Nội dung

Xạ hình tưới máu cơ tim không gắng sức (rest) với 201tl

Nguyên lý

Xạ hình tưới máu cơ tim dựa trên nguyên tắc 201Tl sau khi tiêm tĩnh mạch sẽ được tập trung, phân bố vào cơ tim tương ứng với lưu lượng của từng nhánh động mạch vành. Những vùng cơ tim được tưới máu bình thường thể hiện trên xạ hình tưới máu cơ tim là những vùng có tập trung hoạt độ phóng xạ đồng đều. Trái lại, những vùng cơ tim được tưới máu kém hoặc không được tưới máu sẽ giảm hoặc mất hoạt độ phóng xạ do thuốc phóng xạ không đến được hoặc đến ít. Có thể ghi hình ở pha tái phân bố (redistribution) sau 3 – 4 giờ hoặc 24 giờ để đánh giá khả năng sống còn của cơ tim. Để đánh giá chính xác tình trạng tưới máu cơ tim, người ta thường so sánh với kết quả ở pha gắng sức thể lực hoặc bằng thuốc. 

Chỉ định

Phát hiện và đánh giá bệnh động mạch vành 

Đánh giá người bệnh phẫu thuật cầu nối chủ – vành hoặc can thiệp nong – đặt stent động mạch vành 

Đánh giá sống còn của cơ tim (tình trạng cơ tim ngủ đông hoặc xơ hóa).

Đánh giá người bệnh nhồi máu cơ tim, đau ngực, khó thở, tiền sử bản thân và gia đình có bệnh tim

Đánh giá người bệnh có men tim như CK, LDH, Troponin… cao. 

Đánh giá tim ở người bệnh có kết quả bất thường trên các phương pháp chẩn đoán khác

Hạn chế và chống chỉ định

Người bệnh có tiền sử, dị ứng với thuốc

Người bệnh nên ngừng các thuốc các thuốc nitroglycerin, ức chế beta, ức chế dòng canxi… đối với gắng sức thể lực (nếu có thể, theo chỉ định của bác sỹ tim mạch) và các chất kích thích, caffein, theophylin trước gắng sức 24 – 48 giờ.

Người bệnh loạn nhịp nặng không chụp theo phương pháp gắn cổng điện tim.

Chuẩn bị

Người thực hiện

Bác sỹ chuyên khoa Y học hạt nhân

Bác sỹ tim mạch

Điều dưỡng Y học hạt nhân

Cán bộ hóa dược phóng xạ

Kỹ thuật viên Y học hạt nhân

Cán bộ an toàn bức xạ

Phương tiện, thuốc phóng xạ

Máy ghi đo:máy Gamma Camera trường nhìn lớn (tốt nhất chụp cắt lớp SPECT và gắn cổng điện tim). Sử dụng bao định hướng độ phân giải cao, năng lượng thấp (LEHR) tại cửa sổ 68 – 80 keV và 167 keV, cửa sổ năng lượng 20%.

Thuốc phóng xạ:

201Tl-thallium chlorid, đo sắc ký (chromatography) > 95%

Liều dùng: 2 – 3 mCi (74-111 MBq). Tiêm tĩnh mạch.

Dụng cụ, vật tư tiêu hao

Bơm tiêm 1ml, 5ml, 10ml. Kim lấy thuốc.

Bông, cồn, băng dính, thuốc sát trùng.

Găng tay, khẩu trang, mũ y tế.

Áo chì, kính chì, cái bọc bơm tiêm bằng chì, liều kế cá nhân.

Chuẩn bị người bệnh

Giải thích cho người bệnh về quy trình xét nghiệm.

Đặt các điện cực điện tim, đặt đường tiêm, truyền tĩnh mạch.

Các bước tiến hành

Tư thế người bệnh: nằm ngửa (có thể nằm sấp), để tay trái lên trên đầu.

Thời điểm ghi: 5 – 20 phút sau tiêm thuốc phóng xạ. Có thể ghi hình pha tái phân bố (redistribution) sau 3 – 4 giờ (có thể tiêm bổ sung liều 1 mCi trước ghi hình pha tái phân bố) hoặc sau 24 giờ để đánh giá khả năng sống còn cơ tim.

Đánh giá kết quả

Hình ảnh bình thường

Phân bố mật độ phóng xạ đồng đều các vùng cơ tim tương ứng với chi phối của các nhánh chính động mạch vành: động mạch liên thất trước, động mạch mũ, động mạch vành phải. Vận động và độ dày thành tim đồng đều, chức năng thất trái bình thường.  

Hình ảnh bệnh lý

Đánh giá hình ảnh khuyết xạ (defect) theo mức độ (nhẹ, vừa, nặng, theo độ rộng (hẹp, vừa, rộng) và theo vị trí (thành trước, mỏm, vách liên thất, thành bên và thành sau).

Kích thước buồng thất phải và thất trái giãn, rối loạn vận đồng thành, chức năng thất trái giảm … 

Đánh giá khả năng sống còn cơ tim dựa vào uptake tại pha tái phân bố nhưng khuyết xạ tại pha nghỉ.

Theo dõi và xử trí tai biến

Theo dõi người bệnh qua monitor điện tim khi ghi hình

Đề phòng và xử trí các triệu chứng mạch vành tim nếu có.