Nội dung

Kháng sinh điều trị viêm bờ mi do vi khuẩn

Đại cương

Viêm bờ mi do vi khuẩn (Bacterial blepharitis) là nhiễm khuẩn bờ mi gây ra bởi vi khuẩn, gây ra các biểu hiện kích thích của các bộ phận ngoài nhãn cầu.

Nguyên nhân

Thường gặp do tụ cầu (Staphylococcus).

Triệu chứng

Lâm sàng

Thường gặp ở người trẻ, biểu hiện lâm sàng bao gồm ngứa bờ mi, cảm giác dị vật, bỏng rát, tiết tố dạng vảy cứng đọng quanh hàng chân lông mi ở bờ mi trước, có thể loét nhỏ bờ mi trước khi vảy cứng đã được lấy đi. Có hiện tượng giãn mạch ngoại vi của bờ mi trước và sau do phản ứng viêm, bạc lông mi, rụng lông, lông xiêu nhiều mức độ, thường kèm theo khô mắt tùy thuộc mức độ nặng và thời gian viêm ở bờ mi. 

Một số trường hợp có phối hợp viêm mạn tính bờ mi do viêm tắc tuyến Meibomius: giãn mạch bờ mi ở nửa sau, bờ mi dày và lỗ ống tuyến Meibomius bị đẩy lùi ra sau. 

Cận lâm sàng:

Nuôi cấy bệnh phẩm bờ mi thấy có tụ cầu.

Điều trị

Chăm sóc bờ mi hàng ngày: cần duy trì kéo dài (ít nhất 1 – 2 tháng):

Dùng tăm bông ẩm tẩm dung dịch dầu gội đầu của trẻ sơ sinh pha loãng chà dọc bờ mi, lấy sạch vảy bám, thực hiện 2 lần/ngày.

Bôi mỡ kháng sinh vào hai bờ mi sau khi đã làm sạch: dùng cloramphenicol 1%,  polymyxine B hoặc fluoroquinolon, bôi 2 lần/ ngày.

Bổ sung nước mắt nhân tạo cho các người bệnh khô mắt (Systane, Refresh Tears).

Với trường hợp có phản ứng viêm mạnh ở bờ mi có thể phối hợp tra thuốc chống viêm corticoid (prednisolon acetat, flumetholon, loteprenol), cần lưu ý giảm liều và tránh dùng kéo dài.

Trong trường hợp viêm mạn tính bờ mi do tắc tuyến Meibomius, thường hay phối hợp trên cơ địa bệnh trứng cá đỏ (blepharitis associated with rosacea): chăm sóc bờ mi hàng ngày bằng chườm ấm và mát xa bờ mi, uống Doxycyclin 50-100 mg hàng ngày (trẻ em > 8 tuổi: 1,25 – 2,5 mg/kg cho đến 50 mg, bệnh không gặp ở trẻ

Phòng bệnh

Giữ vệ sinh mi, tránh tiếp xúc với môi trường bụi và ô nhiễm. Sau khi tiếp xúc với môi trường bụi bẩn nên tra rửa mắt bằng dung dịch NaCl 0,9%, lau sạch tiết tố và bụi bám ở bờ mi và chân lông mi.