PHẪU THUẬT VẾT THƯƠNG PHẦN MỀM TỔN THƯƠNG THẦN KINH QUAY, THẦN KINH TRỤ, THẦN KINH GIỮA
Đại cương
Tổn thương thần kinh ngoại vi tương đối thường gặp trong cấp cứu chấn thương. Việc can thiệp khâu nối thần kinh sớm thì đầu thường đem lại kết quả khả quan. Kỹ thuật khâu nối thần kinh có nhiều kỹ thuật như khâu nối bao thần kinh, bó thần kinh hay bao – bó. Bài viết này trình bày kỹ thuật khâu nối bao thần kinh, là kỹ thuật có thể triển khai được ở trong cấp cứu ở các cơ sở có chuyên khoa chấn thương chỉnh hình.
Chỉ định
Tổn thương thần kinh ngoại vi do vết thương
Chống chỉ định
Mất đoạn thần kinh không thể khâu nối trực tiếp được
Dập nát thần kinh
Chuẩn bị
Người bệnh:
Tâm lý cho người bệnh, hồ sơ bệnh án đầy đủ thủ tục hành chính và các xét nghiệm.
Người thực hiện:
Phẫu thuật viên chấn thương chỉnh hình và hai người phụ
Phương tiện trang thiết bị:
Bộ dụng cụ phẫu thuật bàn tay, kính vi phẫu, kính lúp
Dự kiến thời gian phẫu thuật: 90 – 120 phút
Các bước tiến hành
Gây tê vùng hoặc gây mê toàn thân
Garo hơi áp lực 250 mmHg đối với chi trên hoặc 350mmHg đối với chi dưới
Đường rạch da tùy theo vị trí vết thương để mở rộng vết thương về hai phía đảm bảo được việc phẫu tích thần kinh rõ ràng.
Phẫu tích hai đầu thần kinh, đảm bảo nguyên vẹn vỏ bao dây thần kinh và không bị quá căng khi khâu nối.
Sửa sang hai đầu diện khâu nối, đảm bảo sạch, gọn và dễ dàng cho khâu nối
Khâu nối bao thần kinh kỹ thuật khâu vắt với chỉ nhỏ 6.0 hoặc 7.0 hay nhỏ hơn tùy theo khẩu kính của dây thần kinh.
Bơm rửa, dẫn lưu vùng mổ nếu cần
Đóng vết mổ theo các lớp giải phẫu
Nẹp bột bất động đoạn chi ở tư thế cơ năng
Theo dõi
Theo dõi tình trạng chảy máu
Theo dõi tình trạng nhiễm trùng
Theo dõi và đánh giá tiến triển hồi phục thần kinh bằng lâm sàng, điện sinh lý thần kinh
Xử trí biến chứng
Mổ lại nếu có biến chứng chảy máu
Thay kháng sinh, săn sóc vết thương nếu có nhiễm trùng
Chuyển gân trong trường hợp thần kinh không hồi phục sau khi khâu nối.