Nội dung

Nội soi phế quản điều trị khối u khí phế quản bằng áp lạnh

Đại cương

Hiệu quả giảm đau, chống viêm của lạnh đã được biết đến từ nhiều thế kỷ và đã được Larrey sử dụng năm1812 đối với các trường hợp chảy máu và giảm đau khi phẫu thuật cắt cụt trong chiến tranh.

Năm 1968, điều trị áp lạnh trong nội soi đầu tiên một khối ung thư phế quản đã được Gage (Hoa Kỳ) báo cáo. Phương pháp này chỉ được phát triển rộng rãi trong hơn 15 năm. Về sau, laser được nhiều người ưa thích hơn.

Từ năm 1984, liệu pháp áp lạnh đã được khôi phục lại, đặc biệt tại Pháp qua các công trình của Homasson. Kỹ thuật này đã tiếp tục phát triển ở Châu Âu, Hoa Kỳ. Đó là một phương pháp dùng để khai thông tắc nghẽn của phế quản dựa trên cơ chế gây nhiễm độc tế bào ở nhiệt độ thấp bằng ống thông cứng hoặc mềm được sử dụng với nitơ lỏng qua nội soi phế quản.

Sự phá huỷ khối u do lạnh không gây thủng khí phế quản. Khối u bị hoại tử xảy ra chậm trong vòng 10-15 ngày. Kỹ thuật áp lạnh không áp dụng để xử trí trong các tình huống cấp cứu, nhưng rất có giá trị trong các trường hợp có u, bệnh lý về mạch máu.

Ngày nay người ta thường phối hợp kỹ thuật áp lạnh này với điều trị bằng laser để phẫu thuật để điều trị cho những tổn thương thâm nhiễm, tổn thương ung thư tại chỗ hay ung thư giai đoạn sớm.   

Kỹ thuật này có thể được thực hiện thông qua nội soi phế quản ống mềm hoặc nội soi phế quản ống cứng và hầu như không gây ra biến chứng nghiêm trọng nào. Hạn chế của kỹ thuật: có một số mô ít mạch máu, sợi collagen, sụn, xương, mô mỡ… ít đáp ứng với liệu pháp áp lạnh. Thường phải lặp lại nhiều lần. Do hiệu quả của phương pháp đạt được thường sau 8 – 10 ngày do vậy không thể sử dụng phương pháp này trong trường hợp cần loại bỏ cấp cứu khối u gây bít tắc nhiều.

Chất được sử dụng để áp lạnh: nitơ lỏng, NO2, aragon.

Chỉ định

Người bệnh có các khối u sùi ác tính xâm lấn ít, nguyên phát hay thứ phát trong lòng khí phế quản.

U hạt trong lòng khí phế quản.

U carcinoide.

Loạn sản nặng.

Lấy dị vật.

Chống chỉ định 

Chống chỉ định đối với nội soi phế quản ống mềm

Rối loạn tim mạch: phình tách động mạch chủ, tăng áp lực động mạch phổi nặng, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim

Rối loạn đông cầm máu (giảm tiểu cầu, xơ gan các bệnh ưa chảy máu….).

Suy hô hấp cấp nặng, hen phế quản chưa kiểm soát được.

Tăng áp lực nội sọ.

Nguy cơ dị ứng với các thuốc gây tê, gây mê. Suy gan, suy thận nặng, suy tim nặng.

Chống chỉ định đối với kỹ thuật

Tổn thương u ở bên ngoài khí phế quản gây đè ép khí phế quảnTổn thương u trong lòng khí phế quản gây bít tắc khí phế quản nhiều.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Kíp thực hiện: 1 bác sĩ chuyên khoa hô hấp biết nội soi phế quản ống cứng và 1 điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên có kinh nghiệm phụ soi. Kíp gây mê: 1 bác sĩ và 1 điều dưỡng.

Phương tiện

Dụng cụ

Hệ thống soi phế quản ống cứng: 01 bộ (nếu thực hiện kỹ thuật qua ống soi cứng).

Hệ thống nội soi phế quản ống mềm (nếu soi bằng ống mềm).

Bình chứa N2 hoặc NO2 lỏng: 01.

Sonde dẫn nitơ lạnh đến tổ chức.

Máy monitoring, máy hút dịch.

Bơm tiêm 20 ml, bơm tiêm 5ml

                                  

 Bình chứa nito lỏng

                                             

Sonde áp lạnh và sonde điện đông

Bóng làm lạnh

Thuốc

Natriclorua 0,9% x 1000ml.

Các thuốc gây tê: Xylocain, Lidocain….

Các thuốc giãn phế quản, Corticoides.

Các thuốc chống sốc.

Người bệnh

Được giải thích trước về kỹ thuật, về các nguy cơ tai biến có thể xẩy ra trong và sau thủ thuật.

Người bệnh và gia đình ký cam kết làm thủ thuật.

Hồ sơ bệnh án

Các xét nghiệm trước soi: công thức máu, đông máu cơ bản, khí máu, AST, ALT, creatinin, điện giải đồ, bilirubin, glucose, nhóm máu, X quang phổi, cắt lớp vi tính phổi, điện tim, chức năng hô hấp.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ và các xét nghiệm của người bệnh

Kiểm tra người bệnh 

Tên, tuổi, mạch, nhiệt độ, huyết áp, khám tim phổi.

Thực hiện kỹ thuật

Bước 1: người bệnh được gây tê họng thanh quản bằng Xylocain 2% đối với nội soi ống mềm và gây mê toàn thân đối với nội soi ống cứng. Tư thế người bệnh nằm ngửa, tiến hành nội soi phế quản ống mềm hoặc ống cứng theo quy trình.

Bước 2: kiểm tra xác định lại vị trí tổn thương, đưa ống soi đến gần vị trí tổn thương cần áp lạnh. Đẩy sonde dẫn nitơ lỏng qua kênh làm việc của ống nội soi áp vào vị trí tổn thương giữ ở đó để làm lạnh tổ chức trong 30 giây, sau đó giải lạnh trong 30 giây. Quy trình lặp lại như vậy  lần sao cho toàn bộ bề mặt tổn thương được điều trị.

                         

Bước 3: sau khi đã áp lạnh toàn bộ bề mặt tổn thương, kiểm tra lại một lần nữa qua ống nội soi, hút hết máu và dịch đọng sinh ra trong quá trình thực hiện thủ thuật và rút ống soi an toàn.

Bước 4: tiến hành nội soi phế quản ống mềm lại sau 8 ngày để loại bỏ tổ chức hoại tử.

Theo dõi

Xét nghiệm sau thủ thuật X quang phổi.

Theo dõi điều trị sau thủ thuật Khí dung pulmicort, kháng sinh.

Các tai biến và xử trí

Viêm phổi bên đối diện với bên tổn thương do hít phải các mảnh tổ chức.

Có khi suy hô hấp do thể trạng người bệnh không tốt.

Chảy máu: do trong trường hợp khối u có tăng sinh mạch máu, khi đưa dụng cụ vào, va chạm gây vỡ mạch ngay khi tiến hành thủ thuật.

                            

U khí quản trước áp lạnh                          Hai năm sau điều trị áp lạnh

Tài liệu tham khảo

Ngô Quý Châu “Nội soi phế quản”, Nhà xuất bản Y học, 2012.

Alfred P. Fishman, Jack A. Elias, Jay A. Fishman, “Pulmonary diseases and disorders”, 4th Mc Graw Hill company, 2008. 

Robert O. Crapo, Jeffrey L. Glassroth, Joel Karlinsky, Talmadge E. King, Jr ‘Baum’s Textbook Of Pulmonary Disease 7th Edition’, Lippincott Williams & Wilkins, 2004.

  1. Homasson, 1991,Endoscopic palliation of tracheobronchial malignancies, Thorax, 46(11): 861.

Walsh DA, Maiwand MO, Nath AR, Lockwood P, Lloyd MH, Saab M. Bronchoscopic cryotherapy for advanced bronchial carcinoma. Thorax. 1990 Jul;45(7):509–513.

Homasson JP, Renault P, Angebault M, Bonniot JP, Bell NJ. Bronchoscopic cryotherapy for airway strictures caused by tumors. Chest. 1986 Aug;90(2):159–164.

Homasson JP. Cryotherapy in pulmonology today and tomorrow. Eur Respir J.

1989 Oct;2(9):799–801.