Đại cương.
Định nghĩa.
Thuốc khai khiếu là những thuốc có tính tân hương tán (cay, thơm, phát tán), có tác dụng khai khiếu tỉnh thần, dùng để điều trị chứng bệnh bế chứng thần hôn.
Tác dụng chung.
Tâm tàng thần, chủ thần minh, tâm khiếu khai thông làm cho tâm chủ thần ninh, thần chí tỉnh táo, tư duy logic. Nếu tâm khiếu bị trở trệ, thanh khiếu bị bưng bít làm cho thần minh nội bế, thần thức hôn mê, bất tỉnh nhân sự.
Thuốc khai khiếu vị cay, phương hương, tính phát tán, đều nhập vào tâm kinh, có tác dụng thông quan khai khiếu, tỉnh thần.
Chỉ định chung.
Ôn bệnh nhiệt hãm tâm bào, đàm trọc bưng bít thanh khiếu gây ra mê man, nói lảm nhảm, co giật…
Chú ý khi dùng.
Thần chí hôn mê phân thành hư – thực: hư chứng thuộc chứng thoát, thực chứng thuộc chứng bế.
Thoát chứng nên dùng pháp bổ hư cố thoát (không nên dùng thuốc khai khiếu).
Bế chứng nên dùng thuốc thông quan khai khiếu, tỉnh thần (dùng thuốc khai khiếu).
Hàn bế: mặt xanh, người lạnh, rêu lưỡi trắng, mạch trì, điều trị nên phối hợp thuốc ôn lý trừ hàn để điều trị
Nhiệt bế: mặt hồng, người nóng, rêu lưỡi vàng, mạch sác, điều trị nên phối hợp thuốc thanh nhiệt giải độc để điều trị.
Nếu bế chứng mà tinh thần lơ mơ, mê man, kiêm có co giật thì phối hợp với thuốc tức phong chỉ kinh.
Thuốc khai khiếu vị cay, thơm, phát tán là thuốc dùng để cấp cứu, dễ làm hao thương chính khí, nên chỉ dùng trong thời gian ngắn, không nên sắc uống mà thường là cho vào viên hoàn hoặc tán bột uống.
Các vị thuốc.
Xạ hương.
Xạ hương (Moschus) là chất đặc lổn nhổn ở hạch sát dương vật của con cầy hương đực Moschus berezovskii Flerov, thuộc họ hươu xạ Moschidae.
Tính vị: cay, ấm. Quy kinh tâm, tỳ.
Tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, hoạt huyết thông kinh, chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị bế chứng thần hôn, không phân biệt hàn bế, nhiệt bế đều có thể dùng. Điều trị ôn bệnh, nhiệt hãm tâm bào, đàm nhiệt bưng bít tâm khiếu, trẻ em co giật, trúng phong đàm quyết… thường phối hợp dùng với ngưu hoàng, băng phiến, chu sa… như an cung ngưu hoàng hoàn – chí ngọc đan – ngưu hoàng bào long hoàn. Điều trị trúng phong đột nhiên hôn mê do hàn bế thần hôn (hàn trọc hoặc đàm thấp trệ bế khí cơ, bưng bít thần minh) thường phối hợp dùng với tô hợp hương, đàn hương, an tức hương như bài tô hợp hương hoàn.
Điều trị chứng mụn nhọt mưng mủ, thường phối hợp dùng với hùng hoàng, nhũ hương, một dược như bài tỉnh tiêu hoàn. Điều trị sưng đau hầu họng, thường phối hợp dùng với ngưu hoàng, thiềm thừ, chu sa như bài lục thần hoàn.
Điều trị chứng huyết ứ kinh bế, trưng hà tích tụ thường phối hợp dùng với hồng hoa, đào nhân, xuyên khung như bài thông khiếu hoạt huyết thang. Điều trị tâm phúc bạo thống (đau dữ dội) thường phối hợp dùng với mộc hương, đào nhân… như bài xạ hương thang.
Điều trị chấn thương tụ máu, gãy xương kín, thường phối hợp dùng với nhũ hương, một dược, hồng hoa như bài thất lý tán – bát lý tán.
Gần đây dùng dịch tiêm xạ hương 0,2% tiêm vào nơi đau để điều trị thoát vị đĩa đệm, mỗi lần tiêm 2 – 4 ml, 1 tuần/1lần trong 2 tuần liền, đạt hiệu quả tốt.
Điều trị chứng tý đau nhức, điều trị lâu ngày không khỏi thường phối hợp dùng với độc hoạt, uy linh tiên, tang ký sinh.
Dùng trong đẻ khó, thai chết lưu, rau thai không bong thường dùng cùng với nhục quế bột là bài hương quế tán. Gần đây có báo cáo dùng xạ hương khí vụ tễ để điều trị cơn đau thắt ngực thấy có hiệu quả tốt.
Ngoài ra còn dùng xạ hương, răng lợn, bạch chỉ chế thành xạ hợp tâm giảo thống cao, dán lên vùng trước tim và huyệt tâm du, 24h thay 1 lần để điều trị bệnh lý mạch vành. Dùng xạ hương chú xạ dịch để điều trị ung thư đường tiêu hoá (ung thư gan, thực quản, dạ dầy, trực tràng) đều thấy cải thiện rõ rệt về lâm sàng.
Liều dùng: cho vào viên hoàn, liều 0,06g – 0,1g. Không nên sắc uống.
Chú ý: không dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: xạ hương liều nhỏ gây hưng phấn hệ thống thần kinh, liều cao gây ức chế. Tác dụng giảm nhẹ não úng thuỷ, tăng cường sức chịu đựng thiếu oxy của tổ chức não, cải thiện tuần hoàn não. Thực nghiệm cô lập tim trên động vật thấy có tác dụng tăng hưng phấn, tăng lưu lượng tuần hoàn vành. Trên chó gây mê thấy có tác dụng tăng huyết áp, tăng tần số hô hấp. Xạ hương có tác dụng ức chế TK đại tràng, tụ cầu vàng. Đối với ung thư thực quản, dạ dày, bàng quang đều thấy có tác dụng ức chế tế bào ung thư.
Băng phiến: long não hương, từ bi.
Băng phiến (Borneo – Camphor) được chế bằng cách cất tinh dầu từ gỗ cây long não hương Dryobalanops aromatica Gaertn. f, thuộc họ dầu Dipterocarpaceae.
Việt nam chế từ cây đại bi, từ bi Blumera balsamifera DC. Thuộc họ cúc Copositae.
Tính vị: cay, đắng, hơi lạnh. Quy kinh tâm – tỳ – phế.
Tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, thanh nhiệt chỉ thống.
Ứng dụng:
Điều trị chứng nhiệt bế (nhiệt bệnh thần hôn, đàm nhiệt nội bế, thử nhiệt đột quyết, trẻ em co giật…) thường phối hợp dùng với ngưu hoàng-xạ hương – hoàng liên như bài an cung ngưu hoàng hoàn. Nếu phối hợp với thuốc ôn lý trừ hàn, thuốc khai khiếu thiên về tính ôn nhiệt thì có thể điều trị chứng hàn bế.
Điều trị mắt xưng đỏ, có thể dùng 1 vị băng phiến nhỏ mắt cũng đạt hiệu quả, có thể phối hợp với bằng sa – mật gấu chế thành dịch nhỏ mắt. Điều trị xưng đau họng, lở loét niêm mạc miệng lưỡi thường phối hợp dùng với bột bằng sa – chu sa – huyền minh phấn bôi tại chỗ như bài băng bằng tán.
Điều trị các vết lở loét lâu liền thường phối hợp dùng với huyết kiệt- nhũ hương như bài sinh cơ tán.
Ngoài ra băng phiến còn dùng trong điều tị cơn đau thắt ngực, đau răng thấy đạt kết quả tốt.
Liều dùng: cho vào viên hoàn, mỗi lần uống 0,03g – 0,1g. Không nên cho vào thuốc sắc.
Chú ý: không dùng cho phụ nữ có thai
Tác dụng dược lý: băng phiến dùng tại chỗ hơi có tác dụng hơi hưng phấn thần kinh cảm giác, giảm đau và ngăn ngừa tạo mủ. Khi dùng nồng độ cao 0,5% thấy có tác dụng ức chế tụ cầu, liên cầu, phế cầu, trực khuẩn đại tràng, trực khuẩn ngoài da…
Tô hợp hương.
Tô hợp hương (Styrax) là chất nhựa dầu lấy từ cây tô hạp Liquidambat Orientalis Mill, thuộc họ sau sau Hamamelidaceae.
Tính vị: cay, ấm. Quy kinh tâm, phế.
Tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, giảm đau.
Chỉ định:
Điều trị chứng hàn bế thần hôn (trúng phong do hàn tà, đàm trọc nội bế) thường phối hợp dùng với xạ hương, an tức hương, đàn hương như bài tô hợp hương hoàn.
Điều trị chứng bụng ngực chướng đầy, lạnh đau do đàm trọc, huyết ứ hàn ngưng thường phối hợp dùng với băng phiến như bài quán tâm tô hợp hoàn. Gần đây còn dùng bài này để điều trị cơn đau thắt ngực đạt hiệu quả tốt.
Liều dùng: cho vào viên hoàn, mỗi lần uống 0,3 – 1g, không nên sắc uống.
Tác dụng dược lý: tô hợp hương có tác dụng tiêu đàm, kháng khuẩn nhẹ nên có thể dùng trong điều trị bệnh viêm đường hô hấp, ngoài ra còn có tác dụng tăng sức chịu đựng thiếu oxy tổ chức. Thực nghiệm trên chó gây nhồi máu cơ tim thấy có tác dụng giảm nhịp tim, cải thiện tuần hoàn vành, giảm tiêu hao oxy cơ tim, đồng thời giảm hoạt tính tụ tập tiểu cầu.
Thạch xương bồ.
Thạch xương bồ (Rhizoma Acori Tatarinowi) là thân rễ phơi khô của cây thạch xương bồ Acorus tatarinowii Schott, thuộc họ ráy Araceae.
Tính vị: cay, đắng, ấm. Quy kinh tâm- vị.
Tác dụng: khai khiếu an thần, hoá thấp hoà vị.
Chỉ định:
Điều trị chứng thần chí hôn mê, đàm thấp bưng bít thanh khiếu thường phối hợp dùng với uất kim, bán hạ, trúc lịch như bài xương bồ uất kim thang. Điều trị đàm trọc bưng bế, chóng mặt buồn ngủ, hay quên, ù tai thường phối hợp dùng với phục linh, viễn trí, long cốt như bài an thần định chí hoàn.
Điều trị thấp nhiệt trở trệ gây bụng căng chướng thường phối hợp dùng với sa nhân, thương truật, hậu phác. Điều trị thấp nhiệt lỵ tật, ăn không tiêu thường phối hợp dùng với hoàng liên, phục linh, thạch liên tử.
Ngoài ra thạch xương bồ còn điều trị khàn tiếng, phong thấp tý thống, chấn thương gây sưng nề.
Liều dùng: sắc uống 5 – 10g.
Tác dụng dược lý: nước sắc thạch xương bồ có tác dụng trấn tĩnh, giảm co giật. Thực nghiệm trên chuột khí quản – ruột cô lập ở chuột thấy có tác dụng giảm co thắt.
Nước sắc thấy có tác dụng tăng tiết dịch vị.
Thiềm thừ.
Thiềm thừ (Venenum Bufonis) là nhựa cóc lấy từ các tuyến ở mang tai và dưới da của con cóc Bufo bufo gargarizans Cautor, thuộc họ cóc Bufonidae. Hứng lấy nhựa cóc vào đĩa sành sứ hoặc thủy tinh, đem phơi khô để dùng.
Tính vị: cay, ấm. Có độc. Quy kinh tâm.
Tác dụng: khai khiếu tỉnh thần, giảm đau, giải độc.
Chỉ định:
Điều trị chứng tả lỵ gây đau bụng, nôn và ỉa chảy không cầm, nếu nặng có thể gây hôn mê, co giật thường phối hợp dùng với xạ hương, đinh hương, thương truật như bài thiềm thừ hoàn.
Điều trị mụn nhọt đinh độc, thường dùng với hùng hoàng, khô phàn, chu sa làm thành viên hoàn bằng hạt đậu uống ngày 5 viên, dùng nước sắc thông bạch thang để uống. Điều trị sưng đau lở loét hầu họng thường phối hợp dùng với hùng hoàng, thủy phiến, ngưu hoàng như bài lục thần hoàn.
Gần đây dùng thiềm thừ điều trị các loại ung thư, thấy có tác dụng công độc kháng ái, tiêu thũng chỉ thống. Điều trị ung thư gan, ung thư đại trường, bạch huyết bệnh, ung thư da… dùng uống trong và dùng ngoài đều đạt hiệu quả nhất định. Trên lâm sàng, dùng trong suy hô hấp, suy tuần hoàn, thấy có tác dụng thăng áp, hưng phấn hô hấp.
Liều dùng: cho vào viên hoàn, mỗi lần 0,015 – 0,03g.
Chú ý: thuốc có độc, dùng uống không được quá liều. Dùng ngoài không được cho vào mắt. Cấm dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: độc tố của thiềm thừ giống như ngộ độc Digoxin, thiềm thừ pha với rượu nồng độ 80% thấy có tác dụng gây tê bề mặt, gấp 90 lần cocain. Thiềm thừ có tác dụng ức chế tụ cầu, trực khuẩn mủ xanh… ngoài ra còn có tác dụng giảm đau, hưng phấn tử cung, bình xuyễn, giảm ho, chống viêm, kháng ung thư, tăng bạch cầu…
Long não.
Long não (Oleum Eucalipti) là tinh thể không mầu, mùi thơm đặc biệt được cất từ lá gỗ rễ cây long não Cinnamomum camphlora (L.) Sich, thuộc họ long não Lauraceae.
Tính vị: cay, nóng. Có độc. Quy kinh tâm – tỳ.
Tác dụng: uống trong có tác dụng khai khiếu, dùng ngoài có tác dụng trừ thấp sát trùng, ôn tán chỉ thống.
Chỉ định:
Điều trị chứng cảm nhiễm dịch độc hoặc phong hàn thử thấp gây nên đau bụng đầy chướng, sốt, rét, nôn, đại tiện lỏng (thổ tả), nặng thì thần hôn có thể dùng long não làm thành viên tễ uống; hoặc dùng với tế tân, nhũ hương, một dược pha thành trà uống; hoặc dùng tinh chế long não 10g pha với 50 ml rượu mỗi ngày uống 1 ml.
Điều trị ghẻ nhiễm trùng, có mủ, thường dùng với bột lưu hoàng, khô phàn, xuyên luyện bôi lên nơi tổn thương. Điều trị viêm hạch vùng cổ gáy mà bị lở loét, thường phối hợp dùng với bột hùng hoàng, trộn với dầu vừng đắp nơi tổn thương.
Điều trị đau nhức răng, dùng long não trộn với bột hoàng đan hoàn với mật ong nhét vào lỗ răng sâu.
Liều dùng: cho vào viên hoàn liều 0,1 – 0,2g. Dùng ngoài tùy theo lượng thích hợp.
Chú ý: thuốc có độc nên thận trọng, phải khống chế được liều cho vào viên hoàn. Không dùng khi phụ nữ có thai.
Tác dụng dược lý: hưng phấn hệ thần kinh, tăng nhịp hô hấp, nhịp tim. Thực nghiệm trên động vật thấy có tác dụng cường tim, nâng huyết áp, hưng phấn hô hấp. Long não bôi lên ngoài da thấy có cảm giác mạt lạnh, giảm đau, giảm ngứa và có tác dụng ngăn ngừa tạo mủ nhẹ. Tác dụng kích thích niêm mạc đường tiêu hoá, tạo cảm giác ấm nóng, liều cao gây buồn nôn và nôn.