Xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật
Phương thức hỗ trợ tuyến dưới theo hoạt động chỉ đạo tuyến, Đề án 1816 giai đoạn 2013-2015, Đề án bệnh viện vệ tinh, Đề án 47, Đề án 930 chủ yếu là đào tạo và chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao năng lực trình độ cán bộ y tế tuyến dưới và chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến dưới. Phương thức hỗ trợ nhân lực (làm thay) chỉ được thực hiện ở một số địa phương vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thiếu nhân lực trầm trọng.
Năm 2009, nhằm tăng cường hiệu quả thực hiện Đề án 1816 về việc “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh”, để đáp ứng kịp thời nhu cầu chuyển giao kỹ thuật cho tuyến dưới, Bộ Y tế đã ban hành văn bản hướng dẫn tạm thời về việc xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật trong thực hiện Đề án 1816. Sau hơn nửa năm thực hiện, văn bản hướng dẫn tạm thời đã giúp các đơn vị thực hiện tốt việc chuyển giao kỹ thuật, Bộ Y tế đã hoàn thiện và ban hành hướng dẫn xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật y tế trong quá trình thực hiện Đề án 1816 bản chính thức.
Căn cứ pháp lý
Quyết định số 23/2005/QĐ-BYT ngày 30/08/2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc phân tuyến kỹ thuật và Danh mục kỹ thuật trong khám, chữa bệnh.
Quyết định số 1816/QĐ –BYT ngày 26/5/2008 của Bộ trưởng BYT về việc phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ BV tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng KCB tuyến dưới”.
Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 21tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013.
Quyết định số 14/QĐ-TTg ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Các bước xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật
Bước 1: Khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyến dưới.
Bước 2: Xây dựng đề cương chuyển giao kỹ thuật.
Bước 3: Phê duyệt kỹ thuật chuyển giao.
Bước 4: Tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật.
Bệnh viện tuyến trên:
Bước 1: Khảo sát, đánh giá nhu cầu tuyến dưới
Bệnh viện tuyến trên phối hợp với BV tuyến dưới tổ chức khảo sát đánh giá thực trạng BV tuyến dưới về nhân lực, trang thiết bị, năng lực thực hiện kỹ thuật của tuyến dưới theo quy định phân tuyến kỹ thuật do Bộ Y tế ban hành, sự cần thiết, nhu cầu chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện tuyến dưới.
Lựa chọn kỹ thuật chuyển giao cho tuyến dưới: căn cứ kết quả khảo sát, khả năng đáp ứng của đơn vị, bệnh viện tuyến trên lựa chọn và xác định ưu tiên các kỹ thuật chuyển giao cho bệnh viện tuyến dưới.
Bước 2: Xây dựng đề cương chuyển giao kỹ thuật:
Căn cứ Hướng dẫn quy trình kỹ thuật bệnh viện, bệnh viện tuyến trên xây dựng đề cương chuyển giao cho từng kỹ thuật dự kiến chuyển giao. Đề cương chuyển giao kỹ thuật cần nêu rõ mục tiêu chuyển giao, nội dung chuyển giao:
Mô tả kỹ thuật chuyển giao, các tiêu chuẩn, chỉ tiêu cụ thể cần đạt được của kỹ thuật; chỉ tiêu đánh giá kết quả chuyển giao.
Thời gian cần thiết để chuyển giao; nhân lực thực hiện chuyển giao.
Điều kiện cơ sở vật chất máy móc, trang thiết bị và nhân lực tiếp nhận chuyển giao (số lượng, trình độ, năng lực).
Dự toán kinh phí chi tiết tổ chức các hoạt động phục vụ chuyển giao.
Bước 3: Phê duyệt đề cương chuyển giao kỹ thuật
Bệnh viện tuyến trên tổ chức họp Hội đồng khoa học thẩm định đề cương chuyển giao kỹ thuật. Căn cứ vào kết quả thẩm định đề cương chuyển giao kỹ thuật của Hội đồng khoa học bệnh viện, Giám đốc bệnh viện ký quyết định phê duyệt đề cương.
Bước 4: Tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật
Bệnh viện tuyến trên ký hợp đồng với bệnh viện tuyến dưới.
Bệnh viện tuyến trên tổ chức đào tạo cho kíp kỹ thuật của bệnh viện tuyến dưới tại bệnh viện tuyến trên, đảm bảo nắm vững lý thuyết và thành thạo về thực hành kỹ thuật chuyển giao.
Bệnh viện tuyến trên cử kíp kỹ thuật tiếp tục chuyển giao kỹ thuật cho kíp kỹ thuật tại bệnh viện tuyến dưới.
Giám sát, hướng dẫn bệnh viện tuyến dưới thực hiện kỹ thuật, phát hiện và cùng tuyến dưới giải quyết sớm các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao để đảm bảo việc chuyển giao đạt hiệu quả cao nhất.
Bệnh viện tuyến trên phối hợp bệnh viện tuyến dưới nghiệm thu thanh lý hợp đồng dựa trêncác chỉ tiêu kỹ thuật đã nêu trong hợp đồng.
Bệnh viện tuyến dưới
Bước 1:
Tự khảo sát đánh giá thực trạng thực hiện quy định phân tuyến kỹ thuật, tình hình phân bố loại hình bệnh tật địa phương, nhu cầu cần chuyển giao kỹ thuật của đơn vị. Tìm hiểu, lựa chọn đơn vị tuyến trên chuyển giao kỹ thuật.
Phối hợp với bệnh viện tuyến trên tổ chức khảo sát đánh giá nhân lực, trang thiết bị, sự cần thiết, nhu cầu hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật.
Lựa chọn kỹ thuật cần chuyển giao: căn cứ kết quả khảo sát, khả năng tiếp nhận của đơn vị, bệnh viện tuyến dưới lựa chọn và xác định ưu tiên các kỹ thuật tiếp nhận chuyển giao. Báo cáo Sở Y tế đề nghị bệnh viện tuyến trên hỗ trợ.
Bước 2: Chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Thời gian thuận lợi để tiếp nhận chuyển giao. Số nhân lực thực hiện nhận chuyển giao. Các yêu cầu về cơ sở vật chất máy móc, trang thiết bị tiếp nhận chuyển giao.
Tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật: ký hợp đồng với bệnh viện tuyến trên. Tạo điều kiện cho cán bộ đi luân phiên đến chuyển giao kỹ thuật. Giám sát, phát hiện và cùng tuyến trên giải quyết sớm các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao để đảm bảo việc chuyển giao đạt hiệu quả cao nhất.
Tiếp tục giám sát, đánh giá để có đề nghị hỗ trợ phù hợp, đảm bảo duy trì hiệu quả và tính bền vững của kỹ thuật được chuyển giao.
Lập kế hoạch đào tạohỗ trợ tuyến dưới
Căn cứ pháp lý
Thông tư số 43/2013/TT-BYT ngày 11 tháng 12 năm 2013 về việc quy định chi tiết phân tuyến chuyên môn kỹ thuật đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09 tháng 8 năm 2013 về việc hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.
Các bước lập kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật hàng năm
Bước 1: Khảo sát nhu cầu thực tế về đào tạo, chuyển giao kỹ thuật
Bước 2: Lập kế hoạch đào tạo, chuyển giao kỹ thuật năm
Tổng hợp kết quả khảo sát nhu cầu; Xác định các khóa đào tạo, các kỹ thuật mà đơn vị có thể chuyển giao; Lập danh sách các khóa đào tạo, tên các gói kỹ thuật dự kiến sẽ giao cho tuyến dưới, dự toán kinh phí, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Xây dựng chương trình, tài liệu đào tạo theo quy định tại Thông tư số 22/2013/TT-BYT ngày 09 tháng 8 năm 2013 về việc hướng dẫn đào tạo liên tục trong lĩnh vực y tế.
Chương trình, tài liệu đào tạo có các mục:
Tên khoá học và giới thiệu chung về khóa học;
Mục tiêu khóa học (về kiến thức, thái độ, kỹ năng);
Đối tượng, yêu cầu đầu vào đối với học viên;
Chương trình chi tiết (cụ thể đến tên bài, tiết học);
Tên tài liệu dạy- học chính thức và tài liệu tham khảo;
Phương pháp dạy – học;
Tiêu chuẩn giảng viên và trợ giảng;
Thiết bị, học liệu cho khóa học (kể cả thực hành lâm sàng);
Hướng dẫn tổ chức thực hiện chương trình; – Đánh giá và cấp giấy chứng nhận đào tạo liên tục.
Tài liệu dạy – học:
Căn cứ vào chương trình đào tạo đã được phê duyệt, cơ sở đào tạo xây dựng (hoặc lựa chọn) tài liệu dạy – học cho phù hợp.
Tài liệu dạy – học được cấu trúc theo từng bài. Trong mỗi bài cần có các phần: mục tiêu, nội dung, lượng giá. Các bài thực hành cần nêu rõ kỹ thuật, thủ thuật cần thực hiện và yêu cầu cần đạt được.
Tài liệu cho các khóa đào tạo giảng viên: ngoài các tài liệu cho học viên, khuyến khích có thêm tài liệu hướng dẫn giảng viên.
Khi sử dụng tài liệu đã xuất bản của các cơ sở đào tạo có uy tín ở trong và ngoài nước, Thủ trưởng cơ sở đào tạo liên tục cần xem xét và quyết định.
Tổ chức chức thực hiện các khóa đào tạo: Đánh giá đầu vào trước khóa đào tạo và đánh giá đầu ra vào cuối khóa.
Giám sát khóa học để nắm được khả năng đạt mục tiêu của khóa học.
Báo cáo sau khóa học: Tổ chức đánh giá cuối khóa học để rút kinh nghiệm về nội dung chương trình đào tạo và các khâu tổ chức khóa đào tạo.
Bế giảng: Tiến hành vào buổi cuối cùng của khóa học, nhằm báo cáo đầu ra của khóa học, cấp chứng chỉ/ chứng nhận cho học viên, học viên sẽ báo cáo kế hoạch hoạt động của họ sau khóa học.
Đánh giá dài hạn:thực hiện sau đào tạo 6 tháng, nhằm đánh giá tính hiệu quả của khóa đào tạo: Học viên có áp dụng được những kiến thức đã học vào thực tiễn công tác hay không, các kiến thực, kỹ năng được đào tạo có phù hợp không…