Nội dung

Bít lỗ thông liên nhĩ/ liên thất/ ống động mạch

Đại cương

Bệnh còn ống động mạch (CÔĐM) là một trong các bệnh tim bẩm sinh hay gặp với tỷ lệ xấp xỉ 1:5000 đến 1:2000 trẻ sơ sinh. Diễn biến tự nhiên của bệnh tùy thuộc vào kích thước của ống động mạch (ÔĐM), nó có thể diễn biến âm thầm không có triệu chứng lâm sàng nhưng cũng có thể gây ra giãn buồng tim trái, tăng áp động mạch phổi và suy tim. Một biến chứng nguy hiểm khác của bệnh là viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn rất dễ dẫn đến tử vong.

Chính vì vậy việc đóng ÔĐM là một chỉ định cho gần như tất cả các trường hợp còn ống động mạch đơn thuần trên lâm sàng.

Chỉ định 

Tất cả các người bệnh CÔĐM đảm bảo đầy đủ các điều kiện sau:

Còn ống động mạch đơn thuần, không kèm theo các dị tật bẩm sinh khác  ở tim và ngoài tim.

Trên siêu âm Doppler tim: chưa có hiện tượng đảo shunt  qua ống động mạch hoặc là shunt 2 chiều nhưng chiều trái-phải chiếm ưu thế.

Khi thông tim: chưa có tăng áp lực động mạch phổi cố định.

Không có tình trạng nhiễm khuẩn.

Hình thái ống không quá bất thường: ống lớn, cổ ngắn, xoắn vặn… 

Chống chỉ định

Đã tăng áp lực động mạch phổi cố định.

Ống động mạch quá lớn hoặc bất thường giải phẫu.

Siêu âm-Doppler tim: phát hiện có sùi trong buồng tim và/hoặc các mạch máu, hoặc shunt qua ÔĐM là shunt phải-trái.

Có rối loạn về đông máu và chảy máu.

Đang có một bệnh nặng hoặc cấp tính khác.

Bất thường nghiêm trọng về giải phẫu lồng ngực hoặc cột sống.

Dị ứng thuốc cản quang.

Chuẩn bị 

Người thực hiện

02 bác sĩ và 02 kỹ thuật viên phòng chuyên ngành tim mạch

Người bệnh

Người bệnh được giải thích kỹ về thủ thuật và đồng ý làm thủ thuật và ký vào bản cam kết làm thủ thuật.

Tất cả các người bệnh đều được làm các xét nghiệm thường quy (máu, ĐTĐ, X-quang)

Siêu âm tim qua thành ngực nhằm xác định các chỉ số quan trọng: chức năng thất trái, đường kính thất phải, áp lực động mạch phổi, hình dạng, kích thước ÔĐM. 

Với các người bệnh trẻ em cần gây mê nội khí quản do đó phải Người bệnh chu đáo như trước khi phẫu thuật.

Với các người bệnh lớn  hơn 12 tuổi có thể tiến hành thủ thuật bằng gây tê tại chỗ. Đối với các người bệnh nhỏ tuổi cần gây ngủ phối hợp với các thuốc giảm đau trong quá trình thủ thuật.

Trước thủ thuật, tiêm kháng sinh dự phòng cho người bệnh

Phương tiện

Bàn để dụng cụ: bao gồm bộ bát vô khuẩn, áo phẫu thuật, găng tay, toan vô khuẩn.

Gạc vô khuẩn; bơm 5ml, 10ml, 20ml; dụng cụ ba chạc.

Bộ dụng cụ mở đường vào động mạch đùi và tĩnh mạch đùi: bộ sheath, kim chọc mạch, thuốc gây tê tại chỗ (Lidocain hoặc Novocain)

Ống thông pigtail và hệ thống bơm chụp máy để chụp động mạch chủ 

Dụng cụ bít ống động mạch 

 Các loại coil khác nhau như: Coil Pfm, Coil Gianturco, ….

Dụng cụ ADO của hãng AGA (AGA Medical Corporation, Golden Valley, Minnesota), cấu tạo bởi các sợi nitinol 0.014 inch đan thành lưới có hình ống có vành rộng ở đầu (như hình cái nêm). Chiều dài 7mm, vành rộng hơn thân ống của dụng cụ 2mm. Dụng cụ ADO có kích cỡ gồm 2 số như 6-4, 8-6… (số lớn là đường kính của vành rộng và số nhỏ là đường kính của thân ống). Kích cỡ lớn nhất của dụng cụ là 16- 4mm.

Hệ thống đưa dụng cụ (delivery catheter) có đường kính từ 5F đến 7F bao gồm ống thông, dây dẫn, khúc nối và dây cáp vít vào dụng cụ. 

Hồ sơ bệnh án

Được hoàn thiện theo quy định của Bộ Y tế

Các bước tiến hành

Quy trình 

Sát trùng da rộng rãi khu vực tạo đường vào mạch máu

Mở đường vào động mạch đùi và tĩnh mạch đùi phải. 

Tiêm heparin 2000 đơn vị

Thông tim phải đo các thông số về huyết động và bão hoà ôxy. Xác định shunt và các cung lượng (cung lượng tim, cung lượng phổi, cung lượng chủ).

Chụp động mạch chủ ở tư thế nghiêng trái 90 độ và nghiêng phải 30 độ. Đo đường kính ống động mạch trên phim chụp: chỗ nhỏ nhất, lớn nhất và chiều dài ống. 

Chọn dụng cụ ADO: dựa vào kích thước của ÔĐM đo được trên phim chụp mạch. Lựa chọn dựa trên nguyên tắc đường kính ADO chỗ nhỏ nhất phải lớn hơn từ 1 đến 3mm của đường kính chỗ đổ vào động mạch phổi của ÔĐM.

Dụng cụ ADO sẽ được vít vào dây cáp, kéo thẳng ra trong khúc nối và đẩy vào lòng của ống thông.

Đưa guidewire từ đường tĩnh mạch đùi phải lên động mạch phổi, qua ống động mạch xuống động mạch chủ. 

Đưa dụng cụ theo dây dẫn từ tĩnh mạch đùi phải lên động mạch phổi qua ÔĐM sang động mạch chủ. Mở cánh lớn của dụng cụ.

Kiểm tra sự cố định của  dụng cụ trên phim chụp mạch. Tháo dụng cụ và chụp lại kiểm tra. Đánh giá kết quả ngay sau thủ thuật.

Đối với dụng cụ coil: kỹ thuật tiến hành gần tương tự. 

Chụp kiểm tra các tư thế đánh giá kết quả

Đánh giá kết quả

Thủ thuật thành công:

Dụng cụ cố định tốt trên siêu âm và phim chụp Shunt tồn lưu không có hoặc rất nhỏ trên siêu âm thực quản

Không có các biến chứng nặng

Thủ thuật thất bại:

Không đóng được

Dụng cụ bị rơi gây tắc mạch hay cản trở vào các cơ quan lân cận (tĩnh mạch phổi, chủ, động mạch chủ, van nhĩ thất…)

Có các biến chứng nặng: tắc mạch do rơi dụng cụ vào các buồng tim, thủng tim, tan máu …

Theo dõi

Người bệnh được kiểm tra lại trên siêu âm sau khi bít ÔĐM và sau đó, thăm khám lại định kỳ.

Tất cả các người bệnh được dùng aspirin 6 tháng và phòng viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn trong vòng 1 năm. 

Tai biến và xử trí

Biến chứng thường gặp:

Tắc mạch do khí, huyết khối: cần chú ý chống đông, đuổi khí …

Tràn dịch màng tim do thủng, rách thành nhĩ, thất, tách thành động mạch chủ… liên quan đến việc thao tác kỹ thuật: cần phát hiện sớm, chọc dẫn lưu sớm, liên hệ bác sỹ phẫu thuật sớm..

Biến chứng di lệch/rơi dù khỏi vị trí: biến chứng có thể xuất hiện ngay sau khi thả dù hoặc một vài ngày sau can thiệp. Theo dõi người bệnh sát, nếu thấy rơi ngay sau can thiệp thì cần báo phẫu thuật sớm. Với người bệnh đã về bệnh phòng hoặc sau đó, khi co biểu hiện bất thường, nhất là có ngoại tâm thu thất thì cần làm siêu âm xác định sớm để có hướng phẫu thuật. Trong trường hợp dù bị rơi mà mắc vào đường ra thất phải hoặc động mạch phổi, thì trong lúc chờ đợi phẫu thuật cần dùng dụng cụ basket/snare kéo về nhĩ phải và cố định ở đó.

Biến chứng tan máu: do còn tồn lưu shunt, thường ít gặp, cần phải theo dõi sát, truyền dịch đầy đủ…

Các biến chứng khác: chỗ chọc mạch; chảy máu, nhiễm trùng… theo dõi như quy trình can thiệp nói chung. 

Tài liệu tham khảo

Cardi-O-Fix duct occluder versus amplatzer duct occluder for closure of patent ductus arteriosus: Short-term and mid-term results. Celebı A, Halil Demır I, Sarıtaş T, Dedeoğlu R, Kemal Yucel I, Demir F, Erdem A. Catheter Cardiovasc Interv. 2013 Apr 16.

Transcatheter closure of patent ductus arteriosus with the new Amplatzer Duct OccluderII. Ji W, Li F, Gao W, Yu ZQ, Huang MR, Fu LJ, Guo Y, Zhao PJ, Liu TL, Zhang YQ, Chen YW. Zhonghua Er Ke Za Zhi. 2013

Multicenter Nit-Occlud® PDA-R Patent Ductus Arteriosus Occlusion Device Trial Initial and Six-Month Results. Granja MA, Trentacoste L, Rivarola M, Barbosa JD, Lucini V, Peirone A, Spillman. Catheter Cardiovasc Interv. 2013

Comparison of the results of transcatheter closure of patent ductusarteriosus with newer amplatzer devices. Liddy S, Oslizlok P, Walsh KP. Catheter Cardiovasc Interv. 2012 Nov 29.

Transcatheter closure of persistent ductus arteriosus in adults. Bentham JR, Thomson JD, Gibbs JL. J Interv Cardiol. 2012 Oct;25(5):501-4.

Comparison of the efficacy of different-sized Amplatzer duct occluders (I, II, and II AS) in children weighing less than 10 kg. Baspinar O, Irdem A, Sivasli E, Sahin DA, Kilinc M. Pediatr Cardiol. 2013 Jan;34(1):88-94.