Nội dung

Sơ cấp cứu bỏng do dòng điện

Khái niệm

Bỏng điện là tình trạng tổn thương tại chỗ và toàn thân do dòng điện dẫn truyền qua cơ thể, biến điện năng thành nhiệt năng và gây nên tình trạng rối loạn điện giải trong và ngoài tế bào dẫn đến tổn thương các tế bào (hiệu ứng đục lỗ).

Bỏng tia lửa điện không phải là bỏng điện mà là bỏng nhiệt khô.

Bỏng do dòng điện cao thế thường gây ngừng hô hấp trước ngừng tim, tình trạng nặng nề, tỷ lệ tử vong và tàn phế cao. Bỏng do dòng điện hạ thế (điện sinh hoạt) thường gây ngừng tim trước ngừng hô hấp, tỷ lệ tử vong và tàn phế ít hơn.

Chỉ định

Người bệnh bị bỏng do dòng điện

Chống chỉ định

Dòng điện đi qua cơ thể (bị điện giật) nhưng không gây tổn thương bỏng tại chỗ và toàn thân hoặc bỏng do tia lửa điện.

Chuẩn bị

Người thực hiện 

Cấp cứu tại hiện trường: người cấp cứu là tình nguyện viên, hội viên Hội chữ thập đỏ

Tại cơ sở y tế : bá sỹ, điều dưỡng

Phương tiện

Các phương tiện cấp cứu ngừng hô hấp và tuần hoàn.

Địa điểm, buồng bệnh

Cấp cứu nạn nhân bị điện giật có ngừng tim, ngừng thở (sốc điện) ngay tại nơi xảy ra tai nạn 

Điều trị nạn nhân bỏng điện tại buồng hồi sức cấp cứu; buồng điều trị bỏng; buồng bệnh ngoại khoa hay buồng bệnh khác có trang bị phương tiện theo yêu cầu.

Người bệnh

Cấp cứu người bệnh bị điện giật: Càng sớm càng tốt tách người bệnh ra khỏi nguồn điện, để ở nơi thoáng, trên nền cứng. 

Điều trị bỏng điện: chỉ tiến hành sau khi nạn nhân đã được hồi sức cấp cứu sốc điện (nếu có), nạn nhân tim đập trở lại và tự thở lại. 

Các bước tiến hành

Sơ cấp cứu tại nơi xảy ra tai nạn

Bước 1: bình tĩnh, nhanh chóng tách nạn nhân khỏi nguồn điện

Tìm mọi cách ngắt nguồn điện, tháo cầu chì, cắt cầu dao, kéo phích cắm khỏi ổ điện. 

Dùng vật không dẫn điện tách người bệnh khỏi nguồn điện.

Khi cấp cứu nên gọi thêm người đến hỗ trợ, cả khi người cấp cứu là nhân viên y tế.

Bước 2: đánh gia và cấp cứu ban đầu

Tiến hành theo nguyên tắc về cấp cứu ban đầu: ABCDE (theo hiệp hội cấp cứu chấn thương quốc tế- primary trauma care foundation):

(airway): đường thở. Cần nhận biết người bệnh có tỉnh không, tiếp xúc được không? Bảo đảm người bệnh thực sự lưu thông đường thở. 

(breading): hô hấp

Đánh giá rối loạn hô hấp dựa vào tần số thở, sự gắng sức khi thở. Nếu ngừng thở phải tiến hành ngay hô hấp nhân tạo.

(circulation): tuần hoàn 

Kiểm tra mạch ngoại vi ở cổ tay, nếp bẹn, cổ. Kiểm tra phát hiện có ngừng tim hay không (ép tai vào lồng ngực để nghe nhịp tim). Nếu có ngừng tim: tiến hành ép tim ngoài lồng ngực

(Disability): thần kinh. 

Cần đánh giá nhanh nạn nhân ở các mức độ nặng dần như sau: tỉnh, đáp ứng bằng lời khi hỏi, đáp ứng bằng kích thích đau (áp dụng khi hỏi mà không thấy trả lời), không đáp ứng bằng hỏi hoặc kích thích đau: nạn nhân hôn mê sâu 

(eposure): bộc lộ

Bộc lộ, kiểm tra tổn thương, kiểm tra tổn thương toàn thân khác để xử trí. Đặc biệt kiểm tra tình trạng gãy xương và chấn thương sọ não hay gặp ở bệnh nhân bỏng điện cao thế do hay kèm theo ngã

Bước 3: Hà hơi thổi ngạt- ép tim ngoài lồng ngực khi nạn nhân ngừng thở ngừng tim: làm ngay, không được vận chuyển. Gồm các động tác thứ tự sau:

Vỗ mạnh 3 – 5 cái vùng ngực. 

Đặt nạn nhân lên nền cứng (ván cứng, mặt đất), nới lỏng quần áo và các thứ chằng buộc làm cản trở hô hấp. Để nạn nhân nằm ngửa, cổ ngửa và nghiêng đầu sang 1 bên trên nền cứng, lau sạch đờm dãi và dị vật đường thở nếu có.

Tiến hành ép tim ngoài lồng ngực và hô hấp nhân tạo bằng thổi ngạt miệng – miệng hay miệng – mũi cho đến khi nào tim đập lại người bệnh tự thở được mới chuyển đến cơ sở điều trị.

Bước 4: chuyển tới bệnh viện gần nhất khi nạn nhân đã thở và tim đập trở lại. Trên đường vận chuyển tiếp tục hồi sức.

Xử trí vết bỏng chỉ tiến hành sau khi nạn nhân tim đập, thở trở lại. Có thể dùng khăn mặt, khăn tay, vải màn… sạch để phủ lên. Băng bảo vệ vết bỏng bằng băng sạch. Với bỏng mặt, bỏng sinh dục: chỉ cần phủ một lớp gạc. 

Tại cơ sở điều trị

Khám và phân loại  người bệnh, chú ý khám kỹ cả toàn thân và tại chỗ.

Điều trị sốc bỏng (nếu có).

Phát hiện và điều trị chấn thương phối hợp (sọ não, bụng kín, ngực kín, gãy xương chi thể, xương chậu…) nên cần khám xét kỹ, tránh bỏ sót.

Khám tại chỗ xác định điểm vào và điểm ra của dòng điện; trên đường đi của dòng điện thường có hoại  tử dưới da như cân, cơ, xương đặc biệt mạch máu, thần kinh.

Tổn thương tại chỗ tại điểm vào, điểm ra của bỏng điện ban đầu thường không tương ứng và không phản ánh đầy đủ  tổn thương thật sự do dòng điện gây ra, do đó cần tiên lượng chính xác tổn thương.   

Hoại tử bỏng thường sâu đến cân, cơ, mạch máu, thần kinh và dễ gây chèn ép khoang dẫn đến thiếu máu ngoại vi thứ phát. Do đó, nếu có hoại tử sâu, đặc biệt kín chu vi chi thể thì cần rạch hoại tử sớm để giải phóng chèn ép.

Bỏng điện dễ gây chảy máu thứ phát nên cần phải để garô chờ, nếu mạch máu dứt hoặc hoại  tử thì khâu buộc thắt để cầm máu.

Tiến hành cắt lọc hoại tử càng sớm càng tốt, vết thương cần để hở, không khâu kín tránh hoại thư sinh hơi.

Các chi thể hoại tử nếu không có khả năng bảo tồn phải cắt cụt hay tháo khớp sớm tránh biến chứng suy thận cấp hay ngộ độc do hoại tử bỏng sâu.

Dùng các thuốc trợ tim mạch, hô hấp, lợi tiểu (khi đã bổ sung đủ dịch) và kháng sinh dự phòng, điều trị nhiễm khuẩn. Tiêm SAT dự phòng uốn ván sớm. Hạn chế sử dụng các thuốc gây độc cho thận.

Thay băng hàng ngày, chuyển vạt da che phủ khuyết hổng hay ghép da sau khi có mô hạt vùng bỏng sâu.

Phục hồi chức năng sớm ngay trong giai đoạn điều trị bỏng.

Theo dõi và xử trí tai biến, biến chứng

Toàn thân 

Ngừng thở, ngừng tim (sốc điện) đột ngột, tái phát: Hồi sinh tổng hợp. Ép tim ngoài lồng ngực, tiêm adrenalin buồng tim, bóp bóng hỗ trợ hô hấp, đặt nội khí quản thở máy.

Suy thận cấp: (do tan máu, tiêu cơ…): bù dịch thể, dịch kiềm bicacbonat, chạy thận nhân tạo, thẩm phân và lọc máu, lợi tiểu, cắt bỏ hoại tử sớm. 

Nhiễm khuẩn huyết: dự phòng hiệu quả nhất là loại bỏ hoại tử bỏng, kết hợp liệu pháp tổng hợp: tăng nuôi dưỡng, miễn dịch, kháng sinh…

Theo dõi diễn biến của các chấn thương, tổn thương kết hợp nếu có

Tại chỗ

Tổn thương bỏng sâu chèn ép gây hội chứng khoang: rạch hoại tử giải phóng chèn ép.

Chảy máu thứ phát: Cần phải để garô chờ, cắt bỏ hoại tử sớm. Nếu mạch máu đứt: cầm máu, thắt mạch.

Hoại tử thứ phát do tổn thương tiếp tục tiến triển làm lộ gân, cơ, xơng, khớp, mạch máu, thần kinh, nội tạng (do tiếp tục tổn thương bởi dòng điện, do chảy máu hoại tử thứ phát mạch máu..): tranh thủ che phủ sớm khi có điều kiện (ghép da, dùng vạt, nối vi phẫu…)

Nhiễm khuẩn; hoại thư sinh hơi: rạch rộng, rửa oxy già, cắt bỏ hoại tử, dùng kháng sinh tại chỗ và toàn thân.