Nội dung

Thuốc khứ phong thấp

Đại cương.

Định nghĩa.

Thuốc khứ phong thấp là những thuốc có tác dụng tiêu trừ phong hàn thấp tà, để giảm đau do tý chứng gây nên.

Chỉ định.

Các chứng đau ở cơ nhục, kinh lạc, cân cốt, xương khớp… tê nhức và xưng nề các khớp, cân mạch co rút, co ruỗi không thuận lợi.

Phân loại.

Khứ phong thấp tán hàn.                

Khứ phong thấp thanh nhiệt.

Khứ phong thấp cường cân cốt.

Chú ý. 

Khi dùng thuốc phải căn cứ vào phân loại tý chứng, bệnh cũ hay mới, phạm vi xâm nhập của tà khí để mà lựa chọn và phối hợp thuốc cho thích hợp. 

Thuốc khứ phong thấp phần lớn có tính táo, dễ làm  hao thương âm huyết, cho nên âm hư  huyết hao khi dùng phải thận trọng.

Thuốc khứ phong thấp tán hàn.

Thuốc trong nhóm này phần lớn tính cay, đắng, ấm, quy kinh can, tỳ, thận. Cay để khứ phong, đắng để táo thấp, ôn để trừ hàn. Thuốc có tác dụng khứ phong thấp, tán hàn giảm đau, thư cân thông lạc.

Độc hoạt.

Độc hoạt (Radis Angelicae pubescentis) là rễ phơi hay sấy khô của cây độc hoạt Angelica pubescens Maxim, thuộc họ hoa tán Umbelliferae.

Tính vị: cay, đắng, hơi ấm. Quy kinh can, bàng quang.

Tác dụng: khứ phong thấp, chỉ tý thống, giải biểu.

Chỉ định:

Điều trị thể hành tý thường dùng phối hợp với phụ tử, ô đầu, phòng phong như bài độc hoạt tửu; nếu thận khí suy nhược, cảm phải phong hàn mà sinh ra hàn thống thường dùng cùng với tang ký sinh, đỗ trọng, phòng phong như bài độc hoạt ký sinh thang.

Chứng ngoại cảm phong hàn thường dùng cùng với khương hoạt, phòng phong, kinh giới như bài kinh phòng bại độc ẩm.

Liều dùng: 5 -15g

Tác dụng dược lý: chống viêm khớp, giảm đau, trấn tĩnh, giãn mạch, hạ huyết áp, hưng phấn trung khu hô hấp

Uy linh tiên: cây kiến cò, bạch hạc.

Uy linh tiên (Radis Clematidis) là rễ phơi hay sấy khô của cây uy linh tiên Clematis chinensis osbeck, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Việt Nam dùng rễ cây kiến cò Rhinacanthus nasuta L, thuộc họ Ô rô Acanthaceaegọi là nam uy linh tiên.

Tính vị: cay, mặn,  ấm. Quy kinh bàng quang.

Tác dụng: khứ phong thấp, thông kinh lạc.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, chân tay tê nhức thường phối hợp với đương quy, quế tâm như bài thần ứng hoàn. Hiện nay trên lâm sàng thường dùng với khương hoạt, phòng phong, xuyên ô, khương hoàng.

Chứng hóc xương, uy linh tiên có tác dụng nhuyễn kiên tiêu cốt, có thể dùng đơn dộc hoặc dùng cùng với đường cát, từ từ nuốt vào trong họng, thông thường có thể làm  cho xương tiêu mất.

Liều dùng: 5 – 15g. Điều trị hóc xương có thể dùng 30 -50g.

Tác dụng dược lý: giảm đau, lợi niệu, nhuyễn hoá xương cá, đồng thời làm cho khối cơ tại chỗ tăng co bóp, đẩy mảnh xương hóc ra ngoài. Ngoài ra còn có tác dụng kháng khuẩn.

Xuyên ô: phụ tử, ô đầu.

Xuyên ô (Radis Aconiti) là rễ củ nhỏ của cây ô đầu Aconitum carmichaeli Debx, thuộc họ mao lương Ranunculaceae.

Tính vị quy kinh: cay, đắng, ấm. Rất độc. Quy kinh tâm, phế, can, thận.

Tác dụng: khứ phong trừ thấp, tán hàn chỉ thống.

Chỉ định: 

Chứng phong hàn thấp tý gây đau đầu, đau mỏi gân, cơ, xương, khớp, co ruỗi khó khăn, thường dùng với ma hoàng, bạch thược, hoàng kỳ như bài ô đầu thang. Nếu do trúng phong, chân tay tê dại, cân mạch co rút thường dùng với nhũ hương, một dược, địa long như bài tiểu hoạt lạc đan.

Chứng sưng đau tinh hoàn, đau bụng do lạnh (hàn sán phúc thống), chân tay lạnh có thể dùng đơn độc vị xuyên ô pha với mật để uống như bài đại ô đầu tiễn. Điều trị ngoại thương gây đau, sưng nề thường dùng với nhũ hương, một dược, tam thất.

Liều dùng: 3 – 9g

Chú ý: cấm dùng khi phụ nữ có thai. Không dùng cùng với bán hạ, qua lâu, bối mãu, bạch cập. Không nên dùng lâu, dạng tươi chỉ nên dùng ngoài.

Tác dụng dược lý: giảm đau, trấn tĩnh, gây tê cục bộ. Thực nghiệm trên động vật thấy có tác dụng tiêu viêm  khớp. Tăng lưu lượng tuần hoàn vành, liều nhỏ làm giảm nhịp tim, liều cao gây loạn nhịp tim, thậm chí gây rung thất.

Ô tiêu xà:

Ô tiêu xà (Zaocys) là toàn thân trừ bỏ nội tạng phơi hay sấy khô của rắn hổ mang Zaocys dhumnades ( Cantor ).

Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh can.

Tác dụng: khứ phong thông lạc, định kinh giảm co quắp.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, thường dùng với phòng phong, thiên nam tinh, bạch phụ tử như bài ô xà hoàn.

Điều trị can thấp tiễn chứng (hắc lào nhiễm khuẩn) thường dùng với can hà diệp, chỉ xác như bài tam vị ô xà tán.

Dùng trong phá thương phong ( uốn ván ), thường dùng với bạch hoa xà.

Liều dùng: 5 -10g.

Lôi công đằng:

Lôi công đằng là rễ và cành phơi hay sấy khô của cây lôi công Tripterygium  wilfordii Hook.

Tính vị quy kinh: đắng, hàn. Rất độc. Quy kinh tâm, can.

Tác dụng: khứ phong trừ thấp, hoạt huyết thông lạc, tiêu thũng chỉ thống, sát trùng giải độc.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, có thể dùng đơn độc lôi công đằng sắc uống hoặc dùng ngoài.

Điều trị mụn nhọt mưng mủ, lôi công đằng có tác dụng giải độc sát trùng, giảm nề giảm đau. Gần đây còn dùng để điều trị viêm thận mãn, luput ban đỏ cũng đạt hiệu quả nhất định.

Liều dùng: thận trọng khi dùng đường uống vì rất độc. Dùng ngoài liều lượng thích hợp, nhưng cũng không nên quá 30 phút vì để lâu sẽ tạo thành phỏng nước.

Chú ý: phụ nữ có thai cấm dùng.

Tác dụng dược lý: có tác dụng chống ung thư.

Mộc qua:

Mộc qua (Fructus Chaenomelis) là quả chín phơi hay sấy khô của cây mộc qua Chaenomeles speciosa ( Sweet ) Nakai, thuộc họ hoa hồng Rosaceae.

Tính vị: chua, ấm. Quy kinh can, tỳ.

Tác dụng: thư cân hoạt lạc, trừ thấp hoà vị.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống gây đau cổ gáy cấp, không thể quay được cổ gáy thường dùng với nhũ hương, một dược, sinh địa như bài mộc qua tiễn. Điều trị cước khí xưng đau thường phối hợp với ngô thù du, binh lang như bài kê ô tán.

Các chứng do thấp trọc trở trệ, thăng giáng thất thường gây ra nôn, đại tiện lỏng, đau bụng thường dùng cùng ngô thù du, bán hạ, hoàng liên như bài mộc qua thang. Ngoài ra mộc qua còn có tác dụng tiêu thực, dùng trong điều trị rối loạn tiêu hóa.

Liều dùng: 10 -15g.

Chú ý: vị chua nhiều cho nên dùng phải thận trọng.

Tác dụng dược lý: thực nghiệm trên động vật gây viêm khớp thấy có tác dụng giảm xưng nề rõ rệt.

Tàm sa:

Tàm sa (Bombyx Batryticatus) là con tằm bị nhiễm khuẩn Batrytis bassiana

Bals làm chết cứng, sắc trắng như vôi của con tằm Bombyx mori Linaeus, thuộc họ tằm Bombycidae.

Tính vị: ngọt, cay, ấm. Quy kinh can, tỳ, vỵ.

Tác dụng: khứ phong thấp, hoà trung hoá trọc.

Chỉ định:

Chứng nhiệt tý, các khớp xưng nóng, đỏ đau thường phối hợp với phòng kỷ, ý dĩ nhân, tần cửu như bài tuyên tý thang. Điều trị phong hàn tý trệ, các khớp xưng đau, co duỗi khó khăn, lưng lạnh đau có thể dùng đơn độc tàm sa sắc uống.

Điều trị chứng nôn và đại tiện lỏng do thấp trọc nội trệ, thường dùng với mộc qua, ngô thù du như bài tàm thỉ thang. Ngoài ra nước sắc tàm sa dùng để rửa ngoài da còn có tác dụng trừ phong hoạt lạc, giảm ngứa.

Liều dùng: 5 – 15g.

Tùng tiết: thông.

Tùng tiết là mắt thông phơi hay sấy khô của cây thông Pinus tabulaefomis Carr, thuộc họ thông Pinaceae.

Tính vị: đắng, ấm. Quy kinh can, thận.

Tác dụng: khứ phong thấp, hoạt lạc chỉ thống.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, thường dùng với ngưu tất, phụ tử, xuyên khung.

Điều trị chấn thương gây xưng nề thường dùng với nhũ hương, một dược, đào nhân, hồng hoa.

Liều dùng: 10 – 15g.

Hải phong đằng.

Hải phong đằng (Caulis Piperis Kadsurae) là cành phơi hay sấy khô của cây hải phong Piper kadsura (Choisy) Ohwi, thuộc họ hồ tiêu Piperaceae.

Tính vị: cay, đắng, hơi ấm. Quy kinh can.

Tác dụng: khứ phong trừ thấp, thông kinh hoạt lạc.

Chỉ định:

Điều trị phong thấp tý thống, các khớp co duỗi khó khăn, cân cơ co rút… thường dùng với độc hoạt, uy linh tiên, đương quy. – Liều dùng: 5 -15g.

Tác dụng dược lý: tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành, nâng cao khả năng chịu đựng thiếu oxy cơ tim.

 

Lạc lạc thông.

Lạc lạc thông (Fructus Liquidambaris) là quả chín phơi khô của cây lạc lạc thông Liquidambar formosana Hance, thuộc họ sau sau Hamamelidaceae.

Tính vị: cay, đắng, bình. Quy kinh can, vị, bàng quang.

Tác dụng: khứ phong thông lạc, lợi thuỷ, lợi sữa.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, chi thể tê nhức, tứ chi co quắp thường dùng với lạc thạch đằng, tần cửu. Điều trị chấn thương xưng nề, thường dùng với tam thất, hồng hoa, nhũ hương, một dược.

Chứng phù thũng, tiểu tiện khó khăn, thường dùng với trư linh, trạch tả, bạch truật.

Chứng không thông sữa, tuyến sữa xưng đau, thường dùng với vương bất lưu hành, xuyên sơn giáp. Ngoài ra lạc lạc thông còn có tác dụng khứ phong giảm ngứa dùng trong các bệnh phong chẩn, thường dùng với địa phu tử, tật lê, khổ sâm.

Liều dùng: 5 -10g.

Thuốc khứ phong thấp thanh nhiệt.

Thuốc khứ phong thấp thanh nhiệt phần lớn tính vị cay, đắng, hàn; quy kinh can, tỳ, thận; nên có tác dụng khứ phong thắng thấp, thông lạc chỉ thống, thanh nhiệt tiêu thũng.

Tần cửu: tần qua, thanh táo, tần giao.

Tần cửu (Radis Gentianae macrophyllae) là rễ phơi hay sấy khô của cây tần cửu Gentiana macrophylla Pall, thuộc họ long đởm Gentianaceae.

Tính vị: đắng, cay, hơi hàn. Quy kinh vị, can, đởm.

Tác dụng: khứ phong thấp, chỉ tý thống, thoái hư nhiệt, thanh thấp nhiệt.

Chỉ định:  

Chứng phong thấp tý thống các loại đều có thể dùng được, nhưng do có tính hàn thanh nhiệt,nên dùng trong nhiệt tý thì hiệu quả hơn. Điều trị xưng, nóng, đỏ, đau các khớp thường dùng với nhẫn đông đằng, phòng kỷ, hoàng bá. Nếu do phong hàn thấp tý, thường dùng với thiên ma, khương hoạt, đương quy, xuyên khung như bài tần cửu thiên ma thang.

Chứng thấp nhiệt vàng da, thường dùng với nhân trần, chi tử, trư linh.

Liều dùng: 5 -15g. Liều cao 30g.

Tác dụng dược lý: giảm đau, chấn tĩnh, hạ sốt, tăng đường máu, kháng khuẩn, lợi niệu… tần cửu có tác dụng ức chế một số trực khuẩn ngoài da, TK lỵ, TK phó thương hàn, song cầu khuẩn…

Phòng kỷ:

Phòng kỷ (Radis Stephaniae) là rễ phơi hay sấy khô của cây phòng kỷ Stephania tetrandra S. Moore, thuộc họ tiết dê Menispermaceae.

Tính vị: đắng, cay, hàn. Quy kinh bàng quang, thận, tỳ.

Tác dụng: khứ phong thấp, chỉ thống, lợi thuỷ chỉ thũng.

Chỉ định:

Chứng tý  gây đau khớp, co duỗi khó khăn, thường dùng với ý dĩ nhân, hoạt thạch, tàm sa. Điều trị phong hàn thấp tý, thường dùng với phụ tử, quế tâm, bạch truật như bài phòng kỷ thang.

Chứng phù thũng toàn thân, tiểu tiện ít, thường dùng với hoàng kỳ, bạch truật như bài phòng kỷ hoàng kỳ  thang. Điều trị thấp nhiệt ủng trệ, bụng chướng có dịch, thường dùng với đình lịch tử, đại hoàng, tiêu mục như bài kỷ tiêu lịch hoàng hoàn.

Liều dùng: 5 -10g

Chú ý: thận trọng dùng khi âm hư.

Tác dụng dược lý: giảm dau, hạ sốt, tiêu viêm, chống quá mẫn, lợi niệu, giảm huyết áp.

Tang chi:

Tang chi (Ramulus Mori) là cành dâu phơi hay sấy khô của cây dâu Morus  alba L, thuộc họ dâu tằm Moraceae.

Tính vị: đắng, bình. Quy kinh can.

Tác dụng: khứ phong thông lạc, lợi quan tiết.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, nhất là phong thấp tý thống ở chi trên, có thể dùng đơn độc tang chi nấu thành cao để dùng. Nếu do hàn thấp thường dùng với khương hoạt, quế chi, phòng phong, khương hoàng. Ngoài ra còn có tác dụng lợi niệu để điều trị trong thuỷ thũng.

Liều dùng: 10 -30g.

Tác dụng dược lý: giảm huyết áp.

Hải đồng bì: cây vông nem.

Hải đồng bì (Cortex Erythrinae) là lá hoặc vỏ cây phơi hay sấy khô của cây hải đồng bì Erythrina variegata L, thuộc họ cánh bướm Papilionaceae.

Tính vị: đắng, cay, bình. Quy kinh can.

Tác dụng: khứ phong thấp, thông lạc chỉ thống, trừ giun, giảm ngứa.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, nhất là ở chi dưới, thường dùng với ngưu tất, ngũ gia bì, khương hoạt, ý dĩ nhân như bài hải đồng bì tửu.

Chứng thấp chẩn gây ngứa, thường dùng với hoàng bá, thổ phục linh, khổ sâm, sắc uống hoặc rửa ngoài da đều được.

Liều dùng: 5 -15g.

Tác dụng dược lý: ức chế một số trực khuẩn ngoài da, chấn tĩnh thần kinh, liều cao có thể gây loạn nhịp tim.

Ty qua lạc: mướp hương, ty qua, ty lạc.

Ty qua lạc (Retinervus Luffer Fructus) là xơ mướp già của quả cây mướp Luffa cylindica ( L.) Roem, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.

Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh phế, vị, can.

Tác dụng: khứ phong thông lạc, giải độc hoá đàm.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, xưng dau khớp, chân tay co quắp thường dùng với tần cửu, phòng phong, đương quy, kê huyết đằng.

Điều trị chứng ho có nhiều đờm khó khạc, gây đau tức ngực, thường dùng với qua lâu, giới bạch.

Điều trị chứng đau tức ngực sườn do can uất khí trệ thường dùng với sài hồ, bạch thược, uất kim.

Điều trị xưng đau tuyến vú do can vị nhiệt kết, thường dùng với bồ công anh, bối mẫu, qua lâu.

Liều dùng: 6 -10g. Liều cao có thể dùng 60g. 

Thuốc khứ phong thấp cường cân cốt.

Thuốc phần lớn tính vị đắng, ngọt, ấm; quy kinh can thận, nên có tác dụng khứ phong thấp, bổ can thận, cường cân cốt.

Ngũ gia bì.

Ngũ gia bì (Cortex Acanthopanacis) là vỏ rễ cây phơi hay sấy khô của cây ngũ gia bì Acanthopanax gracilistylus W. W. Smith, thuộc họ ngũ gia bì Araliaceae.

Tính vị: cay, đắng, ấm. Quy kinh can thận.

Tác dụng: khứ phong thấp, cường cân cốt, lợi thuỷ.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, cân mạch co rút, co duỗi khó khăn, có thể dùng ngũ gia bì pha với rượu uống như bài ngũ gia bì tửu, có thể dùng với mộc qua, tùng tiết như bài ngũ gia bì tán.

Chứng can thận bất túc, đau lưng mỏi gối, thường dùng với ngưu tất, đỗ trọng, dâm dương hoắc.

Chứng phù thũng, tiểu tiện ít, thường phối hợp với phục linh bì, trần bì, đại phúc bì như bài ngũ bì ẩm.

Liều dùng: 5 -15g.

Tác dụng dược lý: chống viêm, giảm đau, chống mỏi mệt, tăng cường ức chế vỏ đại não, bảo vệ cơ thể chống tổn thương do phóng xạ, tăng cường sức đề kháng của cơ thể, tăng cường khả năng miễn dịch của cơ thể. Điều chỉnh huyết áp phục hồi trở về bình thường, giảm đường máu, chống lợi niệu, chống viêm, ức chế sự phát triển tế bào u, tiêu đàm, giảm ho.

Tang ký sinh: cây sống ký sinh trên cây dâu.

Tang ký sinh (Herba Taxilli) là toàn cây phơi hay sấy khô của cây tang ký sinh Taxillus chinensis (DC.) Danser, thuộc họ tầm gửi Loranthaceae.

Tính vị quy kinh: đắng, ngọt, bình. Quy kinh can, thận.

Tác dụng: khứ phong thấp, ích can thận, cường cân cốt, an thai.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, đau lưng mỏi gối, chân tay vô lực, thường dùng với độc hoạt, tần cửu, quế chi, đỗ trọng, đương quy như bài độc hoạt ký sinh thang.

Chứng có thai ra huyết, thai động không yên, thường dùng với a giao, tục đoạn, thỏ ty tử như bài thọ thai hoàn. – Liều dùng: 10 -15g.

Tác dụng dược lý: giảm huyết áp, chấn tĩnh, lợi niệu, giãn động mạch vành, tăng cường lưu lượng tuần hoàn vành.

Cẩu tích: rễ lông cu ly, cây lông khỉ.

Cẩu tích (Rhizoma Cibotii) là thân rễ phơi hay sấy khô của cây cẩu tích Cibotium  barometz ( L.) J. Sm, thuộc họ lông cu ly Dicksoniaceae.

Tính vị: đắng, ngọt, ấm. Quy kinh can, thận.

Tác dụng: khứ phong thấp, bổ can thận.

Chỉ định:

Chứng phong thấp tý thống, thường dùng với đỗ trọng, tang ký sinh, tục đoạn. Điều trị các thể đau lưng thường dùng với tỳ giải, thỏ ty tử như bài cẩu tích hoàn.

Chứng thận khí bất cố gây di niệu, bạch đới thường dùng với ngũ gia bì, ích trí nhân, tang phiêu tiêu. Điều trị xung nhâm hư hàn, đới hạ thường dùng với lộc giác, bạch liễm.