Nội dung

Truyền hóa chất tĩnh mạch ngoại vi (2)

Định nghĩa

Truyền hoá chất tĩnh mạch ngoại vi là phương pháp điều trị đưa các thuốc gây độc tế bào vào cơ thể người bệnh qua đường tĩnh mạch ngoại vi.

Chỉ định

Các trường hợp có chỉ định điều trị hoá chất toàn thân. Chỉ định cụ thể sẽ do bác sĩ chuyên khoa cân nhắc theo loại bệnh, giai đoạn bệnh, mục đích điều trị, thể trạng người bệnh, các bệnh kèm theo, chức năng các cơ quan, bộ phận, các hoá chất đã điều trị trước đó.v.v 

Các người bệnh ung thư cần có chẩn đoán xác định bằng mô bệnh học (hoặc tế bào học trong một số trường hợp không thể xác định được bằng mô bệnh học).

Chống chỉ định

Người bệnh có tiền sử quá mẫn cảm với bất kỳ loại thuốc nào sử dụng trong phác đồ điều trị.

Suy giảm nghiêm trọng chức năng các cơ quan quan trọng (tim, gan, thận, tuỷ xương, não). 

Đã sử dụng đến liều tối đa cho phép các thuốc hoá chất (thuốc gây độc tế bào) có độc tính mang tính chất tích luỹ với các cơ quan, bộ phận của cơ thể.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ điều trị nội khoa ung thư.

Điều dưỡng: Đội mũ, mặc áo choàng, đeo kính, đeo khẩu trang bảo hộ và  rửa tay.

Phương tiện

Xe đẩy đựng dụng cụ 

Khay đựng dụng cụ vô khuẩn

Bộ dây truyền

Kim thông khí

Kim truyền

Kim to lấy thuốc

Bơm tiêm 20 ml, 10 ml, 5ml  

Buồng pha thuốc cách ly, áp lực âm

Thuốc hoá chất (theo phác đồ)

Các dung dịch để pha thuốc hoá chất và truyền tuỳ theo chỉ định

Máy tiêm truyền (nếu có)

Phiếu tiêm truyền (y lệnh)

Gạc vô khuẩn

Cốc, bông tẩm cồn

Băng dính, kéo, kẹp Kocher

Quang treo, cọc treo

Dây ga-rô

Nẹp, băng cuộn (để cố định) nếu cần

Dao cưa ống thuốc

Hộp thuốc cấp cứu

Nhiệt kế, máy đo huyết áp, ống nghe, đồng hồ

Các túi, hộp đựng rác thải theo phân loại

Người bệnh

Giải thích về thủ thuật, các công việc, các bước tiến hành và các biến chứng có thể xảy ra để người bệnh biết và chuẩn bị tâm lý.

Hướng dẫn người bệnh các việc cần thiết để phối hợp thực hiện.

Người bệnh nghỉ ngơi tại giường hoặc ghế truyền

Người bệnh nên uống đầy đủ, đi đại tiểu tiện trước khi truyền

Hồ sơ bệnh án 

Bác sĩ khám người bệnh, ghi vào bệnh án, kiểm tra các xét nghiệm, viết y lệnh.

Các bước tiến hành

Nơi tiến hành

Tiến hành tại buồng bệnh sạch sẽ

Kiểm tra người bệnh

Hỏi tiền sử bệnh tật, tiền sử dị ứng của người bệnh. 

Đo mạch, nhiệt độ huyết áp, nhịp thở

Phát hiện các bất thường và báo cho bác sỹ

Người bệnh nằm tại giường hoặc ghế truyền 

Kiểm tra hồ sơ bệnh án

Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu trong suốt thời gian thực hiện y lệnh:

Điều dưỡng kiểm tra lại chỉ định thuốc của bác sỹ trong hồ sơ, y lệnh.

Người thực hiện chuẩn bị

Sát khuẩn nút chai dung dịch, nút các lọ thuốc nếu các nút này hở.

Pha thuốc hoá chất trong buồng pha thuốc, tránh gây ô nhiễm môi trường. 

Các thuốc thông thường có thể pha bên ngoài hoặc trong buồng pha thuốc.

Cần pha đúng lượng thuốc với đúng loại dịch và số lượng dịch ghi trong y lệnh.

Ghi và dán nhãn vào chai thuốc đã pha: trên nhãn ghi họ và tên người bệnh, tuổi, số bệnh án, số giường, buồng, tên thuốc, lượng dịch, số giọt (hoặc số ml) mỗi phút, giờ bắt đầu, giờ kết thúc, họ và tên bác sĩ cho thuốc, họ và tên điều dưỡng thực hiện.

Mở bộ dây truyền cắm vào chai dung dịch đẳng trương (Natri clorua 0,9  hoặc Glucose 5 ), đuổi khí, cắm kim thông khí (nếu cần). Chai dịch này dùng để đặt đường truyền trước khi đưa các thuốc vào cơ thể. người bệnh.

Đặt đường truyền

Đẩy xe đựng các dụng cụ đến giường bệnh.

Treo chai dịch đã chuẩn bị lên trụ và khoá.

Lắp dây truyền vào máy tiêm truyền (nếu có)

Chọn các tĩnh mạch lớn, ít di động và tránh những tĩnh mạch ở khớp  

Buộc dây ga-rô

Sát khuẩn da vùng tiêm truyền: sát khuẩn hai lần, rộng dần từ trong ra ngoài. -Đâm kim vào tĩnh mạch, khi thấy máu vào dây thì mở ga-rô, mở khoá cho dịch chảy vào tĩnh mạch. Nếu có thể, đặt kim luồn để tránh chệch kim ra ngoài tĩnh mạch trong khi truyền.

Dùng băng dính cố định kim và dây truyền vào da

Dùng gạc che kim

Điều chỉnh số giọt theo y lệnh hoặc điều chỉnh tốc độ truyền trên máy -Cố định tay hoặc chân với nẹp và buộc nẹp vào giường (nếu cần) -Cho người bệnh nằm thoải mái.

Truyền hoá chất

Tiêm các thuốc hỗ trợ (chống nôn, kháng histamine, corticoid).

Chuyển từ chai dịch sang các chai có hoá chất đã pha theo y lệnh. Thay chai lần lượt theo thứ tự ghi trong y lệnh. Tuân thủ 3 kiểm tra, 5 đối chiếu.

Thông thường, sau truyền hoá chất cần truyền dịch đẳng trương để tráng ven. Số lượng cụ thể sẽ do bác sĩ chỉ định.

Kết thúc truyền

Khoá dây truyền và rút kim, dùng bông vô khuẩn đặt lên chỗ tiêm, giữ bông một lúc cho máu hết chảy.

Dọn dẹp, bảo quản dụng cụ

Dọn các chai, dây truyền, kim tiêm, băng, gạc.v.v. vào đúng nơi qui định.

Rửa sạch các dụng cụ, lau khô, tiệt khuẩn.

Ghi hồ sơ: ngày, giờ tiêm truyền: giờ bắt đầu và giờ kết thúc. Các phản ứng của người bệnh, các biến chứng (nếu có). Tên điều dưỡng thực hiện. 

Theo dõi và xử trí tai biến

Điều dưỡng cần đến quan sát người bệnh và đường truyền 15 phút một lần để đề phòng các tai biến có thể xảy ra.

Nếu người bệnh bị phản ứng với bất kỳ thuốc nào, phải ngừng tiêm, truyền ngay và báo cáo với bác sĩ

Đối với choáng phản vệ: xử trí như choáng phản vệ với các thuốc khác.

Nếu có hiện tượng thoát mạch, cần khoá đường truyền, báo cáo bác sĩ.