần trên, sau đó các vấn đề khác cần được cân nhắc là:

Các cơ sở đào tạo liên tục để thực hiện mục tiêu kế hoạch, cụ thể cần xem xét chương trình đào tạo và thời gian đào tạo cho từng loại cán bộ y tế cũng như phương thức tuyển sinh; cân đối cán bộ đi học và đảm bảo công việc chuyên môn hàng ngày của bệnh viện, khả năng đào tạo liên tục hiện nay, có thể phân chia ra 2 loại:

Các lớp học do bệnh viện tự tổ chức đào tạo: chương trình, tài liệu. giảng viên, cơ sở vật chất trang thiết bị, bệnh phòng,… để có thể có lớp học do bệnh viện tự tổ chức hoặc liên kết tổ chức theo nhu cầu của bệnh viện.

Bệnh viện cử cán bộ đến các cơ sở đào tạo liên tục có uy tín khác ở trong nước và ngoài nước để đào tạo theo nhu cầu của bệnh viện.

Nguồn lực cho bản kế hoạch đào tạo liên tục: Chi phí cho toàn bộ lĩnh vực cho việc đào tạo liên tục cần đặt trong tương quan chung của bệnh viện để cân đối kế hoạch tài chính và các nguồn lực khác của bệnh viện. Một bản kế hoạch đào tạo liên tục tốt nhưng không cân đối được tài chính sẽ là không khả thi. Vì vậy chúng ta cần xem xét khả năng tài chính và dự báo khả năng tài chính do các nguồn cung cấp cho đào tạo liên tục trong 5 năm tới. 

Rút kinh nghiệm được đánh giá việc thực hiện kế hoạch đào tạo

trong những năm trước để xây dựng mục tiêu cho 5 năm tới

Sau khi cân nhắc các yếu tố trên chúng ta sẽ đưa ra các mục tiêu

cho 5 năm tới cụ thể như sau:

Sẽ có bao nhiêu cán bộ của bệnh viện được đào tạo liên tục trong 5 năm tới và phân chia cho từng năm, phân theo trình độ chuyên môn và các khoa phòng.

Các chủ đề đào tạo (hay còn gọi là các khóa học) trong 5 năm tới sẽ được tổ chức đào tạo, mỗi năm có bao nhiêu chủ đề được đào tạo

Các bệnh viện có nhiêm vụ chỉ đạo tuyến lại cần phải tín toán để đưa ra các chỉ tiêu về số lượng, các chủ để cần đào tạo cho các bệnh viện tuyến dưới của mình trong 5 năm và chia ra từng năm.

  1. f) Sau khi xây dựng được mục tiêu cho kế hoạch 5 năm, Chúng ta sẽ

đặt ra các chỉ tiêu cho mỗi năm của kế hoạch 5 năm.

Lưu ý

Việc xác định mục tiêu và các chỉ số cũng cần căn cứ vào chủ trương chung của nhà nước, cũng như xác định các loại hình, trình độ chuyên môn của mỗi loại cán bộ y tế mà bệnh viện cần tổ chức cho đào tạo vào cuối kỳ kế hoạch

Cách viết mục tiêu dựa theo SMART hay RUMBA  đã được nghiên cứu trong chương trình sư phạm y học cơ bản của Bộ Y tế)

*. Giải pháp thực hiện kế hoạch

 Trong các giải pháp thực hiện kế hoạch đào tạo liên tục cần nêu rõ các nguồn lực cho triển khai thực hiện kế hoạch bao gồm:

Nguồn nhân lực: bao gồm đội ngũ quản lý tổ chức thực hiện, đội ngũ giảng viên trợ giảng.

Nguồn lực về tài chính: Nêu rõ tổng chi phi để thực hiện kế hoạch, trong đó cần chỉ rõ nguồn từ học phí của người học, ngân sách nhà nước, ngân sách của bệnh viện và các nguồn thu khác.

 

Nguồn lực về cơ sở vật chất trang thiết bị, hóa chất vật tư cho đào tạo liên tục, các khoa Lâm sàng và cận lâm sàng phục vụ cho đào tạo liên tục.

Trách nhiệm triển khai chi tiết, đầu mối thực hiện kế hoạch.

Công tác kiểm tra giám sát, điều chỉnh kế hoạch hàng năm.

Nội dung hoạt động về đào tạo liên tục trong 1 năm 

 Kế hoạch 5 năm của các bệnh viện sẽ được phê duyệt của cấp có thẩm quyền quy định tại Điều 12 của thông tư 22/2013/TT-BYT. Sau đó các bệnh viện sẽ có kế hoạch hàng năm. Kế hoạch hàng năm là trích từ kế hoạch 5 năm đã được phê duyệt.

Kế hoạch hàng năm tương tư như kế hoạch 5 năm nhưng đòi hỏi cụ thể hơn về số lượng người học, số lớp học, nội dung của mỗi lớp, địa điểm tổ chức, kinh phí, vật tư trang thiết bị, giảng viên và công tác quản lý.

 Một bản kế hoạch đào tạo liên tục có các nội dung sau đây:

Số lớp học theo từng chủ đề các khoá đào tạo.

Số lượng học viên của mỗi khoá và thời gian khoá học.

Kinh phí, vật tư trang thiết bị: 

Bao nhiêu? nguồn kinh phí từ đâu: học viên đóng góp học phí? kinh phí của tỉnh, Kinh phí từ chương trình dự án y tế? viện trợ, tài trợ?

Các trang thiết bị, vật tư, hóa chất, khoa lâm sàng…

Địa điểm triển khai

Tổ chức tại bệnh viện

Gửi đào tạo ở đơn vị đào tạo liên tục khác (BV khác, trường y tế,…)

Đơn vị/ người đấu mối tổ chức triển khai

Thực hiện kế hoạch đào tạo liên tục 

Sau khi đã chuẩn bị xong bản kế hoạch của bệnh viện chúng ta còn phải tiến hành các công việc khác nữa để kế hoạch được thực hiện là:

Thảo luận để thống nhất bản kế hoạch 

Kế hoạch đào tạo liên tục là khung để kiểm tra các hoạt động của các bộ phận trong bệnh viện vì vậy nó phải được sự chấp thuận của họ. Bản kế hoạch có sự tham gia của các đơn vị liên quan như phòng tài chính, Kế hoạch – tổng hợp và được phê duyệt của cấp có thẩm quyền. 

Thông báo về kế hoạch nhân lực

Khi bản kế hoạch 5 năm được phê duyệt của cấp có thẩm quyền, bản kế hoạch đó cần được nhân bản để tổ chức việc triển khai thực hiện.

Đơn vị phụ trách đào tạo liên tục căn cứ vào kế hoạch 5 năm để xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm của bệnh viện 

Thông báo kế hoạch 5 năm và kế hoạch hàng năm cho các bộ phận liên quan việc thông báo cần thiết để mọi người biết rằng chúng ta đang trông chờ gì trong 5 năm tới và cung cấp thông tin về mục tiêu ngắn hạn để theo dõi, giám sát.

Giám sát thực hiện công tác đào tạo liên tục

Trong năm, cần giám sát số lượng được đào tạo liên tục và so sánh với các chỉ tiêu đã ghi trong kế hoạch theo từng loại hình nhân lực y tế của bệnh viện. So sánh hàng quý để biết sự tiến triển của việc thực hiện kế hoạch. Giám sát giúp chỉ ra chỗ khó khăn, yếu kém để tìm giải pháp khắc phục. Nếu số lượng ít hơn đã ghi trong kế hoạch nghĩa là không có khả năng thực thi kế hoạch trong tương lai, khi đó cần tìm cách điều chỉnh kế hoạch. Nếu đánh giá thực hiện kế hoạch đào tạo liên tục mà thành công trong việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của bệnh viện thì kế hoạch này tốt cần tiếp tục trong những năm tới, còn nếu không cải thiện đáng kể chất lượng thì hoạt động đào tạo liên tục cần được xác định là ưu tiên hơn nữa cho những năm tiếp theo.

Cập nhật kế hoạch hàng năm

Bản kế hoạch chúng ta xây dựng cho 5 năm ví dụ 2015-2020 như vậy trong năm 2014 phải chuẩn bị cho xây dựng kế hoạch 2015-2020. Đến 2015 chúng ta sẽ cập nhật kế hoạch này cho 2016-2021 như vậy chúng ta luôn có kế hoạch cho 5 năm tới. Quy trình cập nhật có vẻ như rất nhiều việc, tuy nhiên một khi đã có kế hoạch 5 năm thì sẽ dễ dàng hơn để cập nhật, điều chỉnh kế hoạch so với bản đầu tiên. Chúng ta cần giám sát tất cả các loại thay đổi để đưa vào khi cập nhật, điều chỉnh kế hoạch, ví dụ như bệnh tật mới xuất hiện (như cúm AH7N9) thì cần đưa nội dung này vào kế hoạch. 

Kế hoạch triển khai một khóa học

Sau khi kế hoạch hàng năm được phê duyệt, cần xây dựng kế hoạch triển khai từng khóa học, lớp học. Kế hoạch triển khai một khóa học là bảng ghi các nội dung cụ thể, chi tiết. Căn cứ vào kế hoạch năm đã được duyệt, cán bộ quản lý đào tạo liên tục xây dựng kế hoạch triển khai. Một bản kế hoạch đào tạo liên tục cho một khóa học có các nội dung sau đây:

Tên khóa học

Mục tiêu khóa học 

Số lượng và đối tượng học viên 

Thời gian mở lớp: ghi rõ bao nhiêu ngày, từ ngày tháng nào đến ngày tháng nào? Bố trí học liên tục hay từng đợt

Địa điểm: lớp học ở đâu, học lý thuyết ở hội trường nào, thực hành ở bệnh viện, khoa phòng nào…

Chương trình/ thời khóa biểu của lớp học có ghi kèm tên giảng viên

Các tài liệu giảng dạy chính, tài liệu tham khảo, tài liệu phát tay và tài liệu cho giảng viên (nếu có)

Giảng viên: yêu cầu ghi rõ tên giảng viên, trợ giảng

Cán bộ tổ chức/phụ trách lớp học 

Yêu cầu chứng chỉ: số lượng, do ai cấp: Bộ Y tế, bệnh viện, Sở Y tế,…

Kinh phí: bao nhiêu, từ nguồn nào?

Điều kiện hậu cần cho lớp học: Hội trường, trang thiết bị, học liệu, những khóa học lâm sàng cần chỉ rõ khoa nào, buồng bệnh nào và loại bệnh nào cần chuẩn bị, điều kiện ăn ở, đi lại của học viên, giảng viên

Dự toán kinh phí chi tiết để trình phê duyệt 

Các phụ lục đính kèm như: Công văn triệu tập, chương trình và lịch dạy-học chi tiết, tài liệu, trang thiết bị và vật tư phục vụ cho khóa học

Kế hoạch đào tạo cán bộ công chức, viên chức

Tại các bệnh viện công lập, bên cạnh việc xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục của bệnh viện, cũng nên xem xét nguồn ngân sách nhà nước theo mục tiêu quốc gia về đào tạo cán bộ công chức của nhà nước để đưa vào kế hoạch của mình cụ thể như sau:

Đào tạo công chức, viên chức ở bộ y tế

*. Nguyên tắc chung

Từ những năm 1990, hàng năm nhà nước dành một khoản kinh phí cho đào tạo và bồi dưỡng cán bộ công chức, viên chức cho các cơ sở y tế công lập thuộc Bộ Y tế, đào tạo công chức viên chức cũng là một loại hình đào tạo liên tục và nó có 2 mục tiêu cụ thể là:

Đào tạo, bồi dưỡng theo tiêu chuẩn ngạch công chức và chức danh quản lý nhà nước.

Trang bị kiến thức, kỹ năng cơ bản, bổ sung, cập nhất kiến thức chuyên môn nghiệp vụ và quản lý cho đội ngũ cán bộ công chức, viên chức đang công tác trong ngành y tế.

Đào tạo theo mục tiêu thứ nhất hoàn toàn do Bộ Y tế đảm nhiệm (Vụ Tổ chức cán bộ)  

Đào tạo theo mục tiêu thứ 2 do các Bệnh viện thuộc Bộ có thể đề nghị dành khoản kinh phí để đào tạo liên tục về chuyên môn cho cán bộ của mình. Phê duyệt kế hoạch đào tạo liên tục về chuyên môn hàng năm do Bộ

 

Y tế (Cục khoa học công nghệ và Đào tạo phụ trách) đầu mối xây dựng. Các bệnh viện đề xuất kế hoạch đào tạo liên tục về chuyên môn và kinh phí để Bộ Y tế xem xét, đưa vào kế hoạch chung. Kinh phí cho chương trình rất hạn chế, thông thường chỉ dành cho những loại lớp có kỹ thuật, thủ thuật mới, những lớp thuộc nghiệp vụ đào tạo và nghiên cứu khoa học có thể áp dụng chung cho nhiều bệnh viện. Những bệnh viện có thể để xuất mỗi năm khoảng khoản 2-5 lớp để thực hiện. Đề xuất của bệnh viện gửi cho Bộ Y tế (vào tháng 10 hàng năm) để đưa vào kế hoạch cho năm sau.

*. Kế hoạch đào tạo công chức, viên chức ở Bộ Y tế: 

Đào tạo công chức, viên chức được thực hiện theo quy chế đào tạo theo quyết định của Thủ tướng chính phủ, là hoạt động tương đối riêng biệt. Hoạt động này được kết nối như là một nội dung của kế hoạch đào tạo của bệnh viện. Để có hoạt động này bệnh viện cần có văn bản riêng báo cáo Bộ Y tế đề xuất một số lớp trong kế hoạch đào tạo của bệnh viện, trong văn bản đó cần có nội dung về chuyên môn và kinh phí, cụ thể là:

Nội dung chuyên môn

+ Số lớp sẽ xin được thực hiện

+ Tên hoặc chủ đề khóa học, lớp học

+ Mục tiêu

+ Các nội dung chính

+ Số lượng học viên

+ Thời gian và địa điểm mở lớp

+ Đối tượng dự lớp (nếu kinh phí từ Bộ Y tế thì học viên chủ yếu dành cho cán bộ do Bộ quản lý)

Nội dung về kinh phí

Bệnh viện cần đề xuất dự toán kinh phí theo hướng dẫn và định mức của Bộ Tài chính gồm có các mục như:

+ Thù lao giảng viên ( rất hạn chế trợ giảng)

+ In/ mua tài liệu học học viên

+ Tổ chức và quản lý

+ Nước uống cho giảng viên/ học viên

+ Văn phòng phẩm

+ Chi phục vụ lớp học ( hội trường, điện nước,…)

+ Chi hỗ trợ học viên

+ Biên soạn giáo trình, chương trình chi tiết

+ Chi khác (tổ chức thi, chấm thi, chứng chỉ)

( Căn cứ  TT số 105/2001/TT-BTC hoặc cập nhật.)  

Chế độ báo cáo

Hết năm các bệnh viện phải báo cáo Bộ Y tế kết quả mởi lớp, nêu rõ ưu, khuyết điểm và khuyến nghị, đề xuất cho năm sau

Đào tạo công chức, viên chức ở địa phương

 Tương tự, Nhà nước cũng bố trí kinh phí cho đào tạo công chức, viên chức ở địa phương. Ở các tỉnh/thành hoạt động đào tạo này thường do Sở Nội vụ quản lý, ngành y tế ít được thụ hưởng.  Sở Y tế tập hợp nhu cầu của ngành và đề xuất với tỉnh dành một phần kinh phí cho ngành, cần đề xuất sớm (thường vào quý 3 hàng năm), theo dõi sát, để cuối năm các nội dung này nằm trong kế hoạch của tỉnh cho năm tới cho đào tạo liên tục y tế. Cách làm cũng tương tự như các bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế.

Câu hỏi lượng giá

Câu 1. Hãy trình bày sự cần thiết của kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện

Câu 2. Quy trình làm kế hoạch đào tạo liên tục. Khi nào bắt đầu xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm, kế hoạch đào tạo liên tục hàng năm

Câu 3. Các nội dung cơ bản của bản kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện? ai là đầu mối xây dựng kế hoạch đào tạo liên tục ở bệnh viện  

Câu 4. Kế hoạch đào tạo liên tục 5 năm của bệnh viện trung ương, của bệnh viện tỉnh do ai phê duyệt? thủ tục như thế nào? 

Câu 5. Sau khi được phê duyệt. chúng ta làm thế nào để triển khai được kế hoạch đào tạo liên tục 

Câu 6. Đào tạo cán bộ công chức viên chức y tế có phải là đào tạo liên tục không? muốn sử dụng kinh phí trong chương trình đào tạo cán bộ công chức chúng ta cần làm gì?

Câu 7. Bài tập: Kế hoạch triển khai khóa đào tạo liên tục ở bệnh viện.