Nội dung

Phẫu thuật rò hậu môn hình móng ngựa

Đại cương

Rò hậu môn là bệnh thường gặp của vùng hậu môn trực tràng. Nguồn gốc của nhiễm khuẩn bắt nguồn từ viêm các tuyến Hermann và Desfosses. Từ đây nhiễm trùng lan tỏa tới các khoang quanh hậu môn trực tràng, tạo ra các thể áp xe khác nhau. 

Rò hậu môn hình móng ngựa là một thể rò phức tạp. Thường lỗ nguyên phát nằm ở vị trí 6h (tư thế phụ khoa). Áp xe lan sang bên vào khoang hố ngồi trực tràng, sau đó vỡ ra da, tạo thành một thể rò đặc biệt, thương tổn hình móng ngựa.

Chỉ định

Rò hậu môn được chỉ định phẫu thuật. Kháng sinh không có tác dụng điều trị khỏi bệnh.

Chống chỉ định

Không có chống chỉ định

Chuẩn bị 

(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng và phẫu thuật rò hậu môn).

Các bước tiến hành

Tư thế: 

(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng và phẫu thuật rò hậu môn).

Vô cảm: 

(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng và phẫu thuật rò hậu môn).

Kỹ thuật:

Nguyên tắc kỹ thuật:

Xem bài phẫu thuật rò hậu môn.

Cụ thể:

Để đảm bảo nguyên tắc phẫu thuật nêu trên (không làm thương tổn cơ thắt, không để lại sẹo quá rộng hay sẹo làm biến dạng, hẹp ống hậu môn), thường phẫu thuật được chia làm 3 thì, các thì kế tiếp nhau sau một thời gian nhất định

(thường 3 – 4 tuần):

Thì 1: 

Đặt chỉ hoặc dây cao su nối giữa 2 lỗ rò ở hai bên mông.

Đặt chỉ hoặc dây cao su nối giữa lỗ trong với 1 trong 2 lỗ rò ngoài.

Thì 2: 

Rạch da nối giữa 2 lỗ ngoài.

Đặt lại sợi chỉ nối giữa lỗ trong và lỗ ngoài mới nằm ở vị trí 6h trên đường rạch nối giữa 2 lỗ ngoài nêu trên.

Thì 3:

Mở ngỏ đường rò: nối giữa lỗ trong với lỗ ngoài vị trí 6h, cắt mở cơ tròn bán phần.

Hiện nay, với phương tiện siêu âm đầu dò trực tràng cho thấy rõ hình thái, mức độ phức tạp của thương tổn, đường rò cao hay thấp, mà kỹ thuật có thể thay đổi: đối với thể áp xe móng ngựa có thể chỉ phẫu thuật một thì, giải quyết lỗ trong ngay. Để đường mở ra da không quá rộng, có thể làm như sau: mở ngỏ áp xe, nạo sạch tổ chức hoại tử, đặt 2 dẫn lưu nhỏ hai bên để bơm rửa sạch ổ áp xe sau mổ.

Theo dõi 

(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng và bài phẫu thuật rò hậu môn).

Ngâm hậu môn 2 – 3 lần/ ngày, dùng nước ấm, có thể pha loãng với dung dịch betadine. Thay băng 2lần/ngày với các dung dịch sát khuẩn sao cho vết thương liền từ sâu ra nông, tránh khép miệng sớm vết thương.

Nếu đặt dẫn lưu, thì hàng ngày bơm rửa với dung dịch nước muối và betadine. Dẫn lưu thường rút sau 1 tuần bơm rửa. Người bệnh ra viện sẽ tiếp tục tự săn sóc như nêu ở phần trên.

Xử trí tai biến

(xem bài nguyên tắc chung phẫu thuật vùng hậu môn – trực tràng và bài phẫu thuật rò hậu môn).