Nội dung

Chăm sóc mở khí quản và người bệnh có mở khí quản (tracheotomy)

Mở khí quản

Đại cương

Mở khí quản là vết rạch khí quản tạo ra lỗ mở khí quản ra da, đặt canule Krisaberg tạm thời hay vĩnh viễn, cho phép không khí đi qua khi tắc nghẽn đường hô hấp trên, giúp laauys chất tiết ở khí quản, Giúp việc cai máy thưở( do giảm khí khoảng chết và hạ kháng lực đường thở), cho phép giúp thở nhân tạo dài ngày, Nơi mở thường là ở đốt 2,3,4 vòng sụn khí quản.

Trường hợp mở khí quản

Tắc nghẽn hô hấp

Người bệnh thở qua đường thở nhân tạo trong thời gian dài (thở qua ống nội khí quản lâu hơn 7 – 10 ngày).

Mất khả năng bài tiết đờm nhớt đường hô hấp dưới.

Cấp cứu

Tắc nghẽn đường hô hấp trên do dị vật.

Chấn thương hàm mặt.

Người bệnh bị tổn thương do nội khí quản.

Chảy máu đường hô hấp trên.

Bỏng đường thở.

Chấn thương cổ và thanh quản: gây giập nát, phù nề.

Bệnh lý

Người bệnh tri giác xấu hơn, uốn ván, bạch hầu, bại liệt thể hành não, u hạ họng, ngừng thở khi ngủ.

Lợi ích

Mở khí quản giúp giảm được khoảng chết (#150ml). Giúp người bệnh thở dễ dàng, hiệu quả.

Dễ dàng lấy dị vật, hút đờm nhớt. Lắp máy thở dễ dàng.

Giới thiệu ống mở khí quản

Canule Krisaberg có 3 thành phần gồm:

Canule Interne: ống nằm trong.

Canule Externe: ống ngoài cùng.

Mandrain: nòng.

Có hai loại: bạc và nhựa.

Hiện nay, canule Krisaberg đã cải tiến hơn thường sử dụng ống nhựa có 1 nòng hay 2 nòng (ít sử dụng) và có bóng chèn. Hầu như hiện nay chỉ sử dụng loại nhựa có tráng silicon, có bóng chèn rất hữu hiệu trong trường hợp thở máy, nhẹ, không cứng, không rỉ sét, không kích ứng và có chất cản quang do đó rất dễ kiểm soát.

Thủ thuật mở khí quản

Tư thế: thực hiện ở phòng mổ, người bệnh nằm ngửa cằm thẳng góc trần nhà, đặt gối thấp dưới vai. Bác sĩ gây tê tại chỗ, rạch đường thẳng đi vào thanh quản xuyên qua sụn nhẫn thanh quản 2, 3. Đưa canule thích hợp vào đường rạch ở khí quản và mặt canule đưa lên mặt da, hút đờm nhớt thật kỹ và khâu lại. Sau khi đặt canule xong cố định dây hai bên, tránh cột quá chặt, tránh cột trên đường đi mạch cảnh. Băng chân canule. Nghe phổi, đánh giá khả năng thông khí của phổi, thở oxy hay bóp bóng hỗ trợ theo y lệnh. Kiểm tra X quang phổi.

Biến chứng

Ngay sau khi đặt: chảy máu chân mở khí quản, sút ống trong những giờ đầu sau khi đặt, tắc nghẽn do đờm nhớt, tắc nghẽn do cục máu đông, tràn khí dưới da.

Biến chứng muộn: viêm phổi, nghẹt đờm, nhiễm trùng da chung quanh ống, sút ống, xẹp phổi, dò khí thực quản, hẹp khí quản.

Quy trình chăm sóc người bệnh có mở khí quản

Nhận định tình trạng người bệnh

Trước thủ thuật: điều dưỡng nhận định về hô hấp, tình trạng nghe, khả năng ngôn ngữ, khả năng viết của người bệnh để chọn lọc phương pháp giao tiếp sau khi mở khí quản. Hãy nhận định tình trạng hiểu biết về thủ thuật, giao tiếp và sự lo âu của người bệnh.

Sau thủ thuật: nhận định về tần số thở, nhịp điệu thở, thở sâu, kiểu thở. Nhận định sự di động của lồng ngực, tình trạng ho, số lượng và chất tiết qua mở khí quản, hút đờm. Nhận định khí máu động mạch PaO2, PaCO2, SaO2. Kiểm tra vùng đặt canule về chảy máu, sưng nề, tràn khí dưới da quanh vùng cổ. Kiểm tra áp lực bóng chèn mỗi ca trực. Kiểm tra nơi cột dây có quá chặt hay quá lỏng, nên để ngón tay số 2 dưới dây vừa khít là tốt. Nghe phổi mỗi giờ hay trước và sau hút đờm để nhận định tình trạng thông khí của người bệnh. Nhận định tình trạng phát âm của người bệnh nếu họ nói được nghĩa là có tình trạng nghẹt đờm. Kiểm tra rò khí qua mở khí quản, kiểm tra băng thấm dịch hay máu. Nhận định dấu hiệu nhiễm trùng, mủ, phù nề, nhiệt độ, bạch cầu, VS. Nhận định tình trạng viêm phổi, rối loạn nhịp thở, dấu hiệu ho, đau ngực, mạch nhanh, dấu hiệu khó thở, tri giác, huyết áp.

Chẩn đoán và can thiệp điều dưỡng

Người bệnh mở khí quản có bóng chèn

Có chỉ định trong thở máy và bảo vệ đường thở, giúp thông thương giữa đường thở trên và dưới, giúp chất tiết, thức ăn không lọt vào khí quản nhưng nó không tham gia giữ ống mở khí quản. Khi bơm bóng chèn sẽ kín sự thông thương giữa ống ngoài canula và thành khí quản. Áp lực trong bóng chèn không vượt quá 20cmH2O. Cần theo dõi tình trạng chèn ép thiếu máu nuôi tại thành khí quản.

Suy giảm khả năng trao đổi khí

Nguyên nhân:

Hít máu vào đường thở, đờm nhớt ở vùng hầu họng, hít chất nôn ói. Tăng tiết đờm nhớt ở khí phế quản.

Mất khả năng ho và hít thở sâu.

Hạn chế giãn nở lồng ngực từ sự bất động.

Do những nguyên nhân khác: béo phì, mất nước, viêm phổi, tràn khí.

Can thiệp điều dưỡng:

Ngay sau khi mở khí quản, điều dưỡng phải hút đờm nhớt thường xuyên. Nên hút 5 – 10 phút/lần trong 3 – 4 giờ đầu. Lượng giá nồng độ oxy trong máu qua khí máu động mạch, SaO2. Đánh giá tình trạng tắc nghẽn đờm nhớt như dấu hiệu khó thở, tím tái,… Nghe phổi trước và sau khi hút đờm. Cần xác định tình trạng người bệnh có cần hút đờm không vì việc hút đờm thường xuyên trên người bệnh cũng gây ra nguy cơ thiếu oxy, tăng kích thích cho người bệnh. Ghi chú về hút đờm, đáp ứng người bệnh, đánh giá chức năng lồng ngực và điều trị. Người bệnh luôn nằm trong tầm nhìn của điều dưỡng 24/24 giờ.

Hút đờm: nên cung cấp oxy trước khi hút. Ống hút nhỏ hơn canule.

Hút không quá 10 giây/lần (vì mỗi lần hút áp lực oxy giảm xuống 30mm Hg).

Ngưng hút ngay khi người bệnh có dấu hiệu suy giảm hô hấp, trong lúc hút cho người bệnh bị nghẹt đờm mà có dấu hiệu thiếu oxy thì điều dưỡng cung cấp oxy ngay khi hút bằng 5 hơi dài qua bóp bóng oxy ẩm.

Cung cấp oxy cho người bệnh: bằng oxy ẩm, ấm, tránh biến chứng khô phổi, xẹp phổi. Duy trì đủ độ ẩm để loãng đờm giúp hút đờm dễ dàng, nếu cần thì bơm vào canule 5 – 10ml nước muối sinh lý trước khi hút đờm.

Nên cho người bệnh tập vật lý trị liệu lồng ngực tuỳ theo tình trạng người bệnh và lý do mở khí quản. Người bệnh thở máy hay điều trị thở ngắt quãng nên dùng canule có bóng chèn. Thường áp lực bóng chèn không quá 25cmH2O hay 20mmHg. Cho người bệnh thay đổi tư thế thường xuyên. Cung cấp đủ nước cho người bệnh. Duy trì nhiệt độ bình thường. Cung cấp đủ oxy cho người bệnh.

Tình trạng nhiễm trùng phổi do lỗ mở khí quản ra da

Nguyên nhân: do hút đờm không đảm bảo vô khuẩn, viêm nhiễm chung quanh chân da dưới ống mở khí quản do ẩm ướt, do thay băng không vô khuẩn, do có quá nhiều đờm nhớt.

Can thiệp điều dưỡng: theo dõi dấu chứng sinh tồn, nhận định màu sắc đờm, theo dõi choáng, chảy máu, suy hô hấp, biến chứng của mở khí quản. Lượng giá vết thương trong suốt các phiên trực, và ghi hồ sơ cẩn thận về chảy máu, mủ, tình trạng mô chung quanh, quan sát da dưới canule. Chăm sóc canule mỗi khi ẩm ướt hay mỗi phiên trực, rửa vết thương khi ẩm ướt, rửa nòng trong 4 giờ/lần. Bảo đảm vô khuẩn khi hút đờm.

Chăm sóc sau khi đặt: quan sát chảy máu hay mạch đập ở canule. Tránh dùng bình phun, bột phấn. Điều dưỡng che gạc hoặc giấy mỏng có chứa cotton, tránh để người bệnh hít ngoại vật vào đường thở. Cẩn thận khi cạo râu hay cắt tóc cho người bệnh tránh lông, tóc rớt vào khí quản. Gạc dùng che chân mở khí quản nên cắt trước hay dùng gạc không bị tưa chỉ.

Nguy cơ sút canule do sút dây cố định

Cột dây có gút, độ căng của gút vừa đủ để được 2 ngón tay cách giữa da và dây cột. Tránh để nút cột ở vùng động mạch cảnh hay gáy người bệnh. Quan sát da có bị dị ứng dây, dấu dây tì đè vào cổ. Lưu ý là khi thay dây cột cần cột an toàn dây mới trước khi cắt dây cũ.

Trong trường hợp sút canule: điều dưỡng nên gọi mọi người đến giúp nhưng đồng thời dùng kìm banh rộng lỗ mở, cho thở oxy hỗ trợ trước khi có người đến đặt lại canule mới.

Lo lắng do không giao tiếp bằng lời, do sợ lỗ mở trên cổ

Lượng giá mức độ lo lắng của người bệnh, giải thích cách hút đờm tạo sự tự tin cho người bệnh. Do người bệnh không giao tiếp bằng lời được nên cung cấp cho người bệnh các dụng cụ giao tiếp như: giấy, bút, phấn, bảng, chuông gọi. Có thể giao tiếp qua dấu hiệu, người bệnh cần được học tập điệu bộ trước mổ.

Chăm sóc hồi phục: hướng dẫn người bệnh dùng tay che canule để nói nhưng cẩn thận không thực hiện với những người bệnh nặng, khó thở.

Nguy cơ suy dinh dưỡng do khó nuốt

Phát hiện sớm dấu hiệu mất nước, suy dinh dưỡng. Truyền dịch hay ăn qua ống thông dạ dày hay bằng miệng. Theo dõi cân nặng người bệnh mỗi ngày và lượng nước xuất nhập.

Nếu ăn qua ống thông dạ dày nên bơm bóng chèn trước khi ăn và xả bóng sau khi ăn 15 phút. Người bệnh phải nằm đầu cao khi ăn và giữ tư thế đó sau khi ăn 30 phút. Nếu người bệnh nặng, hôn mê nên cho thức ăn nhỏ giọt qua ống thông.

Chăm sóc hồi phục: đánh giá khả năng nuốt. Kiểm soát và cung cấp dinh dưỡng đủ cho người bệnh, để giúp người bệnh ngon miệng nên cho người bệnh ngửi, nhìn, nếm thức ăn trước khi ăn. Cho người bệnh uống nhiều nước giúp loãng đờm.

Quản lý khi người bệnh xuất viện

Phải hướng dẫn người bệnh và gia đình biết cách chăm sóc ống mở khí quản tại nhà gồm: thay băng, hút đờm, thay nòng trong, thay dây, ăn qua ống thông dạ dày. Người bệnh phải biết nơi mua ống mở khí quản và nơi trở lại thăm khám.

Tập cho người bệnh trước khi rút ống mở khí quản: Khuyến khích và hướng dẫn người bệnh tham gia tự thở qua mũi. Đầu tiên nên cho người bệnh che ống mở khí quản 5 – 20 phút tuỳ thuộc vào tình trạng hô hấp, sự tự tin của người bệnh. Sau đó tăng dần thời gian cho người bệnh thích nghi và giảm lo sợ, theo dõi tình trạng oxy trong máu người bệnh.

Chuẩn bị rút canule

Lượng giá khả năng thở, hiệu quả ho, phản xạ nuốt của người bệnh. Phúc trình bất kỳ triệu chứng bất thường nào của người bệnh cho bác sĩ.

Che lại lỗ mở khí quản và gia tăng thời gian che ống. Hướng dẫn người bệnh cách thở hít vào bằng mũi và thở ra bằng miệng khi che lỗ mở khí quản lại, cách khạc đờm, cách ho. Cung cấp thông tin cho người bệnh: sau khi rút người bệnh sẽ được băng kín vết thương nơi lỗ mở khí quản, nhưng nếu người bệnh có khó thở hay nhiều đờm nhớt thì vẫn có thể mở ra để thở. Người bệnh sẽ lành vết thương sau 1 – 2 tuần nếu chăm sóc và dinh dưỡng tốt. Kiểm tra lại và đảm bảo chắc chắn người bệnh thực hành được chăm sóc và an tâm sau khi rút canule.

Chuẩn bị dụng cụ cấp cứu hô hấp, hút đờm nhớt thật kỹ, tháo dây cố định an toàn, rút canule nhanh. Có thể hút đờm qua lỗ mở, cho người bệnh thở oxy, nằm ở tư thế Fowler hay ngồi dậy. Thực hiện công tác tư tưởng cho người bệnh như hướng dẫn người bệnh thở đều không hoảng sợ. Theo dõi hô hấp người bệnh sau rút canule 3 – 6 giờ. Theo dõi sát hô hấp cho đến khi người bệnh tự thở đều và không còn dấu hiệu khó thở, mức độ tăng tiết đờm nhớt, đánh giá lại tâm lý người bệnh, nên có mặt thường xuyên bên cạnh người bệnh để người bệnh không lo lắng, vì yếu tố tâm lý cũng ảnh hưởng đến hô hấp của người bệnh. Băng lại lỗ mở, kiểm tra và thay băng mỗi ngày, quan sát các dấu hiệu nhiễm trùng. Có thể thực hiện cho người bệnh thở oxy qua mũi. Điều dưỡng và nhân viên y tế thăm khám người bệnh lại.

Biến chứng

Tắc nghẽn đường thở

Do cục máu đông trong những giờ đầu sau mổ, trong giai đoạn này điều dưỡng hút đờm 5 – 10 phút/lần để tránh máu cục làm tắc nghẽn đường thở.

Chảy máu

Nên quan sát và thăm khám để phát hiện chảy máu, thường có nguy cơ chảy máu trong những giờ đầu sau mổ. Theo dõi số lượng máu chảy và báo bác sĩ.

Tắc nghẽn đường thở do đờm nhớt

Hút đờm nhớt thường xuyên, nên nghe phổi trước và sau khi hút đờm. Vật lý trị liệu giúp tống xuất đờm nhớt dễ dàng.

Tràn khí dưới da

Theo dõi khó thở, da phù nề, tiếng nổ dưới da khi thăm khám, người bệnh đau, theo dõi hô hấp và thực hiện phụ giúp bác sĩ dẫn lưu khí.

Nhiễm trùng chân mở khí quản

Nhận thấy vùng chung quanh chân nơi mở khí quản đỏ, sưng, đau phù nề, tiết dịch. Điều dưỡng rửa sạch vết thương và thay băng khi ẩm ướt, cấy mủ, thực hiện kháng sinh, theo dõi viêm phổi.

Viêm phổi

Hút đờm, bảo đảm hệ thống hút đờm vô trùng, hướng dẫn người bệnh hít thở sâu, vệ sinh răng miệng sạch sẽ. Định kỳ thay ống mở khí quản hay khi ống bị nghẹt. Nghe phổi 2 giờ/1 lần, theo dõi nhiệt độ người bệnh thường xuyên.

Rò khí thực quản

Phòng ngừa bằng cách theo dõi áp lực bóng chèn, thay ống mở khí quản định kỳ. Biểu hiện rò nơi mở khí quản là người bệnh ăn sặc, thở khó.

Hẹp khí quản

Thường xuất hiện ở người bệnh đặt canule lâu ngày, sẹo co sau khi rút ống mở khí quản ở trẻ em. Biểu hiện người bệnh thở khó, nói khó, thở có tiếng rít.

Tai biến

Sút ống: nếu xảy ra trong 2 – 3 ngày đầu sau đặt thì rất nguy hiểm vì lỗ mở chưa tạo đường hầm. Nên khi người bệnh hít vào thì vết thương khít lại không cho không khí vào nhưng khi thở ra thì vết thương mở ra nên người bệnh thở rít, cố gắng thở. Trường hợp trên, điều dưỡng dùng kìm banh rộng vết thương nơi mở khí quản, cho thở oxy, kêu người đến giúp. Chuẩn bị bộ mở khí quản và phụ giúp bác sĩ đặt lại mở khí quản. Theo dõi sát hô hấp sau khi đặt lại.

Kỹ thuật thay băng mở khí quản

Mục tiêu

Chuẩn bị được dụng cụ trên mâm mở khí quản.

Thực hành được kỹ thuật chăm sóc mở khí quản.

Nhận định

Tình trạng người bệnh

Nhận định tổng trạng người bệnh.

Người bệnh có khó thở không ? Có cần trợ giúp thở không? Người bệnh thở máy qua mở khí quản.

Nếu thở oxy: nên thay ống thở oxy 8 giờ/1 lần.

Có nhiều đờm không: màu sắc, số lượng, tính chất loãng, đặc, mùi. Bệnh nhân có dễ bị kích thích không ?

Tình trạng nơi mở khí quản

Gạc che nơi chân mở khí quản có bẩn không ? Loại mở khí quản: 1 nòng, 2 nòng.

Dây buộc có bẩn không ?

Da nơi mở khí quản bị đỏ, rôm lở, nhiễm trùng không ?…

Ghi hồ sơ:

Đờm: màu sắc, số lượng, tính chất loãng, đặc, mùi hôi. Tình trạng bệnh nhân có kích thích không ?

Tình trạng chân da nơi mở khí quản.

Những điểm cần lưu ý

Theo dõi sát người bệnh trong quá trình hút đờm và chăm sóc mở khí quản.

Chăm sóc mở khí quản hết sức nhẹ nhàng. Khi người bệnh bị kích thích, thiếu oxy phải ngưng hút đờm ngay. Theo dõi người bệnh (có thể cho thở oxy) đến khi người bệnh ổn định mới hút đờm tiếp.

Khi chăm sóc mở khí quản điều dưỡng đứng ở hướng ngực và đầu người bệnh. Thay dây mới cố định chắc chắn rồi mới cắt dây cũ…

Hút đờm nơi mở khí quản và mũi miệng bằng 2 ống hút riêng.

Nếu là Krisaberg 2 nòng thì vặn chốt và lấy nòng trong ra ngâm vào bồn hạt đậu có chứa dung dịch oxy già và hút lại đờm nhớt nòng ngoài.

Chuẩn bị dụng cụ

Điều dưỡng đội mũ, mang khẩu trang, rửa tay trước khi chuẩn bị dụng cụ.

Dụng cụ hút đờm

Dụng cụ vô trùng (trong khay trải khăn vô trùng):

Gạc

Ống tiêm 5ml (nếu đờm đặc)                                                         1 cái

Chén chung đựng nước muối sinh lý hoặc nước cất                  2 cái

Ống hút đờm                                                                                   2 ống

Dụng cụ vô trùng ngoài mâm

Ống thở oxy (nếu có): 1 ống Ống hút đờm vô trùng

Găng tay vô trùng (số lượng găng = 1/2 số lượng ống hút)

Dụng cụ sạch

Kìm sạch để gắp băng bẩn. Dụng cụ đựng rác.

Găng tay sạch. Băng keo.

Kéo (nếu cần). Máy hút đờm.

Dung dịch sát khuẩn tay nhanh.

Dụng cụ chăm sóc mở khí quản

Dụng cụ vô trùng: (trong khay trải khăn vô trùng)

Kìm                                                                                                  2 cái

Kéo                                                                                                 1 cái

Bông sạch

Gạc nhỏ dùng để giữ ống mở khí quản khi chăm sóc:                  5 – 6 miếng

Gạc lớn 10 x 10 cm:                                                                        4 miếng

1 miếng gạc thật mỏng che trên ống mở khí quản cho người bệnh thở không khí ẩm, che dị vật tránh rơi vào khí quản.

2 miếng gạc vừa để dưới chân canule phần ngực đề phòng đờm nhớt văng ra.

1 miếng gạc dày để che chân canule

Chén chung đựng nước muối sinh lý 0,9%                                   1 cái

Chén chung đựng dung dịch sát trùng                                          1 cái

Dây cố định mở khí quản

Ống canule nòng trong cùng số (nếu là canule 2 nòng).

Dụng cụ sạch: dùng chung dụng cụ sạch của phần hút đờm. Kìm sạch để gắp băng bẩn.

Bồn hạt đậu chứa oxy già (nếu là ống mở khí quản 2 nòng).

Găng tay sạch, túi rác y tế, băng keo, dung dịch sát khuẩn tay nhanh. Thau đựng dung dịch sát khuẩn ngâm dụng cụ sau khi sử dụng.

Quy trình kỹ thuật chăm sóc mở khí quản

Điều dưỡng báo và giải thích cho người bệnh về kỹ thuật sắp thực hiện.

Mang dụng cụ đến giường người bệnh.

Điều dưỡng nhận định chỉ số oxy trên máy thở (nếu người bệnh đang thở máy). Tăng chỉ số oxy cho người bệnh.

Gắn và thử máy hút đờm.

Điều dưỡng chuẩn bị tư thế cho người bệnh: điều dưỡng cho người bệnh nằm ngửa, kê gối dưới vai để

cổ người bệnh ngửa thẳng góc với trần nhà, giữ người bệnh kín đáo.

Bộc lộ nơi mở khí quản.

Cho người bệnh ngừng thở oxy: tắt nguồn oxy tạm thời, cho ống oxy cũ vào gạc hay túi rác. Trong trường hợp người bệnh có dấu hiệu khó thở hay cần thở oxy thì duy trì oxy cho người bệnh

Vỗ lưng người bệnh (nếu cần).

Điều dưỡng sát khuẩn tay nhanh.

Tiến hành hút đờm nhớt nơi mở khí quản, mũi, miệng.

Rửa tay nhanh và mang găng tay sạch.

Mở mâm vô trùng và chuẩn bị dụng cụ trong mâm: chuẩn bị gạc che chân mở khí quản và dây cố định mở khí quản, sắp xếp lại dụng cụ trong mâm.

Dùng kìm sạch lấy băng bẩn cho vào túi rác, ngâm kìm vào thau dung dịch sát khuẩn.

Đặt gạc lớn lên ngực người bệnh.

Dùng kìm gắp bông rửa sạch mặt trên miệng canule, không lau khô, không sát trùng. Khi thực hiện kỹ thuật cần chú ý giữ yên canule để tránh người bệnh bị kích thích.

Tiếp tục rửa sạch mặt bên ngoài canule, lau khô, sát trùng.

Dùng kìm gắp gạc trên ngực bỏ vào túi rác để tiến hành rửa da chung quanh và vùng da phía dưới canule.

Thay miếng gạc lớn mới lên ngực người bệnh để tiến hành thay dây cố định mới.

Kỹ thuật thay dây cố định mở khí quản: luôn luôn thay dây mới hoàn tất trước khi cắt dây cũ. Thay dây bên xa trước dây gần sau đối với tư thế đứng của người bệnh; sau khi xỏ dây vào 2 bên canule điều dưỡng dùng kìm luồn dây bên xa qua bên gần của điều dưỡng. Tiến hành cột gút cạnh bên cổ người bệnh. Điều dưỡng cần cột gút dẹp và tránh gút nằm trên đường đi động mạch.

Sau khi cột xong sẽ tiến hành cắt dây cũ.

Sát trùng lại 2 đầu canule và da nơi dây cũ.

Gắp gạc trên ngực bỏ vào túi rác.

Sát trùng lại vùng da chung quanh trước khi tiến hành che chân mở khí quản.

Dùng kìm đặt gạc che chân mở khí quản.

Đặt gạc thật mỏng vô trùng che lỗ trên canule và dùng băng keo cố định lại.

Thấm dung dịch nước muối làm ẩm gạc nếu người bệnh không có chỉ định thở oxy hay thở máy.

Báo và giải thích cho người bệnh là điều dưỡng đã hoàn tất kỹ thuật.

Cho người bệnh nằm ở tư thế thoải mái.

Dọn dẹp dụng cụ, ghi hồ sơ.

Bảng 49.1. Bảng kiểm dụng cụ chăm sóc mở khí quản

Bảng 49.2. Bảng kiểm kỹ thuật chăm sóc mở khí quản

 

Tài liệu tham khảo

Frances Donovan Monahan Marianne Neighbors, Knowledge Base for Patients with Resiraratory Dysfunction, chapter 14, Medical Surgical Nursing Foundations for Clinical Practice 2 nd Edition, WB Saunders company, 1998, 563 – 567.

Adele A. Large, Leslie A. Hoffman, Upper Respiratory Problems, chapter 24, section 8, Medical Surgical Nursing, four Edition, Lewis Collier Heitkemper/MOSBY, 1992, 603 – 610.

Debra C. Broadwell, ear nose and throat, chapter 7, Mosby’s Manual of Clinlcal Nursing, Jun M.Thompson – Gertrude K. Mcfarland – Jane E. Hirsch –Susan M. Tucker – Arden C, Bowers, second Edition, the C,V, Mosby Company, 723 – 726.

Mở khí quản và người bệnh chăm sóc mở khí quản, Chăm sóc ngoại khoa (Tài liệu thí điểm giảng dạy điều dưỡng Trung học), Đề án hỗ trợ hệ thống đào tạo 03– SIDA, Hà Nội, 1994, 113 – 117.