Đặc điểm hình thể.
Sán kim (E. granulosus) dài 3 – 6 mm, đầu hình trái lê, ngang 0,3 mm. Thân gồm 3 – 4 đốt. Đầu sán nhô ra có 4 giác và vòng móc với 28 – 50 móc. Đốt thứ nhất chưa có bộ phận sinh dục, đốt thứ hai lưỡng giới, đốt thứ ba dài và rộng hơn cả, có tử cung bịt kín, chứa 500 – 800 trứng. Trứng có ấu trùng bên trong với 6 móc giống như sán dây khác.
Đặc điểm sinh học.
Vòng đời vật chủ chính của sán kim là chó nhà, chó rừng, đôi khi là cáo. Đốt già tự động ra ngoài hậu môn, vỡ ra làm trứng tung ra khắp nơi. Đốt sán ra hậu môn gây ngứa, chó liếm, do đó lông chó cũng dính nhiều trứng sán dễ gây nhiễm cho vật chủ phụ như: cừu, trâu, bò, ngựa, dê, lợn. Cừu là vật chủ phụ chủ yếu. Người là vật chủ phụ ngẫu nhiên.
Hình 12.15: Hình thể đầu, đốt và trứng sán kim E. granulosus.
Khi người hoặc động vật khác ăn phải trứng, vào đến tá tràng ấu trùng được giải phóng ra chui vào thành ruột, qua tĩnh mạch, bạch mạch vào đại tuần hoàn đi khắp cơ thể. Nếu không bị thực bào, ấu trùng mất những giác và hình thành bọng. Sau khoảng 5 tháng, bọng thành nang có đường kính 10 mm. Nang đầu sán chứa đầy nước.
Nang sán kim ở người có 3 loại:
Nang 1 bọc (aunilocular).
Nang xương (osseous) phát triển trong mô xương.
Nang túi (alveolar) của E.multilocularis.
Loại nang thứ nhất gặp phổ biến ở người, ít gặp ở động vật. Nang phát triển chậm trong nhiều năm, hình tròn, gặp ở gan (66%), phổi (22%), thận (3%), xương (2%), não (1%) và các nơi khác cơ, lách, tim, mắt.
Cấu tạo nang sán (hydatidcyst) gồm lớp vỏ dày khoảng 1mm và màng sinh sản dày từ 22 – 25 µm, ở trong là dịch nang màu hơi vàng. Nang ấp (brood capsule) chỉ có màng sinh sản trong chứa những đầu sán. Nang con có cấu tạo lặp lại cấu tạo của nang mẹ…
Khi nang vỡ, có rất nhiều đầu sán non từ nang ấp thoát ra, tràn vào dịch nang. Một nang trung bình chứa khoảng 2 triệu đầu sán non. Nếu chó ăn phải nang sau bảy tuần, trong cơ thể chó có hàng triệu sán trưởng thành. Nếu nang vỡ trong cơ thể vật chủ, đầu sán non lại phát triển thành nang sán mới – nang thứ phát. Nang con trong dịch nang đôi khi có thể sinh ra nang cháu.
Có một số nang do vôi hoá hoặc có vi khuẩn xâm nhập không có nang ấp và không có đầu sán gọi là nang “sạch” hoặc nang không đầu (acephalocyst).
Vai trò y học.
Do nang chèn ép các phủ tạng, cơ quan xung quanh gây nên những biến chứng quan trọng. Sự nguy hại còn phụ thuộc vào vị trí có nang.
Nếu vỡ nang, gây nhiễm độc, dị ứng, choáng quá mẫn và đầu sán tràn ra gây nang thứ phát. Nang thứ phát có thể 2 – 5 năm sau mới xuất hiện kể từ khi nang tiên phát vỡ và thường gây tử vong ở giai đoạn này.
Chẩn đoán.
Chẩn đoán nang sán kim thường khó, do nang sán phát triển chậm so với các loại u khác. Vì vậy bệnh nang sán kim không phát hiện được kịp thời.
Ví dụ: nang sán kim ở vòm họng có khi tới 30 năm sau mới có triệu chứng nặng biểu hiện ra.
Qua chụp X quang có thể phát hiện được nang sớm, xét nghiệm máu thấy bạch cầu ái toan tăng 20 – 25% hoặc chẩn đoán huyết thanh miễn dịch đặc hiệu sán kim là những dấu hiệu chỉ điểm quan trọng cho chẩn đoán bệnh.
Điều trị.
Phương pháp phẫu thuật dùng cho những nang có thể mổ được, bóc nguyên cả nang. Những nang không mổ được thì dùng phương pháp trị liệu sinh học: tiêm nhiều lần cho bệnh nhân chất dịch lấy ra từ nang sán nước (tiêm kháng nguyên), dần dần nang ở bệnh nhân nhỏ lại.
Dịch học và phòng chống.
Dịch học:
Bệnh phân bố ở nhiều nước thuộc châu Phi, Bắc và Nam Mĩ, Nam châu Úc, châu Âu, châu Á (Trung Quốc, Nhật Bản, Philipin, Việt Nam) (Faust, 1970).
Phòng chống:
Chủ yếu không cho chó ăn các nang sán khi mổ lợn, cừu, trâu, bò, cần chôn kĩ. Giữ gìn khi tiếp xúc với chó. Nếu nuôi chó, cần có chế độ chăm sóc, khám bệnh phát hiện bệnh sán kim và điều trị triệt để cho chó.