TRUYỀN MÁU TẠI GIƯỜNG BỆNH
(Người bệnh điều trị nội trú và ngoại trú)
Đại cương
Truyền máu tại giường bệnh là bước cuối của quy trình truyền máu lâm sàng, Trực tiếp đưa máu của người cho vào máu của người nhận do đó đòi hỏi an toàn cao và theo dõi cẩn trọng tại giường bệnh.
Chỉ định
Mỗi loại chế phẩm máu có chỉ định riêng biệt
Máu toàn phần
Thay thế hồng cầu trong mất máu cấp không kèm theo giảm thể tích toàn phần;
Truyền thay máu;
Người bệnh cần truyền hồng cầu mà không có sẵn khối hồng cầu đậm đặc.
Khối hồng cầu đậm đặc
Thay thế hồng cầu ở người bệnh thiếu máu;
Sử dụng cùng các dung dịch thay thế (dung dịch keo hoặc dung dịch tinh thể) trong mất máu cấp.
Khối tiểu cầu
Điều trị chảy máu do (giảm số lượng tiểu cầu, giảm chức năng tiểu cầu).
Huyết tương tươi đông lạnh
Điều trị thay thế tình trạng thiếu nhiều yếu tố đông máu;
Bệnh gan (suy gan, xơ gan);
Quá liều thuốc chống đông Warfarin;
Giảm yếu tố đông máu trên người bệnh truyền máu khối lượng lớn;
Đông máu rải rác trong lòng mạch (DIC);
Xuất huyết giảm tiểu cầu huyết khối (TTP).
Tủa lạnh
Thiếu yếu tố VIII (bệnh Hemophilia A);
Thiếu yếu tố XIII;
Bệnh Von Willebrand;
Thiếu hụt fibrinogen, DIC.
CHỐNG CHỈ ĐỊNH
Không có chống chỉ định
Chuẩn bị
Bảo quản chế phẩm máu trước khi truyền
Hồng cầu và máu toàn phần
Hồng cầu và máu toàn phần phải được bảo quản ở nhiệt độ trong khoảng từ 20C đến 60C;
Hồng cầu và máu toàn phần phải được truyền trong vòng 30 phút sau khi bỏ ra khỏi tủ lạnh.
Khối tiểu cầu
Khối tiểu cầu phải được đặt trong hộp cách nhiệt chuyên dụng để giữ nhiệt độ vào khoảng 200C đến 240C;
Khối tiểu cầu phải được truyền ngay sau khi lĩnh.
Huyết tương tươi đông lạnh và tủa lạnh
Huyết tương tươi đông lạnh cần được truyền trong vòng 30 phút sau khi phá đông.
Nếu chưa cần sử dụng ngay, huyết tương tươi đông lạnh phải được bảo quản trong tủ lạnh ở nhiệt độ 20C đến 60C và truyền trong vòng 24 giờ.
Kiểm tra túi máu trước khi truyền
Bất cứ dấu hiệu nào của tan máu trong lớp huyết tương đều là dấu hiệu cho thấy máu đã bị nhiễm khuẩn, bị làm đông hoặc làm ấm ở nhiệt độ quá cao. – Bất cứ dấu hiệu nào của nhiễm khuẩn, ví dụ như sự đổi màu sắc của hồng cầu, trông sẫm hơn hoặc chuyển màu tím/đen.
Bất cứ cục máu đông nào cũng cho thấy có thể máu đã không được lắc đúng quy cách để chất chông đông hoà đều khi lấy máu từ người cho. – Bất cứ dấu hiệu nào cho thấy túi máu bị thủng hoặc bị mở ra từ trước.
Nếu có bất cứ dấu hiệu bất thường nào tìm thấy trên túi máu thì không được truyền đơn vị máu đó và phải thông báo ngay cho ngân hàng máu.
Kiểm tra để xác định chính xác họ tên người bệnh và chế phẩm máu trước khi truyền
Việc kiểm tra lần cuối này phải được làm ngay tại giường người bệnh ngay trước khi bắt đầu truyền chế phẩm máu, do điều dưỡng hoặc bác sĩ thực hiện.
Kiểm tra xác định chính xác người bệnh lần cuối cùng:
Hỏi người bệnh để kiểm tra tên, họ, ngày sinh và các thông tin cần thiết khác.
Nếu người bệnh đang trong tình trạng hôn mê thì cần hỏi người nhà người bệnh hoặc một nhân viên khác để xác định chính xác người bệnh.
Kiểm tra chính xác người bệnh trên cơ sở đối chiếu với:
Hồ sơ bệnh án
Kiểm tra các chi tiết sau trên nhãn hoà hợp dán trên túi máu xem có phù hợp chính xác với hồ sơ người bệnh của người bệnh không:
+ Họ tên người bệnh;
+ Giường bệnh, phòng bệnh hoặc phòng mổ;
+ Nhóm máu của người bệnh;
+ Túi máu;
+ Nhãn hoà hợp.
Kiểm tra ngày hết hạn của túi máu.
Định lại nhóm máu tại giường
Trực tiếp đưa máu (truyền máu) vào tĩnh mạch người bệnh: bước cuối cùng của truyền máu do đó bác sĩ điều trị cần kiểm tra lại kết quả định lại nhóm máu, nếu phù hợp hoàn toàn, theo y lệnh của bác sĩ, điều dưỡng mở khóa dây truyền máu, từ từ 10, 20 giọt cho đến mức tối đa theo y lệnh.
Truyền máu toàn phần, khối hồng cầu, bạch cầu: sử dụng huyết thanh mẫu định lại nhóm máu ABO của người bệnh và đơn vị máu trước truyền.
Truyền khối tiểu cầu, huyết tương: sử dụng huyết thanh mẫu định lại nhóm máu ABO của người bệnh và làm phản ứng chéo giữa mẫu máu người bệnh và mẫu chế phẩm máu.
Theo dõi truyền máu và chế phẩm máu
Đối với mỗi đơn vị máu truyền vào, cần phải theo dõi người bệnh ở từng giai đoạn của quá trình truyền máu
Trước khi bắt đầu truyền máu;
15 phút sau khi bắt đầu truyền máu;
Ít nhất mỗi giờ trong quá trình truyền máu;
Khi truyền máu xong;
4 giờ sau khi truyền máu xong.
Tại mỗi giai đoạn nêu trên, cần ghi lại thông tin vào bảng theo dõi người bệnh
Toàn trạng của người bệnh, các chỉ số sinh tồn
Ghi chép lại vào phiếu truyền máu
Thời gian bắt đầu truyền máu;
Thời gian hoàn tất truyền máu;
Thể tích và số lượng tất cả các chế phẩm máu được truyền vào;
Tất cả các phản ứng phụ có hại xảy ra.
Những tai biến và xử trí
Phát hiện và xử trí các tác dụng không mong muốn trong truyền máu và ngay sau truyền máu:
Khi xuất hiện các triệu chứng bất thường ở người bệnh đang truyền máu hoặc chế phẩm máu, phải ngừng truyền ngay và báo cáo bác sĩ điều trị để xử trí kịp thời. Khi cần thiết phải mời bác sĩ hoặc người phụ trách của cơ sở cung cấp máu để phối hợp xử trí.
Trường hợp người bệnh có phản ứng nặng hoặc tử vong có liên quan đến truyền máu thì cơ sở cung cấp máu phải báo cáo ngay với lãnh đạo bệnh viện và cơ sở cung cấp máu để phối hợp tìm nguyên nhân và đề xuất ý kiến giải quyết.
Lập báo cáo tác dụng không mong muốn liên quan đến truyền máu (theo mẫu số 6), bàn giao cho cơ sở cung cấp máu các túi máu, chế phẩm máu, dây truyền máu và các loại thuốc tiêm, dịch truyền khác sử dụng cho người bệnh vào thời điểm xảy ra tác dụng khong mong muốn. Thời gian lưu giữ các bệnh phẩm trên và các mẫu máu có liên quan ít nhất là 14 ngày kể từ lúc xảy ra tác dụng không mong muốn.
Cơ sở cung cấp máu phải xét nghiệm các mẫu bệnh phẩm để xác định nguyên nhân và lập phiếu xét nghiệm tác dụng không mong muốn liên quan đến truyền máu.
Phát hiện và xử trí tác dụng không mong muốn xảy ra chậm sau truyền máu:
Cơ sở điều trị sử dụng máu cần phối hợp với cơ sở cung cấp máu để xác định nguyên nhân tác dụng không mong muốn xảy ra chậm và áp dụng các biện pháp theo dõi và điều trị tích cực theo quy định của Bộ Y tế.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
Quy chế truyền máu 2013.
Sử dụng máu trong lâm sàng.