Đại cương
Thở có trợ giúp là phương pháp thở có sự trợ giúp của nhân viên y tế để người bệnh hoàn tất tối đa động tác hô hấp nhằm tăng đào thải khí cặn, tăng khả năng tống thải đờm dịch ra ngoài và tăng thông khí.
Chỉ định
Các bệnh có tăng tiết và ứ đọng đờm dịch: Viêm phổi, áp xe phổi, giãn phế quản, người bệnh thở máy hoặc người bệnh nằm lâu…
Các bệnh có hạn chế hô hấp: lao cột sống, tổn thương tủy sống, gù vẹo cột sống, tràn dịch – dày dính màng phổi, các bệnh phổi kẽ, mệt cơ hô hấp…
Người bệnh phẫu thuật có nguy cơ biến chứng hô hấp hậu phẫu: phẫu thuật lồng ngực, bụng, cột sống, thay khớp…
Các bệnh có tăng thể tích khí cặn: COPD, giãn phế nang…
Chống chỉ định
Có gãy hoặc rạn xương sườn mới.
Chuẩn bị
Người thực hiện:
Bác sĩ chuyên khoa Phục hồi chức năng; kỹ thuật viên vật lý trị liệu/phục hồi chức năng; điều dưỡng hoặc kỹ thuật viên y có chứng chỉ hoặc chứng nhận đào tạo về phục hồi chức năng.
Phương tiện:
Cốc đựng đờm có nắp đậy, khẩu trang hô hấp.
Người bệnh:
Giải thích mục đích kỹ thuật cho người bệnh hoặc người nhà người bệnh để người bệnh yên tâm hợp tác.
Hồ sơ bệnh án: Phiếu điều trị chuyên khoa vật lý trị liệu có chỉ định của bác sĩ.
Các bước tiến hành
Tư thế người bệnh
Người bệnh nằm trên giường, ngồi, hoặc đứng
Kỹ thuật
Người thực hiện đứng hoặc ngồi bên phổi cần trợ giúp
Bước 1: Người thực hiện đặt tay lên thành ngực người bệnh tại vị trí cần tác động, hướng dẫn người bệnh chúm môi từ từ thổi ra, đồng thời ấn đẩy tay vào lồng ngực theo hướng di chuyển của xương sườn.
Bước 2: Lặp lại kỹ thuật nhiều lần ở mỗi vị trí khác nhau trên lồng ngực người bệnh.
Bước 1 |
Bước 2 |
Thời gian thực hiện: ngày 2 lần mỗi lần trung bình khoảng 20 phút.
Lưu ý
Trường hợp người bệnh có khả năng hợp tác: Động viên người bệnh phối hợp thực hiện, khi thở ra người bệnh phải chúm môi thổi ra từ từ. Khuyến khích người bệnh ho khạc đờm khi muốn ho khạc.
Trường hợp người bệnh thở máy, người thực hiện cần quan sát máy thở và cử động lồng ngực của người bệnh để thực hiện động tác đúng thời điểm.
Nguyên tắc: chỉ tác động lực ở thì thở ra.
Theo dõi
Khi tập luyện
Tình trạng toàn thân, sắc mặt, màu sắc da, nhịp thở, kiểu thở.
Di động của lồng ngực, số lượng đờm, màu sắc đờm, tình trạng đau ngực.
Sau khi tập
Tình trạng đau ngực.
Tai biến và xử trí
Trong khi tập:
Người bệnh có đau nhiều phần ngực có tác động hoặc đau ở vị trí có ống dẫn lưu. Cho người bệnh nghỉ tại chỗ và theo dõi tình trạng đau.
Sau khi tập:
Nếu đau kéo dài và tình trạng toàn thân của người bệnh có biểu hiện bất thường cần giảm cường độ các lần sau và báo bác sĩ.