Đại cương
Ho thông thường: là một phản xạ bảo vệ của cơ thể nhằm tống những vật “lạ” ra ngoài.
Để thay thế những cơn ho thông thường dễ gây mệt, khó thở, cần hướng dẫn người bệnh sử dụng kỹ thuật ho có điều khiển:
Ho có điều khiển là động tác ho hữu ích giúp tống đờm ra ngoài, làm sạch đường thở và không làm cho người bệnh mệt, khó thở…
Mục đích của ho có điều khiển không phải để tránh ho mà là dùng động tác ho để làm sạch đường thở.
Chỉ định
Người bệnh có nhiều đờm gây cản trở hô hấp hoặc gặp khó khăn khi khạc đờm.
Các bước tiến hành
Bước 1: Người bệnh ngồi trên giường hoặc ghế với hai chân chạm đất, người hơi ngả về phía trước, thư giãn, thoải mái.
Bước 2: Hít thở sâu bằng cơ hoành 3-4 lần.
Bước 3: Khoanh hai tay trước bụng và hít vào chậm và thật sâu bằng mũi, nín thở trong 3 giây.
Bước 4: Để thở ra: ngả người về phía trước, hai tay ép vào bụng. Ho mạnh 2 lần với miệng hơi mở, lần đầu để long đờm, lần sau để đẩy đờm ra ngoài.
Bước 5: Hít vào chậm và nhẹ nhàng bằng mũi. Động tác này sẽ giúp ngăn ngừa đờm di chuyển ngược lại vào đường hô hấp.
Nghỉ ngơi vài phút và thực hiện lại các bước trên nếu cần.
Lưu ý:
Khạc đờm vào lọ để xét nghiệm hoặc khạc vào khăn giấy, sau đó bỏ vào thùng rác tránh lây nhiễm.
Khi có cảm giác muốn ho, đừng cố gắng nín ho mà nên thực hiện kỹ thuật ho có điều khiển để giúp tống đờm ra ngoài.
Tùy lực ho và sự thành thạo kỹ thuật của mỗi người, có khi phải lặp lại vài lần mới đẩy được đờm ra ngoài.
Một số người bệnh có lực ho yếu có thể thay thế bằng kỹ thuật thở ra mạnh.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Bartolome R. Celli (2011), “Pulmonary rehabilitation in COPD”, UpToDate version 19.1.
Bolton CE, Bevan Smith EF, Blakey JF, et al. (2013), “Bristish Thoracic Society guideline on pulmonary rehabilitation in adults”, Thorax; 68: ii1-ii30.
Gregory Reychler, Jean Roeseler, Pierre Delguste “Kinésithérapie respiratoire”, Elsevier Masson, 2007.
Nici L., Donner C., Wouters E., et al. (2006), “American Thoracic Society/European Respiratory Society statement on pulmonary rehabilitation”, Am J Respir Crit Care Med; 173:1390.
Troosters T., Casaburi R., Gosselink R., et al. (2005), “Pulmonary rehabilitation in chronic obstructive pulmonary disease”, Am J Respir Crit Care Med; 172:19.
Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman,”Pulmonary diseases and disorders”, 4th Mc Graw Hill company, 2008.
Jonh F. Murray, Jay A. Nadel “Textbook of respiratory medicine 5th edition”, W.B Saunders company, 2010.