Đại cương.
Định nghĩa.
Thuốc khu trùng là những vị thuốc có tác dụng khu trừ hoặc tiêu diệt ký sinh trùng trong cơ thể người.
Tác dụng.
Thuốc phần lớn có độc tính, quy kinh tỳ, vị, đại trường; đối với ký sinh trùng sống ký sinh trong cơ thể, đặc biệt là ký sinh trùng ở đường ruột, thuốc có tác dụng tiêu diệt, gây tê làm cho ký sinh trùng bài xuất ra ngoài.
Chỉ định.
Thuốc khu trùng phần lớn dùng để điều trị các loại ký sinh trùng đường ruột như giun đũa, giun kim, sán, giun móc, sán lá…
Biểu hiện lâm sàng: đau bụng vùng quanh rốn, không muốn ăn hoặc thích uống, ăn nhiều, thích ăn đồ lạ, lâu dần sẽ gầy sút cân, sắc mặt ám vàng, nổi tĩnh mạch ở da bụng, phù thũng… có một số người thì triệu chứng biểu hiện rất nhẹ hoặc không có, chỉ khi kiểm tra xét nghiệm phân mới phát hiện ra. Những trường hợp nặng cũng nên dùng thuốc khu trùng để điều trị căn nguyên bệnh. Đối với bệnh ký sinh trùng ở các bộ phận khác của cơ thể, như sán lá máu, trùng doi âm đạo… thì một số thuốc khu trùng cũng có tác dụng điều trị.
Chú ý.
Khi dùng thuốc khu trùng phải căn cứ vào chủng loại ký sinh trùng và thể chất của bệnh nhân, bệnh tình hoãn cấp để mà lựa chọn thuốc cho thích hợp. Đồng thời căn cứ vào các triệu chứng lâm sàng kèm theo để mà phối hợp thuốc.
Ví dụ: đại tiện táo bón khi điều trị nên phối hợp với thuốc tả hạ; nếu có tính trệ nên dùng cùng với thuốc tiêu tích đạo trệ; nếu tỳ vị hư nhược nên phối hợp với thuốc kiện tỳ hoà vị; nếu cơ thể suy nhược thì nên tiên bổ hậu công hoặc công bổ kiêm thi.
Ngoài ra một số thuốc khu trùng có tính vị ngọt ấm, có tác dụng khu trùng và kiện tỳ hoà vị, tiêu tích hoá trệ cho nên còn dùng để điều trị trẻ em cam tích.
Khi uống thuốc khu trùng, thông thường uống lúc đói để tăng cường hiệu quả. Những thuốc khu trùng không có tác dụng tả hạ thì nên phối hợp với thuốc tả hạ để tăng cường bài xuất ký sinh trùng ra ngoài.
Thuốc có độc tính, nên phải chú ý đến liều dùng, phương pháp dùng để tránh ngộ độc và tổn thương chính khí, thận trọng dùng khi phụ nữ có thai, người già yếu. Trường hợp bệnh lâu ngày, phát sốt, đau bụng dữ dội, tạm thời không nên dùng thuốc khu trùng, chờ đến khi các triệu chứng giảm mới tiến hành cho dùng thuốc khu trùng.
Các vị thuốc.
Sử quân tử: cây quả giun.
Sử quân tử (Fructus Quisqualis) là quả chín phơi hay sấy khô của cây sử quân tử Quisqualis indica L, thuộc họ bàng Combretaceae.
Tính vị: ngọt, ấm. Quy kinh tỳ, vị.
Tác dụng: khu trùng tiêu tích.
Chỉ định:
Điều trị bệnh giun đũa, giun kim. Đối với trường hợp nhẹ có thể dùng sử quân tử sao thơm rồi nhai uống; trường hợp nặng có thể phối hợp với khổ luyện bì như bài sử quân tử thang.
Điều trị trẻ con cam tích, sắc mặt ám vàng, bụng to, chân tay gầy, bụng đau, thường phối hợp dùng với binh lang, thần khúc, mạch nha như bài phì nhi hoàn (thần khúc, hoàng liên, nhục đậu khấu, sử quân tử, mạch nha, binh lang, mộc hương). – Liều dùng: 10 – 15g sắc uống, sao thơm nhai uống 6 – 9g, trẻ em mỗi tuổi dùng 1 – 1,5 hạt/ ngày, tổng liều không quá 20 hạt. Uống khi đói, ngày dùng 1 lần x 3 ngày liền.
Chú ý: liều cao gây ợ chua, buồn nôn, chóng mặt, đại tiện lỏng. Nếu uống cùng với nước trà nóng có thể gây ợ hơi, nấc, đi lỏng.
Tác dụng dược lý: gây tê liệt giun đũa, giun kim, ngoài ra còn có tác dụng ức chế một vài loại trực khuẩn ngoài da.
Khổ luyện bì.
Khổ luyện bì (Cortex Meliae) là vỏ thân hoặc vỏ rễ cây xoan Melia azedarach L, thuộc họ xoan Meliaceae.
Tính vị: đắng, lạnh. Có độc. Quy kinh tỳ, vị, can.
Tác dụng: sát trùng (diệt giun), trị hắc lào, ghẻ.
Chỉ định:
Điều trị bệnh giun kim, giun đũa, giun móc: dùng khổ luyện bì sắc uống, hoặc dùng cùng với sử quân tử, binh lang như bài hoá trung hoàn (binh lang, hồ phấn, bạch phàn, sử quân tử, khổ luyện bì, nhân sâm).
Nếu phối hợp dùng với bách bộ, ô mai sắc cô lấy nước đặc, buổi tối thụt vào đại tràng, liên tục dùng 2 – 4 ngày để điều trị giun kim thì thấy đạt hiệu quả tốt. Điều trị giun đũa gây trệ tắc ruột, lấy nước sắc khổ luyện bì (vỏ rễ cây xoan) 25% thụt giữ vào đại tràng. Điều trị giun chui ống mật, dùng khổ luyện bì tươi sắc uống đều thấy đạt hiệu quả tốt.
Điều trị các bệnh ngoài da như ghẻ, hắc lào, mụn, eczema… lấy khổ luyện bì tán bột, hoà với mỡ lợn hoặc dấm bôi lên nơi tổn thương.
Liều dùng: sắc uống 6 – 9g. Dùng tươi liều 15 – 30g.
Chú ý: thuốc có độc, không nên dùng quá liều và không dùng thời gian dài.
Tác dụng dược lý: gây tê liệt giun kim, giun đũa. Nước sắc khổ luyện bì trên thực nghiệm thấy có tác dụng diệt giun móc. Thuốc có độc, thường gây đau đầu, chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, nếu ngộ độc nặng có thể gây liệt trung khu hô hấp, xuất huyết tạng phủ, nhiễm độc gan, thị lực giảm, rối loạn tâm thần, thậm trí tử vong.
Binh lang: tân lang, hạt cau.
Binh lang (Semen Arecae) là hạt quả cau phơi hay sấy khô của cây cau Areca catechu L, thuộc họ cau dừa Palmac.
Tính vị: đắng, cay, ấm. Quy kinh vị, đại trường.
Tác dụng: khu trùng tiêu tích, hành khí lợi thuỷ.
Chỉ định:
Điều trị các loại bệnh KST đường tiêu hoá như sán, giun đũa, giun kim, giun móc… trong đó đặc biệt có tác dụng diệt sán. Điều trị giun đũa, giun kim thường phối hợp dùng với sử quân tử, khổ luyện bì. Điều trị sán, thường dùng với ô mai, cam thảo.
Điều trị thực tích khí trệ, tả lỵ hậu trọng, thường phối hợp dùng với mộc hương, thạch bì, đại hoàng như bài mộc hương binh lang hoàn.
Điều trị thủy thũng, chân xưng đau (cước khí), thường phối hợp dùng với trạch tả, mộc thông.
Ngoài ra còn dùng binh lang điều trị chứng ngược tật, sốt nóng, rét lâu ngày không giảm, thường phối hợp dùng với thường sơn, thảo quả như bài tiệt ngược thất bảo ẩm (thường sơn, hậu phác, thanh bì, trần bì, chích thảo, binh lang, thảo quả).
Liều dùng: sắc uống liều 6 – 15g. Khi dùng 1 vị binh lang để điều trị sán và sán lá có thể dùng đến 60 – 120g.
Chú ý: cấm dùng khi tỳ hư tiết tả, khí hư hạ hãm.
Tác dụng dược lý: tác dụng diệt tương đối mạnh đối với sán dây lợn, gây tê liệt toàn thân sán; đối với sán dây bò có tác dụng gây tê vùng đầu sán và các đốt chưa trưởng thành. Nước sắc binh lang có tác dụng ức chế trực khuẩn ngoài da, vi rút gây cảm cúm. Ngoài ra binh lang còn có tác dụng tăng tiết mồ hôi, tăng nhu động ruột, giảm nhịp tim, hạ huyết áp…
Nam qua tử: hạt cây bí ngô, hạt bí đỏ.
Nam qua tử là hạt bí phơi hay sấy khô của cây bí ngô Cucurbita moschata (Duch) poiret, thuộc họ bầu bí Cucurbitaceae.
Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh vị – đại trường.
Tác dụng: sát trùng (diệt giun).
Chỉ định:
Điều trị sán thường phối hợp dùng với binh lang.
Ngoài ra, nam qua tử còn dùng để điều trị sán máu nhưng đòi hỏi phải dùng liều cao và thời gian dài.
Liều dùng: tán bột, 60 – 120g.
Tác dụng dược lý: có tác dụng gây tê sán ở đoạn giữa và đoạn sau. Đối với sán máu chưa trưởng thành có tác dụng ức chế và tiêu diệt, đối với sán máu trưởng thành làm sán co nhỏ lại, thoái hoá cơ quan sinh sản nhưng không có khả năng tiêu diệt.
Phỉ tử.
Phỉ tử (Semen Torreyae) là quả chín phơi khô của cây phỉ Torreya grandis Fort.
Việt Nam dùng hạt của cây thùn mũn Embelia riber Burn, thuộc họ đơn nem Myrsinaceae.
Tính vị: ngọt, bình. Quy kinh phế – vị – đại trường.
Tác dụng: sát trùng tiêu tích, thông tiện, nhuận phế.
Chỉ định:
Điều trị giun đũa thường phối hợp dùng với sử quân tử, khổ luyện bì; điều trị giun móc thường phối hợp dùng với binh lang, quán chúng; điều trị sán thường phối hợp dùng với binh lang, nam qua tử…
Điều trị chứng bí đại tiện thường phối hợp dùng với hoả ma nhân, uất quý nhân, qua lâu nhân.
Điều trị phế táo gây ho khan, nhưng tác dụng tương đối nhẹ, thường phối hợp dùng với xuyên bối, qua lâu nhân, tang diệp để tăng cường tác dụng nhuận phế chỉ khái.
Liều dùng: 15 – 30g.
Chú ý: cho vào thuốc sắc nên dùng sống. Đại tiện lỏng không nên dùng.