Nội dung

Sán máu( sán máng)- schistosoma

Sán Schistosoma được Weinland phát hiện từ năm 1858. Bệnh do sán máu gây ra phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới thuộc châu Phi, Á, Mĩ La Tinh, một số đảo ở Thái Bình Dương. 

Theo Wright (1968): hiện có khoảng 354 triệu người trên thế giới sống trong vùng có bệnh lưu hành và có 117 triệu người mắc bệnh này. 

Sán máu có một số đặc điểm khác với các loài sán lá khác:

Sán máu có cấu tạo phân giới: sán đực, sán cái riêng biệt.

Thân sán không dẹt, không có hình lá cây. Sán đực: 10 – 15 x 1 mm, phần trước thân hình ống, chiếm 1/5 chiều dài của thân; phần sau thân dẹt, hai bờ mỏng, cuộn gấp lại như lòng máng chiếm 4/5 chiều dài thân. Sán cái dài hơn sán đực: 15 – 20 x 0,5 mm, thân hình ống, nhỏ, màu sẫm hơn sán đực, thường nằm trong lòng máng của sán đực. Rất khó phân biệt các loài sán máu trưởng thành.

Trứng sán máu không có nắp, dựa vào hình thể của trứng có thể phân biệt được các loại sán máu.

Ấu trùng đuôi sán máu có đuôi chẽ đôi, khác hẳn ấu trùng đuôi của các loại sán lá khác.

Đa số các dòng sông ở khu vực Đông Nam châu Á đều có phần hạ nguồn chảy qua lãnh thổ Việt Nam, tuy nhiên ở Việt Nam chưa phát hiện được sán máu, mặc dù nhiều vùng lưu vực phần thượng nguồn của các dòng sông chảy từ Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia là những vùng có lưu hành bệnh sán máu. 

Có rất nhiều loài sán máu, nhưng có 4 loài kí sinh ở người:

S.japonicum (Katsurado,1904): phân bố chủ yếu ở vùng Đông Á: Nhật Bản, Trung Quốc, Triều Tiên, Đài Loan, Philippin.

S.haematobium (Bilharz,1852): phân bố ở châu Phi: Ai Cập, Senegan,

Sudan, Angola, Madagaska. Vùng Trung Đông: Ả Rập, Israel, Irak, Ấn Độ và   

Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha…

S.mansoni (Sambon, 1907): phân bố ở châu Phi thuộc lưu vực sông Nil: Ai

Cập, Libi, Ethiopia, Somali, Yemen, Senegan, Congo, Sudan… và ở châu Mĩ la tinh: Brazin, Venezuela, Surinam, Haiti, Puerto Rico…

S.intercalatum (Fischer, 1934): phân bố ở Ai Cập, Congo, Gabon…

Đặc điểm hình thể.

S.japonicum:

Kích thước sán trưởng thành: sán đực 6 – 12 x 0,5 – 0,8 mm, sán cái 12 – 20 x 0,2 – 0,3 mm, thân phủ gai rất nhỏ. Trứng hình bầu dục, có gai rất nhỏ nằm ở bên cạnh khó nhận thấy được. Kích thước của trứng: 60 – 100  x 50 – 80µm.

S.haematobium:

Kích thước sán trưởng thành: sán đực 7 – 12 x 0,9 -1,0 mm, sán cái 1- 20  x 0,1 – 0,2 mm.

Trứng hình bầu dục, một đầu tròn, một đầu dài, có gai ở đầu dài, kích thước 120 – 160 x 40 – 70 µm.

S.mansoni:

Kích thước sán trưởng thành: sán đực 6 – 12 x 1 mm, sán cái 10 – 16  x 0,16 – 1,2 mm. 

Trứng hơi dài hơn, thon hơn trứng S.japonicum, có gai ở một bên rất nhỏ, nhưng dễ nhận thấy, kích thước 130 – 180  x 60 – 70µm.

S.intercalatum

Hình 11.10: Trứng sán S.haematobium 

Hình 11.11: Trứng sán S.japonicum

Hình 11.12: Trứng sán S.mansoni.

Sán trưởng thành có kích thước gần giống như  S.haematobium. Trứng hình bầu dục, có một gai ở phần cuối, kích thước 140 – 220 x 50 – 85 µm.

Đặc điểm sinh học.

Vòng đời sinh học của các loài sán máu giống nhau, nhưng có vật chủ phụ khác nhau, có vị trí kí sinh khác nhau.

S.japonicum:

Kí sinh ở hệ thống tĩnh mạch cửa trong gan, tĩnh mạch mạc treo ruột trên. Sán cái đẻ 50 – 300 trứng/ngày, trứng theo phân ra ngoài.

S.haematobium: 

Kí sinh ở hệ thống tĩnh mạch bàng quang. Sán cái đẻ 20 – 30 trứng/ngày, trứng theo nước tiểu và có thể theo phân ra ngoài.

Hình 11.13: 1. S.japonicum; 2. S.haematobium; 3. S.mansoni

A- Sán đực; B- Sán cái; C- Trứng

S.mansoni:

Kí sinh ở hệ thống tĩnh mạch đại tràng, tĩnh mạch mạc treo ruột trên và dưới.

Sán cái đẻ 1- 4 trứng/ngày, trứng theo phân ra ngoài.

S.intercalatum:

Vị trí kí sinh giống như  S.mansoni. Trứng theo phân ra ngoài đôi khi theo đường nước tiểu.

Sán trưởng thành đẻ trứng ở các mao mạch, từ đấy trứng xâm nhập vào lòng ruột, hoặc vào lòng bàng quang, tùy theo từng loài. Giai đoạn di chuyển của trứng trong mô có tầm quan trọng đặc bịêt về mặt bệnh học,  giai đoạn này kéo dài  1- 2 tháng. Trứng xuyên qua thành ruột, thành bàng quang, gây ra viêm thành ruột, thành bàng quang, dần dần liền sẹo, dày lên, ngăn cản trứng không qua được, trứng tích lũy trong thành ruột, thành bàng quang, gây tổn thương tại chỗ. Đôi khi trứng theo máu vào gan, lách, cơ quan sinh dục…

Trứng sán máu ra ngoại cảnh, rơi vào nước, sau vài giờ, ấu trùng lông (miracidium) chui ra khỏi trứng, bơi lội tự  do trong nước, tự tìm đến vật chủ phụ thích hợp các loài ốc:

S.japonicum có vật chủ phụ là ốc Oncomelania: O.nososphora ở Nhật Bản, O.huppensis ở Trung Quốc, O.auadrasi ở Philippin, O.formosana ở Đài Loan.

S.haematobium có vật chủ phụ là ốc Bulinus: B.trancatus, B.forskalii,

B.rohlfsi, B.abyssinicus, B.nasutus, B.senegalensis, B.africanus, B.guernei, B.globosus… Riêng ở Bồ Đào Nha có ốc Planorbarius metidjensis

S.mansoni có vật chủ phụ là ốc Biomphalaria ở châu Phi: B.alexandrina,

B.pfeifferi, B.adowensis và ốc Australorbis ở Nam Mĩ A.globratus,

S.intercalatum có vật chủ phụ là ốc Bulinus africanus.

Hình 11.14: Vòng đời sinh học của sán máu.

Ấu trùng lông vào ốc, trong cơ thể ốc, từ một ấu trùng lông sẽ phát triển thành rất nhiều ấu trùng đuôi (cercaria). Số lượng và nhịp độ phóng thích ấu trùng đuôi  phụ thuộc vào điều kiện môi trường. Ở điều kiện tốt nhất, mỗi ngày mỗi ốc phóng thích ra hàng ngàn ấu trùng đuôi, trong nhiều tuần lễ liên tiếp. Trung bình từ một ấu trùng lông vào sẽ phát triển thành hàng trăm nghìn ấu trùng đuôi.

Ấu trùng đuôi bơi lội tự do trong nước, khi có người bơi lội dưới nước, ấu trùng đuôi đánh hơi, tìm mọi cách chui qua da vật chủ bỏ lại phần đuôi. Nếu chúng ta nhúng chân vào nước có ấu trùng đuôi, dù chỉ một phút cũng bị ấu trùng đuôi chui qua da. Nếu không gặp vật chủ thì ấu trùng đuôi sẽ chết sau vài giờ.

Vào cơ thể người, ấu trùng sán máu vào hệ tuần hoàn, lên phổi, về tim, theo đại tuần hoàn đi khắp cơ thể, cuối cùng phát triển thành sán trưởng thành ở hệ thống tĩnh mạch cửa, sau khi thụ tinh, sán tới các vị trí thích hợp (tùy loài) và đẻ trứng ở đó. Đời sống của sán máu trong cơ thể người khoảng 20 – 25 năm.

Vai trò y học.

Các loài sán máu gây bệnh cho người ngay từ khi ấu trùng xâm nhập vào cơ thể.

Phản ứng da:

Là biểu hiện sớm nhất của bệnh, khi ấu trùng chui qua da, xâm nhập vào cơ thể. Người bệnh có cảm giác ngứa ngáy, sau vài ngày, nổi mẩn thành từng đám, có thể sốt, cảm giác khó chịu. Các biểu hiện đó sẽ mất đi trong vài ngày. Các lần tái nhiễm sau xảy ra âm thầm.

Nhiễm độc máu:

Xảy ra sau phản ứng da 1 – 2 tháng. Có biểu hiện quá mẫn, nổi mề đay, hen, sốt, gan và lách sưng, ngứa ở da, phù nề thoáng qua, nhức đầu, đau mỏi các cơ…

Giai đoạn toàn phát của bệnh:

Tương ứng với giai đoạn sán cái vào mạch máu đẻ trứng. Tùy thuộc từng loại sán có biểu hiện lâm sàng khác nhau:

S.japonicum:

Gây bệnh sán máu gan – lách, là loại sán máu gây phản ứng mạnh nhất. Bệnh nhân sốt, rét, nóng, đổ mồ hôi, có thể rối loạn tiêu hoá, gan lách sưng to. 

Trứng sán ở gan gây nên những tổn thương xơ hoá, tuần hoàn tĩnh mạch tắc nghẽn, lúc đầu gan sưng to, sau đó xơ hoá, teo nhỏ, tăng áp lực tĩnh mạch cửa, lách sưng to, có thể cổ trướng, tuần hoàn bàng hệ.

Đôi khi trứng sán di chuyển vào những nhánh nối với tĩnh mạch tủy sống (spinal vein), lên não, gây những phản ứng viêm, tắc, rối loạn tuần hoàn não, tiên lượng rất xấu.

S.haematobium:

Gây bệnh sán máu tiết niệu – sinh dục. Loại sán này đẻ trứng ở các nhánh tĩnh mạch vùng tiết niệu, sinh dục, có thể vào cả đám rối trĩ.

Sán này rất ít khi gây dị ứng. 

Trứng sán gây tổn thương ở bàng quang và các cơ quan sinh dục, gây ứ đọng tuần hoàn, tạo thành những bướu gai trong màng nhầy bàng quang. 

Triệu chứng thường gặp nhất: đái ra máu đại thể họăc vi thể, đau vùng trên xương mu, lan xuống vùng đáy chậu, bìu, dương vật, cảm giác nóng rát khi đái, ngứa khi đái, đái dắt. Bàng quang bị xơ hoá, vôi hoá, giảm dung tích, dẫn đến biến chứng sỏi, viêm…

Tổn thương ở cơ quan sinh dục gặp cả ở nam, nữ: viêm mào tinh, viêm thừng tinh, viêm túi tinh, tuyến tiền liệt, viêm cổ tử cung, phần phụ… dẫn tới vô sinh.

S.mansoni:

Gây bệnh sán máu đường ruột. Sán này đẻ trứng ở những nhánh của hệ tĩnh mạch cửa, có thể thấy trứng sán trong ruột, gan, lách. 

Biểu hiện lâm sàng thường không rõ, có những đợt đi lỏng, xen kẽ táo bón, đầy hơi, nổi mẩn, ngứa, có thể gan, lách sưng to do tắc nghẽn, tăng áp lực tĩnh mạch.

S.intercalatum:

Cũng gây bệnh sán máu đường ruột, lâm sàng giống như  S.mansoni.

Chẩn đoán.

Chẩn đoán quyết định dựa vào kết quả xét nghiệm tìm thấy trứng sán trong các bệnh phẩm, phân, nước tiểu, hoặc trong mô khi sinh thiết. Thường chỉ tìm thấy trứng trong giai đoạn toàn phát của bệnh, nếu cường độ nhiễm ít, tìm thấy trứng khó khăn.

Có thể dựa vào lâm sàng và các xét nghiệm  chẩn đoán miễn dịch.

Điều trị.

Trước đây dùng các thuốc có antimoan, dehydroemetin…

Hiện nay thường dùng các loại thuốc:

Niridazole (ambilhar): thuốc có độc tính cao, có thể gây tai biến tâm thần.

Oxamniquine (vansil): ít độc, có thể dùng điều trị hàng loạt, nhưng chỉ có tác dụng với S.mansoni.

Praziquantel: có tác dụng tốt điều trị các loại sán máu.

Dịch tễ học và phòng chống.

Do những đòi hỏi chặt chẽ của vòng đời sinh học sán máu, nên bệnh sán máu thường lưu hành ở những nơi có các loại ốc thích hợp và điều kiện thiên nhiên thích hợp cho ốc phát triển. 

Tình hình kinh tế, xã hội có vai trò quan trọng ảnh hưởng đến lưu hành và lan truyền bệnh. Sử dụng nguồn nước ao, hồ, sông, suối, phong tục phóng uế xuống nước… là yếu tố nguy cơ nhiễm bệnh sán máu cho cả cộng đồng. 

Những người làm ruộng, cấy lúa nước, nghề chài lưới, đánh bắt thủy sản, dễ mắc bệnh này. 

Bệnh sán máu thường gặp ở các nước nhiệt đới, cận nhiệt đới:

Ở châu Phi, nhất là vùng châu thổ sông Nin có sự phân bố rộng rãi loài sán máu S.mansoni. Ví dụ như ở Ai Cập thuộc châu thổ sông Nin có nơi tới 60% dân số bị nhiễm các loài sán máu S.mansoni, tuy nhiên loài sán này lại ít gặp ở Bắc Phi. 

Loài sán máu S.japonicum lại phân bố rộng rãi ở Trung Quốc, xuất hiện các ổ dịch dọc thung lũng sông Mê Công, ở Thái Lan cũng có bệnh này.

Ngoài ra bệnh còn phổ biến ở Nam Nhật Bản như vùng Katayama 38% dân số nhiễm bệnh sán máu. Ngoài ra bệnh còn có ở Triều Tiên, Philipin. 

Ở Việt Nam chưa phát hiện thấy bệnh sán máu.

Các biện pháp phòng bệnh cá nhân chỉ có thể áp dụng với những người đi qua vùng lưu hành trong một thời gian ngắn, không có nhu cầu sinh hoạt, làm việc dưới nước.

Đối với nhân dân bản xứ ở vùng có bệnh lưu hành, các biện pháp phòng bệnh cá nhân: đi ủng, bôi trên da những thuốc xua ấu trùng đuôi… rất khó áp dụng.

Các chương trình phòng chống bệnh sán máu và các biện pháp phòng bệnh tập thể rất tốn kém vì phải điều trị hàng loạt, phải đảm bảo chương trình cung cấp nước sạch, giải quyết triệt để nguồn phân bằng các loại hố xí hợp quy cách, khoa học…

Schistosoma mekongi

S.mekongi là một chủng sán máu phân bố ở lưu vực sông Mekong một sông lớn chảy qua Trung Quốc, Lào, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam. 

Hình thể sán S.mekongi tương tự S.japonicum, nhưng trứng S.mekongi hơi nhỏ hơn, tròn hơn, kích thước: 56 x 64 µm. 

Vật chủ chính của S.japonicum: người, dê, chó, mèo, lợn, trâu, bò, chuột… Vật chủ chính của S.mekongi: người và chó, chó là vật chủ chính, có lựa chọn quan trọng.

Mùa truyền bệnh S.mekongi là quanh năm, những đỉnh cao vào mùa lễ té nước (tháng 4,6) khi mức nước xuống thấp, dân phải ra sông tắm rửa, giặt rũ, lấy nước chứa vào bể,… tạo điều kiện thuận lợi cho ấu trùng đuôi xâm nhập qua da. Vật chủ phụ của sán S.mekongi là ốc Lithoglyphopsis aperta

Vị trí địa lí cư trú của loài ốc này ở khu vực tỉnh Ubon (Thái Lan), Sachanđon (Lào), Krochie (Campuchia) thuộc vĩ độ 15°14 – 16°2, kinh độ 105°14 – 105°51. 

Sán S.mekongi kí sinh ở hệ thống tĩnh mạch mạc treo ruột trên và tĩnh mạch cửa.

Các đặc điểm bệnh học, dịch học, phòng chống giống như  S.japonicum.

Bệnh viêm da do ấu trùng sán máu

Có ít nhất 25 loài ấu trùng đuôi sán ở nước ngọt và 4 loài ở nước mặn có thể gây viêm da cho người, khi hoạt động dưới nước. Đó là những ấu trùng sán kí sinh ở động vật lông vũ, động vật có vú sống dưới nước. 

Khi chui qua da người ấu trùng chỉ gây viêm da, dị ứng, không phát triển thành sán trưởng thành ở người.

Ở nước ta hay gặp nhất là bệnh viêm da do sán máu vịt, ở những vùng chăn nuôi vịt. Đó là sán Trichobilhazria sp. và sán máu của một số động vật khác Schistosomatium sp. 

Sau khi ấu trùng đuôi chui vào da vài giờ, bệnh nhân ngứa dữ dội, da phù, nổi mẩn đỏ thành từng đám rộng, do ngứa, gãi dễ bị nhiễm trùng. Thực chất đây chỉ là một hiện tượng dị ứng, những chỗ da nổi mẩn, sau một tuần tự khỏi. 

Có thể điều trị bằng các thuốc chống dị ứng, nếu có nhiễm trùng sử dụng kháng sinh.

Có thể dự phòng theo kinh nghiệm dân gian, bôi lên da mỡ rái cá hoặc các loại dầu, mỡ có tác dụng xua ấu trùng đuôi để bảo vệ da khi phải tiếp xúc với nước ở những vùng chăn nuôi vịt.