Nội dung

Kỹ thuật băng chun mỏm cụt chi dưới

KỸ THUẬT BĂNG CHUN MỎM CỤT CHI DƯỚI

 

Đại cương 

Băng mỏm cụt là kỹ thuật rất quan trọng được dùng từ những năm đầu của thập niên 1900, với quan niệm sẽ tạo dáng mỏm cụt và làm cho mỏm cụt lắp vừa vặn vào ổ mỏm cụt. 

Hiện nay, các nhà chuyên gia chân tay giả và các nhà phẫu thuật càng điêu luyện hơn trong việc tạo dáng hình dạng của ổ và việc thực hiện băng nỏm cụt đúng cách để không làm hủy hoại các mô. Việc băng mỏm cụt cần thiết để nâng mô mềm của mỏm cụt trong giai đoạn đầu sau phẫu thuật.

Chỉ định

Các mỏm cụt trên gối và dưới gối: bắt đầu băng mỏm cụt vào ngày thứ nhất sau phẫu thuật, đặc biệt khi mỏm cụt chưa ổn định.

Chống chỉ định

Những biến chứng thứ phát sau phẫu thuật cắt cụt chi tạo hình mỏm cụt:

Mỏm cụt bị tổn thương sau phẫu thuật như chảy máu mỏm cụt do cầm máu không triệt để, tuột chỉ thắt mạch máu, chảy máu đầu xương hoặc do va đập vào đầu mỏm cụt.  

Viêm tủy xương.

Abces (áp xe) cơ.

Mỏm cụt còn vết thương nhiễm trùng, tình trạng viêm loét vết mổ do sót chỉ, lành chậm.

Viêm da đầu và xung quanh mỏm cụt, viêm loét do dị ứng của da với băng (vùng da bị đỏ, kém cảm giác, ngứa lở) hoặc thuốc bôi trên mỏm cụt, thiếu chăm sóc vệ sinh da…

Nhọt sâu trong mô mềm của mỏm cụt.

Vùng da của mỏm cụt mất cảm giác rộng vì người bệnh không biết được cảm giác đau do chi giả đè ép sẽ làm giập nát hay hoại tử các tổ chức dưới da mà không biết.

Chuẩn bị

Người thực hiện:

Điều dưỡng, Kỹ thuật viên vật lý trị liệu.

Phương tiện:

Băng chun giãn (băng phải sạch và được giặt hàng ngày) 

Mỏm cụt trên gối: dùng băng thun rộng 15 cm

Mỏm cụt dưới gối: dùng băng thun rộng 10 cm

Người bệnh:

Người cắt đoạn chi trên gối, dưới gối và tháo khớp gối. Mỏm cụt phải sạch và khám trước khi băng.

Hồ sơ bệnh án:

Được Bác sĩ chỉ định băng mỏm cụt sau khi phẫu thuật.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra người bệnh

Thực hiện kỹ thuật

Trong việc băng mỏm cụt cần tuân thủ những hướng dẫn sau:

Nếu có sưng phù phải đo chu vi chi trước và sau khi băng.

Phải băng vào buổi sáng trước khi người bệnh thòng chân xuống giường – Băng cả ngày và đêm khi chưa có chân giả, cả khi không có phù nề.

Tránh vòng băng ngang, nên băng nghiêng hoặc xoắn chéo.

Giảm sức ép dần từ ngọn chi tới hướng gốc chi. – Vòng băng không được giới hạn cử động của khớp cũng như không được gây hạn chế tuần hoàn; không được gây lằn, gấp nếp da.

Không được gây cảm giác đau tức cho người bệnh.

Khi băng phải tránh tai mèo (cat’s ears) và nếp nhăn ở trong băng.

Không để băng tuột khi người bệnh vận động sinh hoạt.

Không dùng loại băng mất tính đàn hồi.

Người bệnh phải tự săn sóc và băng mỏm cụt.

Băng liên tục, chỉ ngưng khi người bệnh mang chi giả thường xuyên.

Nếu không mang chi giả, mỏm cụt cần được băng tiếp, nhất là khi người bệnh thường xuyên ở vị thế đứng (đoạn chi dưới ).

Cách giặt băng chun:

Băng thun được gấp theo chiều dài khoảng 25 cm.

Nhúng trong nước ấm có xà phòng nhiều bọt, chỉ ép băng chứ không bao giờ được xoắn vặn.

Sau đó xả sạch nước xà phòng trong thau nước ấm khác.

Không bao giờ treo băng trên dây phơi. 

Không dùng nhiệt để làm mau khô băng, nên trải phơi trên mặt phẳng.

Khi băng khô, cuộn lỏng lại, nhưng trước khi dùng thì cuộn lại cho chắc hơn. 

Theo dõi

Màu sắc, hình dáng mỏm cụt.

Tai biến và xử trí

Tổn thương bề mặt da do loét: rửa nước muối sinh lý, giữ gìn da khô ráo sạch sẽ.