Định nghĩa
Đau là một triệu chứng thường gặp ở nhiều bệnh. Mặc dù bản chất, vị trí, căn nguyên của đau tùy từng trường hợp có khác nhau nhưng đây chính là một trong nhiều nguyên nhân đưa người bệnh đến với thầy thuốc.
Hiệp hội Nghiên cứu về Đau quốc tế 1986 đã đưa ra định nghĩa về đau như sau: Đau là một trải nghiệm cảm giác hay cảm xúc khó chịu liên quan với một tổn thương sẵn có hay tiềm tàng.
Phân loại đau
Đau thực thể:
Đau do kích thích các đầu mút thụ cảm của các dây thần kinh còn nguyên vẹn chưa bị tổn thương và được chia làm 2 nhóm:
Đau thân thể: Các đầu mút thần kinh tại da, mô cơ xương bị kích thích, thường là đau khu trú.
Đau tạng: Tạng đặc hoặc tạng rỗng. Thường không khu trú và có cảm giác bị chèn ép hay bị siết chặt.
Đặc điểm đau thực thể:
Kích thích gây cảm giác đau thường là rõ ràng.
Đau thường khu trú rõ, có thể qui chiếu được đau nội tạng.
Cơn đau giảm nếu dùng thuốc chống viêm hoặc thuốc giảm đau gây ngủ.
Đau do bệnh lý thần kinh:
Đau do tổn thương các mô thần kinh ngoại biên hoặc trung ương. Đau thường có cảm giác bỏng rát, kim châm, tê bì, tăng cảm …
Đặc điểm đau thần kinh:
Không có một kích thích rõ ràng gây đau.
Đau thường không khu trú rõ rệt.
Đau thất thường, không giống đau thực thể.
Dùng thuốc giảm đau gây ngủ chỉ giảm đau một phần.
Đau hỗn hợp:
gồm cả 2 kiểu đau trên
Nguyên nhân gây đau
Do tổn thương mô thực sự:
Đau do nhiễm khuẩn, do phản ứng viêm, khối u, chấn thương, thiếu máu cục bộ, do thủ thuật y tế…
Do tổn thương mô tiềm tàng:
Có những bệnh lý không có tổn thương mô nhưng vẫn gây đau như đau sợi cơ (fibromyalgia ).
Các yếu tố tâm lý – xã hội:
Các rối loạn tâm thần như trầm cảm hay trạng thái bồn chồn lo lắng có thể gây ra đau hoặc làm cho tình trạng đau tăng lên và ngược lại.
Một số đau tâm lý cũng có thể đưa đến tình trạng đau mạn tính.
Đánh giá đau
Các yếu tố làm tăng hoặc làm giảm cơn đau.
Tính chất cơn đau.
Hướng lan của cơn đau.
Thời gian đau: Liên tục hay ngắt quãng, đau bao lâu, thường xuất hiện khi nào…
Mức độ đau: Cùng một tổn thương nhưng ở bệnh nhân này thì đau ít hoặc không đau nhưng ở bệnh nhân khác lại đau nhiều hơn cho nên khi đánh giá đau cần phải lắng nghe ý kiến của người bệnh. Có nhiều loại thang điểm để đánh giá mức độ đau như: Thang điểm lời nói, thang điểm hình, thang điểm nhìn, thang điểm số và thang điểm tổng hợp. Thông thường người ta hay dùng 3 loại thang điểm sau để đánh giá mức độ đau:
Thang điểm lời nói: Có 5 mức độ: Không đau – đau nhẹ – đau vừa – đau nặng – đau không chịu nổi.
Thang điểm hình (thang điểm khuôn mặt ): Dựa vào nét mặt của người bệnh để đáng giá mức độ đau.
Thang điểm số: biểu hiện bằng số từ 0 đến 10. Số 0 là không đau và 10 là đau nhất (đau không chịu nổi).
Điều trị đau
Điều trị nguyên nhân gây đau:
Tùy theo từng nguyên nhân gây đau mà có phương cách điều trị thích hợp.
Điều trị triệu chứng đau:
Dùng thuốc:
Nguyên tắc chung:
Đường dùng: Ưu tiên sử dụng đường uống trừ khi người bệnh không thể dùng đường uống được hoặc cần phải xử trí nhanh khi bệnh nhân đau quá mức.
Mỗi người bệnh có liều thuốc giảm đau khác nhau, liều đúng, đủ là liều khống chế được cơn đau và ít tác dụng ngoại ý nhất. – Theo dõi sát.
Sử dụng thang giảm đau 3 bậc của Tổ chức Y tế thế giới: Khởi đầu dùng thuốc giảm đau bậc 1 có thể kết hợp với các thuốc phụ trợ nếu không giảm thì dùng các thuốc giảm đau bậc 2 và tiếp nữa là các thuốc giảm đau bậc 3.
Sơ đồ hướng dẫn sử dụng thuốc theo bậc thang của TCYTTG
Các thuốc giảm đau:
Bậc 1: Thuốc hạ sốt giảm đau và thuốc kháng viêm không steroids (NSAIDS).
Aspirine 500mg 1viên x 4 lần /ngày
Paracetamol 500mg 1-2 viên; 4 -6 giờ/ lần Tối đa 4000 mg/ ngày
Ibuprofen:viên 400mg 400mg cho mỗi 4-6 giờ.Tối đa 2400 mg
Diclofenac: viên 50-75 mg 2-3 lần / ngày
Piroxicam: viên 10mg 1-2 lần/ ngày
Celecoxib: viên 100-200mg 2 lần mỗi ngày
Bậc 2:
Codein: viên 30mg 1-2 viên cho mỗi 3-4 giờ
Tramadol: viên 50mg 50-100 mg x 3-4 lần mỗi ngày
Paracetamol 400mg + Dextropropoxyphene 30mg:1viên x 4-6 lần/ ngày
Paracetamol 500 mg+ Codein 30mg:1-2viên x 4 lần
Ultracet (Paracetamol 325mg + Tramadol 37,5mg): 1-2viên x 4-6 lần/ ngày
Bậc 3: Là các thuốc Opioid mạnh như Morphine, Methadol, Fentanyl, Oxycodone, Hydromorphone… Cần chú ý là không có liều đỉnh cho việc sử dụng các thuốc Opioid nhưng để tránh xảy ra các tác dụng không mong muốn cần phải bắt đầu từ liều thấp và tăng dần cho dến khi có tác dụng giảm đau hoàn toàn hoặc giảm đau đến mức người bệnh chấp nhận được.
Morphine liều uống khởi đầu 5-10mg x 6 lần/ ngày ( Nếu sử dụng bằng đường tiêm thì liều bằng 1/3 liều dùng cho đường uống ). Nếu cần phải tăng liều thì mỗi lần nên tăng 5 mg cho đến khi đạt kết quả mong muốn
Fentanyl: Miếng dán 25µg, 50 µg, 75 µg, 100 µg. Miếng dán có tác dụng kéo dài 72 giờ, thuốc chỉ có tác dụng sau khi dán miếng đầu tiên 10-12 giờ nên không dùng trong trường hợp đau cấp tính.
Bảng qui đổi liều tương đương c a một số loại thuôc Opioid
Tên thuốc |
Tiêm |
Uống |
Morphine |
10 mg |
30 mg |
Tramadol |
80 mg |
120 mg |
Codein |
– |
240 mg |
Hydromorphone |
1,5 mg |
6 mg |
Methadone |
10 mg |
20 mg |
Pethidine |
75 mg |
300 mg |
Fentanyl |
0,1 mg |
– |
Oxycodone |
– |
20 mg |
Các thuốc hỗ trợ chống đau:
Thuốc chống động kinh: Dùng trong đau do nguyên nhân thần kinh hoặc đau hỗn hợp.
Gabapentin: viên 300mg. Khởi đầu 2 viên/ ngày liều tối đa 3600mg/ngày.
Pregabalin: viên 75 mg 1viên x 2 lần/ngày.
Carbamazepine: viên 200mg x 2-4 lần/ ngày.
Valproic acid: viên 200mg liều khởi đầu 10-15 mg/kg, tối đa 30mg/kg cân nặng.
Thuốc chống trầm cảm:
Amitriptyline: viên 25mg uống tối.
Corticosteroid: Dexamethasone, Prednisone, Methylprednisolone.
Các phương pháp không dùng thuốc:
Châm cứu, xoa bóp, keo giãn…
Sóng radio, xung điện ngoài da.
Tia tử ngoại, laser.
Các phương pháp khác:
Phong bế thần kinh.
Các bài thuốc y học cổ truyền.