Nội dung

Kháng sinh điều trị viêm nang lông

Định nghĩa

Viêm nang lông (Folliculitis) là tình trạng viêm nông ở một hoặc nhiều nang lông ở bất kỳ vùng da nào trừ lòng bàn tay và bàn chân. Bệnh gặp ở bất kỳ lứa tuổi nào, nhất là thanh thiếu niên và người trẻ.

Nguyên nhân

Nguyên nhân

Chủ yếu là tụ cầu vàng (S. aureus) và trực khuẩn mủ xanh (P. aeruginosa). Ngoài ra còn có thể do các nguyên nhân khác như: 

Nấm: Trichophyton rubrum hoặc Malassezia filliculitis (Pityrosporum filliculitis).

Virus: Herpes simplex thường gây viêm nang lông vùng quanh miệng.

Viêm nang lông không do vi khuẩn:

Pseudo-follicititis hay gặp ở vùng cằm do cạo râu gây hiện tượng lông chọc thịt.  Viêm nang lông tăng bạch cầu ái toan thường gặp ở những người suy giảm miễn dịch.

Viêm nang lông Decanvans hay gặp vùng da đầu gây rụng tóc vĩnh viễn.  Viêm nang lông ở những người công nhân tiếp xúc với dầu mỡ như thợ lọc dầu, thợ máy, công nhân xăng dầu…

Một số yếu tố thuận lợi

Các yếu tố tại chỗ:

Mặc quần áo quá chật.

Da ẩm ướt. 

Tăng tiết mồ hôi.

Gãi cào.

Cạo râu.

Nhổ lông.

Các thuốc hoặc mỹ phẩm gây kích ứng.

Dùng thuốc bôi corticoid lâu ngày.

Toàn thân:

Béo phì.

Tiểu đường.

Giảm miễn dịch bẩm sinh hay mắc phải.

Suy thận, chạy thận nhân tạo.

Thiếu máu do thiếu sắt đôi khi kết hợp đối với những trường hợp viêm nang lông mạn tính.

Triệu chứng

Lâm sàng

Tổn thương cơ bản là những sẩn nhỏ ở nang lông, trên có vảy tiết, không đau. Viêm nang lông có thể xuất hiện ở bất kỳ vùng da nào của cơ thể, trừ ở lông bàn tay bàn chân. Vị trí thường gặp nhất là ở đầu, mặt, cổ, lưng, mặt ngoài cánh tay, đùi, sinh dục, cẳng tay và cẳng chân… sau vài ngày tiến triển, tổn thương có thể khỏi không để lại sẹo. Số lượng tổn thương nhiều hay ít tùy theo từng trường hợp. Hầu hết các trường hợp chỉ có một vài tổn thương đơn độc và dễ dàng bỏ qua. Nhiều người bệnh có nhiều thương tổn, tái phát nhiều lần làm ảnh hưởng đến sức khỏe và chất lượng cuộc sống.

Một số biến chứng có thể gặp như chàm hóa, hoặc viêm lan tỏa xuống phía dưới nang lông hình thành nhọt, viêm mô bào hoặc nhiễm khuẩn huyết. 

Cận lâm sàng

Nuôi cấy vi khuẩn có thể thấy vi khuẩn tụ cầu vàng hoặc trực khuẩn mủ xanh. 

Soi nấm trực tiếp nhuộm Parker có thể thấy nấm Malassezia

Điều trị

Loại bỏ các yếu tố thuận lợi. 

Vệ sinh cá nhân

Rửa tay thường xuyên tránh tự lây nhiễm ra các vùng da khác bằng xà phòng

Lifebouy, Septivon…

Tránh cào gãi, kích thích vào tổn thương

Đối với những trường hợp nhẹ, chỉ cần dùng dung dịch sát khuẩn kết hợp với kháng sinh bôi tại chỗ.

Dung dịch sát khuẩn: có thể dùng một trong các dung dịch sát khuẩn sau: 

Povidon – iodin 10%.

Hexamidin 0,1%.

Chlorhexidin 4%.

Sát khuẩn ngày 2 – 4 lần trong thời gian 10 – 15 ngày.

Thuốc kháng sinh bôi tại chỗ: dùng một trong các thuốc sau: 

Kem hoặc mỡ acid fucidic 2%, bôi 1 – 2 lần/ ngày.

Mỡ Neomycin, bôi 2 – 3 lần/ngày.

Kem Silver sulfadiazine 1%, bôi 1 – 2 lần/ngày.

Mỡ mupirocin 2% bôi 3 lần/ngày.

Erythromycin 1 – 2 lần/ngày. 

Clindamycin 1 – 2 lần/ngày.

Bôi thuốc lên tổn thương sau khi sát khuẩn, thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày.

Trường hợp nặng cần phối hợp điều trị tại chỗ kết hợp với toàn thân bằng một trong các kháng sinh sau:

Penicilin M (cloxacilin) 2g/ngày.

Amoxicilin – clavulanat: 

Trẻ em 80mg/kg/ngày chia 3 lần.

Người lớn 1,5 – 2 g/ngày chia 2 lần.

Roxithromycin viên 150mg: 

Trẻ em 5 – 8mg/kg/ngày chia 2 lần.

Người lớn 2 viên/ngày chia 2 lần.

Azithromycin 500mg ngày đầu tiên sau đó 250mg/ngày x 4 ngày. 

Pristinamycin:  

Trẻ em 50mg/kg/ngày chia 2 lần. 

Người lớn 2 – 3g/ngày chia 2 lần.

Acid fucidic viên 250mg:

Trẻ em liều 30 – 50mg/kg/ngày chia 2 lần.

Người lớn 1 – 1,5 g/ngày chia 2 lần.

Thời gian điều trị từ 7 – 10 ngày.

Phòng bệnh

Vệ sinh cá nhân.

Tránh các yếu tố thuận lợi như môi trường nóng ẩm, các hóa chất dầu mỡ.

Điều trị sớm khi có tổn thương ở da.

Trường hợp tái phát cần lưu ý vệ sinh tốt loại bỏ các ổ vi khuẩn trên da như vùng rãnh mũi má, rãnh liên mông…

Tài liệu tham khảo

Dega H. (2001), Folliculites, furoncles et anthrax à staphylocoque doré, Thérapeutique dermatologique, Médecine-science – Flammarion, pp.288-293

Noah Craft. (2012), Superficial cutaneous infections and pyodermas Fitzpatrick’s Dermatology in general medecine Mc Graw Hill Eight Edition volume 2 pp. 2128- 2147 3. Phạm Thiệp, Vũ Ngọc Thúy, (2002) Thuốc, biệt dược và cách sử dụng, Nhà xuất bản Y học

Rebecca Kleinerman, Robert Phleps,(2010), Folliculitis, Treatment of skin diseases, Saunders Elsevier, Third Edition pp. 255-257.