Nội dung

Kỹ thuật nạo xương viêm trên người bệnh đái tháo đường

Đại cương

Đái tháo đường (ĐTĐ)  là bệnh rối loạn nội tiết – chuyển hóa mãn tính, đặc trưng là tình trạng tăng đường máu kết hợp với bất thường về chuyển hóa carbonhydrat, lipid và protein.

ĐTĐ gây ra nhiều biến chứng gây bệnh lý ở hầu hết các cơ quan trong cơ thể ảnh hưởng đến chức năng sinh lý và tính mạng của người bệnh . 

Nhiễm khuẩn nói chung và nhiễm khuẩn ở xương nói riêng có phối hợp với các mô khác trên người bệnh  ĐTĐ  là biến chứng thường gặp và đến  sớm. Đặc tính của các viêm xương ở người bệnh ĐTĐ  là hậu quả từ vết thương nhỏ trên da tạo nên nhiễm khuẩn phần mềm  âm ỉ, sau đó sẽ lan rộng ra tổ chức xung quanh trong đó có xương.

Một số trường hợp viêm xương, tủy xương  do ổ nguyên phát từ xa, vi khuẩn theo đường bạch huyết, mạch máu hoặc qua khe cân khoang tổ chức tế bào vào trong xương và tủy xương. Viêm xương tủy xương thường kết hợp với viêm hoại tử  rộng phần mềm xung quanh. 

Do tính đặc biệt tổn thương viêm trong ĐTĐ nên điều trị cần phối hợp giữa trích rạch dẫn lưu ổ viêm, lấy bỏ xương viêm, hoại tử và điều trị toàn thân tích cực. 

Chỉ định

Tương  ứng với ổ viêm đã nhuyễn thể hóa, trên phim XQ có thể  thấy tình trạng  tổn thương màng  xương, viêm hoại tử  một phần thân xương, tiêu các khớp hoặc có các đoạn xương chết.

Chống chỉ định  

Các bệnh lý về tim mạch

Các rối loạn về đông máu

Chuẩn bị 

Người thực hiện

1 bác sỹ phẫu thuật

1 bác sỹ phụ

1 điều dưỡng dụng cụ

Phương tiện

Bộ dụng cụ phẫu thuật, băng gạc, săng vô khuẩn.

Dao điện

Dây ga rô cao su

Bơm tiêm vô khuẩn 5 ml hoặc 10 ml

Thuốc gây tê: Lidocain 1% 5- 20 ml (nếu gây tê tại chỗ)

Bộ hộp thuốc chống shock phản vệ.

Nước ô xy già, betadin, nước muối đẳng trương

Người bệnh

Khám và giải thích về bệnh tình cho người bệnh và người nhà người bệnh.

Làm các xét nghiệm cơ bản.

Kháng sinh phổ rộng phối hợp

Người bệnh phải được kiểm soát tốt đường huyết (

Nước tiểu không có ceton 

Hồ sơ bệnh án:

Làm hồ sơ bệnh án theo mẫu qui định chung của Bộ Y tế 

Các bước tiến hành 

Tư thế người bệnh:

Nằm cố định trên bàn mổ

Vị trí phẫu thuật viên và phụ 

Phẫu thuật viên đứng đối diện với người phụ qua bàn mổ.

Thực hiện kỹ thuật

Sát trùng vùng mổ bằng Betadin, sau đó bằng cồn 70 độ

Ga rô động mạch phía trên ổ xương viêm nếu xương viêm là các xương ở chi

Vô cảm: gây mê hay tê đám rối thần kinh gốc chi, tê tại chỗ bằng tiêm dưới da xung quanh vùng mổ hoặc gốc chi Lidocain1% 10- 30 ml.

Các đường rạch da: Thông thường các đường rạch da ngay trên ổ xương viêm (thường có đường dò định hướng) dọc theo các hướng cơ, tránh gây tổn thương mạch máu và thần kinh lớn. Đối với các ổ viêm xương  ở sâu  đường rạch mở phải được xác định bởi đặc điểm giải phẫu định khu phân bố những bao cơ, khoang tổ chức tế bào giữa các cơ, đường đi của các mạch máu thần kinh lớn ở khu vực phải mở vào. Đường rạch da phải tránh được các đường đi của bó mạch thần kinh, tránh cắt ngang cơ, tránh rạch qua khớp trừ khi chính chỗ đó có thương tổn. Thường đường rạch dùng để kết hợp rạch tháo mủ cho ổ viêm mủ phối hợp.

Kỹ thuật mở đường rạch:

Trước tiên mở một đường rạch da nhỏ qua tổ chức phần mềm ở ngay trên ổ xương viêm.

Tiếp theo mở rộng đường rạch theo kích thước thật cần thiết để đảm bảo lấy tổ chức xương viêm được triệt để .

Dùng van banh rộng vết mổ để kiểm tra tình trạng  ổ viêm: số lượng, tính chất đặc lỏng, màu sắc của tổ chức hoại tử, những mảnh xương chết.Tiến hành lấy bỏ tổ chức hoại tử và mảnh xương chết.

Dùng kìm gặm xương lấy bỏ xương hoại tử còn bám vào xương lành đến khi hết xương hoại tử, thấy máu rỉ từ thân xương và tủy xương .

Bơm rửa kỹ ổ viêm nhiều lần bằng nước ô xy già, dung dịch betadin pha loãng, nước muối sinh lý. Có thể bơm rửa bằng kháng sinh pha loãng.

Dùng kéo cắt lọc và lấy bỏ tổ chức hoại tử xung quanh.

Kiểm tra máu chảy và cầm máu bằng dao điện hay chỉ khâu.

Nhét gạc có tẩm nước muối đẳng trương pha kháng sinh hay đặt dẫn lưu ổ mủ

Có thể khâu da cách quãng nếu cần thiết

Băng vùng mổ.

Tháo ga rô nếu có 

Các tai biến và xử trí

Choáng, shock

Xuất hiện ngay và trong khi tiến hành phẫu thuật, nguyên nhân có thể do phản ứng với Lidocain hoặc người bệnh  hoảng sợ và lo lắng quá mức. 

Xử trí: theo phác đồ chống shock, động viên, giải thích cho người bệnh.

Chảy máu vết mổ 

Băng ép vết mổ bằng băng thun, nếu không đỡ  thì mở vết mổ cầm lại máu, đặt nhét thêm gạc và băng ép bằng băng thun.

Điều trị và theo dõi sau phẫu thuật 

Kháng sinh toàn thân tích cực theo kháng sinh đồ, chống viêm, giảm đau.

Thay băng hàng ngày để kiểm tra tình trạng vết thương, dịch dẫn lưu…

Kiểm soát đường huyết tốt bằng Insulin.

Điều trị tích cực các bệnh kèm theo.

Nâng cao thể trạng: truyền máu, đạm và các chất dinh dưỡng khác.