Nội dung

Kiểm soát véc – tơ truyền bệnh

Giới thiệu về véc-tơ và bệnh do véc -tơ truyền 

Khái niệm về véc – tơ truyền bệnh

Trong suốt lịch sử loài người, côn trùng và gặm nhấm đã gây nhiều phiền toái và nguy hiểm cho sức khoẻ con người. Những loại động vật này đã phá hoại các nguồn thức ăn của con người và truyền các bệnh nguy hiểm sang con người. Do vậy, các bệnh do véc-tơ truyền đã gây ra nhiều nỗi lo lắng về mặt sức khoẻ cũng như tử vong cho con người. Chúng ta đã biết đến một vụ dịch lớn xảy ra vào những năm 40 của thế kỷ 14 (1340s), 1/4 dân số thế giới đã chết vì bệnh dịch hạch, một căn bệnh do chuột và bọ chét truyền (đã được biết tới với cái tên cái Chết Đen The Black Death). Hiện nay, các bệnh do véc-tơ truyền vẫn là vấn đề hết sức bức xúc, đặc biệt là ở các nước đang phát triển. Do vậy, những cố gắng để ngăn ngừa những bệnh này là chú trọng vào việc phòng ngừa và kiểm soát véc-tơ. 

Véc-tơ là bất kỳ sinh vật nào có khả năng truyền mầm bệnh hoặc tác nhân gây bệnh tới khối cảm thụ. Các bệnh phổ biến do véc-tơ truyền là: bệnh do ricketsia, dịch hạch, sốt rét, sốt xuất huyết, các bệnh thương hàn, lỵ trực trùng, amíp, sốt do chuột cắn, ỉa chảy v.v.  Hai loại véc-tơ nguy hiểm nhất là gặm nhấm (chủ yếu là chuột) và côn trùng thuộc nhóm chân khớp (ví dụ ruồi, muỗi, gián, rận, bọ chét v.v.).

Theo cơ chế truyền bệnh, véc-tơ được chia làm 2 nhóm là truyền bệnh cơ học và truyền bệnh sinh học.

Truyền bệnh cơ học

Truyền bệnh cơ học là sự truyền bệnh với ý nghĩa côn trùng trung gian mang mầm bệnh tới khối cảm nhiễm mà không có sự nhân lên của tác nhân gây bệnh trong vật chủ trung gian. Nhóm truyền bệnh rất đơn giản là mang cơ học căn nguyên gây bệnh tới khối cảm thụ bởi các loài bò sát hay côn trùng trung gian biết bay qua chân bẩn hoặc vòi của chúng, hoặc như những kẻ mang theo mầm bệnh (tác nhân nhiễm khuẩn) qua đường tiêu hoá của chúng. Các véc-tơ điển hình theo con đường truyền bệnh cơ học là gián, ruồi nhà. Những bệnh chúng truyền chủ yếu là thương hàn, tả, lỵ, mắt hột, v.v.

Truyền bệnh theo đường sinh học 

Truyền bệnh sinh học có nghĩa là căn nguyên gây bệnh bắt buộc phải qua vòng nhân lên, phát triển về số lượng ở trong cơ thể vật chủ trung gian (động vật chân đốt) trước khi chúng có thể truyền tác nhân gây bệnh vào vật chủ là người. Thời kỳ ủ bệnh yêu cầu phải có sự thâm nhiễm của tác nhân gây bệnh vào côn trùng, thường thường bằng đường tiêu hoá trước khi chúng trở thành tác nhân gây nhiễm cho người. Sự truyền bệnh cho người hoặc các loài động vật có xương sống khác có thể tương tự như sự tiêm chích, trong quá trình hút máu của côn trùng các mầm bệnh từ các tuyến nước bọt của chúng truyền vào người và động vật hoặc sự chảy ngược trở lại vào vết đốt; có thể là sự lắng đọng các mầm bệnh từ phân vào da và những chất có khả năng thấm qua vết đốt hoặc những vùng tổn thương do vết gãi, vết trợt. Sự truyền bệnh này bao gồm nhóm truyền bệnh sinh học (tác nhân gây bệnh sống cùng với động vật chân đốt) và không phải đơn giản là mang cơ học mà véc – tơ như là một phương tiện vận chuyển

Ví dụ: Plasmodium phát triển trong cơ thể muỗi Anophelles (bệnh sốt rét), hay vi khuẩn dịch hạch phát triển trong dạ dày bọ chét Xenopchylla cheopis (bệnh dịch hạch), virus Dengue phát triển trong cơ thể muỗi Aedes aegypti (bệnh sốt xuất huyết), virus viêm não Nhật Bản B phát triển và nhân lên trong cơ thể muỗi Culex taetrinyorhyncus (bệnh viêm não Nhật Bản B) v.v…

Vài nét chung về dịch tễ học véc – tơ truyền bệnh

Đa số bệnh truyền nhiễm bao gồm 3 yếu tố trong đó 2 yếu tố sống chính là vật chủ và vật ký sinh, còn yếu tố thứ 3 là đường truyền. Bệnh lây qua véc-tơ truyền bệnh bao gồm ít nhất là 3 yếu tố tham gia vào với điều kiện môi trường thích hợp:

Cơ thể cảm thụ (người không được bảo vệ hoặc động vật).

Véc- tơ truyền bệnh (muỗi, ve, bọ chét, ruồi nhà, v.v.).

Tác nhân gây bệnh (virus, vi khuẩn, nấm đơn bào, giun, sán v.v.).

Ngoài 3 yếu tố nói trên, các bệnh gây ra bởi véc-tơ truyền bệnh thường bao gồm thêm yếu tố tham gia vào quá trình gây bệnh trong điều kiện môi trường truyền bệnh phù hợp như nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và yếu tố ổ chứa. ổ chứa có thể là những ổ bệnh thiên nhiên như chim, chuột hoặc những động vật có xương sống khác như cáo, chồn… hoặc những tác nhân nhiễm trùng từ môi trường bị lây nhiễm, hoặc phối hợp cả 2 yếu tố đó. Ngoài ra, ổ chứa có thể là người như trường hợp bệnh sốt xuất huyết.

Sơ đồ 8.1. Các yếu tố chính của bệnh lây qua véc – tơ truyền bệnh

Do vậy, muốn khống chế bệnh môi trường có hiệu quả, chỉ cần phá vỡ một khâu (một mắt xích) trong quá trình gây bệnh được mô tả trong sơ đồ 2.1.

Về lý thuyết: nếu có thể tiêu diệt hết tác nhân gây bệnh hoặc vật chủ trung gian hoặc tiêm phòng vắc-xin cho khối cảm thụ thì có thể thanh toán được các bệnh truyền nhiễm. Nhưng trên thực tế thì thường chúng ta phải tác động vào cả 3 mắt xích trong quá trình gây bệnh mới có thể kiểm soát được một bệnh nhiễm trùng lây nào đó.

Đặc điểm sinh học của một số loại véc – tơ truyền bệnh chính ở việt nam

Muỗi

Phân bố

Anopheles minimus, An. dirus, An. balabasensis…  là những loài muỗi truyền bệnh sốt rét chính ở Việt Nam, phân bố ở hầu hết các tỉnh thành có sốt rét lưu hành suốt dọc chiều dài của đất nước ta. 

ở Việt Nam, muỗi Ae. aegypti (gây bệnh Dengue xuất huyết) gặp ở mọi miền của đất nước. Culex pipiens quinquefascitus, muỗi truyền viêm não, giun chỉ phân bố khắp các khu vực nhiệt đới và cận nhiệt đới.

Đặc tính sinh học và tập quán

Vòng đời của muỗi gồm có 4 giai đoạn: trứng, ấu trùng, cung quăng, trưởng thành (sơ đồ 8.2).

Muỗi thường đẻ trứng vào mép nước, những nơi ẩm thấp và có khả năng ngập nước.

Giai đoạn ấu trùng kéo dài từ 7-10 ngày, nhưng có thể kéo dài tới 7 tháng nếu điều kiện ngoại cảnh khắc nghiệt.

Sơ đồ 8.2. Vòng đời của muỗi

Giai đoạn nhộng: vẫn chuyển động, đáp ứng với những kích thích bên ngoài, có thể kéo dài từ 1 – 5 ngày.

Thời gian hoạt động: muỗi Anopheles Culex hoạt động về đêm và đốt khi trời tối. Aedes hoạt động vào ban ngày. 

Nơi sống: thường sống ở những nơi tối, mát, ẩm trong nhà hoặc khu vực xung quanh nhà ở.

Tác hại 

Muỗi truyền các bệnh sốt rét, sốt xuất huyết, viêm não, sốt vàng và giun chỉ, các bệnh này có thể gây ra bất cứ hậu quả nào, từ sốt nhẹ tới tử vong. 

Sơ đồ 8.3 dưới đây trình bày một số bệnh do muỗi truyền xảy ra theo con đường người – muỗi – người.

Sơ đồ 8.3. Sự truyền bệnh theo con đường người – muỗi – người

Ruồi nhà

Phân bố

Musca domestica là loại ruồi nhà phổ biến, phân bố trên toàn thế giới.

Đặc điểm sinh học và tập quán (hình 8.2)

Hình 8.2. Hình thể của ruồi nhà

Vòng đời của ruồi nhà có bốn giai đoạn: trứng, ấu trùng, nhộng và ruồi trưởng thành (sơ đồ 8.4).

Tầm hoạt động:

Chỉ hoạt động trong ánh sáng.

Thích đậu ở các dây hẹp, các cạnh, mép sẫm màu.

Có xu hướng đậu trên các dây căng theo phương thẳng đứng.

Thức ăn của ruồi nhà chủ yếu là các dung dịch như xi – rô, sữa, hơi nước trên hoa quả, rau thối rữa, đờm mủ, phân và nước tiểu; các vùng da ẩm ướt như miệng, lỗ mũi, mắt; vết loét và vết thương; thịt, pho mát, đường, các chất hữu cơ thối rữa có nguồn gốc từ động vật và thực vật (phân súc vật, chất bài tiết của con người, rác thải sau khi chế biến thức ăn, phân hữu cơ…).

Sơ đồ 2.4. Vòng đời của ruồi nhà

Tác hại

Mang mầm bệnh cơ học và có thể truyền các bệnh đường tiêu hoá như lỵ, ỉa chảy, thương hàn, tả, các bệnh giun sán…

Gián

Phân bố

Blatella germanica là loài gián phổ biến trên toàn thế giới.

Đặc điểm sinh học

Vòng đời của gián gồm có 3 giai đoạn: trứng, ấu trùng và gián trưởng thành (sơ đồ 2.5). 

Nơi sống: chỗ ấm và ẩm như ở bếp, gần các dụng cụ nấu ăn, sau ống dẫn nước nóng; sau chai, bát đĩa trong chạn; dưới đồ đạc, thảm và tấm lót nhà; dưới các bồn rửa; trong cống rãnh, nhà vệ sinh, v.v.

Thức ăn: gián ăn được hầu hết tất cả mọi thứ, từ giấy, vôi quét tường, tóc, lông thú vật, sợi thô, kẹp sách, thức ăn, máu, đờm khô và tươi. 

Di chuyển: di chuyển một cách tự do từ nhà này sang nhà khác, từ cống rãnh tới các chung cư của người. Chúng cũng xâm nhập vào các nhà xung quanh từ khách sạn hay nhà hàng gần đó.

Sơ đồ 8.5. Vòng đời của gián

Tác hại

Mang mầm bệnh cơ học, truyền các bệnh: ỉa chảy, lỵ, tả, sốt thương hàn, các bệnh lây qua thức ăn.

Mang trứng ký sinh trùng, virus gây bệnh viêm tuỷ xám, các vi sinh vật khác: viêm gan, phong…

Chuột

Đặc điểm sinh học

Là loài động vật có vú thuộc bộ gặm nhấm.

Là một trong những nhóm đông đảo, dễ thích nghi với các điều kiện sống khác nhau.

Răng cửa được biệt hoá để gặm nhấm, mọc liên tục trong suốt vòng đời do chúng phải gặm các đồ vật một cách thường xuyên.

Có khứu giác rất nhạy, tạo ra nhiều mùi tự nhiên đặc trưng (pheromone) để thu hút đồng loại qua các chất nhờn tiết ra từ đuôi và do nước tiểu.

Tác hại 

Mối nguy hiểm về sức khoẻ:

Chuột có thể mang trên mình chúng rất nhiều mầm bệnh, nhiều bệnh có thể truyền sang người.

Phương thức gieo rắc nguồn bệnh: trong quá trình tìm thức ăn hay tìm bạn tình vào buổi đêm, chúng liên tục thải phân, nước tiểu và lông. Những thứ này có thể rơi vào thức ăn, giường, chiếu của con người.

Chuột nhà và chuột cống có thể truyền bệnh dịch hạch, thương hàn, sốt do chuột cắn, giun, nhiễm độc thức ăn do thương hàn và các bệnh nhiễm trùng khác. Đặc biệt, dịch hạch là một trong những bệnh lưu hành tại địa phương ở một số tỉnh Tây Nguyên (Gia Lai, Đăk Lăk…).

Hoạt động về đêm của gặm nhấm còn quấy phá giấc ngủ của con người, trong một số trường hợp, có thể gây nên sự hoảng sợ, thậm chí tai nạn nghiêm trọng. ư Phá hoại mùa màng:

Phá hoại hàng ngàn hecta hoa màu, lúa, ngô…, gây thiệt hại hàng trăm tỷ đồng mỗi năm.

Làm hư hại các công trình và nội thất:

Làm hư hại cấu trúc của các công trình, đồng thời thu hút các động vật có hại khác.

Gây hư hại đồ đạc có bọc đệm, bộ sưu tập của bảo tàng, các đồ da, quần áo, dây điện và các dụng cụ khác.

Gây hư hại cho các khu vườn và cây cảnh.

Đặc điểm của một số bệnh chính do véc – tơ truyền bệnh ở việt nam

Sốt dengue/sốt xuất huyết dengue

Tác nhân gây bệnh: là virus Dengue, có các typ huyết thanh D 1, 2, 3 và 4 thuộc họ Flavi virus (Flaviviruses).

Sự lưu hành: các typ virus Dengue hiện nay đang là nguyên nhân gây bệnh lưu hành địa phương ở hầu hết các nước vùng nhiệt đới. Tại Việt Nam, bệnh sốt xuất huyết Dengue thường lưu hành ở những vùng đồng bằng Bắc Bộ, các thành phố lớn như: Hà Nội, Hải Phòng… và hầu hết các tỉnh ven biển miền Trung vào mùa hè -thu. ở các tỉnh phía Nam, dịch lưu hành quanh năm.

ổ chứa: virus được duy trì trong chu trình người – muỗi Aedes aegypti tại các trung tâm thành phố vùng nhiệt đới (hình 8.4) chu trình khỉ – muỗi là ổ chứa của virus ở Đông Nam á và Tây Phi.

Véc-tơ truyền bệnh: là muỗi thuộc chi Aedes. ở Việt Nam chủ yếu bệnh được lây truyền qua 2 loài muỗi là Aedes aegypti (ở các thành phố) và A. albopictus (ở vùng Duyên Hải, nông thôn). Thời gian hoạt động của muỗi chủ yếu vào ban ngày, nhất là từ 9 giờ sáng đến 3 giờ chiều.

Hình 8.4. Một số hình ảnh về véc-tơ truyền bệnh sốt xuất huyết – muỗi Aedes aegypti

Cách lây truyền: qua vết đốt của muỗi mang virus.

Thời kỳ ủ bệnh: 3 – 14 ngày, thông thường từ 5 –  7 ngày.

Mức độ nguy hiểm: gây thành dịch lớn, có thể gây tử vong nếu không được điều trị kịp thời.

Bệnh sốt rét

Tác nhân gây bệnh: Plasmodium falciparum, P. vivax, P. malariae, P. ovale phát triển hữu tính trong cơ thể muỗi và truyền cho người. ở người, Plasmodium phát triển vô tính và được muỗi hút máu vào trong cơ thể muỗi, phát triển hữu tính và tập trung ở tuyến nước bọt của muỗi.

Sự lưu hành: lưu hành rộng rãi, ảnh hưởng đến sức khoẻ ở nhiều vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới. Các vùng lây truyền cao: Nam Mỹ (Brazil) và Đông Nam á. Tại Việt Nam, bệnh thường lưu hành ở vùng rừng núi, ven biển, đồng bằng Sông Cửu Long (hình 8.5).

Véc-tơ truyền bệnh: muỗi Anopheles cái. Thời gian hoạt động của muỗi chủ yếu vào lúc chập choạng tối.

Thời kỳ ủ bệnh:  

7 – 14 ngày đối với  P. falciparum.

8 – 14 ngày đối với  P. vivaxP. ovale.

7 – 30 ngày đối với  P. malariae.

Mức độ nguy hiểm: gây sốt rét lưu hành, sốt rét ác tính và biến chứng, có thể tử vong, đặc biệt là ở phụ nữ và trẻ em (xem thêm bảng 8.1).

Hình 8.5. Bản đồ phân bố bệnh sốt rét trên toàn thế giới

Hình 8.6. Bản đồ phân bố bệnh sốt rét ở khu vực Đông Nam á

Bảng 8.1. Triệu chứng của vết muỗi đốt và các bệnh do muỗi truyền

Muỗi

Bệnh

Triệu chứng chính

An. stephensi

Ae. aegypti

C.p. quinqueasciatus

Vết cắn

Ngứa và viêm dị ứng, phù khu trú sau đó một quầng đỏ được tạo thành

An. minimus, An. dirus..

Sốt rét

Rét run, sốt, đau đầu và các chi

Ae. aegypti

Sốt xuất huyết

Sốt, đau đầu, đau nhiều tại các chi và khớp. Biến chứng: xuất huyết

Culex tritaeniorhyncus

Viêm não Nhật Bản B

Đau đầu, sốt, buồn nôn sau đó co giật, hôn mê

C. quinquefasciatus

Viêm não St. Louis

Sốt, đau, đau đầu và hôn mê

C. quinquefasciatus,  An. gamblae, An. funestus, Ae.polynesiensis…

Giun chỉ

Sốt, đau đầu, phát ban, viêm hạch và mạch bạch huyết

Viêm não nhật bản b

Viêm não Nhật Bản B là bệnh nhiễm trùng toàn thân nhưng nặng nề nhất là ở não, gây dịch về mùa hè.

Tác nhân gây bệnh: Arbovirus nhóm B, chủng Flavivirus, họ Togaviridae.

Sự lưu hành: hiện nay viêm não Nhật Bản B đang có chiều hướng giảm dần ở Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc; nhưng lại đang có chiều hướng gia tăng ở một số nước Đông Nam á và Nam á: Băngladesh, Burma, ấn Độ, Nepal, Thái Lan và  Việt Nam. 

Véc-tơ truyền bệnh: ở Việt Nam, muỗi Culex tritecniorhyncus đóng vai trò quan trọng. Muỗi này sinh sản và phát triển nhiều ở đồng ruộng, chúng đốt chim, gia súc và người. Muỗi Culex hoạt động trong và quanh nhà, hút máu về đêm, ngừng hoạt động lúc 8 giờ sáng. Tỷ lệ lây lan bệnh phụ thuộc nhiều vào thời tiết chi phối sự sinh sản của véc tơ truyền bệnh và khối cảm thụ. Người lớn và trẻ lớn thường có miễn dịch nên tỷ lệ mắc bệnh cao nhất thường gặp ở trẻ em từ 3 đến 7 tuổi. 

Thời kỳ ủ bệnh: trung bình 1 tuần, tối thiểu là 5 ngày, tối đa là 15 ngày.

Mức độ nguy hiểm: khởi phát bệnh từ 1 đến 4 ngày, ngắn nhất là 12 giờ. Bao gồm các triệu chứng không đặc hiệu như: sốt, ho, mất ngủ, quấy khóc. Thời kỳ toàn phát: 7 đến 10 ngày, bao gồm các hội chứng thần kinh, tinh thần phong phú và hội chứng nhiễm trùng. Có thể gây co giật, hôn mê, liệt v.v… và thậm chí tử vong. 

Điều trị: hiện nay vẫn chỉ điều trị triệu chứng, không có thuốc điều trị đặc hiệu. 

Đường lây truyền của bệnh (sơ đồ 8.6).

Sơ đồ 8.6. Đường lây truyền bệnh viêm não Nhật Bản B

Dịch hạch

Tác nhân gây bệnh: trực khuẩn dịch hạch Yersinia pestis (hình 8.7).

Hình 8.7. Trực khuẩn gây bệnh dịch hạch Yersinia pestis trong máu người

Sự lưu hành: bệnh thường lưu hành ở một số vùng thuộc miền Tây nước Mỹ, những vùng rộng lớn của Nam Mỹ, Bắc – Trung – Tây và Nam Phi, Trung và Đông Nam á. ở Việt Nam, bệnh thường lưu hành ở Tây Nguyên.

ổ chứa: các loài gặm nhấm hoang dại, đặc biệt là chuột và sóc đất là ổ chứa tự nhiên của dịch hạch. Những động vật nuôi trong nhà (chủ yếu là mèo) cũng có thể là nguồn truyền nhiễm lây sang người.

Véc-tơ truyền bệnh: bọ chét, đặc biệt là loài Xenopsylla cheopis bọ chét chuột (hình 8.8). Đôi khi lây lan từ người sang người qua bọ chét Pulex irritans.

Hình 8.8. Bọ chét Xenopsylla cheopis (véc-tơ truyền bệnh dịch hạch)

Cách lây truyền: qua vết đốt của bọ chét mang bệnh.

Thời kỳ ủ bệnh: từ 1-7 ngày, có thể kéo dài thêm vài ngày ở những người đã được tiêm phòng. Đối với dịch hạch thể phổi tiên phát từ 2 – 4 ngày, thường là rất ngắn, thậm chí chỉ 24 h.

Mức độ nguy hiểm: ở mức độ cá thể, nếu không được phát hiện và điều trị sớm  có thể gây tử vong ở  mức độ quần thể có thể gây nên một vụ dịch lớn trên một diện rộng.

Các biện pháp kiếm soát véc – tơ truyền bệnh

Vệ sinh môi trường, vệ sinh cá nhân và vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở / kiểm soát môi trường 

Vệ sinh cá nhân:

Thường xuyên giữ cho cơ thể sạch sẽ.

Giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi ngoài.

Vệ sinh môi trường và vệ sinh khu vực xung quanh nhà ở:

Sử dụng hố xí hợp vệ sinh.

Ngăn chặn nơi thâm nhập của véc – tơ gây bệnh: chăng lưới chống muỗi, ruồi quanh nhà, nằm màn, chặn các lỗ mà chuột có thể ra vào v.v… Đối với khu vực được coi là có nguy cơ cao về muỗi (rừng, nơi ẩm thấp) cần mặc quần áo dài khi đi làm. 

Loại bỏ thức ăn thừa.

Loại bỏ nơi trú ẩn và nơi sinh sản của các loại véc-tơ truyền bệnh: 

Tránh đọng nước: không để các mảnh vỡ, vỏ lọ có chứa nước, các vũng nước tù đọng quanh nhà.

Che đậy các dụng cụ chứa nước.

Dọn dẹp các nơi ẩm thấp có thể là nơi trú ẩn của muỗi, ruồi, gián, chuột.

Hệ thống thoát nước bẩn phải được làm tốt.

Thu gom và xử lý chất thải hợp vệ sinh.

Thay đổi tập quán vệ sinh, sinh hoạt và canh tác lạc hậu để hạn chế sự phát triển của véc-tơ

Phá vỡ chu trình sống của ký sinh trùng: uống thuốc diệt ký sinh trùng sốt rét.

Tăng cường các biện pháp truyền thông, giáo dục sức khoẻ cho cộng đồng về các biện pháp phòng chống véc-tơ truyền bệnh và các bệnh do véc-tơ truyền. 

Biện pháp hoá học, cơ học và sinh học

Biện pháp hoá học

Ở mức cộng đồng: phun hoá chất diệt côn trùng: diệt ruồi, muỗi, gián v.v…

Tại từng gia đình, có thể dùng hương xua muỗi, ống xịt côn trùng, dùng bả chuột… nằm màn tẩm hoá chất v.v…

Tại các cánh đồng: dùng hơi độc hoặc mồi độc để diệt chuột.

Biện pháp cơ học, lý học

Vỉ đập ruồi.

Hộp nhử muỗi.

Bẫy chuột, keo dính chuột, xông khói bắt chuột v.v..

ánh sáng.

Biện pháp sinh học

Sử dụng một số động vật được coi là thiên địch của các loại véc-tơ truyền bệnh để loại trừ các loại véc-tơ truyền bệnh này.

Tăng cường nuôi mèo, rắn, cú để diệt chuột. Cấm săn bắt trái phép mèo, rắn và cú. Có thể dùng bả chuột vi sinh để làm bẫy nhử chuột. Mục đích của biện pháp này là gây dịch cho chuột bằng các dòng vi khuẩn, chuột có thể bị chết mà không ảnh hưởng tới các vật nuôi khác.

Thả mesocyclops và cá vào các bể chứa nước và các ao hồ để tiêu diệt ấu  trùng muỗi.

Nấm diệt bọ gậy.