Đại cương
Các khối u dây thần kinh vùng cổ (schwannoma) là u lành tính xuất phát từ bao schwann của dây thần kinh, nó có thể phát triển trên bất cứ sợi thần kinh nào. Ở vùng cổ thường là u của dây thần kinh thiệt hầu (dây IX), hạ thiệt (XII), thần kinh phụ (XI) và thần kinh lang thang (X).
Khối u thường đơn độc, phát triển trong thời gian dài. Giai đoạn đầu không có triệu trứng nên người bệnh đến khám khi khối u đã to và có triệu chứng chèn ép hoặc đau như sờ vào bướu, đau lan theo sợi thần kinh mang bướu.
Chẩn đoán trước mổ: khám lâm sàng và cận lâm sàng như chụp CT, MRI để xác định độ lớn và mức độ lan rộng của khối u, giúp đánh giá và tiên lượng trước khi mổ. Phẫu thuật là phương pháp điều trị chủ yếu, u phát triển chậm và ít tái phát.
Trong bài chúng tôi chỉ đề cập đến phẫu thuật u dây thần kinh (schwannoma) vùng cổ, không gồm các schwannoma ở đầu và trong cột sống.
Chỉ định
Chỉ định cắt bỏ u dây thần kinh vùng cổ.
Chống chỉ định
Người bệnh quá già yếu, mắc các bệnh mạn tính như lao phổi, suy tim, suy thận…
Chuẩn bị
Người thực hiện:
Phẫu thuật viên chuyên khoa ung thư đầu cổ, hoặc chuyên khoa thần kinh, chuyên khoa tai mũi họng có kinh nghiệm, kiến thức về giải phẫu vùng đầu cổ.
Cần 1 phẫu thuật viên và 1 phụ mổ có kinh nghiệm.
Phương tiện
Bộ dụng cụ phẫu thuật phần mềm.
Phương tiện vô cảm: bộ nội khí quản.
Các bước tiến hành
Vô cảm bằng gây mê nội khí quản
Tư thế người bệnh:
Người bệnh nằm ngửa, kê gối vai để ưỡn cổ, đầu cao, cổ nghiêng về bên đối diện bên cổ có u.
Sát trùng da bằng dung dịch Betadine.
Kỹ thuật
Phẫu thuật viên chính đứng phía bên mổ u, phụ mổ đứng bên đối diện.
Thì 1: rạch da
Tùy theo vị trí và kích thước khối u mà chọn đường rạch da dài hay ngắn, ưu tiên đường rạch da theo nếp nhăn tự nhiên. Rạch qua da và tổ chức dưới da.
Thì 2: bóc tách vạt da lên trên và xuống dưới.
Phẫu tích qua các lớp cân cơ, thường khối u hay nằm sâu dưới lớp cơ nên khi phẫu tích phải đủ rộng thì quá trình cắt bỏ u sẽ thuận lợi hơn.
Thì 3: bộc lộ khối u.
Khối u thường có vỏ rõ , hình thoi hoặc hình bầu dục, dây thần kinh thường kéo dài trên u nên khi phẫu tích sẽ thấy được hai đầu khối u nối tiếp với đây thần kinh.
Thì 4: phẫu thuật cắt bỏ khối u trong vỏ.
Dùng dao mổ hoặc kéo phẫu thuật rạch dọc theo dây thần kinh, mở vỏ khối u sẽ thấy khối u bên trong có thể đặc hoặc chứa mô sợi, đôi khi có dạng nhầy hoặc nước.
Dùng pince cong hoặc phẫu thuật viên có thể dùng ngón tay trỏ bóc tách khối u ra khỏi vỏ bao. Lưu ý khi lấy u trong vỏ phần vỏ diện lấy u rất dễ chảy máu, có thể cầm máu bằng dao điện hoặc bằng miếng cầm máu Surgicel.
Khâu đóng vỏ bao sợi thần kinh bằng chỉ tiêu (thường dùng chỉ tiêu 3.0).
Thì 5: cầm máu kỹ diện cắt, đặt sonde dẫn lưu.
Khâu phục hồi các lớp cân cơ theo lớp giải phẫu, khâu đóng da.
Rút sonde dẫn lưu khi dịch không còn chảy ra, thường rút sau 72 giờ.
Theo dõi và xử trí tai biến
Sau mổ người bệnh điều trị thuốc kháng sinh, thuốc chống viêm và giảm đau.
Biến chứng chảy máu:
Do cầm máu không tốt trong lúc mổ.
Xử trí: Mổ lại để cầm máu.
Biến chứng liệt vận động:
Ít xảy ra. Xử trí: Tập phục hồi chức năng.
Biến chứng nhiễm trùng
Xử trí: vệ sinh tại chỗ tốt bằng dung dịch sát khuẩn, điều trị kháng sinh, chống viêm toàn thân theo kháng sinh đồ.