TRAO ĐỔI HUYẾT TƯƠNG
Nguyên lý
Tách huyết tương từ máu của người bệnh bỏ đi và đồng thời truyền trả các thành phần hữu hình của máu cùng với huyết tương thay thế cùng nhóm của người khoẻ mạnh hoặc các dung dịch điện giải thay thế.
Chỉ định
Bệnh lý thần kinh
Bệnh nhược cơ nặng;
Bệnh viêm mạn tính đa dây thần kinh mất myelin;
Hội chứng Guillain – Barré.
Bệnh về thận
Hội chứng Goodpasture;
Viêm cầu thận ác tính.
Bệnh về máu
Hội chứng tăng độ quánh máu;
Thiếu máu tan máu tự miễn;
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu tắc mạch (TTP);
Ban xuất huyết giảm tiểu cầu sau truyền máu;
Thiếu máu tan máu ở trẻ sơ sinh do bất đồng nhóm máu mẹ – con.
Bệnh chuyển hoá
Tăng cholesterol;
Tăng tryglycerid.
Ngộ độc thuốc và các hoá chất
Thuốc digitalis, asen, quinine…
Chống chỉ định
Không có chống chỉ định tuyệt đối;
Thận trọng trong các trường hợp người bệnh nặng có suy hô hấp, suy tuần hoàn và nhiễm trùng nặng.
Chuẩn bị
Người thực hiện:
Một bác sĩ được đào tạo kỹ thuật trao đổi huyết tương;
Một y tá được đào tạo kỹ thuật trao đổi huyết tương.
Phương tiện
Máy tách các thành phần máu tự động;
Dụng cụ và vật tư tiêu hao tùy theo từng loại máy sử dụng và quy định của hãng sản xuất;
Dung dịch thay thế theo chỉ định của bác sĩ điều trị: huyết tương thay thế cùng nhóm máu người bệnh, albumin…;
Phiếu theo dõi thực hiện thủ thuật;
Dụng cụ để chọc tĩnh mạch ngoại vi: bông, cồn, dây garo, băng dính cố định, găng tay, mũ, khẩu trang bảo hộ…;
Băng đo huyết áp, ống nghe;
Cơ số thuốc cấp cứu theo quy định;
Nếu dùng đường tĩnh mạch trung tâm: Bộ dụng cụ đã tiệt trùng để đặt catheter, …theo quy trình tiêu chuẩn.
Người bệnh và người nhà người bệnh
Được giải thích kỹ về mục đích trao đổi huyết tương điều trị bệnh, các biến chứng có thể xảy ra trong và sau khi thực hiện thủ thuật, và phải ký vào giấy cam kết chấp nhận làm thủ thuật điều trị;
Làm các xét nghiệm máu thường qui, các xét nghiệm Viêm gan virus B, C, HIV và các xét nghiệm đặc hiệu khác nếu cần (tuỳ theo từng bệnh), các xét nghiệm theo dõi và đánh giá kết quả điều trị.
Nơi làm thủ thuật
Nên thực hiện thủ thuật ở phòng vô trùng và có đủ phương tiện cấp cứu khi cần.
Các bước tiến hành
Tính toán lượng huyết tương thay thế:
Cần tính toán cụ thể số lượng huyết tương dự định loại bỏ và lượng dịch thay thế hoặc huyết tương thay thế truyền vào cho người bệnh theo công thức tính tiêu chuẩn.
Thông thường máy trao đổi huyết tương trong thời gian 2 giờ có thể loại bỏ từ 1500 – 2000 ml huyết tương, đồng thời cần truyền vào 1500 – 2000 ml dịch thay thế hoặc huyết tương của người khoẻ mạnh cùng nhóm máu.
Đường vào tĩnh mạch
Các người bệnh thay thế huyết tương cần có đường vào mạch máu đủ lớn để duy trì lưu lượng dòng chảy máu vào máy và đảm bào thông thoáng cho đường máu trả về người bệnh, chọn vị trí lấy ven sao cho thủ thuật tiến hành thuận lợi nhất.
Thiết lập một đường truyền tĩnh mạch ngoại vi khác để có thể song song đưa thuốc vào người bệnh trong trường hợp cần thiết.
Thiết lập vòng tuần hoàn ngoài cơ thể và trao đổi huyết tương theo quy trình của nhà sản xuất máy
Chọn chương trình;
Chuẩn bị bộ kít;
Chuẩn bị thực hiện thay thế huyết tương:
Nhập thông tin người bệnh;
Thực hiện quy trình trao đổi huyết tương;
Kết nối người bệnh.
Theo dõi trong quá trình điều trị
Theo dõi hoạt động của máy và tình trạng người bệnh qua màn hình của máy, kết hợp với thăm khám lâm sàng để có thái độ xử trí đúng và kịp thời.
Các xét nghiệm máu theo dõi người bệnh
Xét nghiệm trước và ngay sau khi tiến hành thủ thuật
Lấy mẫu máu xét nghiệm máu ngoại vi, máu xét nghiệm trong khoảng thời gian 24h trước khi tiến hành thủ thuật, gồm các xét nghiệm: Tổng phân tích máu ngoại vi, sinh hóa máu (điện giải đồ), đông máu cơ bản.
Lấy mẫu máu ngay sau khi kết thúc thủ thuật; lấy mẫu máu tổng phân tích máu ngoại vi, xét nghiệm đông máu cơ bản, Sinh hóa máu ngay sau khi kết thúc thủ thuật để đánh giá kết quả và các thay đổi chỉ số máu ngay sau khi thực hiện thủ thuật, từ đó có chỉ định điều chỉnh các thay đổi kịp thời.
Xét nghiệm theo dõi
Sau khi kết thúc thủ thuật tại thời điểm 8h và 24h, tiến hành lấy mẫu xét nghiệm máu ngoại vi về tổng phân tích tế bào, Đông máu cơ bản và Sinh hóa máu để đánh giá thay đổi và hiệu quả của thủ thuật.
Lưu ý: Vị trí lấy mẫu xét nghiệm tại thời điểm ngay sau kết thúc và ở mỗi lần lấy mẫu xét nghiệm tại một ven, mà ở đó không có đường truyền tĩnh mạch khác đang truyền.
Theo dõi người bệnh và điều chỉnh
Người bệnh phải được theo dõi các dấu hiệu sinh tồn: mạch, huyết áp, nhiệt độ…
Theo dõi các thông số của máy và điều chỉnh thông số theo từng loại máy sử dụng.
Theo dõi các xét nghiệm thường quy và đặc hiệu (tuỳ theo từng bệnh) để đánh giá kết quả điều trị.
Kết thúc điều trị trả máu về:
Những tai biến và xử trí
Trong quá trình điều trị có thể xảy ra các tai biến:
Tụt huyết áp: Có thể xảy ra nhưng ít, khi huyết áp tối đa dưới 90 mmHg, hoặc giảm trên 30 mmHg ở người có tăng huyết áp: Xử trí truyền dịch NaCl 0,9% hoặc dung dịch cao phân tử, nếu không nâng được huyết áp thì cần sử dụng thuốc vận mạch theo phác đồ tiêu chuẩn.
Các phản ứng không mong muốn cấp tính khi truyền các chế phẩm máu thay thế: Tùy theo các mức độ biểu hiện trên lâm sàng như mẩn ngứa, sốt, shock…xử trí thuốc theo phác đồ tiêu chuẩn trong “Quy chế truyền máu năm 2007”.
Chảy máu: Thường gặp khi người bệnh có số lượng tiểu cầu thấp hay các rối loạn đông máu, xử trí truyền tiểu cầu hay các chế phẩm huyết tương phù hợp (huyết tương tươi đông lạnh, tủa lạnh).
Nhiễm trùng: Để dự phòng cần tiến hành thủ thuật trong phòng vô trùng tốt và nếu có nhiễm trùng phải sử dụng kháng sinh theo quy định.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Trung C.Nguyen, Joseph E. Kiss, et al. (2012), “the role of plasmapheresis in critical illness” Crit care clin. 2012 july; 28 (3). 453468