Đại cương
Dị vật tai thường có 2 loại:
Dị vật hạt: Trẻ em nghịch hay nhét vào tai hạt cườm, đậu, ngô, người lớn có thể là hạt chanh, hạt thóc.
Dị vật sống: gián đất, kiến, ve chui vào tai gây đau và khó chịu. Ngoài ra có thể gặp những dị vật vô cơ hoặc hữu cơ khác.
Chỉ định
Khi dị vật rơi vào tai thì phải lấy ra.
Chống chỉ định
Không có.
Chuẩn bị
Người thực hiện
Bác sĩ chuyên khoa Tai Mũi Họng.
Phương tiện
Bộ dụng cụ lấy dị vật.
Nước ấm (khoảng 37 – 38oC).
Người bệnh và hồ sơ bệnh án
Làm các xét nghiệm cơ bản để gây mê nếu ở trẻ em, dị vật khó lấy. Trẻ nhỏ được bế giữ cẩn thận.
Các bước tiến hành
Dị vật hạt
Dị vật mới, dễ lấy: lấy bằng móc tai.
Dị vật khó lấy:
Trẻ em có thể phải gây mê toàn thân.
Soi tai kỹ để đánh giá vị trí của dị vật.
Dùng nước ấm 37oC bơm vào thành trên của ống tai ngoài dưới áp lực, áp lực nước sẽ đẩy dị vật ra ngoài.
Nếu bơm không ra thì dùng dụng cụ để lấy dị vật ra.
Trong trường hợp dị vật lớn, ống tai sưng nề có thể rạch sau tai rồi bổ đôi ống tai ra lấy dị vật.
Dị vật sống
Phải làm chết dị vật rồi mới lấy ra.
Người bệnh nằm nghiêng, tai có dị vật hướng lên trên, nhỏ vào tai mấy giọt dung dịch chloramphenicol 0,4% hoặc dầu gomenol. Đợi 10 phút cho côn trùng chết đi rồi lấy bằng bơm nước hoặc kìm gắp.
Theo dõi và chăm sóc
Nếu viêm tấy ống tai phải dùng kháng sinh toàn thân, thuốc chống phù nề.
Nếu làm sây sát, chảy máu: phải đặt bấc thấm dầu + kháng sinh.
Thuốc giảm đau cho người bệnh.
Nếu bị rách màng nhĩ: làm thuốc điều trị ổn định sau đó vá màng nhĩ.
Tai biến và xử trí
Rách ống tai ngoài gây chảy máu và viêm tấy ống tai ngoài.
Dị vật sát màng nhĩ: có thể làm rách màng nhĩ, khi lấy dị vật phải hết sức nhẹ nhàng, không thô bạo.