Nội dung

Xạ hình chẩn đoán khối u với 201tl(thallium-201)

Nguyên lý

201Tl tập trung vào khối u phụ thuộc vào sự tưới máu tổ chức cơ quan và vào nồng độ tại chỗ của các chất điện giải Na+, K+. Ngoài tập trung cao vào khối u, 201Tl chlorid cũng còn tập trung cao vào cơ tim. 

Tiêm tĩnh mạch 201Tl chlorid, sự hiện diện của tổn thương u được thể hiện bằng hình ảnh tăng hoạt độ phóng xạ trên xạ hình.

Chỉ định

Phát hiện và định vị u phổi, u vú.

Phát hiện u hạch và ung thư tuyến giáp.

Xạ hình phát hiện u tuyến cận giáp.

Chống chỉ định

Phụ nữ có thai hoặc đang cho con bú.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân

Điều dưỡng Y học hạt nhân

Cán bộ hóa dược phóng xạ

Kỹ thuật viên Y học hạt nhân

Cán bộ an toàn bức xạ

Phương tiện, thuốc phóng xạ

Máy ghi đo: máy Gamma Camera, SPECT,SPECT/CT có trường nhìn rộng, bao định hướng năng lượng thấp, đa mục đích, độ phân giải cao. Máy chuẩn liều bức xạ gamma, máy đo rà bức xạ gamma.

Thuốc phóng xạ: 201Tl:  T1/2 = 73 giờ; phát tia gamma với E = 135 và 167keV Liều dùng: 2-5mCi (74-185 MBq), tiêm tĩnh mạch.

Dụng cụ, vật tư tiêu hao

Bơm tiêm 1ml, 3ml, 5ml, 10ml.

Kim lấy thuốc, kim tiêm.

Bông, cồn, băng dính.

Găng tay, khẩu trang, mũ, áo choàng y tế.

Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.

Chuẩn bị người bệnh

Người bệnh nhịn ăn trước khi làm xét nghiệm 4-8 giờ, được giải thích về quy trình kỹ thuật sẽ thực hiện để phối hợp.

Các bước tiến hành

Tư thế người bệnh: nằm ngửa, hai tay để dọc theo người.

Sử dụng bao định hướng độ phân giải cao, năng lượng thấp (LEHR), cửa sổ năng lượng 20%, camera đặt sát vùng nghi có u

Tiêm tĩnh mạch liều 201Tl đã chuẩn bị

Ghi hình động ngay sau khi tiêm 2giây/hình trong thời gian 1 phút. 

Ghi hình tĩnh pha bể máu sau pha tưới máu 1 phút/hình trong thời gian 5 phút.

Pha muộn sau tiêm 1-3 giờ ghi hình tĩnh tại vùng tổn thương, các tư thế trước, sau, nghiêng.

Ghi hình phẳng toàn thân 2 bình diện trước, sau.

Đánh giá kết quả

Hình ảnh bình thường

Tập trung thuốc phóng xạ  và phân bố đồng đều trong các cơ quan nếu không có khối u, sự phân bố này thay đổi theo từng thời gian ghi hình.

Hình ảnh bệnh lý

Trong trường hợp có khối u, mức tập trung thuốc phóng xạ tại khối u tăng cao. 

Theo dõi và xử trí tai biến

Kỹ thuật ghi hình an toàn, hầu như không có tai biến gì trong và sau chụp hình.

Người bệnh dị ứng với thuốc phóng xạ: rất hiếm gặp. Xử trí: dùng thuốc chống dị ứng, tuỳ mức độ.