Đề án 1816
Ngày 26 tháng 5 năm 2008, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 1816/QĐ-BYT phê duyệt Đề án “Cử cán bộ chuyên môn luân phiên từ bệnh viện tuyến trên về hỗ trợ các bệnh viện tuyến dưới nhằm nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh” viết tắt là Đề án 1816.
Mục tiêu:
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh của bệnh viện tuyến dưới, đặc biệt là miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế.
Giảm tình trạng quá tải cho các bệnh viện tuyến trên, đặc biệt là các bệnh viện tuyến trung ương.
Chuyển giao công nghệ và đào tạo cán bộ tại chỗ nhằm nâng cao tay nghề cho cán bộ tuyến dưới.
Phương thức, quy trình, chỉ tiêu thực hiện cử cán bộ luân phiên:
Bệnh viện tuyến trên cử cán bộ chuyên môn về hỗ trợ bệnh viện tuyến dưới theo hai phương thức: hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật nhằm nâng cao trình độ cán bộ tuyến dưới, chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh tuyến dưới; hỗ trợ nhân lực cho vùng sâu vùng xa, vùng khó khăn, thiếu nhân lực. Hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật là chủ yếu.
Nguyên tắc và thời gian cử cán bộ luân phiên:
Cử cán bộ chuyên môn có khả năng giải quyết độc lập các kỹ thuật về hỗ trợ BV tuyến dưới.
Thời gian luân phiên do đơn vị cử cán bộ quyết định nhưng tối thiểu 3 tháng/1 đợt.
Một bệnh viện tuyến trên có thể hỗ trợ một hoặc nhiều BV tuyến dưới, một bệnh viện bệnh viện tuyến dưới có thể nhận hỗ trợ của một hoặc nhiều bệnh viện tuyến trên.
Chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên:
Bộ Y tế quy định về chỉ tiêu cử cán bộ luân phiên đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ: bệnh viện đa khoa: 01 cán bộ/50 giường bệnh kế hoạch; bệnh viện chuyên khoa: 01 cán bộ/30 giường bệnh kế hoạch. Định mức này được quy định thực hiện ổn định trong 2 năm 2008, 2009. Tuy nhiên trong thực tế, quy định này đã thực hiện đến hết năm 2011.
Quy trình thực hiện:
Khảo sát thực trạng năng lực và nhu cầu hỗ trợ chuyên môn của tuyến dưới. Xác định nội dung hỗ trợ phù hợp với khả năng tuyến trên và nhu cầu tuyến dưới.
Ký kết hợp đồng hỗ trợ giữa bệnh viện tuyến trên và bệnh viện tuyến dưới. Lập kế hoạch hỗ trợ/ tiếp nhận hỗ trợ.
Bệnh viện tuyến trên trình cấp có thẩm quyền phê duyệt quyết định cử cán bộ luân phiên. Thực hiện cử cán bộ luân phiên hỗ trợ.
Bệnh viện tuyến dưới chuẩn bị các điều kiện về trang thiết bị, nhân lực, bệnh nhân để tiếp nhận hỗ trợ chuyên môn, tiếp nhận và tạo điều kiện cán bộ luân phiên về làm việc.
Tổ chức kiểm tra giám sát, hỗ trợ thực hiện.
Đánh giá kết quả hỗ trợ, thanh lý hợp đồng.
Tiếp tục theo dõi đánh giá nhu cầu hỗ trợ của bệnh viện tuyến dưới để có hỗ trợ phù hợp.
Quyết định số 5068/qđ-byt của bộ trưởng bộ y tế
Nhằm phát huy mặt mạnh, khắc phục tồn tại của Đề án 1816 và nâng cao chất lượng, hiệu quả của hoạt động luân phiên cán bộ, Bộ trưởng Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5068/QĐ-BYT ngày 21tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định một số nội dung triển khai thực hiện đào tạo, chuyển giao kỹ thuật theo gói dịch vụ y tế theo Đề án 1816 từ năm 2013.
Nguyên tắc thực hiện:
Các bệnh viện tuyến trên tập trung tổ chức chuyển giao gói kỹ thuật theo nhu cầu của bệnh viện tuyến dưới và phù hợp với khả năng đáp ứng của bệnh viện tuyến trên.
Việc tăng cường nhân lực cho tuyến dưới có thể áp dụng trong các trường hợp: tuyến dưới có nhu cầu hỗ trợ khi có thiên tai, dịch bệnh xảy ra; các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc khu vực miền núi, vùng sâu, vùng xa thiếu cán bộ y tế; tuyến xã chưa có bác sĩ.
Các bệnh viện tuyến trung ương hỗ trợ tuyến tỉnh; tuyến tỉnh hỗ trợ tuyến huyện; tuyến huyện cử bác sĩ định kỳ về trạm y tế xã khám, chữa bệnh theo buổi trong tuần.
Cán bộ hoặc kíp cán bộ chuyên môn của bệnh viện tuyến trên tham gia chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới phải là cán bộ có khả năng giải quyết độc lập được các kỹ thuật thuộc lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ.
Hình thức chuyển giao kỹ thuật:
Các bệnh viện xây dựng và tổ chức thực hiện chuyển giao kỹ thuật theo hướng dẫn tại Công văn số 2950 /BYT- KCB, ngày 10 tháng 5 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc hướng dẫn xây dựng quy trình chuyển giao kỹ thuật y tế trong thực hiện Đề án 1816. Việc chuyển giao kỹ thuật có thể thực hiện theo một trong các hình thức sau:
Bệnh viện tuyến trên về chuyển giao kỹ thuật cho bệnh viện tuyến dưới;
Bệnh viện tuyến dưới cử cán bộ hoặc kíp cán bộ chuyên môn phù hợp tiếp nhận kỹ thuật tại bệnh viện tuyến trên;
Phối hợp hai hình thức trên.
Xác định kỹ thuật hoặc gói dịch vụ kỹ thuật đã được chuyển giao:
Các bệnh viện sau khi hoàn thành chuyển giao kỹ thuật hoặc gói dịch vụ kỹ thuật được cấp chứng nhận chuyển giao kỹ thuật theo hướng dẫn tại Công văn số
1999/BYT-KCB, ngày 19 tháng 4 năm 2011 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Tổ chức thực hiện:
Các bệnh viện:
Bệnh viện tuyến dưới (kể cả trạm y tế xã) đề xuất nhu cầu chuyển giao kỹ thuật và tăng cường nhân lực gửi về bệnh viện tuyến trên trước ngày 31 tháng 10 hàng năm.
Bệnh viện tuyến trên tổng hợp báo cáo nhu cầu tuyến dưới theo phân công chỉ đạo tuyến của Bộ Y tế; xem xét khả năng đáp ứng, lập kế hoạch chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ tuyến dưới. Trong kế hoạch cần ghi rõ danh mục gói kỹ thuật chuyển giao, đơn vị tiếp nhận, danh sách cán bộ tham gia chuyển giao và nhận chuyển giao và dự toán kinh phí theo từng gói kỹ thuật báo cáo về Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (đối với bệnh viện trung ương), Sở Y tế (đối với bệnh viện thuộc Sở Y tế) trước ngày 15 tháng 11 hàng năm để Cục và Sở trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt, tổ chức thực hiện.
Cục Quản lý Khám, chữa bệnh là đầu mối phối hợp với các Vụ, Cục liên quan có trách nhiệm tổng hợp, điều phối, tổ chức thẩm định kế hoạch của các bệnh viện trực thuộc Bộ, trình Lãnh đạo Bộ Y tế xem xét phê duyệt; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất và tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án 1816 hàng năm.
Sở Y tế các tỉnh, thành phố: có trách nhiệm tổng hợp, điều phối, thẩm định kế hoạch của các bệnh viện trực thuộc Sở Y tế, phê duyệt theo thẩm quyền; tổ chức kiểm tra, giám sát định kỳ, đột xuất và tổng kết, đánh giá thực hiện Đề án 1816 (đặc biệt đánh giá việc tiếp nhận và duy trì các gói kỹ thuật nhận chuyển giao từ bệnh viện tuyến Trung ương) hàng năm; báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố và Bộ Y tế (Cục Quản lý Khám, chữa bệnh).
Bãi bỏ Quyết định số 4149/QĐ-BYT ngày 22 tháng 10 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc quy định tạm thời định mức cán bộ chuyên môn được cử đi luân phiên đối với các bệnh viện trực thuộc Bộ khi thực hiện Quyết định số 1816/QĐ-BYT ngày 26 tháng 5 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Y tế.
Quyết định 14/2013/ qđ-ttg của thủ tướng chính phủ về chế độ luân phiên người hành nghề
Đồng thời với việc điều chỉnh Đề án 1816, để tăng cường thực hiện luân phiên cán bộ hỗ trợ tuyến dưới tại các địa phương, Bộ Y tế đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 14/2013/QĐ-TTg ngày ngày 20 tháng 02 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.
Phạm vi áp dụng
Quyết định này quy định thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh từ tuyến trung ương xuống tuyến tỉnh, từ tuyến tỉnh xuống tuyến huyện và tuyến huyện xuống tuyến xã, từ vùng có điều kiện kinh tế – xã hội không khó khăn đến vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.
Đối tượng áp dụng
Quyết định này áp dụng đối với bác sĩ, điều dưỡng viên, hộ sinh viên, kỹ thuật viên (sau đây gọi chung là người hành nghề) làm việc trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập.
Quyết định này không áp dụng đối với người hành nghề thuộc các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh của lực lượng vũ trang.
Quy định về đối tượng được miễn thực hiện chế độ luân phiên
Người hành nghề là nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, nam nuôi con nhỏ một mình dưới 36 tháng tuổi.
Người hành nghề đã có thời gian công tác ở vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn từ 24 tháng trở lên.
Người hành nghề có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn: Là con độc nhất trong gia đình có bố, mẹ già; người trực tiếp chăm sóc bố, mẹ già yếu hoặc tàn tật, ốm đau thường xuyên; có vợ (hoặc chồng) bị tàn tật không có khả năng chăm sóc con cái; bản thân không bảo đảm sức khỏe để công tác xa nhà.
Người hành nghề là nam quá 55 tuổi, nữ quá 50 tuổi (trừ trường hợp tự nguyện).
Các trường hợp đặc biệt khác do Thủ trưởng cơ quan, đơn vị xem xét, quyết định đối với người hành nghề thuộc quyền quản lý.
Nguyên tắc thực hiện
Việc cử người hành nghề đi luân phiên bảo đảm phù hợp với nhu cầu về số lượng và chất lượng chuyên môn của tuyến dưới cần hỗ trợ và khả năng đáp ứng của tuyến trên.
Ưu tiên thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề tăng cường cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ở tuyến cơ sở, vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn và đặc biệt khó khăn.
Bảo đảm tính công bằng, hiệu quả, tránh lãng phí nguồn nhân lực.
Chế độ luân phiên có thời hạn phải thực hiện theo kế hoạch được duyệt, đúng thẩm quyền và đúng trình tự.
Hình thức, thời gian thực hiện chế độ luân phiên
Việc cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn theo hình thức cử cá nhân hoặc theo nhóm chuyên môn.
Người hành nghề thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn với thời gian tối thiểu là 06 tháng, tối đa là 12 tháng (trừ trường hợp tự nguyện đi thời gian dài hơn).
Người hành nghề có thể được cử đi luân phiên có thời hạn theo nhiều đợt, ở nhiều nơi theo yêu cầu của tuyến dưới. Mỗi đợt đi luân phiên theo nhu cầu công việc của nơi được cử đến cần bố trí người đến luân phiên làm việc 2 ngày/tuần, 1 tuần/tháng và được cộng dồn thời gian của các đợt để tính tổng thời gian hoàn thành chế độ luân phiên. Thời gian tối đa của mỗi đợt đi luân phiên không quá 60 ngày.
Người hành nghề đã có thời gian đi luân phiên có thời hạn theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền trước khi Quyết định này có hiệu lực thì được tính trừ vào thời gian đi luân phiên theo quy định của Quyết định này.
Trách nhiệm của người hành nghề đi luân phiên
Chấp hành nội quy, quy chế và sự chỉ đạo, điều hành của người đứng đầu cơ quan, đơn vị đến làm việc theo chế độ luân phiên.
Chấp hành quyết định điều động của người đứng đầu cơ quan, đơn vị cử đi luân phiên có thời hạn; thực hiện đúng phạm vi chuyên môn, thời gian, địa điểm làm việc được giao.
Chấp hành các quy chế chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp theo quy định của Bộ Y tế.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ trong thời gian được cử đi luân phiên có thời hạn cho đơn vị trực tiếp cử đi luân phiên.
Chế độ áp dụng đối với người hành nghề trong thời gian đi luân phiên
Chế độ tiền lương, phụ cấp hiện hưởng:
100% tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương (không bao gồm phụ cấp ưu đãi nghề);
Phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại, phụ cấp đặc biệt; phụ cấp khu vực (nếu có) như đối với người hành nghề tại nơi đến công tác. Trường hợp nơi đến luân phiên thực hiện các mức phụ cấp này thấp hơn tại đơn vị được cử đi thì được giữ nguyên mức hiện hưởng;
Phụ cấp đặc thù đối với viên chức y tế như: Phụ cấp thường trực, phụ cấp phẫu thuật, thủ thuật, phụ cấp chống dịch và chế độ làm đêm, thêm giờ (nếu có) theo chế độ quy định;
Các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có).
Chế độ đặc thù với người hành nghề đi luân phiên
Trợ cấp hằng tháng bằng 50% mức lương hiện hưởng cộng phụ cấp chức vụ lãnh đạo và phụ cấp thâm niên vượt khung (nếu có);
Thù lao biên soạn giáo trình, tài liệu giảng dạy, tập huấn; tiền báo cáo viên theo chế độ đào tạo, bồi dưỡng công chức, viên chức nhà nước hiện hành khi tham gia các lớp tập huấn trong thời gian đi luân phiên.
Chế độ ưu tiên
Người hành nghề hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong thời gian đi luân phiên (có quyết định khen thưởng của đơn vị, nơi người hành nghề đến luân phiên) thì được xét ưu tiên nâng bậc lương trước thời hạn, thay đổi chức danh nghề nghiệp khi đủ điều kiện theo quy định của pháp luật và được hưởng các chế độ khen thưởng khác do đơn vị quy định.
Nguồn kinh phí và trách nhiệm chi trả chế độ
Nguồn kinh phí thực hiện các chế độ đối với người hành nghề trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập được bố trí trong dự toán ngân sách nhà nước hằng năm giao cho các Bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành; trong đó:
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cử người hành nghề đi luân phiên có thời hạn xuống tuyến dưới có trách nhiệm thanh toán các chế độ quy định tại Điểm a, b Khoản 1 và Khoản 2 Điều 7 của Quyết định này cho người hành nghề thuộc đơn vị mình đã được cử đi luân phiên. Trường hợp đơn vị nơi người hành nghề đến luân phiên đã bố trí phòng nghỉ thì không thực hiện thanh toán tiền thuê chỗ nghỉ.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhận người hành nghề từ tuyến trên đến luân phiên có trách nhiệm thanh toán các chế độ quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 7 và các quyền lợi khác như: Thu nhập tăng thêm, tiền thưởng (nếu có), phúc lợi tập thể của đơn vị mình cho người hành nghề được cử đến luân phiên.
Chế độ công tác phí:
Công tác phí của người hành nghề đi luân phiên do đơn vị cử đi chi trả theo chế độ quy định.
Trách nhiệm thực hiện
Bộ Y tế
Tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề; theo dõi, tổng hợp tình hình thực hiện Quyết định này trong toàn quốc và định kỳ hằng năm báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Chỉ đạo thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc Bộ Y tế.
Phê duyệt kế hoạch đi luân phiên của các đơn vị trực thuộc Bộ trước 30 tháng 6 hằng năm.
Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương
Tổ chức triển khai, hướng dẫn việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn của người hành nghề đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý của địa phương.
Phê duyệt các chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn đối với người hành nghề trên địa bàn tỉnh trước 30 tháng 6 hằng năm.
Bố trí kinh phí thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề theo quy định của Quyết định này.
Sở Y tế
Xây dựng và trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh các dự thảo chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn người hành nghề trên địa bàn tỉnh.
Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra và tổ chức thực hiện chương trình, kế hoạch, chính sách luân phiên có thời hạn của địa phương sau khi được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh phê duyệt đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc quyền quản lý.
Quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước chi cho việc thực hiện nhiệm vụ luân phiên có thời hạn người hành nghề; huy động các nguồn lực xã hội hóa cho các hoạt động luân phiên có thời hạn người hành nghề.
Quyết định khen thưởng hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền khen thưởng cho các tổ chức, cá nhân có thành tích trong thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn.
Chỉ đạo, hướng dẫn và tổ chức thực hiện công tác thống kê, báo cáo Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cử người hành nghề đi luân phiên
Thực hiện khảo sát, xác định nhu cầu của đơn vị, địa phương tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn; hợp đồng trách nhiệm với địa phương, đơn vị về số lượng, trình độ chuyên môn nghiệp vụ, thời gian làm việc của người hành nghề đến làm nhiệm vụ.
Xây dựng kế hoạch hằng năm, thông qua các tổ chức chính trị, chính trị – xã hội của đơn vị, công khai kế hoạch trong toàn đơn vị và điều động hoặc đề nghị cơ quan có thẩm quyền điều động người hành nghề đi luân phiên có thời hạn theo kế hoạch.
Bố trí kinh phí để thực hiện chế độ luân phiên có thời hạn người hành nghề của đơn vị theo quy định tại Điều 8 của Quyết định này.
Cơ sở khám bệnh, chữa bệnhtiếp nhận người hành nghề đến luân phiên
Xác định nhu cầu về nhân lực cần bổ sung, tăng cường phù hợp với yêu cầu thực tế, lập kế hoạch tiếp nhận người hành nghề đến luân phiên có thời hạn và kỹ thuật chuyên môn cần hỗ trợ.
Sắp xếp chỗ ở, phương tiện làm việc, phổ biến về phong tục tập quán của đồng bào địa phương cho người hành nghề đến luân phiên có thời hạn.
Bố trí kinh phí để giải quyết chế độ cho người hành nghề luân phiên có thời hạn ở đơn vị và kinh phí để bảo đảm các điều kiện vật chất phục vụ công tác chuyên môn cho người hành nghề đến làm việc.
Xây dựng và ban hành quy chế phối hợp làm việc giữa người hành nghề đi luân phiên có thời hạn và người hành nghề của đơn vị.
Xác nhận kết quả làm việc của người hành nghề đến luân phiên.
Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020
Xuất phát từ nhu cầu và kinh nghiệm thực tiễn, thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện, Bộ trưởng Bộ Y tế đã ký Quyết định số 774/QĐ-BYT ngày 11 tháng 3 năm 2013 về việc phê duyệt Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2020.
Khái niệm
Bệnh viện hạt nhân là bệnh viện tuyến trên có đủ năng lực, được giao nhiệm vụ xây dựng và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh để giúp bệnh viện tuyến dưới nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh.
Bệnh viện vệ tinh là bệnh viện có một hoặc nhiều đơn vị vệ tinh. Bệnh viện vệ tinh chủ yếu là bệnh viện tuyến tỉnh hoặc tuyến huyện
Đơn vị vệ tinh là khoa (hoặc trung tâm) thuộc bệnh viện tuyến tỉnh hoặc bệnh viện tuyến huyện được bệnh viện hạt nhân lựa chọn đỡ đầu, hỗ trợ đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn để hoàn thiện cơ cấu tổ chức, nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, năng lực và khả năng cung cấp dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo mô hình bệnh viện hạt nhân.
Căn cứ pháp lý xây dựng đề án
Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2009;
Nghị định số 63/2012/NĐ-CP ngày 31 tháng 8 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Quyết định số 92/QĐ-TTg ngày 09 tháng 01 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt Đề án giảm quá tải bệnh viện giai đoạn 2013-2020.
Mục tiêu đề án:
Mục tiêu chung:
Nâng cao năng lực về khám bệnh, chữa bệnh cho các bệnh viện vệ tinh, thông qua các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, cải tạo cơ sở vật chất, nâng cấp trang thiết bị y tế, giúp người dân được khám bệnh, chữa bệnh chất lượng cao tại các bệnh viện vệ tinh, không phải lên tuyến trên; trước mắt tập trung ưu tiên 5 chuyên khoa: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Mục tiêu cụ thể:
Hình thành và phát triển mạng lưới bệnh viện vệ tinh gồm một số bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh, Sở Y tế Hà Nội và một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về các chuyên khoa hiện đang quá tải trầm trọng: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Nâng cao năng lực khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh thông qua việc tăng cường đào tạo, chuyển giao kỹ thuật và tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Telemedicine).
Các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh được đầu tư về nhân lực, cơ sở vật chất, trang bị thiết bị y tế, phương tiện chuyển tuyến, công nghệ thông tin để bảo đảm việc chuyển giao, tiếp nhận kỹ thuật có hiệu quả cao và bền vững.
Phạm vi đề án
Phạm vi chuyên môn: Tập trung đầu tư vào 5 chuyên khoa có công suất sử dụng giường bệnh quá cao: Ung bướu, ngoại chấn thương, tim mạch, sản và nhi.
Thời gian và địa bàn triển khai:
Giai đoạn 2013-2015: Ưu tiên đầu tư 48 bệnh viện tuyến tỉnh là bệnh viện vệ tinh của 14 bệnh viện hạt nhân (08 bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế và 06 bệnh viện trực thuộc Sở Y tế thành phố Hồ Chí Minh).
Giai đoạn 2016 – 2020: Tiếp tục duy trì kết quả của Đề án bệnh viện vệ tinh giai đoạn 2013-2015, đồng thời căn cứ vào thực trạng quá tải bệnh viện, điều kiện kinh tế xã hội để mở rộng Đề án.
Nội dung hoạt động của đề án
Thành lập mạng lưới bệnh viện vệ tinh
Tiêu chí lựa chọn bệnh viện vệ tinh
Đại diện cho các vùng miền, có tầm ảnh hưởng với các bệnh viện lân cận.
Mật độ dân cư đông, giao thông thuận lợi.
Phù hợp quy hoạch phát triển mạng lưới chuyên khoa, chương trình mục tiêu quốc gia về y tế.
Có điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực, năng lực chuyên môn, đủ khả năng phát triển thành vệ tinh theo yêu cầu chuyên môn của chuyên khoa được lựa chọn.
Có tỷ lệ chuyển tuyến lên bệnh viện hạt nhân cao.
Có sự cam kết và quyết tâm tham gia thực hiện đề án của lãnh đạo Ủy ban nhân dân tỉnh, Sở Y tế và các bệnh viện dự kiến tham gia đề án.
Các điều kiện khác theo yêu cầu đặc thù của chuyên khoa vệ tinh.
Mạng lưới bệnh viện vệ tinh theo chuyên khoa
Chuyên khoa ung bướu
Bệnh viện hạt nhân:Bệnh viện K, Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện đa khoa trung ương Huế;
Bệnh viện vệ tinh, gồm 18 bệnh viện: 06 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện K; 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Ung bướu thành phố Hồ Chí Minh; 06 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Bạch Mai; 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đa khoa trung ương Huế.
Chuyên khoa ngoại – chấn thương
Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Bệnh viện đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện vệ tinh, gồm 19 bệnh viện: 07 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức; 06 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện đa khoa trung ương Huế; 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy; 04 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên khoa tim mạch
Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Bạch Mai (Viện Tim Mạch), Bệnh viện E (Trung tâm Tim mạch), Bệnh viện đa khoa trung ương Huế, Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Nhân dân Gia Định thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện vệ tinh, gồm 18 bệnh viện: 06 bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Bạch Mai; 04 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện E (Trung tâm Tim mạch); 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện đa khoa Trung ương Huế; 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Chợ Rẫy; 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhân dân Gia Định TP. Hồ Chí Minh.
Chuyên khoa sản
Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Phụ sản trung ương, Bệnh viện Từ Dũ thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện vệ tinh, gồm 10 bệnh viện: 08 Bệnh viện vệ tinh của bệnh viện Phụ sản trung ương; 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Từ Dũ – thành phố Hồ Chí Minh
Chuyên khoa nhi
Bệnh viện hạt nhân: Bệnh viện Nhi trung ương, Bệnh viện Nhi đồng 1 và Bệnh viện Nhi đồng 2 – thành phố Hồ Chí Minh.
Bệnh viện vệ tinh, gồm 10 bệnh viện: 05 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi Trung ương; 03 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 1; 02 bệnh viện vệ tinh của Bệnh viện Nhi đồng 2 thành phố Hồ Chí Minh.
Các hoạt động và giải pháp
Đào tạo
Nội dung đào tạo: Lĩnh vực chuyên môn thuộc chuyên khoa vệ tinh: Ung bướu, tim mạch, ngoại chấn thương, sản và nhi; Lĩnh vực chuyên môn hỗ trợ: Gây mê hồi sức, cấp cứu hồi sức, chẩn đoán hình ảnh, nội soi, hóa sinh, huyết học, vi sinh, giải phẫu bệnh – tế bào học và các lĩnh vực liên quan khác; Kỹ năng quản lý bệnh viện, lập kế hoạch, phương pháp giảng dạy…
Biên soạn và in ấn tài liệu: Xây dựng, chuẩn hóa chương trình, nội dung tài liệu đào tạo liên tục thuộc các lĩnh vực thực hiện trong Đề án; xây dựng, hoàn thiện và triển khai áp dụng các hướng dẫn chẩn đoán, điều trị và quy trình kỹ thuật chuyên môn thuộc các lĩnh vựcthực hiện trong Đề án;
Tiến hành tổ chức đào tạo về lý thuyết và thực hành tại bệnh viện vệ tinh và tại bệnh viện hạt nhân, với đối tượng đào tạo là: Bác sĩ, kỹ thuật viên, nhân viên y tế của bệnh viện vệ tinh sẽ tham gia tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật.
Chuyển giao kỹ thuật :
Bệnh viện hạt nhân: Xây dựng, hoàn thiện quy trình chuyển giao các gói kỹ thuật công nghệ theo quy định. Tổ chức chuyển giao các gói kỹ thuật cho bệnh viện vệ tinh. Sau khi chuyển giao kỹ thuật phải bảo đảm cho bệnh viện vệ tinh tự thực hiện được các kỹ thuật đã chuyển giao. Thực hiện chuyển tuyến người bệnh ở giai đoạn hồi phục về điều trị tại bệnh viện vệ tinh. Đánh giá hiệu quả chuyển giao, tiếp nhận các gói kỹ thuật giữa các bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh.
Bệnh viện vệ tinh: Chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật của bệnh viện hạt nhân. Phải tự thực hiện và bảo đảm duy trì bền vững các kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao từ bệnh viện hạt nhân. Không chuyển lên tuyến trên các loại hình bệnh tật thuộc lĩnh vực kỹ thuật đã tiếp nhận chuyển giao, trừ các trường hợp vượt quá khả năng.
Ứng dụng công nghệ thông tin:
Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý bệnh viện, bao gồm đầu tư cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin và xây dựng phần mềm tin học ứng dụng. Trên cơ sở Đề án tư vấn khám, chữa bệnh từ xa bằng công nghệ thông tin (Đề án Telemedicine) của Bộ Y tế, xây dựng và triển khai Dự án Telemedicine của bệnh viện để kết nối với các bệnh viện tham gia Đề án nhằm trao đổi thông tin (bao gồm cả thông tin chuyển tuyến), đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn giữa các bệnh viện vệ tinh và bệnh viện hạt nhân, kết nối trong nước và nước ngoài;
Tổ chức đào tạo, hội chẩn, tư vấn chuyên môn với các bệnh viện vệ tinh thông qua Telemedicine theo đề nghị của bệnh viện vệ tinh.
Nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị
Tư vấn đầu tư xây dựng, cải tạo nâng cấp cơ sở vật chất và cung ứng đủ trang thiết bị thiết yếu theo các chuyên khoa cho các bệnh viện vệ tinh để phục vụ việc tiếp nhận chuyển giao kỹ thuật. Bảo đảm có đủ trang thiết bị văn phòng, trang thiết bị giảng dạy để đáp ứng yêu cầu đào tạo cho bệnh viện vệ tinh, bệnh viện hạt nhân.
Củng cố, kiện toàn tổ chức hoạt động chỉ đạo tuyến:
Các bệnh viện hạt nhân và các bệnh viện vệ tinh phải củng cố, kiện toàn đơn vị (trung tâm, phòng hoặc bộ phận) đào tạo, chỉ đạo tuyến của bệnh viện ;
Duy trì các hoạt động chỉ đạo tuyến, đào liên tục, hội thảo, hội nghị chuyên môn, nghiên cứu khoa học, thông tin hai chiều giữa bệnh viện hạt nhân và bệnh viện vệ tinh, giữa các bệnh viện trong mạng lưới vệ tinh nhằm tăng cường hợp tác, chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn ;
Lồng ghép có hiệu quả với các hoạt động nâng cao năng lực y tế tuyến dưới của các đề án khác (Đề án 1816, Đề án 47, Đề án 930…) để tăng cường hiệu quả của Đề án.
Hoàn thiện cơ chế, chính sách
Xây dựng các quy định về tài chính thực hiện Đề án;
Xây dựng, hoàn thiện các quy định về phân tuyến kỹ thuật, chỉ đạo tuyến, chuyển tuyến, chuyển giao kỹ thuật, tư vấn khám bệnh, chữa bệnh từ xa qua hệ thống công nghệ thông tin (telemedicine);
Xây dựng chính sách thu hút cán bộ nhằm tăng cường nhân lực chuyên môn cho tuyến dưới.
Truyền thông, tư vấn sức khỏe
Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng bệnh chủ động cho mọi người dân, với phương châm “mọi người vì sức khỏe”. Chú trọng truyền thông, tư vấn về các biện pháp phòng ngừa các bệnh lây nhiễm và không lây nhiễm như các bệnh tim mạch, ung bướu, chấn thương ;
Tổ chức truyền thông về năng lực, khả năng cung ứng dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các bệnh viện vệ tinh, thuyết phục người dân tuân thủ các quy định khám bệnh, chữa bệnh theo phân tuyến kỹ thuật của Bộ Y tế.