Nội dung

Quy trình khám thai 9 bước ở trạm y tế xã

Tóm tắt

9 bước khám thai là quy định bắt buộc phải tuân thủ trong việc chăm sóc người phụ nữ mang thai: 1) Hỏi, 2) Khám toàn thân, 3) Khám sản khoa, 4) Thử nước tiểu, 5) Tiêm phòng uốn ván, 6) Cung cấp thuốc thiết yếu, 7) Giáo dục vệ sinh thai nghén, 8) Vào sổ, ghi phiếu quản lý thai, và 9) Kết luận, dặn dò

Đăng ký thai nghén là việc cần làm cả về phía người mang thai và trạm y tế xã. Y tế xã có thể biết được người phụ nữ mang thai thông qua mạng lưới cộng tác viên hay y tế thôn bản. Đối với người mang thai, đăng ký thai là việc đi khám thai lần đầu cho mỗi lần có thai để cán bộ y tế ghi vào sổ. Đối với trạm y tế, đăng ký thai là việc lập danh sách số phụ nữ có thai mà mình quản lý được.Đăng ký thai sớm giúp phân loại và xử trí thai sớm và hiệu quả.

bước 1: hỏi

Hỏi thông tin cá nhân

Họ và tên

Tuổi

Nghề, điều kiện lao động (có tiếp xúc với các yếu tố độc hại)

Địa chỉ (chú ý vùng sâu, vùng xa)

Dân tộc

Trình độ văn hóa

Tôn giáo

Điều kiện sinh hoạt, kinh tế (chú ý ăn kiêng, thiếu ăn)

Hỏi về sức khỏe

Hiện mắc bệnh gì?

Nếu có: mắc từ bao giờ, diễn biến thế nào, đã điều trị gì? kết quả điều trị, có ảnh hưởng gì đến sức khỏe? đang dùng thuốc gì?

Tiền sử mắc những bệnh gì?

Lưu ý những bệnh phải nằm viện, phải phẫu thuật, phải truyền máu, các tai nạn, dị ứng, có nghiện rượu, thuốc lá ma tuý, các bệnh đặc hiệu như tiểu đường, bệnh tim mạch, bệnh tâm thần, nội tiết, rối loạn đông máu, bệnh thận…

Hỏi về gia đình

Sức khỏe, tuổi của chồng, của bố mẹ, anh chị, còn sống hay đã chết nếu chết, cho biết lý do. Có ai mắc bệnh truyền nhiễm, ung thư, bệnh tim, cao huyết áp, tiểu đường, bệnh thận, bệnh tâm thần, lao, đẻ con dị dạng, dị ứng, bệnh máu.

Hỏi về kinh nguyệt

Có kinh lần đầu năm bao nhiêu tuổi, chu kỳ, số ngày, số lượng, màu sắc. Kinh cuối từ ngày…. đến…..ngày……

Hỏi về tiền sử hôn nhân, hoạt động tình dục và đánh giá nguy cơ lây nhiễm bệnh lây truyền qua đường tình dục:

Lấy chồng năm bao nhiêu tuổi?

Hôn nhân lần thứ mấy?

Họ tên, tuổi, nghề nghiệp, sức khỏe bệnh tật của chồng. Về tình dục cần khai thác bắt đầu có hoạt động tình dục từ tuổi nào, có bao nhiêu bạn tình, các vấn đề về tình dục, tiền sử bệnh LTQĐTD, làm việc ở xa nhà…

Hỏi về tiền sử sản khoa

Đã có thai bao nhiêu lần, sử dụng cách ghi theo 4 số (PARA):

Số đầu là số lần đẻ đủ tháng.

Số thứ hai là số lần đã đẻ non.

Số thứ ba là số lần đã sảy thai và phá thai.

Số thứ tư là số con hiện sống

Ví dụ: 2012: đã đẻ đủ tháng 2 lần, không đẻ non, 1 lần sảy (hoặc phá thai), hiện 2 con sống.

Với mỗi lần có thai:

Thời điểm kết thúc.

Thai bao nhiêu tuần khi kết thúc

Nơi đẻ: bệnh viện, trạm xá, tại nhà, đẻ rơi…

Thời gian chuyển dạ.

Cách đẻ: đẻ thường hay khó (forceps, giác hút, mổ lấy thai…).

Các bất thường:

Khi mang thai: ra máu, tiền sản giật.

Khi đẻ: ngôi thai bất thường, nhiễm khuẩn ối, chuyển dạ kéo dài, suy thai

Sau đẻ: băng huyết, nhiễm khuẩn.

Cân nặng con khi đẻ.

Giới tính con.

Tình trạng con khi đẻ ra: khóc ngay, ngạt, chết…

Nếu thai nghén kết thúc sớm thì cũng mô tả chi tiết về lý do, cách kết thúc, các vấn đề xảy ra khi kết thúc thai nghén.

Hỏi về tiền sử phụ khoa

Có điều trị vô sinh, điều trị nội tiết, có các bệnh nhiễm khuẩn đường sinh sản, bệnh LTQĐTD, các khối u phụ khoa, các phẫu thuật phụ khoa.

Hỏi về các biện pháp tránh thai đã sử dụng

Các biện pháp tránh thai đã dùng      

Loại biện pháp tránh thai.

Thời gian sử dụng của từng biện pháp.

Tác dụng phụ của từng biện pháp.

Lý do ngừng sử dụng.

Biện pháp tránh thai dùng trước khi có thai lần này

Nếu có dùng, tại sao mang thai (chủ động có thai hay thất bại của biện pháp tránh thai).

Hỏi về lần có thai này

Cán bộ y tế khi hỏi cũng cần cung cấp thông tin cho những phụ nữ sắp làm mẹ lần đầu để họ biết quá trình mang thai diễn ra như thế nào, thế nào là bình thường, thế nào là không bình thường và cần đi khám ngay

Ngày đầu kinh cuối (từ ngày này đến dự kiến đẻ là 280 ngày, nhưng cũng nói rõ trong thực tế ngày đẻ có thể dao động 2 tuần trước hoặc sau ngày dự kiến sinh).

Các triệu chứng nghén.

Ngày thai máy: từ ngày này đến khi đẻ trung bình là 20 tuần cho con so và 22 tuần cho con dạ (con dạ có kinh nghiệm có thể nhận biết thai máy sớm hơn).

Sụt bụng: xuất hiện 2 tuần đến một tháng trước đẻ cho trường hợp đẻ lần đầu, do đầu chuẩn bị lọt. Chiều cao tử cung xuống thấp hơn – lúc này thai phụ dễ thở hơn vì cơ hoành đỡ bị tử cung chèn ép nhưng bàng quang lại bị ảnh hưởng của đầu dẫn đến tiểu nhiều lần. Trong lần có thai thứ 2 trở đi, hiện tượng này chỉ xuất hiện khi chuyển dạ.

Các dấu hiệu bất thường:

Đau bụng, ra máu, dịch tiết âm đạo tăng nhiều, có mùi hôi.

Mệt mỏi, uể oải, đau đầu, ăn kém ngon (dấu hiệu thiếu máu).

Nhức đầu, hoa mắt, đau thượng vị (dấu hiệu tiền sản giật).

Dự tính ngày sinh theo ngày đầu kinh cuối.

Theo dương lịch: lấy ngày đầu kinh cuối + 7, tháng cuối + 9 hoặc – 3 (nếu + 9 quá 12).

Thí dụ: Ngày kinh cuối: 15/02/2004; dự kiến đẻ 22/11/2004.

Theo âm lịch: ngày đầu kinh cuối + 15, tháng kinh cuối + 9 hoặc – 3.

Thí dụ: ngày kinh cuối 5/8 (âm lịch), dự kiến đẻ: 20/05 năm âm lịch sau.

 (Nếu có tháng nhuận, lấy tháng kinh cuối + 8 hoặc – 4).

bước 2: khám toàn thân

Đo chiều cao (lần khám thai đầu)

Cân nặng: cho mọi lần khám thai – nếu có thể, hướng dẫn sản phụ tự cân hàng tuần để theo dõi sức khỏe, ghi các kết quả vào phiếu khám. Bình thường, từ tuần 10 đến tuần 40 tăng được khoảng 10kg.

Quan sát kết mạc mắt và móng tay cho mọi lần khám thai để đánh giá tình trạng thiếu máu.

Đếm mạch và đo huyết áp: cho mọi lần khám thai.

Khám tim phổi: trong lần đầu

Khám vú: trong lần đầu

Các dấu hiệu bất thường: như da xanh, niêm mạc nhợt nhạt (thiếu máu), tăng phản xạ đầu gối (tiền sản giật)…

bước 3: khám sản khoa

Ba tháng đầu:

Nắn trên mu xem đã thấy đáy tử cung chưa.

Nhìn: xem có sẹo mổ cũ trên thành bụng không.

Ba tháng giữa:

Đo chiều cao tử cung.

Tìm nghe tim thai khi đáy tử cung đã ngang rốn.

Ba tháng cuối:

Đo khung chậu ngoài

Đo chiều cao tử cung/vòng bụng (làm trong mọi lần thăm) để kiểm tra sự phát triển của thai.

Nắn ngôi thế (làm trong mọi lần thăm) đặc biệt từ sau tuần 36 vì lúc này ngôi thai thường đã thuận.

Nghe tim thai (làm trong mọi lần thăm): nghe dễ nhất ở bên có lưng thai từ tuần thứ 20 trở đi

Đánh giá độ cao của đầu (trong một tháng trước dự kiến đẻ). Có 4 thao tác nắn bụng với các ngón tay duỗi tối đa (như hình vẽ) để thai phụ cảm thấy thoải mái.

Khi cần thiết thì thăm âm đạo

bước 4: thử  nước tiểu

Lấy nước tiểu buổi sáng, giữa dòng thử protein niệu (phương pháp so màu với 1 gam mầu mẫu) hoặc dùng phương pháp đốt, Protein nếu có sẽ đọng lại làm nước tiểu đục.

Thử nước tiểu tìm protein và đường cần làm cho mọi lần và mọi người thăm thai. Không vì không thấy phù hoặc không có huyết áp cao, không có tiểu đường mà không thử.

Nếu có sẵn thanh thử nên hướng dẫn thai phụ tự kiểm tra giống như có thể tự theo dõi cân nặng. Đó cũng là một cách xã hội hóa việc chăm sóc thai, biến quá trình theo dõi thành tự theo dõi.

bước 5: tiêm phòng uốn ván

Khi khám thai lần đầu cần đánh giá xem thai phụ đã từng được tiêm uốn ván hay chưa và cần bổ sung hoặc tiêm mới hoàn toàn trong lần này. Các lần khám thai tiếp phải kiểm tra xem việc hẹn tiêm phòng có được thực hiện đầy đủ hay không.

Thai phụ hoàn toàn chưa được tiêm phòng uốn ván:

Hẹn tiêm 2 mũi, mũi 2 cách mũi 1 ít nhất 1 tháng và trước đẻ ít nhất 1 tháng.

Nếu thai phụ đến đăng ký thai sớm nên tiêm 2 mũi này vào tháng thứ 4 và tháng thứ 5 hoặc tháng thứ 5 và tháng thứ 6.

Thai phụ đã tiêm phòng uốn ván đủ 2 mũi hoặc mới chỉ tiêm 1 mũi: hẹn tiêm 1 mũi vào tháng thứ 4 hoặc thứ 5.

Thai phụ khi còn nhỏ đã được tiêm chủng mở rộng 3 mũi bạch hầu, ho gà, uốn ván (BH/HG/UV): tiêm đủ 2 mũi như trên.

Thai phụ đã được tiêm phòng 3 – 4 mũi uốn ván, lần tiêm cuối cùng đã trên 1 năm: tiêm thêm 1 mũi nhắc lại.

Thai phụ đã được tiêm 5 mũi uốn ván. Không cần tiêm bổ sung, vì với 5 mũi khả năng     bảo vệ trên 95%. Nhưng nếu mũi thứ 5 đã trên 10 năm, nên tiêm 1 mũi nhắc lại.

bước 6: cung cấp thuốc thiết yếu

Thuốc sốt rét cần được cung cấp đối với vùng có sốt rét lưu hành theo phác đồ của ngành sốt rét để dự phòng và điều trị hoặc cả hai.

Iod cần được cung cấp đối với vùng thiếu iod.

Một thứ thuốc có thể cung cấp cho mọi người có thai là viên sắt/folic. Nguyên tắc là cho càng sớm càng tốt, uống mỗi ngày 1 viên trong suốt thời gian có thai và 42 ngày sau đẻ. Tối thiểu trước đẻ cần uống trong 90 ngày. Nếu thai phụ có dấu hiệu thiếu máu rõ, có thể tăng từ liều phòng lên liều điều trị: 2 – 3 viên/ ngày và tư vấn về chế độ ăn.

bước 7: giáo dục vệ sinh thai nghén.

Dinh dưỡng

Người mẹ cần biết lợi ích của dinh dưỡng tốt cho bản thân và cho con:

ít mắc bệnh và giảm nguy cơ chảy máu khi sinh do giảm thiếu máu khi có thai.

Con sẽ khỏe không bị thấp cân.

Thường đẻ đủ tháng.

ít phải can thiệp vì mọi việc có chiều hướng bình thường.

Hồi phục sau đẻ nhanh.

Trẻ sẽ phát triển tốt.

Đủ sữa cho con bú.

Nếu dinh dưỡng kém

Dễ mắc bệnh, chảy máu nhiều hơn khi đẻ, nhiễm khuẩn, dễ suy kiệt.

Có xu hướng đẻ non, thấp cân, con yếu.      

Không đủ sữa.

Con chậm phát triển về thể lực và trí tuệ

Chế độ ăn khi có thai

Nếu ăn ít nên tăng số bữa ăn.

Chất đảm bảo cho cả mẹ và con:

Thịt           Trứng

Cá             Đậu, lạc, vừng

Tôm          Dầu ăn

Sữa          Rau quả tươi màu xanh và vàng

Không ăn thức ăn ôi thiu.

Thay đổi cách nấu để ăn ngon miệng. Uống nhiều nước

Tăng giờ nghỉ để có dự trữ năng lượng.

Chế độ làm việc khi có thai

Làm theo khả năng, xen kẽ nghỉ ngơi.

Có thể làm việc cho tới tận lúc đẻ nếu sản phụ vẫn thấy thoải mái.

Để mẹ có sức.

Để con tăng cân.

Không mang vác nặng trên đầu, trên vai.

Không để kiệt sức.

Không làm việc dưới nước hoặc trên cao nguy hiểm.

Tránh làm việc ban đêm.

Vệ sinh khi có thai

Mặc rộng và thoáng.

Tắm rửa thường xuyên.

Giữ vú và bộ phận sinh dục sạch:

Hàng ngày vệ sinh bộ phận sinh dục.

Thường xuyên thay quần áo lót.

Rửa đầu vú hàng ngày bằng nước sạch.

Duy trì cuộc sống thoải mái, tránh căng thẳng.

Ngủ ít nhất 8 giờ/ngày. Chú trọng giấc ngủ trưa.

Nhà ở phải thoáng khí sạch sẽ, tránh ẩm, nóng, khói.

Tránh đi xa, tránh xóc xe.

bước 8: vào sổ, ghi phiếu, quản lý thai

bước 9: kết luận, dặn dò:

Nhắc lại thông điệp chính: Khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Nếu có điều kiện, nên khám ít nhất 2 lần trong 3 tháng cuối. Khi có dấu hiệu bất thường phải đi khám ngay.

Với thai quý 1: nhắc lại những điểm chính của tư vấn:

Những biểu hiện có thai của 3 tháng đầu, chế độ dinh dưỡng, làm việc nghỉ ngơi, quan hệ tình dục

Hẹn tiêm phòng uốn ván.

Hẹn thăm lần 2. Xử trí nguy cơ (nếu có).

Với thai quý 2:

Hẹn thăm lần sau.

Hẹn tiêm phòng uốn ván (nếu chưa tiêm đủ).

Với thai quý 3: tóm tắt những biểu hiện của thai 3 tháng cuối, điểm qua các dấu hiệu nguy hiểm, về khhgđ sau khi sinh

Hẹn thăm tiếp (nếu có nhu cầu).

Dự kiến ngày sinh, nơi sinh.

Hướng dẫn chuẩn bị phương tiện cho mẹ và cho con khi đẻ.

Tóm tắt: 09 bước khám thai

TT

Nội dung

Dưới 12 tuần

13 – 27 tuần

28 – 40 tuần

Ghi chú

1

Hỏi

Tắt kinh Các dấu hiệu nghén Tiền sử sản

Tiền sử bệnh Các dấu hiệu bất thường

Bụng to dần Thai máy

Thai máy Sụt bụng

Các lần thăm sau phải xem phiếu để nắm vững các chi tiết đã hỏi. Nếu cần thì bổ sung

2

Khám toàn thân

Đo chiều cao, cân nặng Mạch, huyết áp

Phù?

Da xanh, niêm mạc nhợt?

Đo chiều cao (nếu là khám lần đầu)

Mạch, huyết áp Phù?

Da xanh, niêm mạc nhợt?

Đo chiều cao (nếu là khám lần đầu)

Mạch, huyết áp Phù?

Da xanh, niêm mạc nhợt?

 

3

Khám sản khoa

Nắn bụng (xem đáy tử cung)

Cao tử cung Tim thai

Cao tử cung/ vòng bụng

Ngôi thai, tim thai

Không thăm trong khi khám thai bình thường

4

Thử nước tiểu

+

+

+

Dùng que thử hoặc đốt nóng nước tiểu

5

Tiêm phòng uốn ván

Hẹn ngày

Mũi 1 – Mũi 2 hoặc tiêm mũi nhắc lại.

Kiểm tra bổ sung nếu chưa đủ mũi

 

6

Cung cấp viên sắt/folic.

Thuốc phòng sốt rét (nếu ở vùng sốt rét lưu hành)

+

+

+

Các lần thăm sau phải kiểm tra có uống hay không, có cần hay không cần cấp tiếp

7

Giáo dục vệ sinh thai nghén

+

+

+

Dinh dưỡng

Chế độ làm việc Tránh các yếu tố độc hại

Vệ sinh thân thể

8

Vào sổ phiếu, bảng, hộp quản lý thai

+

+

+

Vào sổ khám thai

Ghi phiếu khám thai Dán tôm lên bảng quản lý thai.

Hộp phiếu hẹn

9

Dặn dò, hẹn thăm lại

Hẹn ngày thăm lại

Hẹn ngày thăm lại

Chuẩn bị cho mẹ và con. Dự kiến ngày đẻ, nơi đẻ

Khám thai ít nhất ba lần trong 3 thời kỳ: 3 tháng đầu, 3 tháng giữa, 3 tháng cuối. Dặn trở lại khám bất kỳ lúc nào, nếu thấy bất thường