Định nghĩa
Soi thực quản – dạ dày – tá tràng tiền mê là đưa ống soi dạ dày qua đường miệng vào thực quản rồi xuống dạ dày và tá tràng nhằm mục đích chẩn đoán và điều trị những bệnh lý của thực quản, dạ dày và tá tràng khi người bệnh trong tình trạng tiền mê.
Chỉ định
Đau thượng vị, nôn không rõ nguyên nhân, hội chứng trào ngược
Thiếu máu, gầy sút cân
Nôn máu, đi ngoài phân đen
Giun chui ống mật
Đau ngực sau khi đã kiểm tra tim mạch bình thường
Nuốt nghẹn
Hội chứng kém hấp thu
Tiền sử dùng thuốc chống viêm, giảm đau
Cắt 2/3 dạ dày sau 10 năm
Xơ gan
Bệnh polyp gia đình
Bệnh Crohn
Chống chỉ định
Chống chỉ định tuyệt đối
Bệnh nhược cơ
Ứ đọng đờm, suy hô hấp
Nhiễm độc rượu cấp
Glaucom góc đóng
Các trường hợp chống chỉ định của nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng.
Chống chỉ định tương đối
Bệnh phổi mạn tính
Chấn thương sọ não, tăng áp lực nội sọ
Nhịp tim chậm
Trầm cảm
Có thai
Chuẩn bị
Người thực hiện
01 bác sĩ chuyên khoa nội soi tiêu hóa, 02 điều dưỡng
Phương tiện
Máy nội soi thực quản – dạ dày – tá tràng ống mềm, loại cửa sổ thẳng và các dụng cụ đi kèm máy nội soi
Nguồn sáng
Máy hút
Máy monitor theo dõi nhịp tim, huyết áp, SpO2
Hệ thống thở oxy kính, mặt nạ oxy, bóng Ambu
Dịch truyền Natriclorua 0,9%, Glucose 5%
Thuốc:
Midazolam, ống 5mg/ 1ml
Fentanyl, ống 100 mcg/2ml
Naloxon, Atropin ống 0,25mg
Người bệnh
Nhịn ăn tối thiểu 6 giờ trước nội soi. Người bệnh phải được giải thích kỹ về lợi ích và tai biến của thủ thuật và đồng ý soi.
Nếu người bệnh nội trú phải có bệnh án.
Các bước tiến hành
Kiểm tra hồ sơ bệnh án nếu người soi là người bệnh nội trú.
Kiểm tra người bệnh đúng họ tên, tuổi, giới, địa chỉ.
Thực hiện kỹ thuật.
Chuẩn bị và kiểm tra máy soi.
Người bệnh được đặt đường truyền tĩnh mạch ngoại biên bằng Natriclorua 0,9% hoặc Glucose 5%, thở oxy kính 3l/ phút, mắc monitor theo dõi.
Người bệnh nằm ngiêng trái. Đặt ống ngậm miệng vào giữa hai cung răng và bảo người bệnh ngậm chặt.
Tiêm thuốc cho người bệnh 3 – 4 phút trước khi nội soi.
Midazolam: tiêm tĩnh mạch chậm trong vòng 30 giây với liều 0,05 – 0,1mg/kg. Liều có thể tới 0,15 – 0,2 mg/kg. Nếu không đạt kết quả có thể lặp lại sau 2 phút.
Fentanyl:50 – 100 mcg trong 1 – 2 phút. Liều tối đa là 8 ml.
Tiếp tục cho dịch truyền tĩnh mạch chảy với tốc độ LX giọt/ phút.
Khi người bệnh đã nhắm mắt, mất phản xạ mắt – mi, đưa máy soi qua miệng, họng vào thực quản, dạ dày, tá tràng bơm hơi và quan sát.
Rút máy và tẩy uế, khử khuẩn máy soi theo đúng quy định sau:
Rửa máy:
Dùng 500 ml dung dịch xà phòng trung tính 0,5 %, van bơm tăng cường để rửa sạch phần ngoài của máy và các đường bên trong máy.
Thử hơi:
Dùng dụng cụ thử hơi kèm máy soi để xem vỏ cao su của máy có bị rách không, nếu rách không được ngâm máy vào dung dịch tẩy uế mà phải gửi máy đi sửa ngay.
Tẩy uế: chỉ tiến hành khi máy soi không bị rách.
Dùng 5 lít xà phòng trung tính 0,5%, bàn chải, van ba chiều để tẩy uế.
Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch tẩy uế, dùng bàn chải, van ba chiều để rửa sạch phần ngoài và các đường bên trong của máy.
Sát khuẩn:
Dùng 5 lít dung dịch sát khuẩn Glutaraldehyd 2%, van ba chiều để sát khuẩn máy.
Ngâm toàn bộ máy vào dung dịch sát khuẩn để rửa sạch các đường bên trong của máy.
Sấy khô máy: dùng van bơm tăng cường, bộ phận bơm khí của nguồn sáng, máy hút để làm khô các đường bên trong của máy trước khi cất máy
Tháo dây oxy, máy theo dõi. Chuyển người bệnh ra phòng hồi tỉnh nằm theo dõi tiếp đến khi người bệnh tỉnh hoàn toàn.
Theo dõi
Nhịp tim chậm
Suy hô hấp
Người bệnh không được vận hành máy móc, lái xe trong vòng ít nhất 12 giờ sau khi dùng thuốc.
Tai biến và xử trí
Các tai biến do dùng thuốc tiền mê:
Nhịp tim chậm dưới 50 lần/ phút. Tiêm Atropin 0,25 mg 1 ống dưới da hoặc tĩnh mạch chậm.
Suy hô hấp: tiến hành bóp bóng oxy qua ambu và tiêm Naloxon 0,5 mcg/ kg.
Các tai biến khác và xử trí giống nội soi dạ dày thông thường.
Tài liệu tham khảo
Soi dạ dày – tá tràng. Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện Tập I. Nhà xuất bản Y học 1999, 506 -507.
Phạm Thị Bình. Soi dạ dày – tá tràng. Ứng dụng nội soi trong chẩn đoán và điều trị bệnh lý tiêu hóa. Bệnh viện Bạch Mai. 2001, 14 – 30.
Mark Topazian. Upper endoscopy. Harrison,s Gastroenterology and Hepatology.
2010: 94.