Nội dung

Phẫu thuật cắt bỏ phức tạp sẹo xấu dài trên 5 cm

Đại cương

Sau các chấn thương, vết thương hoặc phẫu thuật, quá trình hình thành sẹo bắt đầu. Quá trình lành sẹo một vết thương trên cơ thể là một quá trình sinh học phức tạp, năng động, diễn biến trong một thời gian khá dài. Liền sẹo được coi là lý tưởng khi vết sẹo mảnh, mềm mại, kín đáo, không ảnh hưởng đến chức năng và thẩm mỹ. Để đạt được kết quả như vậy cần có sự kết hợp nhiều yếu tố khác nhau như không có rối lại di truyền,không có viêm nhiễm tại chỗ, hướng sẹo thuận, dinh dưỡng của người bệnh tốt. Thiếu những điều kiện trên, quá trình liền sẹo dễ đi lệch hướng sinh lý và có thể dẫn tới sẹo bệnh lý: sẹo phì đại, sẹo lồi hay sẹo lõm. Sẹo bệnh lý sẽ gây lên nhiều phiền phức về mặt thẩm mỹ, chức  năng cho người bệnh.

Ngăn ngừa sẹo là rất quan trọng, đặc biệt những người có da sẫm màu như người châu Á, châu Phi… Hiện có rất nhiều phương pháp điều trị khác nhau và một trong số đó có thể sử dụng phương pháp phẫu thuật cắt bỏ sẹo nhằm sửa sẹo mang tính thẩm mỹ hơn bằng các kỹ thuật tạo hình.

Chỉ định

Với các sẹo xấu đã ổn định (> 1 năm) có kích thước trên 5 cm ở các vùng da ảnh hưởng tới thẩm mỹ như mặt, ngực, tay …mà tạo hình đơn giản không giải quyết được.

Sẹo xấu dài trên 5 cm mà ảnh hưởng tới chức năng và thầm mỹ của phần cơ thể (cổ, bàn tay, vùng khớp vận động…)

Chống chỉ định

Người bệnh có các bệnh lý kết hợp không thể tiến hành phẫu thuật được.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sĩ phẫu thuật tạo hình và vi phẫu.

Bác sĩ phụ mổ

Bác sĩ gây mê

Dụng cụ viên

Điều dưỡng phụ mê

Phương tiện

Bộ dụng cụ phẫu thuật tạo hình.

Lưỡi dao số 11, 10, 15.

Gạc, chỉ Vicryl, Prolene

Người bệnh:

Làm đủ các xét nghiệm cơ bản.

Giải thích cho người bệnh các nguy cơ và biến chứng có thể xảy ra trong và sau mổ.

Dùng kháng sinh dự phòng trước mổ.

Các bước tiến hành

Kiểm tra hồ sơ

Kiểm tra lại chỉ định, chống chỉ định và cam kết đồng ý phẫu thuật của gia đình người bệnh.

Kiểm tra người bệnh

Tình trạng toàn thân.

Hồ sơ bệnh án

Theo quy định của Bộ y tế

Thực hiện kỹ thuật

Gây tê tại chỗ quanh vị trí sẹo.

Dùng dao mổ số 15 rạch da theo chu vi của sẹo.

Phẫu tích cắt hết tổ chức sẹo xấu và cầm máu kỹ mép vết mổ.

Sau khi cắt hết tổ chức sẹo xấu dài trên 5 cm thì tiến hành đánh giá tổn khuyết cần thiết chuyển các vạt da lân cận (vạt chuyển, vạt hai thùy, vạt hình vợt….) hoặc thậm chí có thể sử dụng ghép da khi diện tổn khuyết quá lớn.

Có thể sử dụng kỹ thuật vi phẫu lấy mảnh ghép da dày nhiều lớp có cuống mạch để che kín các tổn khuyết lớn có mất tổ chức.

Ngoài ra, với các sẹo xấu có đường kính lớn mà không thể đóng kín sau khi cắt sẹo có thể sử dụng phương pháp đặt túi giãn da nhằm làm tăng thể tích của vùng da lành lân cận trước khi chuyển vạt để che kín tổn khuyết sau khi cắt sẹo.

Chú ý khâu giảm căng trước khi đóng kín vết mổ.

Dùng chỉ Prolen khâu ngoài da với lực đủ kín hai mép vết mổ và cắt chỉ sớm nhằm hạn chế sẹo chân chỉ.

Theo dõi và chăm sóc

Vết thương nên được chăm sóc như một vết thương ngoại khoa và phát hiện các biến chứng sớm có thể xảy ra.

Sử dụng kháng sinh và giảm đau thích hợp.

Tai biến và xử trí

Tụ dịch hoặc tụ máu vết mổ

Nên cầm máu kỹ và đặt dẫn lưu nếu diện bóc tách quá lớn có khả năng tụ dịch. Khi tụ dịch vết mổ nên tiến hành chọc hút dịch và băng ép hoặc đặt dẫn lưu và băng ép nếu lượng dịch quá nhiều.

Nhiễm trùng

Cần chuẩn bị vô trùng tốt trong mổ cũng như khi thay băng vết mổ. Khi vết mổ nhiễm trùng nên thay băng hàng ngày và đắp gạc tẩm mỡ Betadin.

Bục vết mổ

Có thể do vết mổ quá căng mà không được khâu giảm căng tốt

Do người bệnh vận động quá mạnh khi vết thương chưa liền.

Có thể do hậu quả của nhiễm trùng vết mổ không được xử trí tốt.

Nên chăm sóc vết thương sạch để lên tổ chức hạt và đóng kín thì hai.